Chủ động nắm bắt, tận dụng thời cơ, phát huy nội lực đưa Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững

10:02, 05/02/2019

Năm Mậu Tuất 2018 khép lại với nhiều niềm vui lớn của quê hương, đất nước. Năm Kỷ Hợi 2019 đã đến, gợi mở nhiều tương lai tươi sáng trên bước đường đổi mới, phát triển và hội nhập. Trước thềm Xuân 2019, đồng chí Đoàn Văn Việt đã có cuộc trả lời phỏng vấn Báo Lâm Đồng về những thành tựu to lớn trong phát triển KT-XH năm qua và những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng đặt ra trong năm 2019. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn. 

LTS: Năm Mậu Tuất 2018 khép lại với nhiều niềm vui lớn của quê hương, đất nước. Năm Kỷ Hợi 2019 đã đến, gợi mở nhiều tương lai tươi sáng trên bước đường đổi mới, phát triển và hội nhập. Trước thềm Xuân 2019, đồng chí Đoàn Văn Việt đã có cuộc trả lời phỏng vấn Báo Lâm Đồng về những thành tựu to lớn trong phát triển KT-XH năm qua và những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng đặt ra trong năm 2019. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn. 
 
PV: Năm 2018 với chủ đề “Hành động mạnh mẽ, đồng bộ của hệ thống chính trị”, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tình hình KT-XH Lâm Đồng tiếp tục giữ được sự ổn định và có bước phát triển. Vậy xin Chủ tịch UBND tỉnh điểm qua một vài thành tựu nổi bật? 
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo tỉnh thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng. Ảnh: Văn Báu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo tỉnh thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng.
Ảnh: Văn Báu
CHỦ TỊCH UBND TỈNH:  
 
Năm 2018, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng: Tổng sản phẩm trong nước GRDP (theo giá so sánh năm 2010) tăng 8,59% (KH 8,5-8,7%). GRDP bình quân đầu người 59,74 triệu đồng (KH 58,5-59 triệu đồng). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 7.224 tỷ đồng (KH 6.750 tỷ đồng), bằng 107% dự toán địa phương. Du lịch - ngành kinh tế “mũi nhọn” đã thu hút 6.505,5 ngàn lượt người (KH 6.500 ngàn lượt), đạt 100,1% KH, tăng 10,3%; trong đó, khách quốc tế 485 ngàn lượt, đạt 101% so KH, tăng 21,3%; khách qua đăng ký lưu trú 4.450 ngàn lượt (KH 4.400 ngàn lượt), đạt 101,1% KH, tăng 11,3% so cùng kỳ. 
Năm 2018 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, mặc dù bối cảnh trong tỉnh, trong nước và thế giới diễn biến nhiều khó khăn, phức tạp khó lường, song với tinh thần chủ động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ nên tình hình phát triển KT-XH của Lâm Đồng vẫn đạt nhiều kết quả tích cực, tạo nền tảng cho những năm tới.
 
Chúng ta lạc quan bởi KT-XH Lâm Đồng tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng 8,59% so với cùng kỳ. 17/17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra (trong đó, 6 chỉ tiêu vuợt kế hoạch); Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và an sinh xã hội được đảm bảo. Công tác cải cách hành chính đạt nhiều kết quả; các chính sách, chương trình, dự án triển khai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, quan hệ đối ngoại được đẩy mạnh. 
 
Cùng với phát triển kinh tế, Lâm Đồng cũng đạt nhiều kết quả phấn khởi trên lĩnh vực xã hội. Đó là: Tỷ lệ hộ nghèo còn 2,85%, giảm 1,06% (KH 1,0 - 1,5%), trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn 8,5%, giảm 3,06% (KH 2,0 - 3,0%); tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân 82,6% (KH 82,6%). Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia 60,4% (KH 58 - 60%); tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế 95,9% (KH 94 - 96%); số bác sĩ/vạn dân 7,3 bác sĩ (KH 7,3 bác sĩ). Ngoài ra, tỷ lệ phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị 83,8% (KH 83%); có thêm 12 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM), lũy kế có 87 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM.
 
PV: Lâm Đồng có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) hiện đang dẫn đầu cả nước, vậy lĩnh vực này trong năm 2018 phát triển như thế nào? 
 
CHỦ TỊCH UBND TỈNH: 
 
Năm qua, thời tiết cơ bản thuận lợi; tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 5,2% (KH 4,8 - 5,3%). Cơ cấu cây trồng, vật nuôi tiếp tục được chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị và chất lượng; thương hiệu nông sản “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” ngày càng có uy tín trên thị trường đã có tác động lớn đến việc tăng diện tích và năng suất sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt nhiều kết quả tích cực, tăng khá so cùng kỳ. Tổng diện tích sản xuất NNCNC 54.477 ha, tăng 5,2% (chiếm khoảng 20% diện tích canh tác); diện tích cà phê tái canh, cải tạo giống 8.919 ha, đạt 117,7% kế hoạch, tăng 6,86% so cùng kỳ (nâng tổng số diện tích đã tái canh, ghép cải tạo 54.325 ha). Nhiều mô hình liên kết sản xuất tiếp tục phát huy hiệu quả và đạt kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển toàn diện. Đến nay, toàn tỉnh có 120 chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ (có hợp đồng liên kết lâu dài), tăng 52 chuỗi so cùng kỳ, với sự tham gia liên kết của 75 doanh nghiệp, 35 HTX, 42 THT, cơ sở nhỏ lẻ và 12.570 hộ nông dân...
 
 Mặc dù đã đạt nhiều kết quả, song trên lĩnh vực nông nghiệp vẫn gặp một số khó khăn, thách thức như: giá một số nông sản không ổn định; thị trường tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Tình trạng nông sản Trung Quốc giả nhãn mác nông sản Đà Lạt chưa được xử lý triệt để. Phát triển chăn nuôi có xu hướng chững lại, nhất là phát triển đàn bò sữa,...
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt kiểm tra và chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Minh Đạo
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt kiểm tra và chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Minh Đạo
PV: Là địa phương có tỷ lệ độ che phủ rừng cao nhưng năm qua, dư luận xã hội cũng kêu ca nhiều về việc quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), thưa đồng chí vì sao có hiện tượng này? 
 
CHỦ TỊCH UBND TỈNH: 
 
Thẳng thắn nhìn nhận là tình hình vi phạm pháp luật về QLBVR, đất lâm nghiệp còn diễn biến phức tạp: như tình trạng ken cây, phá rừng, hủy hoại rừng bằng phương thức khoan lỗ đổ hóa chất gây chết cây rừng hàng loạt; còn xảy ra một số vụ khai thác rừng trái phép làm thiệt hại lớn tài nguyên rừng nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn; số vụ vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng tuy giảm cả về số vụ và diện tích thiệt hại nhưng còn diễn biến phức tạp, một số vụ phát hiện chậm và xử lý chưa nghiêm. 
 
 Nguyên nhân chính dẫn đến tình hình vi phạm pháp luật về QLBVR vẫn diễn biến phức tạp và công tác QLBVR còn nhiều hạn chế là:
 
- Một số nơi, chính quyền địa phương cơ sở thiếu trách nhiệm, đơn vị chủ rừng, các cơ quan liên quan và các chủ dự án thuê đất, thuê rừng chưa làm tròn trách nhiệm và chưa thực hiện quyết liệt các quy định trong công tác QLBVR. Chưa có giải pháp, biện pháp hợp lý trong công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng và các đối tượng vi phạm.
 
- Việc xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân để rừng bị phá, bị khai thác gỗ trái phép, lấn chiếm đất lâm nghiệp chưa xử lý kiên quyết, triệt để.
 
- Cơ chế chính sách về QLBVR còn bất cập, chưa đồng bộ, chưa bảo đảm cho người dân làm nhiệm vụ giữ rừng có thu nhập cao từ rừng để họ yên tâm sinh sống và gắn bó với rừng. 
 
- Giá trị thu được trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất NNCNC rất cao, các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng không phải lấy gỗ, lấy lâm sản để bán mà chủ yếu là lấy đất để sản xuất nông nghiệp hoặc sang nhượng...  
 
 Đây là những vấn đề nhức nhối mà sắp tới chúng ta phải có những giải pháp tăng cường QLBVR hữu hiệu, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm. 
 
PV: Kính thưa Chủ tịch UBND tỉnh, trong phát triển kinh tế tỉnh nhà thời gian qua, đồng chí còn có điều gì băn khoăn? 
 
CHỦ TỊCH UBND TỈNH: 
 
- Tuy đã gặt hái một số kết quả đáng mừng nhưng tôi cũng có một vài điều trăn trở.
 
Trước hết là tình hình vi phạm pháp luật về QLBVR, lấn chiếm đất lâm nghiệp còn diễn biến phức tạp; sản phẩm dịch vụ du lịch còn đơn điệu, thiếu sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách,… Phát triển công nghiệp chế biến còn khó khăn, các chương trình kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm chưa có kết quả tích cực.
 
Thứ hai, hạ tầng giao thông tuy đã được quan tâm đầu tư nâng cấp nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Tiến độ giải ngân một số nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm so với kế hoạch. Các dự án liên quan đến rừng, đất lâm nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn. 
 
Thứ ba, thu hút đầu tư vẫn khó khăn, nhất là đầu tư nước ngoài. Một số dự án đầu tư đã được cấp phép chậm triển khai; một số chương trình, dự án lớn, dự án trọng điểm tiến độ còn chậm.
 
Thứ tư, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tình hình quản lý trật tư xây dựng đô thị còn nhiều hạn chế. Trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn một số yếu tố bất ổn, tai nạn giao thông còn có chiều hướng gia tăng,…
 
Thứ năm, công tác giảm nghèo chưa bền vững, đời sống của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn,... 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt kiểm tra và chỉ đạo công tác quy hoạch - xây dựng. Ảnh: M.Đạo
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt kiểm tra và chỉ đạo công tác quy hoạch - xây dựng. Ảnh: M.Đạo
PV: Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh cho biết một số giải pháp quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2019? 
 
CHỦ TỊCH UBND TỈNH: 
 
Các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2019: Tổng sản phẩm trong nước (GRDP theo giá so sánh 2010) tăng từ 8,5 - 9% so với năm 2018. GRDP bình quân đầu người khoảng 65,4 - 65,7 triệu đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 7.985 tỷ đồng, tăng 12,5% so ước thực hiện năm 2018. Thu hút khoảng 7.150 ngàn lượt khách du lịch, tăng 10% so với năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,0 - 1,5%; riêng hộ đồng bào DTTS giảm từ 2,0 - 3,0%. Tỷ lệ phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị 87%. Có thêm 12 xã đạt 19/19 tiêu chí và 1 huyện đạt chuẩn NTM (huyện Đạ Tẻh).

Năm 2019 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định năm 2019 là năm “Vượt qua thách thức, tạo động lực, đột phá, phấn đấu hoàn thành toàn diện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X”. Do đó, đòi hỏi các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị phải quyết tâm cao; chủ động nắm bắt, tận dụng tốt thời cơ, thuận lợi, khắc phục hạn chế, khó khăn; phát huy nội lực, tạo xung lực mới cho phát triển KT-XH của tỉnh trong giai đoạn mới thực sự nhanh và bền vững. Trên tinh thần đó, tôi xin nhấn mạnh một số nội dung tập trung lãnh đạo và tổ chức thực hiện trong năm 2019 như sau:

 
1. Tiếp tục bám sát và thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X, Nghị quyết HĐND tỉnh khóa IX về nhiệm vụ phát triển kinh tế 5 năm 2016 - 2020; tập trung các nguồn lực thực hiện quyết liệt và có hiệu quả 4 chương trình trọng tâm, 12 công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và các công trình trọng điểm của các huyện, thành phố.
 
2. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hiệu quả và quản trị công cấp tỉnh. Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; phấn đấu năm 2019 số doanh nghiệp tăng từ 12 - 14% trở lên so tổng số doanh nghiệp có đến cuối năm 2018. Nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công và kiểm soát thủ tục hành chính. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử. Tăng cường tương tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công và xây dựng chính quyền điện tử. Thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành Thành phố thông minh. Đẩy mạnh phát triển HTX theo Luật HTX và các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả. Tăng cường đối thoại để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Thực hiện cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện. 
 
3. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; tập trung nâng cao giá trị nông sản thông qua các hoạt động sau thu hoạch, quản lý chất lượng. Tiếp tục xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, du lịch và các sản phẩm chủ lực khác của tỉnh,... trọng tâm là thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Thực hiện chuyển đổi những diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất có giá trị thu nhập cao. Từng bước có giải pháp phù hợp để giảm diện tích nhà kính, nhà lưới; phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái, du lịch canh nông… Đẩy mạnh thực hiện dự án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp. Xúc tiến thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Khu Công nghiệp - Nông nghiệp Tân Phú; khu nông nghiệp ứng dụng CNC. Đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, kinh doanh Trung tâm giao dịch hoa. Tăng cường công tác thông tin cho người dân về tình hình cung cầu, giá cả thị trường để người dân, doanh nghiệp chủ động cân đối kế hoạch sản xuất hợp lý. Tăng cường kiểm soát chất lượng giống, vật tư nông nghiệp. Đẩy mạnh huy động nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng NTM. 
 
4. Tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền trong công tác quản lý và khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động trong phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục rà soát, xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm đất rừng, san ủi trái phép đất rừng để sản xuất nông nghiệp; thu hồi các dự án đã được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chậm triển khai. Thực hiện nghiêm việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án sử dụng đất. Ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là việc khai thác cát gây sạt lở sông, suối, gây thiệt hại đến sản xuất và đời sống của Nhân dân. Cải thiện chất lượng môi trường và xử lý ô nhiễm, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung… và xử lý hiệu quả rác thải trong nông nghiệp…
 
5. Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; đầu tư mở rộng và tạo thêm nhiều sản phẩm mới phục vụ khách du lịch theo hướng du lịch chất lượng cao. Quản lý chặt chẽ chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch, lưu trú,... tăng cường quản lý hoạt động du lịch mạo hiểm,... Ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Khu Du lịch Đan Kia - Suối Vàng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư, cải thiện chỉ số về năng lực cạnh tranh của tỉnh; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với hợp tác xây dựng các tuyến du lịch và kết nối Đà Lạt với các trung tâm du lịch, dịch vụ lớn trong nước và quốc tế. 
 
6. Tăng cường huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển KT-XH. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ. Ưu tiên đầu tư cho các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh và của các địa phương; tập trung vốn cho các công trình để hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2019. Đẩy mạnh thu hút và nâng cao chất lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài.
 
7. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông sản; công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo... Tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thủy điện và tăng sản lượng phát điện trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh. Dừng cấp chủ trương đầu tư đối với các dự án thủy điện nhỏ và vừa (dưới 30MW) có tác động đến rừng, đất lâm nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và Tỉnh ủy. Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sớm đưa các dự án sử dụng nguồn năng lượng sạch như năng lượng gió, năng lượng mặt trời đi vào hoạt động,... Tập trung đầu tư và thu hút đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp hiện có và phát triển khu, cụm công nghiệp mới. 
 
8. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch; nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, ATGT,... Thực hiện nghiêm pháp luật về tiếp công dân, không để phát sinh các vụ việc phức tạp, kéo dài gây mất an ninh trật tự. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục thực hiện nghiêm việc đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ được giao; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực như xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng đất, tài sản công,...; xử lý kịp thời, nghiêm minh những trường hợp tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Tập trung thu hồi, xử lý theo kết luận, kiến nghị của thanh tra đã có hiệu lực. 
 
9. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh đã đề ra cho năm 2019.
 
PV: Xin cảm ơn Chủ tịch UBND tỉnh. Với quyết tâm như trên, tin rằng Lâm Đồng sẽ hoàn thành tốt những chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2019, thực hiện xuất sắc Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X đã đề ra!  
 
LAN HỒ (thực hiện)