Hẳn rằng với những tác phẩm vừa mang giá trị lịch sử, vừa mang giá trị nghệ thuật như những chiếc đồng hồ cổ, sẽ rất khó để đong đếm, so sánh số lượng nhiều hay ít hơn giữa nơi này và nơi khác. Nhưng với Đà Lạt - một thành phố có lịch sử đặc biệt với những dấu ấn châu Âu thì đồng hồ cổ đã hiện diện từ rất lâu và những nhịp chuông theo thời gian vẫn thánh thót ngân dài…
Hẳn rằng với những tác phẩm vừa mang giá trị lịch sử, vừa mang giá trị nghệ thuật như những chiếc đồng hồ cổ, sẽ rất khó để đong đếm, so sánh số lượng nhiều hay ít hơn giữa nơi này và nơi khác. Nhưng với Đà Lạt - một thành phố có lịch sử đặc biệt với những dấu ấn châu Âu thì đồng hồ cổ đã hiện diện từ rất lâu và những nhịp chuông theo thời gian vẫn thánh thót ngân dài…
|
Đồng hồ cổ được “thức tỉnh” |
Muôn nhịp chuông ngân
Nằm trên con đường Phạm Hồng Thái (Phường 10, Đà Lạt) không quá xô bồ, ngôi nhà được thiết kế dạng biệt thự của anh Trần Văn Thiêm trầm bổng với âm thanh từ các bản nhạc chuông đồng hồ. Có thể nói, đó là một thế giới du dương, đánh thức tâm hồn bởi nhịp gõ thời gian.
Mỗi ngày, có lẽ thú vui lớn nhất với người mê đồng hồ cổ như anh là được nghe chuông đổ, tùy loại đồng hồ với những bản nhạc lúc reo vui, khi trầm bổng, lúc vang vọng tiếng chuông chùa, khi thánh thót chuông giáo đường; với dạng khác lại là tiếng chim hót, tiếng đàn piano…
Anh Thiêm ôm ấp đam mê với đồng hồ cổ từ gần 20 năm trước. Là người miền Bắc có tay nghề cơ khí, anh Thiêm vào Đà Lạt lập nghiệp. Để rồi, trong một lần vô tình nhìn thấy một chiếc đồng hồ cổ đã bị chủ nhân quên lãng, anh đem về mày mò cho đồng hồ hoạt động, từ hình dáng đến âm thanh đã mê hoặc chàng trai miền Bắc. Anh bắt đầu tìm hiểu về lịch sử từng loại đồng hồ, thời gian sản xuất, xuất xứ, thanh âm.
Theo nhiều người am hiểu về đồng hồ cổ, bởi trong nửa đầu thế kỉ 20, người Pháp đã quy hoạch và xây dựng nên một Đà Lạt sang trọng với những biệt thự, công sở, khách sạn và trường học, một trung tâm du lịch và giáo dục của Đông Dương khi đó, thời gian về sau, thành phố càng phát triển và là nơi nghỉ dưỡng của giới nhà giàu nên du nhập nhiều thú chơi đẳng cấp, trong đó có đồng hồ cổ. Trong những căn biệt thự rộng lớn, tiếng chuông đồng hồ như đem đến sự ấm áp cho không gian, phá tan bầu không khí vắng lặng.
Hơn thế, đồng hồ còn là món đồ trang trí đặc biệt, thường được đặt trên lò sưởi như một công trình nghệ thuật tinh xảo của người thợ, của các hãng sản xuất. Dạo một vòng quanh các biệt thự Đà Lạt, có thể thấy vẫn còn hiện hữu những chiếc đồng hồ cổ mà chủ nhân còn giữ được hay sưu tầm được và như bị mê hoặc bởi những đường nét, hình khối độc đáo. Những hiệu ODO, SONORA, HLXCHAT của Pháp hay KUNDO, KIENZIE, JIHOR xuất xứ từ Đức; một số hãng của Nhật, Liên Xô cũ… hiện diện như một thú chơi tao nhã của người sử dụng. Với đồng hồ treo tường, chủ yếu được làm từ gỗ với vẻ đẹp của hộp đựng là vô số hình dáng như hình thắt nơ có đính những chùm nho, ngôi nhà với bancon đầy đường nét kiến trúc, đồng hồ treo phòng cho các tiểu thư có những hoa văn mềm mại… Các loại đồng hồ để bên lò sưởi với các chân đỡ bằng đá cẩm thạch có những hình vân rất thanh thoát và viền đồng hồ cùng các dây trang trí bằng đồng sắc sảo, thường là bộ ba gồm đồng hồ và hai chân nến đặt hai bên. Các dạng đồng hồ Úp - ly (hay còn gọi là đồng hồ sinh nhật bởi 400 ngày mới lên dây cót một lần) mặt tráng men, đa dạng hình thù. Đồng hồ Cúc - cu khi điểm giờ sẽ mở hộp để một chú chim cất tiếng hót hay nghệ sĩ xuất hiện trình diễn một bản piano…
|
Anh Trần Văn Thiêm với bộ sưu tập đồng hồ cổ |
Phục hồi giá trị cổ
Tại Đà Lạt, hiện có những đồng hồ sản xuất vào những năm đầu thế kỷ 19. Một người chơi đồ cổ lâu năm tại thành phố cho biết, vào những năm trước, nhiều khi anh tìm được đồng hồ trong các bãi tập hợp phế liệu bởi người sở hữu không nhận thấy giá trị của chúng. Ở một số gia đình, ông bà sử dụng và truyền lại cho thế hệ con cháu nhưng khi thấy đồng hồ không chạy được nữa thì họ bỏ kho hay bán đồng vụn. Đến nay, sau khi được “thức tỉnh” bởi giá trị của đồng hồ cổ mà nhiều người sưu tập dấy lên, đồng hồ đã được người sử dụng có ý thức nâng niu, lưu giữ.
Bởi đặc điểm của dạng đồng hồ cơ phải biết cơ chế sử dụng cùng với tác động của thời gian làm mòn các chi tiết, không ít đồng hồ cổ ngừng ngân vang và bị lưu kho. Từ tình yêu và bàn tay người thợ, đồng hồ cổ đã được “sống dậy”. Anh Trần Văn Thiêm hiện là một trong những bàn tay sửa đồng hồ cổ có duyên và có tiếng ở Đà Lạt. Sửa đồng hồ cổ đòi hỏi sự nhẫn nại của người thợ bởi cần nghiên cứu xuất xứ, dạng máy, có khi anh chờ đến 3 năm mới tìm được một chi tiết phù hợp từ chiếc đồng hồ khác để ráp cho chiếc đang bị hỏng chi tiết. Đợi chờ đôi khi cũng là một cái thú của người sửa bởi chưa biết được lúc nào sẽ bắt gặp một sự trùng khớp, một cái khác “chu du” tới để thay thế. Cũng có khi những chi tiết mới được người thợ “độ” từ những vật liệu khác nhưng phải làm sao để không bị “vênh” về mặt thẩm mĩ, âm thanh.
Chơi đồng hồ cổ cũng lắm công phu. Có đồng hồ 3 năm mới lên dây một lần, nghĩa là một đời người có vài chục lần lên dây cót, đồng hồ như người bạn đếm thời gian bền bỉ. Đồng hồ Úp - ly mỗi năm lên cót một lần, đồng nghĩa với một tuổi đã qua. Có đồng hồ lên giây hàng tuần và chủ nhân thường chọn ngày nghỉ làm mốc để có thời gian chăm chút cho món đồ là niềm đam mê…
Với người chơi đồng hồ cổ, những âm thanh quen thuộc vừa khiến tâm trạng thư giãn, vừa nắm bắt thời gian. Lặng tâm để nghe, những tiếng “tính, tang, tình, tính” chuyển đổi riêng biệt khi đồng hồ điểm 15 phút, 30 phút, 45 phút hay điểm giờ. Nếu sợi côn làm bằng thép, âm thanh vang lên khỏe khoắn, còn sợi côn bằng đồng thì thanh âm êm dịu hơn.
Có thể nói, qua 125 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt du nhập nhiều dạng đồng hồ, có những loại phổ biến nhập từ Pháp, Đức và được lưu giữ đến nay; có những chiếc đồng hồ được đặt hàng để sản xuất riêng cho người chơi ở Đà Lạt. Nhờ tay nghề của những người thợ sửa đồng hồ cổ, người chơi đồng hồ cổ có điều kiện để phục hồi những giá trị cũ, thể hiện đẳng cấp, gu thẩm mĩ. Đồng hồ được sưu tầm, trao đổi và làm giàu thêm những giá trị văn hóa đầy dấu ấn thời gian của một vùng đất vốn có điều kiện về kiến trúc, thành phần dân cư.
Anh Hữu Nết (đường Triệu Việt Vương, Đà Lạt) sau khi tìm được thợ phục hồi hoạt động chiếc đồng hồ sản xuất năm 1910 hiệu ODO đã không thể kìm lòng: “Đồng hồ sống lại, cảm giác như mình cũng được hồi sinh. Tiếng gõ làm người chơi thấy thời gian thật quý vô cùng bởi thời gian đã trôi đi là không bao giờ trở lại”.
Và, khi đồng hồ đổ chuông là thời gian đang tiếp diễn, mạch sống tiếp tục chuyển động về phía trước…
YÊN NGUYÊN