Con đường trăm năm

09:02, 10/02/2019

Nếu nghĩ Lâm Đồng như một cơ thể sống, Quốc lộ 20 chính là xương sống, huyết mạch của cơ thể. Với chiều dài 268 km, uốn lượn từ điểm đầu km số 0 - Dầu Giây tới điểm cuối tại km 268 - D'Ran, Quốc lộ 20 được cho là tuyến giao thông huyết mạch của Lâm Đồng trong chiều dài trăm năm qua.

Nếu nghĩ Lâm Đồng như một cơ thể sống, Quốc lộ 20 chính là xương sống, huyết mạch của cơ thể. Với chiều dài 268 km, uốn lượn từ điểm đầu km số 0 - Dầu Giây tới điểm cuối tại km 268 - D’Ran, Quốc lộ 20 được cho là tuyến giao thông huyết mạch của Lâm Đồng trong chiều dài trăm năm qua.
 
Khi những nhát cuốc đầu tiên khai phá cho QL 20 được tính từ năm 1911 bổ xuống nền đất đỏ cao nguyên, thời gian đã trôi qua, kéo theo biết bao đổi thay về con người trên  vùng đất cao nguyên Di Linh và Lâm Viên ngày nay.   
 
Một góc đồi chè Bảo Lộc, thành phố nằm ven QL 20
Một góc đồi chè Bảo Lộc, thành phố nằm ven QL 20
Trăm năm mở đất 
 
Nếu nói con người ai cũng có lý lịch từ khi sinh ra tới khi trưởng thành thì con đường cũng vậy, cũng có thời điểm được khai mở. Chỉ khác là nếu con người già đi thì con đường ngày càng được nâng cấp, tôn tạo mở rộng, sức chịu tải cao hơn và mang trong nó đầy sức sống đáp ứng nhu cầu bao chuyến xe qua. Và QL 20 theo đúng quy luật đầu tư, bảo dưỡng, mở rộng theo sự phát triển của xã hội, giờ đây ngoái lại nhận ra con lộ này được bắt đầu từ những ngày của năm 1911 xa xôi.
 
Cụ Nguyễn Niệm Châu
Cụ Nguyễn Niệm Châu
Lịch sử Đà Lạt ghi dấu vào năm 1893, khi đoàn thám hiểm cùng bác sỹ Yersin tìm thấy một miền đất mát mẻ, với những buôn dân tộc K’Ho và những dốc núi mang dáng dấp miền Bắc Pháp. Nhìn thấy tiềm năng của Đà Lạt, người Pháp đặt ngay mục tiêu xây dựng nơi đây thành một Paris Petit (Paris nhỏ), nơi nghỉ dưỡng cho người Pháp giữa xứ sở nhiệt đới. Và khi Đà Lạt dần phát triển, người Pháp nghĩ tới việc phải xây dựng quốc lộ nối Sài Gòn, thủ phủ miền Nam với miền đất cao nguyên. Để tìm được tư liệu chính xác về QL 20, chúng tôi đã nhờ cán bộ của Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng và may mắn tìm được hai người đã gắn bó, hiểu QL 20 rất sâu sát. Hai người ấy là cụ Nguyễn Niệm Châu, nguyên Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý sửa chữa đường bộ 78, nguyên công chức Khu công chánh Cao nguyên Trung phần đã gắn bó với QL 20 từ năm 1970 và cụ Trần Ngọc Mai, sinh năm 1931, nguyên công chức Khu cầu đường 3 từ năm 1950 cho tới ngày nghỉ hưu năm 1995. 
 
Trao đổi với phóng viên, cụ Nguyễn Niệm Châu cho biết, trong tài liệu do người Pháp để lại thì từ năm 1899, người Pháp đã bắt tay xây dựng con đường từ Ninh Thuận lên Đà Lạt đồng thời với việc xây dựng đường xe lửa Đà Lạt - Tháp Chàm. Sau đó, do nhu cầu phát triển nên Toàn quyền Đông Dương lúc đó là Albert Sarraut quyết xây dựng đường nối Đà Lạt - Đồng Nai, chính là QL 20. Năm 1911, con đường chính thức được khởi công bắt đầu từ đoạn Đà Lạt - Di Linh. Con đường được xây dựng từng đoạn, song song với việc xây dựng các đường nối từ QL 20 tới các tỉnh lân cận như liên tỉnh lộ 8 (hiện là QL 28) nối Đà Lạt - Phan Thiết, liên tỉnh lộ “8 kép” (hiện là QL 27) nối Di Linh - Quảng Đức (thuộc Đắk Lắk xưa, nay là Đắk Nông). Đường từ Đồng Nai chạy lên Lâm Đồng cũng được xây dựng và tới năm 1932, khi khai thông đèo B’Lao, chính là đèo Bảo Lộc bây giờ, QL 20 chính thức thông toàn tuyến, kéo dài từ Dầu Giây tới Cây xăng Kim Cúc, cửa ngõ thành phố Đà Lạt.
 
Cụ Trần Ngọc Mai, người gắn bó với QL 20 từ năm 1950 tới 1995 cho biết, từ năm 1950 tới nay, con đường vẫn giữ nguyên trạng, chỉ mở rộng ra, thêm một số đoạn tránh và kéo dài từ Đà Lạt xuống thị trấn D’Ran. Còn cốt đường, nền đường vẫn giữ nguyên do các kỹ sư cầu đường Pháp đã tính toán kỹ thuật rất chuẩn. Hồi trước năm 1975, QL 20 là đường cán đá tráng nhựa, mặt đường rộng từ 4,5 - 6 m tùy đoạn. Nhưng do lưu lượng phương tiện ít, nhất là ít ô tô nên thời gian đi lại rất nhanh. 
 
Sau năm 1975, con đường chủ yếu được duy tu, bảo dưỡng định kỳ chứ ít được mở rộng. Tuy nhiên, đáp ứng nhu cầu giao thông, lượng phương tiện ngày càng tăng nhanh, năm 2011 QL 20 được sửa chữa mở rộng với mặt đường 9 - 10 m, thi công nhiều tuyến tránh qua trung tâm các đô thị như tuyến tránh Bảo Lộc, tuyến tránh Đức Trọng. Với kinh phí đầu tư 2 ngàn tỷ, QL 20 đã rút ngắn thời gian giao thương Đà Lạt - TP Hồ Chí Minh được 2-3 h, một con số thời gian khổng lồ so với lưu lượng hàng trăm xe mỗi ngày. Con đường đã giúp rau trái, các nông sản Lâm Đồng đi khắp nơi và ngược lại, mang hàng triệu khách du lịch đến với Đà Lạt mỗi năm. 
 
Đổi thay không ngừng 
 
Cụ Trần Ngọc Mai
Cụ Trần Ngọc Mai
Cụ Trần Ngọc Mai nhớ lại những địa danh xưa cũ, nơi con đường QL 20 ngày xưa chạy qua. Cụ bảo, hồi những năm xưa ấy, Đà Lạt còn vắng vẻ, nói chi tới Đức Trọng hay Đạ Huoai. Đức Trọng khi ấy chỉ có một vài xóm thôn lẻ tẻ có người sinh sống, không phải là thị trấn sầm uất như bây giờ. Bảo Lộc cũng không đông đúc, người vắng vẻ, chỉ thấy những đồi trà chạy bát ngát và hương trà vương trong gió. Duy chỉ có Di Linh đã hình thành thị tứ trù phú do Sở trà Di Linh lúc ấy được khai thác hiệu quả, lại có con đường nối Di Linh - Phan Thiết đưa người Pháp lên Đà Lạt nghỉ mát và xuống biển tắm nắng. Còn Madagui, lúc đó gọi với địa danh Santa Maria, thị trấn huyện lị của Đạ Huoai bây giờ chỉ có mỗi căn nhà gạch của Sở điều và ít vườn điều, ngoài ra là rừng tre, rừng nứa rậm rạp, rất hiếm thấy bóng người dân. Thi thoảng vào ngày mùa, có thấy vài người dân tộc gùi lúa trên đường mang đi trao đổi hàng hóa. 
 
Năm 2018, sau gần 1 thế kỷ QL 20 hình thành, cuộc sống như thay da đổi thịt vùng đất cao nguyên Lâm Viên. Những thành phố, thị trấn, thị tứ sầm uất, nhộn nhịp chạy dọc con đường. QL 20 không chỉ là con đường giao thông đơn thuần, nó còn là con đường du lịch xanh xinh đẹp. Từ Khu du lịch Suối Tiên thuộc Đạ Huoai tới thác Đạm Bri Bảo Lộc, những dòng thác nổi tiếng như Ponguor, thác Gougah, thác Prenn và hàng trăm điểm du lịch lý thú trải dọc QL 20 tới tận Đà Lạt. Chỉ cần dừng chân ở bất cứ điểm nào trên đường, người ta cũng thấy những cảnh đẹp đáng ngưỡng mộ cho bất cứ tay máy nào muốn có những tấm hình ấn tượng trên đường du kí. 
 
Và cũng trên QL 20, con đường huyết mạch này, cà phê, chè, rau, hoa của Lâm Đồng vươn mình khỏi cao nguyên, cung cấp cho hàng triệu người tiêu dùng những cây rau xanh ngọt mát, những nụ hồng ngọt ngào. Nông sản Lâm Đồng xuống cảng Sài Gòn, xuống cảng Cam Ranh, đưa hàng hóa tới Nhật, tới Australia, tới Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan… Mỗi năm, xấp xỉ triệu du khách trong và ngoài nước đã đến thăm chơi phố núi trên con đường này. Con đường, với tư cách một “nhân chứng” chứng kiến sự đổi thay hàng ngày của cuộc sống, của con người cao nguyên. Cùng với sự thay da đổi thịt ấy, QL 20 cũng khoác lên mình bộ áo mới, đẹp hơn, rộng rãi hơn, bước những bước vững vàng về tương lai.
 
Ông Bùi Sơn Điền, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng chia sẻ, QL 20 đã và đang đóng vai trò giao thông huyết mạch của tỉnh. Trong năm 2019 này, khi cao tốc Dầu Giây - Liên Khương bắt đầu được xây dựng, Lâm Đồng sẽ bước thêm một bước đi mới, nhanh hơn, mạnh mẽ hơn về tương lai, góp phần đồng hành cùng nhịp sống sôi động của mảnh đất trù phú Nam Tây Nguyên này.
 
DIỆP QUỲNH