D'Ran thị trấn nhỏ bình yên bên dòng Đa Nhim

03:02, 07/02/2019

Nằm ở phía thượng nguồn sông Đa Nhim, thị trấn D'Ran thật bình yên bên những vườn hồng trĩu quả, lối xưa xe ngựa uốn lượn, hàng thông xanh rì vươn mình đón nắng, hay những ngôi nhà gỗ xinh nép mình bên sườn đồi,... 

Nằm ở phía thượng nguồn sông Đa Nhim, thị trấn D’Ran thật bình yên bên những vườn hồng trĩu quả, lối xưa xe ngựa uốn lượn, hàng thông xanh rì vươn mình đón nắng, hay những ngôi nhà gỗ xinh nép mình bên sườn đồi,... 
 
Xuân mới. Tôi ghé D’Ran, không như những lần trước, dịp này cái lạnh của Đà Lạt đã xô xuống khỏi đèo, len lỏi vào từng xóm làng hòa vào hơi nóng từ vùng Ninh Sơn, Ninh Thuận đổ lên. Một cảm giác là lạ, khoan khoái. 
 
D’Ran ẩn mình trong núi, lặng thinh giống như một “nàng công chúa” ngủ trong rừng đang chờ một “chàng hoàng tử” đến đánh thức. Nếu có dịp đến đây, chúng ta hẳn sẽ cảm thấy thật mãn nhãn bởi những hàng thông xanh, vườn hồng trĩu quả, vườn rau xanh mát,... được chìm đắm trong không gian của xứ sở cổ tích, nơi khởi đầu cho những câu chuyện đẹp nhất.
 
“D’Ran nhỏ, bình yên” - anh Đào Duy Hùng - Cán bộ văn hóa thị trấn bảo thế, vì anh đã nắm chắc con số thống kê về vùng đất này, chỉ vỏn vẹn hơn 13.500 ha. Và một lý do khác, anh sinh ra ở đây nên nằm lòng từng đường làng, ngõ xóm, từng gốc hồng, ngọn thông xanh. Còn một người khác là nhà thơ Hồ Thụy Mỹ Hạnh lại khẳng định D’Ran nhỏ, qua bài thơ “Thị trấn của tôi”. Trong thơ, nhà thơ ca ngợi nhiều về nơi chốn mình ở, rồi cũng có một chút miên man buồn về thị trấn nhỏ này. Ngày xưa, theo nhà thơ thì mọi người trong thị trấn đều biết mặt nhau, giờ đây thì thay đổi nhiều lắm, có lẽ đó là tiến trình của đô thị hóa.  
 
Một vườn hồng cổ thụ ở thị trấn D’Ran
Một vườn hồng cổ thụ ở thị trấn D’Ran
Bên cạnh ngôi nhà nhỏ bé của mình, nhà thơ Hồ Thụy Mỹ Hạnh có một người bạn rất thân, là làng xóm đã mấy mươi năm nay. Bà là giáo viên nghỉ hưu, sinh ra tại Đà Lạt nhưng dành cả cuộc đời của mình để “nương náu” ở D’Ran. Hai người thường trò chuyện về nhịp sống của D’Ran, về xuân mới xem khác gì với xuân xưa. Hai người ôn lại kỷ niệm một thời xa xưa khi mình còn là những nữ sinh. Cho đến bây giờ hai mái đầu điểm bạc họ vẫn yêu dấu D’Ran như thuở ban đầu.
 
Lại một người khác, nhưng câu chuyện của chị thì có phần hiện đại hơn. Chị không làm thơ, không viết nhạc, nhưng bằng tình yêu D’Ran của mình chị đã tổ chức những đêm nhạc ngay tại ngôi nhà của mình trong lòng thị trấn bé nhỏ, với cái tên: Đồng Phố. 
 
Chị Huỳnh Thị Thanh Hải là chủ của Câu lạc bộ sinh hoạt văn nghệ Đồng Phố. Trong sâu thẳm của mình, chị Hải tâm sự: Đồng Phố là quán cà phê do tôi làm chủ, nếu kinh doanh cà phê không thôi thì D’Ran này đơn điệu quá, phải làm cho nó điệu đà lên. Ý tưởng hình thành thế là thuê nhạc công, để đêm đêm giữa D’Ran ta lại nghe tiếng đàn, bên âm điệu của những tình khúc Trịnh Công Sơn.
 
D’Ran có những con người làm cho nó điệu đà. Nhưng, ngay cảnh vật thôi D’Ran đã điệu đà lắm rồi. Nhất là những vườn hồng trĩu quả thơm ngon. 
 
Hồng là một loài cây đặc trưng và có “thương hiệu” của D’Ran. Tôi đến D’Ran sau một vụ hồng, không chứng kiến được cảnh những quả hồng treo mình trên cành cây nhưng lại được chiêm ngưỡng lộc mới đang ấp ủ trong tiết xuân. Để rồi sự sinh sôi nảy nở phát sinh từ những dòng nhựa nóng ấp ủ. 
 
 Phải khẳng định rằng, đa số nhà dân nào ở D’Ran cũng có hồng, không vườn lớn, vườn nhỏ thì cũng một vài cây ở trong khoảng sân của mình. Người dân ở đây xem hồng không chỉ là một loài cây ăn quả, mang lại giá trị kinh tế mà tựa hồ như biểu tượng, tương tự như nhắc đến Đà Lạt thì xứ sở của thông reo vi vu, nhắc đến D’Ran thì nhắc đến những trái hồng thơm ngọt vậy. 
 
Tôi quen những người một thời chạy xe thổ mộ ở D’Ran. Số người còn lại bây giờ chỉ đếm chưa đầy số ngón của một bàn tay. So sánh như vậy để thấy rằng bây giờ D’Ran không còn ngựa, không còn những chuyến xe thổ mộ. Mà có chăng chỉ là trong tiềm thức, trong hoài cổ, trong một D’Ran xa xưa. 
 
Niềm vui của một hộ dân với vườn hồng chín muộn
Niềm vui của một hộ dân với vườn hồng chín muộn
D’Ran không ồn ào, vồn vã, không hoa lệ như thành phố Đà Lạt, từng ngày, từng ngày nhịp sống bình yên vốn có từ thuở nào nơi thị trấn nhỏ bên dòng Đa Nhim vẫn nối tiếp nhau như thế. “Khi muốn tìm cảm giác bình yên và lấy lại cân bằng trong cuộc sống..., mình trốn về đây hít thở không khí trong lành. Dù chỉ 1 ngày nhưng cũng đủ để những lo toan mệt mỏi sẽ trôi vèo...”, một người từng sinh sống ở thị trấn nhỏ D’Ran bộc bạch.
 
Thị trấn lưng đèo. Tiến trình đô thị hóa đã làm diện mạo của nó thay đổi. Nhưng D’Ran vẫn còn bình yên lắm khi có những con người luôn sẵn sàng xua đi xô bồ để thị trấn trở lại với thời gian. Đắm chìm trong những vườn hồng và mê dụ hơn nếu còn lối xưa xe ngựa cho những người thích rong chơi.
 
ĐỨC TÚ