Du lịch Việt Nam tăng trưởng rất nhanh trong những năm gần đây, không chỉ du lịch nội địa bùng nổ mà lượng khách quốc tế đến nước ta cũng ngày càng đông, trong đó có điểm đến Đà Lạt. Trong năm 2018 vừa qua, đã có khoảng 74 nghìn lượt người nước ngoài đến thăm thành phố này.
Du lịch Việt Nam tăng trưởng rất nhanh trong những năm gần đây, không chỉ du lịch nội địa bùng nổ mà lượng khách quốc tế đến nước ta cũng ngày càng đông, trong đó có điểm đến Đà Lạt. Trong năm 2018 vừa qua, đã có khoảng 74 nghìn lượt người nước ngoài đến thăm thành phố này.
|
Topaz Hagag (thứ hai, trái qua) cùng những người bạn và ông chủ Authentic Homestay tại Đà Lạt |
1 tháng cho Việt Nam
Khi tôi đến, Topaz Hagag đang cùng bạn trai của mình - anh Yehuda Buchnik, chuẩn bị lên chiếc xe máy thuê của chủ nhà đi thăm các kiến trúc cổ ở Đà Lạt.
Người Do Thái, 22 tuổi, sống ở một thành phố nhỏ ở Israel gần thủ đô Tel Aviv, Topaz là nhân viên của một công ty điện thoại, chị bảo rằng đã chuẩn bị rất lâu cho chuyến đi nước ngoài này theo lời khuyên của bạn bè. “Sẽ chẳng biết Việt Nam tuyệt vời ra sao đâu nếu chưa đến đất nước này” - Topaz tươi cười.
Nhưng đó không phải là một chuyến đi ngắn, chớp nhoáng, du lịch kiểu “bỏ túi” thông thường mà là một chuyến đi dài 1 tháng, “đủ để biết một đất nước, một dân tộc, một nền văn hóa” - Topaz nói. Đây là cách mà nhiều người trẻ trên đất nước Israel, cũng như khắp nơi trên thế giới đang làm hiện nay: du lịch trải nghiệm.
Cùng đi với Topaz là bạn trai Yehuda và một người em bà con của Yehuda cùng bạn gái, cả 4 đã bay từ Tel Aviv, đổi chuyến bay tại một nước Đông Nam Á trước khi đến Hà Nội để bắt đầu chuyến hành trình đáng nhớ tại Việt Nam.
Tại Hà Nội, 2 cặp đôi này sau khi thăm các địa điểm nổi tiếng của thành phố đã thuê xe máy lòng vòng các vùng ngoại ô Hà Nội và sang các tỉnh lân cận. Do điểm đến Nha Trang dịp đó mưa nên nhóm 4 người này lên thẳng Đà Lạt, sau Đà Lạt sẽ là TP HCM và các tỉnh Nam Bộ.
“Tất cả đường đi đều nằm trên chiếc điện thoại này” - Topaz chỉ cho tôi bản đồ trên chiếc điện thoại thông minh trong tay qua một phần mềm chỉ đường của Google Map. Để đi xuyên tỉnh, nhóm 4 người chọn xe đò, đến đâu thuê xe máy được thì thuê, chỗ nào không có thì cuốc bộ; còn chỗ ở thì hỏi thăm và chọn các điểm lưu trú bình dân theo lời khuyên của những du khách đi trước trên mạng, ăn thì ở các quán ăn bình dân.
“Chúng tôi hầu hết đã phục vụ trong quân đội, ở Israel mọi thanh niên lớn lên đều phải gia nhập quân ngũ, nam 3 năm, nữ 2 năm, không trừ một ai. Tôi đã ở trong quân đội 2 năm, bạn trai tôi 3 năm, được rèn luyện trong quân đội nên đâu ngại gì gian khó với chuyện đi bộ” - Topaz cho biết.
Trong chuyến đi dài ngày từ Bắc vào Nam đó, như Topaz cho biết, Đà Lạt nổi lên như là một điểm đến không thể thiếu được trong cuộc hành trình của mình vì thành phố này nổi tiếng với thiên nhiên tươi đẹp, với không khí mát dịu quanh năm, với hoa nở bạt ngàn, với con người hiền hòa như bạn bè cô kể lại.
Đặc biệt, riêng với cộng đồng du khách người Do Thái như Topaz, Đà Lạt còn có một điểm lưu trú rất độc đáo mà không ở đâu tại Việt Nam có được, đó là “Authentic Homestay”.
Nằm trên một con đường nhỏ ở Phường 6 - Đà Lạt, “Authentic Homestay” cũng giống như bao “Homestay” khác đang mọc lên nhan nhản tại thành phố du lịch này những năm gần đây. Tuy nhiên, địa điểm lưu trú này rất được các du khách Israel ưa chuộng và giới thiệu cho nhau trên mạng vì sự hiếu khách, phục vụ tận tình của chủ nhà, có nhiều hoạt động cho khách đến ở, hiểu và tôn trọng các tập quán của người Do Thái… Rất nhiều du khách Israel khi đến đây đã cho biết cảm tưởng rằng họ như đang trở về nhà trong chặng đường du lịch dài và gọi đây là “Ngôi nhà Do Thái”.
|
Ông bà Gerard và Linda Zschoche (thứ ba, thứ tư từ trái qua) cùng các thành viên trong nhóm du lịch của mình trong bữa cơm tối tại nhà một người dân ở Đà Lạt |
Những trải nghiệm
Để có những kỷ niệm đáng nhớ, không ít du khách nước ngoài lớn tuổi trong nhiều năm nay cũng chọn cách du lịch trải nghiệm kéo dài cả tháng, họ rong ruổi rất nhiều tỉnh thành trong nước từ Nam ra Bắc hay từ Bắc vô Nam như thế trước khi đến Đà Lạt.
Như ông Gerard Zschoche, 65 tuổi, một kỹ sư máy móc, và bà Linda, 63 tuổi, vợ ông, giáo viên, người ở thành phố Denver, tiểu bang Colorado - Mỹ, cả 2 vợ chồng khi về hưu đã quyết định làm một chuyến du lịch dài sang Việt Nam.
“Chúng tôi cũng đã từng đi rất nhiều quốc gia khắp thế giới trong đời, nhưng gần đây khi hỏi người quen, tham khảo những bạn bè vừa du lịch thì họ đều nói với tôi có 2 quốc gia rất nên đi lúc này, một là Canada - vì thiên nhiên hùng vỹ, và Việt Nam, vì đất nước xinh đẹp, con người cực kỳ thân thiện. Chúng tôi đã bàn bạc và sau đó chọn Việt Nam” - bà Linda kể lại.
Khác với các chuyến đi của giới trẻ theo kiểu du lịch bụi phải tự lo toan mọi thứ, ông bà Gerard và Linda mua trọn gói hành trình của mình tại một công ty du lịch lớn của Mỹ. Từ Denver, ông bà bay đến New York rồi từ New York bay sang Nhật trước khi đến Hà Nội để cùng các du khách Mỹ khác cũng qua đây trước đó hình thành một nhóm chừng 15 người đi du lịch trong vòng gần 1 tháng tại Việt Nam. “Mọi thứ trong chuyến đi đều được sắp xếp rất chi tiết và hoàn hảo” - ông Gerard cho biết.
“Trong đoàn chúng tôi có các hướng dẫn viên người Việt rất tận tình, chuyến đi di chuyển bằng các phương tiện hiện đại nhưng cũng có lúc đi xe lửa, xe máy, đi bộ, đi xe đạp, được ngủ trên thuyền tại một làng chài, đến mỗi nơi đều được thăm các địa điểm nổi tiếng” - bà Linda cho biết.
Tại Đà Lạt, đoàn du khách của bà được hướng dẫn đi thăm các di tích kiến trúc cổ, thăm chùa Linh Phước với các bức khảm bằng mảnh chén sành, thăm và nói chuyện với sinh viên Đại học Đà Lạt, thăm một làng người dân tộc thiểu số, thưởng thức cà phê chồn, đến chợ Đà Lạt… Buổi tối, vợ chồng bà được mời đến một gia đình người Đà Lạt cùng ăn cơm tối để tìm hiểu đời sống người địa phương.
“Tôi rất thích Đà Lạt, khí hậu mát dịu giống thành phố Denver của tôi cũng ở độ cao trên 1.500 m so với mặt nước biển, nhưng mùa đông này các bạn có trời rất đẹp, còn bên tôi có tuyết phủ. Tôi thích hoa mà Đà Lạt lại có rất nhiều hoa. Sau chuyến đi này, nhất định khi về nước tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè tôi biết” - bà Linda tươi cười.
Còn với ông Gerard, ấn tượng nhất với ông chính là con người Việt. Ông bảo đâu đâu trên đất nước này suốt chuyến đi từ Bắc vô Nam, từ người dân trong phố, trên đồng ruộng cho đến những người dân tộc thiểu số trên núi cao, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng luôn thấy nụ cười, thấy những con người cởi mở, thân thiện, dễ mến.
Những chuyến đi dài ngày như thế qua các vùng đất của Việt Nam đã giúp cho các du khách nước ngoài hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam với rất nhiều kỷ niệm đọng lại. Như Topaz Hagag kể, có lần ở Lào Cai cô bị nhiễm lạnh không ăn uống được, một chủ nhà trọ địa phương đã đưa cô một gói trà gừng để uống thử. Trên đất nước Israel của cô, gừng cũng được dùng nhiều nhưng không chế biến thành trà như thế này, cô thử uống và gói trà đã phát huy được tác dụng “Tôi đã mua cả một hộp như thế để mang theo trong cả cuộc hành trình này, chắc khi về nước tôi sẽ thử tìm cách làm trà theo cách Việt Nam đã làm” - Topaz Hagag suy nghĩ.