Mơ về vùng chuyên canh cây ăn trái

10:02, 10/02/2019

Những vườn bưởi da xanh, quýt đường, sầu riêng... rộng từ vài đến vài chục hecta đang dần hình thành trên địa bàn huyện Ðạ Tẻh, mở ra triển vọng về một vùng chuyên canh cây ăn trái trong tương lai không xa.

Những vườn bưởi da xanh, quýt đường, sầu riêng... rộng từ vài đến vài chục hecta đang dần hình thành trên địa bàn huyện Ðạ Tẻh, mở ra triển vọng về một vùng chuyên canh cây ăn trái trong tương lai không xa.
 
Vườn bưởi da xanh của anh Nguyễn Hoàng Cường bắt đầu ra trái đang dần thay thế cho vườn quýt “lấy ngắn nuôi dài”. Ảnh: Đ.Anh
Vườn bưởi da xanh của anh Nguyễn Hoàng Cường bắt đầu ra trái đang dần thay thế
cho vườn quýt “lấy ngắn nuôi dài”. Ảnh: Đ.Anh

Những vườn cây trái bạc tỷ
 
Về Đạ Tẻh thời gian gần đây, câu chuyện về những tỷ phú trồng cây ăn trái đã trở thành đề tài không còn mấy xa lạ với người dân. Những vườn quýt đường, bưởi da xanh, sầu riêng dù vừa mới cho vài vụ trái nhưng đem lại nguồn thu tiền tỷ đã trở thành hấp lực đối với những ai muốn trở thành những nông dân “chuyên nghiệp” thời @. Chủ nhân của những nhà vườn cây trái bạc tỷ đó có thể là người tại địa phương, cũng có thể từ những tỉnh miền Tây chuyển lên chọn đất, lập nông trại.
 
Quýt đường đang được xem là loại cây “lấy ngắn nuôi dài” được nhiều nông dân chọn trồng trong khi đợi các loại cây khác như bưởi, sầu riêng, măng cụt… phát triển. Nói là lấy ngắn nuôi dài nhưng những vườn quýt tại một số xã như Triệu Hải, Quảng Trị, Đạ Lây, Hương Lâm… đang “hái” ra tiền tỷ cho nhiều nông dân. Cách đây hơn 3 năm, anh Phan Văn Sang đang từ một người kinh doanh tự do tại thị trấn Đạ Tẻh đã vào vùng đất Triệu Hải chọn mua hơn 50 ha đất để trồng quýt, bưởi và sầu riêng. Anh bảo, thấy anh em bạn bè trồng cây ăn trái có hiệu quả quá nên cũng muốn bắt tay vào làm. “Bây giờ làm nông nghiệp là làm kinh tế, trồng cây trái là để kinh doanh chứ không như ông bà ta hồi trước chỉ trồng vài cây ăn trái đơn lẻ trong vườn để ăn chơi. Năm ngoái khi vườn quýt 2,5 ha vừa cho thu bói nhưng vụ tết tôi cũng đã bán được khoảng 200 triệu đồng. Sang năm 2019, khả năng vườn quýt này cho thu khoảng 30 - 40 tấn, dự kiến đem về nguồn thu khoảng 700 - 800 triệu đồng/năm. Cây quýt có “tuổi thọ” thấp, chỉ tầm 4 - 5 năm, nhưng hiệu quả kinh tế cao, có thể sau một năm thu rộ là đã lấy lại vốn đầu tư. Khi cây đến tuổi phải nhổ bỏ thì cũng là lúc sầu riêng trồng xen phủ tán và bắt đầu có thu” - anh Sang chia sẻ.
 
Giống như nhiều nhà vườn khác, anh Sang cũng chọn cách đầu tư bài bản ngay từ đầu khi bắt tay vào làm vườn cây ăn trái. Đất được san bằng phẳng, hệ thống tưới nhỏ giọt và mương thoát nước được đầu tư ngay từ đầu nên mọi công đoạn chăm sóc hiện tại cũng nhẹ nhàng hơn. Anh cho biết: Yếu tố quan trọng nhất vẫn là kỹ thuật chăm sóc và tôi đang xây dựng vườn quýt theo mô hình sinh học. Về kỹ thuật chăm sóc, tôi chọn kỹ thuật để cây ra trái chuyền. Nghĩa là lúc nào trên một cây cũng có trái nhỏ, trái vừa và trái có thể thu hái để có sản phẩm bán quanh năm. Cách chăm sóc này đòi hỏi kỹ thuật và nhiều công hơn nhưng sẽ giảm rủi ro về giá cả thị trường hơn so với cách cho ra trái theo vụ mùa trong năm.
 
Cách vườn nhà anh Sang không xa, trên phần đất thuộc địa bàn xã Quảng Trị là vườn quýt của anh Nguyễn Thành Nhân rộng 4,7 ha. Là người quê gốc Cần Thơ, từng trải qua nhiều nghề buôn bán tự do, trong đó có thời điểm anh làm vựa trái cây và từng thuê đất để trồng quýt đường. Năm 2013, anh quyết định về Đạ Tẻh để mua đất trồng quýt. Nhờ áp dụng tốt các biện pháp khoa học kỹ thuật, đặc biệt là bí quyết tưới nước cốt cá tươi đã qua ủ và xử lý nên vườn quýt nhà anh phát triển rất tốt, năng suất đạt cao. Có thời điểm được giá, được mùa anh Nhân đã thu về tiền tỷ từ vườn quýt này.
 
Nhắc đến những vườn cây trái chuyên canh ở huyện Đạ Tẻh không thể không nhắc đến vườn của anh Nguyễn Hoàng Cường đầu tư trên địa bàn xã Đạ Lây và Hương Lâm. Đến hiện tại, anh Cường đã có khoảng 25 ha trồng chủ yếu là bưởi da xanh xen với quýt đường. Không phải ngẫu nhiên mà anh bỏ việc ở TP Hồ Chí Minh để về vùng đất này trồng cây ăn trái vào năm 2014. Trước đó, để chọn đất phù hợp anh đã nhiều lần lên đây lấy đất đưa đi kiểm nghiệm xem mức độ phù hợp với các loại cây có múi. Khi chất đất đảm bảo yêu cầu, anh đi “tầm sư” để học kỹ thuật trồng quýt, bưởi trên vùng đất mới. Đến hiện tại, anh đã có 14 ha cho thu hoạch, 7 ha đang trong giai đoạn kiến thiết và 4 ha đang xuống giống. Tất cả đều được đầu tư bài bản, đúng kỹ thuật ngay từ đầu. Hàng tháng, mẫu đất vẫn lấy để đưa đi kiểm nghiệm, kiểm tra nồng độ pH cũng như các yếu tố khác. 
 
Bước đi thận trọng 
 
Ở Đạ Tẻh, hiện có những vùng đất đang được rất nhiều người dân nơi khác lựa chọn để phát triển cây ăn trái là Hương Lâm, Đạ Lây, Quảng Trị, Triệu Hải, Đạ Kho… Đây là những diện tích có điều kiện về nguồn nước, đất đai bằng phẳng và chủ yếu được chuyển đổi từ vườn điều già cỗi, kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái và một số loại cây trồng khác. Ông Ngô Văn Tố, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Lâm cho biết: Đến hiện tại, toàn xã đã có 150 ha cây ăn trái các loại tập trung ở các thôn Hương Thanh, Hương Thành, Hương Sơn, Hương Thủy. Riêng trong năm qua, người dân trong xã đã chuyển đổi và trồng mới 30 ha cây ăn trái. Chủ trương của xã vẫn là vận động người dân chuyển đổi vườn điều kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả hơn, trong đó vẫn ưu tiên là trồng dâu nuôi tằm. Riêng đối với cây ăn quả thì rất khó để quy hoạch, chủ yếu vẫn là do người dân trồng tự phát. Tuy nhiên, xã vẫn khuyến khích người dân trồng ở những vùng đất có diện tích lớn và chủ động được nguồn nước. Đặc biệt, khuyến cáo người dân không nên trồng cây ăn trái ồ ạt để tránh tình trạng được mùa mất giá như vẫn thường xảy ra.
 
Vườn quýt được chăm sóc theo kỹ thuật thu hái trái chuyền của anh Phan Văn Sang. Ảnh: Đ.Anh
Vườn quýt được chăm sóc theo kỹ thuật thu hái trái chuyền của anh Phan Văn Sang. Ảnh: Đ.Anh

Hiện tại, nhiều hộ dân đang thu hoạch quýt cho rằng giá đang ở mức thấp và không có lời. Nhưng do cách chăm sóc theo kỹ thuật thu hoạch trái chuyền nên người dân cũng không mấy lo ngại. Vào những ngày cúng rằm hoặc lễ, tết thì trái cây được giá nên người dân sẽ thu hái nhiều hơn so những ngày thường. Theo ông Phan Văn Đương, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Hải, đối với các loại cây ăn trái thì đòi hỏi người dân phải có sự đầu tư rất lớn. Đến hiện tại, toàn xã đã có gần 130 ha cây ăn trái gồm sầu riêng, bưởi, quýt, măng cụt. Diện tích này chỉ phát triển mạnh một vài năm trở lại đây, riêng trong năm 2018, người dân đã tự phát triển gần 60 ha cây ăn trái các loại trên địa bàn xã. Quan điểm của xã là không khuyến khích dân chuyển đổi ồ ạt để tránh tình trạng đầu ra không ổn định, cần có những bước đi thận trọng để vừa đảm bảo việc chuyển đổi cây trồng phù hợp vừa đảm bảo về hiệu quả kinh tế.
 
Không như huyện Đạ Huoai đã hình thành những vùng chuyên canh cây ăn trái từ lâu, huyện Đạ Tẻh vẫn đang “chập chững” cho những bước đi đầu tiên hình thành nên những vùng chuyên canh cây ăn trái. Nhiều hội, nhóm về trồng cây ăn trái đã được thành lập ở huyện Đạ Tẻh với sự trợ giúp đắc lực của những lão nông cây trái ở huyện Đạ Huoai với mong muốn người dân nơi đây ngày càng nâng cao trình độ, kỹ thuật chăm sóc và phát triển vườn hộ chuyên trồng cây ăn trái hiệu quả. 
 
Ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết: Trong những năm qua, huyện đã đẩy mạnh chuyển đổi vườn tạp, vườn điều kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả cao hơn. Riêng trong năm 2018, huyện đã chuyển đổi 1.500 ha điều sang trồng các loại cây trồng khác theo thứ tự ưu tiên là dâu tằm, cây ăn trái, cao su, tầm vông... Riêng cây ăn trái, trong năm đã trồng mới gần 300 ha, nâng tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện lên gần 1.200 ha. Trong thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tiến hành đánh giá các vùng đất thích hợp để chuyển đổi trồng cây ăn trái. Phấn đấu trong 10 năm tới, Đạ Tẻh sẽ trở thành một trong những vùng phát triển cây ăn trái trọng điểm của tỉnh.
 
ÐÔNG ANH