Không thể lội hết trong những cánh rừng bạt ngàn, nhưng làm sao vẫn giám sát được "đời sống" của rừng và những nguy cơ bị xâm hại? Và nhờ sự trợ lực của những "mắt thần" sẽ giúp lực lượng kiểm lâm dõi trông màu xanh bạt ngàn núi non trên quê hương Lâm Ðồng.
Không thể lội hết trong những cánh rừng bạt ngàn, nhưng làm sao vẫn giám sát được “đời sống” của rừng và những nguy cơ bị xâm hại? Và nhờ sự trợ lực của những “mắt thần” sẽ giúp lực lượng kiểm lâm dõi trông màu xanh bạt ngàn núi non trên quê hương Lâm Ðồng.
|
Thiết bị flycam có thể quan sát những cánh rừng từ trên cao |
Ðưa công nghệ vào rừng
Những ngày giáp tết, tôi hẹn với Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, đặt vấn đề rằng tôi muốn nhìn thấy những cánh rừng của Lâm Đồng mà dẫu có khát khao chạm tới cũng không thể hiện nay ra sao. Chi cục trưởng Nguyễn Khang Thiên hẹn tôi một buổi làm việc, khi lên ông mở bản đồ rừng của Lâm Đồng cho tôi xem, ông chỉ cho tôi rừng nào là rừng đặc dụng, rừng nào là rừng phòng hộ, rừng nào là rừng sản xuất, còn chỗ kia một màu vàng đích thị là đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Ông chia sẻ, hiện nay, tỉnh Lâm Đồng có diện tích quản lý, bảo vệ rừng khá lớn với 596.157 ha, chiếm tỷ lệ 61% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó tỷ lệ che phủ rừng đạt 53,6%. Có được con số đó, là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ kiểm lâm, người dân và chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Khang Thiên còn khoe “hiện nay, lực lượng kiểm lâm đã có nhiều hệ thống thiết bị ứng dụng công nghệ thông minh trong việc bảo vệ và phát triển rừng được đầu tư từ ngành và nhiều dự án hỗ trợ. Tò mò về những công nghệ hỗ trợ ra sao cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, tôi liên hệ với Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, nơi vừa được hỗ trợ thiết bị bay không người lái flycam do Tổ chức JICA tài trợ nằm trong khuôn khổ hỗ trợ Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang giám sát tài nguyên rừng. Ông Lê Quang Minh, cán bộ Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà cho biết, từ tháng 6/2018, Vườn bắt đầu ứng dụng thiết bị flycam hay còn gọi là “mắt thần” kết hợp phần mềm Pix4D Mapper Pro để chụp, biên tập ảnh máy bay giám sát tài nguyên rừng. Tuy mới được triển khai không lâu nhưng công nghệ quay flycam đã và đang tạo ra những đột phá mới mẻ trong công tác thu thập thông tin dữ liệu, nhờ hệ thống định vị chính xác và quan sát trực quan hiện trạng rừng biến động trong điều kiện di chuyển trên hiện trường khó khăn, hiểm trở. Việc phổ biến công nghệ flycam vào thực tiễn sẽ cho phép các cán bộ kỹ thuật có thể ngồi ở nhà và theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp qua từng năm, các tác động bồi đắp của tự nhiên và sạt lở do biến đổi khí hậu từ “trên trời” mang lại. Trước đây, nếu muốn có những thước phim và ảnh chụp từ trên cao, phải sử dụng đến trực thăng với chi phí rất tốn kém và đòi hỏi phải sử dụng cán bộ có trình độ chuyên môn cao trong quay phim, chụp ảnh. Giờ chỉ bằng các chuyến bay đơn giản và một hệ thống được lập trình để xử lý hình ảnh là đã có các thước phim chân thực và quý giá, việc tiếp theo còn lại chỉ là tập huấn cho cán bộ cách thực hiện các chuyến bay và điều chỉnh máy quay, sử dụng hệ thống xử lý hình ảnh nhuần nhuyễn.
Có dịp ngồi trò chuyện với ông Võ Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT mới hay, Lâm Đồng là tỉnh có diện tích rừng lớn, chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến vấn đề quản lý và bảo vệ rừng. Qua đó, tỉnh đã có những nguồn vốn để đầu tư vào các công nghệ bên cạnh sự quan tâm của các tổ chức trong và ngoài nước tài trợ hệ thống công nghệ hiện đại vào việc “quản rừng”. Điển hình như, tại Di Linh, sau hơn một năm được đưa vào sử dụng hệ thống Terra-i về hiện trạng sử dụng đất được cung cấp miễn phí tại trang web của Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế khu vực châu Á (viết tắt là CIAT), đã giúp nhận được thông tin cảnh báo sớm về nguy cơ mất rừng trên địa bàn. Việc triển khai Terra-i ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng còn đem lại ý nghĩa như giám sát chặt chẽ các trang trại/diện tích trồng cà phê; giám sát việc thực hiện các dự án bảo tồn, thủy điện... Và “Bản đồ rừng được xây dựng bởi hệ thống Terra-i” cho ta biết vị trí nào là rừng ở huyện Di Linh, từ đó hệ thống sẽ tự động phát hiện những thay đổi ở khu vực được xác định là rừng… Về số liệu và thông tin cảnh báo mất rừng từ hệ thống Terra-i mang tính kịp thời cao do cập nhật theo hình thức quản lý thời gian thực. Cứ sau 16 ngày cung cấp một lần; đưa ra được mức cảnh báo tại mỗi điểm với 3 mức độ ưu tiên là cao, trung bình, thấp, tương ứng với diện tích được phát hiện có sự thay đổi tại địa điểm đó. Trên cơ sở này các Hạt Kiểm lâm và đơn vị chủ rừng có cơ sở để lập kế hoạch tăng cường tuần tra mặt đất, xác định hoàn thiện dữ liệu các nguyên nhân gây mất rừng và suy thoái rừng kịp thời. Qua đó, đưa ra cảnh báo giúp các đơn vị liên quan tham gia trong công tác quản trị rừng có được những thông tin cập nhật, giảm chi phí theo dõi nhưng lại đề ra hành động ứng phó kịp thời.
Ngoài những thiết bị hiện đại trên, lực lượng “Cảnh sát rừng” Lâm Đồng còn được trang bị các hệ thống thiết bị di động áp dụng công nghệ viễn thám và GIS có sử dụng ảnh VNREDSat-1; thiết bị ghi dữ liệu hành trình Qstarz BT-Q1000XT để giám sát việc tuần tra khoán quản lý, bảo vệ rừng của hộ gia đình mà phổ biến nhất hiện nay là sử dụng máy tính bảng có cài sẵn phần mềm cập nhật diễn biến rừng. Toàn bộ dữ liệu rừng, đất lâm nghiệp được theo dõi và lưu trữ trong một bộ cơ sở dữ liệu trung tâm, được cập nhật và kết xuất, cung cấp thông tin báo cáo bất kỳ thời điểm nào phục vụ việc quản lý, điều hành. Thông qua máy tính bảng, smartphone, tích hợp hệ thống FORMIS để theo dõi, báo cáo diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp. Tại đây, hệ thống cho phép người dùng điều tra, thu thập thông tin hiện trường, cung cấp dữ liệu đầu vào cho hệ thống theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp chung, trên cơ sở dữ liệu nền kiểm kê rừng toàn quốc. Ông Nguyễn Khang Thiên cho biết thêm: Khi đưa công nghệ vào công tác quản lý rừng, “lính rừng” sẽ nhanh chóng phát hiện ra những vụ cháy rừng, các điểm khai thác rừng trái pháp luật, qua đó giúp các đơn vị quản lý có những phương án phòng, chống kịp thời, hiệu quả nhất; đồng thời giúp họ theo dõi diễn biến rừng của khu vực quản lý, bảo vệ theo định kỳ, với các cơ sở dữ liệu cập nhật và bằng chứng theo thời gian.
Tuần tra trên đầu ngón tay
Khi mà cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang dấy lên vô cùng mạnh mẽ, mở ra cơ hội cho tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lâm nghiệp. Và, trong thời gian qua, lực lượng kiểm lâm đã từng bước áp dụng công nghệ vào lĩnh vực bảo vệ rừng, để theo dõi diễn biến rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng…
|
Cán bộ kiểm lâm điều khiển thiết bị flycam |
Ông Trịnh Văn Tiến, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Lạc Dương bồi hồi nhớ lại, vào những năm 2005, khi ấy ông vẫn còn là cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Đưng K’Nớ, thời ấy điện thoại liên lạc còn chưa phổ biến đừng nói gì tới công nghệ hỗ trợ nghề rừng. Anh em cán bộ kiểm lâm cứ liên tục luân phiên bất kể ngày đêm đi tuần tra rừng. Nơi ăn, nghỉ của các anh là những lều lán di động, nên thiếu thốn, khó khăn đủ bề. Rừng quá mênh mông, trong khi sức lực của đội ngũ kiểm lâm rất nhỏ bé so với đại ngàn. Ông Tiến nói: Kể lại lịch sử những chuyến đi rừng ngày xưa, để nói rằng, hiện nay, nhờ các thiết bị công nghệ, nghề đi rừng của anh em đỡ vất vả rất nhiều, với một vài thao tác anh em có thể cập nhật diễn biến rừng chỉ bằng các máy tính bảng và smartphone.
Ông Nguyễn Văn Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đức Trọng chia sẻ: Ngày xưa, khi đi tuần tra rừng, lực lượng kiểm lâm phải sử dụng bản đồ bằng giấy và la bàn, khi phát hiện ra một vụ phá rừng, anh em phải dùng thước dây để đo, đếm nay có thiết bị GPS thì không ai dám sử dụng bởi tâm lý sợ hỏng thiết bị. Khi cuộc cách mạng công nghệ thông tin phát triển, đòi hỏi các cán bộ kiểm lâm phải học hỏi để áp dụng thuận lợi cho công việc của mình. Nếu như trước đây, việc đi tuần rừng thực sự là “không kham nổi” do diện tích rừng trên địa bàn lớn, trong khi lực lượng kiểm lâm lại quá mỏng, nay khi áp dụng được những công nghệ vào công tác quản lý, bảo vệ rừng thì công việc trở nên tốt hơn.
Trước kia, khi có bất kỳ tác động nào vào rừng như phá rừng, cháy rừng, xâm lấn đất lâm nghiệp…, chủ rừng và cơ quan chức năng phải đến địa điểm đó, dùng máy định vị ghi lại tọa độ, tiếp đó sẽ phải sử dụng thêm máy tính, bản đồ… mới xác định được diện tích, vị trí, thiệt hại. Nhưng hiện tại, lực lượng kiểm lâm, các chủ rừng và người dân tham gia tuần tra rừng đã và đang hướng tới việc đi tuần từ những chiếc máy tính, điện thoại thông minh. Ông Liêng Hót Ha Bran, cán bộ tuần tra bảo vệ rừng Thôn 1, xã Liêng S’rônh, Đam Rông chia sẻ: “Được các cán bộ tập huấn sử dụng chiếc điện thoại thông minh để tuần tra rừng, đến nay, tôi đã sử dụng thành thạo các thao tác. Chính nhờ việc đi tuần rừng và theo dõi diễn biến rừng trong chính chiếc điện thoại di động của mình, mà công tác tuần tra, quản lý và bảo vệ rừng trên diện tích tôi nhận khoán tốt hơn rất nhiều. Bởi mọi diễn biến của rừng đã được cập nhật, để từ đó tôi sẽ có biện pháp báo cho lực lượng chức năng ngăn chặn kịp thời”.
Ông Nguyễn Khang Thiên khẳng định, việc áp dụng công nghệ vào quản lý rừng là việc cần thiết hiện nay, bởi nếu không có công nghệ, việc quản lý sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, và hiệu quả của công tác quản lý sẽ không cao. Khi được hỏi liệu việc áp dụng công nghệ ở đây có gặp khó khăn, ông Thiên cho biết: Việc áp dụng công nghệ khó hay dễ là do kiểm lâm ở đó có nhận thức được sự quan trọng của công nghệ hay không thôi. Hiện nay, Lâm Đồng cũng đã được rất nhiều tổ chức hỗ trợ các thiết bị công nghệ và phổ quát máy tính, smartphone cho các trạm kiểm lâm để đưa công tác quản lý, bảo vệ rừng một cách tốt nhất.
Ông Võ Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận, nếu những cánh rừng Việt Nam được “số hóa”, được quản lý, bảo vệ theo nền tảng nguyên tắc 4.0 thì chắc chắn mọi thứ sẽ trở nên đơn giản và minh bạch vô cùng. Khi đó, lực lượng kiểm lâm và chủ rừng sẽ hạn chế được việc đi lại, giám sát ở trong rừng. Thay vào đó, họ chỉ cần “bước vào thế giới công nghệ” để đi tuần rừng. Đây được coi là một bước đột phá trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, nên trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ trình UBND tỉnh những kế hoạch trang bị thêm các thiết bị công nghệ mới như công nghệ viễn thám, quản lý địa hình địa lý toàn cầu, cảnh báo phòng cháy chữa cháy, cập nhật theo dõi diễn biến rừng ngành lâm nghiệp để bảo vệ rừng Lâm Đồng ngày càng thêm xanh.
HOÀNG YÊN