Nâng tầm thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành"

09:02, 10/02/2019

Trong lễ công bố thương hiệu "Ðà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu: "Ðây là niềm tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm, là sự cam kết sẽ giữ trọn niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các mặt hàng nông sản và thương hiệu du lịch Ðà Lạt - Lâm Ðồng trong thời gian tới".

Trong lễ công bố thương hiệu “Ðà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu: “Ðây là niềm tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm, là sự cam kết sẽ giữ trọn niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các mặt hàng nông sản và thương hiệu du lịch Ðà Lạt - Lâm Ðồng trong thời gian tới”. Nhân dịp đầu Xuân 2019, PV Báo Lâm Ðồng có cuộc trao đổi với TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh về nội dung thương hiệu này.
 
TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh (người đứng thứ 4 từ phải qua) cùng Đoàn công tác Ban hợp tác Liên bang Nga gặp gỡ, tọa đàm về du lịch canh nông tại Đà Lạt
TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh (người đứng thứ 4 từ phải qua) cùng Đoàn công tác
Ban hợp tác Liên bang Nga gặp gỡ, tọa đàm về du lịch canh nông tại Đà Lạt

PV: Thưa TS! Vấn đề quảng bá thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm mang thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” trong thời gian qua bao gồm những nội dung nào?
 
TS Phạm S: Trong thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các ngành có liên quan dành nhiều thời gian và nguồn lực, đồng thời tiến hành đa dạng các hình thức quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và quảng bá ở nước ngoài; xây dựng trang thông tin về thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Xây dựng website thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” phục vụ người tiêu dùng trong việc truy cập, tìm kiếm các sản phẩm chất lượng mang thương hiệu này. Truyền thông, quảng bá hai loại hình du lịch canh nông: “Một điểm dừng” và “Tuyến điểm”. Lắp đặt một số pano tấm lớn trên các Quốc lộ 20, 27, 27C… để phục vụ quảng bá các nhãn hiệu nông sản đến với Nhân dân và du khách.
 
Hợp tác với các trung tâm phân phối nông sản lớn, đơn vị dịch vụ du lịch, tham gia chuỗi chương trình truyền hình (chương trình đối thoại chia sẻ thông tin kinh nghiệm sản xuất nông sản Lâm Đồng, quảng bá hình ảnh, sản phẩm nông sản Lâm Đồng…). Tổ chức gắn logo, nhãn bao bì đóng gói sản phẩm cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ sử dụng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đối với các sản phẩm: rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông trên địa bàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận. Tuyên truyền cho các đối tượng: hộ nông dân, HTX, tổ hợp tác, các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất hoặc tham gia vào chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ, giúp nâng cao ý thức, thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị thương hiệu trong quá trình triển khai thực hiện. 
 
PV: Chúng ta kỳ vọng các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của Đà Lạt - Lâm Đồng sẽ có vị thế vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế, xin ông chia sẻ những tín hiệu vui qua một năm xây dựng và phát triển thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”?
 
TS Phạm S: Quyết định số 5117/KH-UBND phê duyệt kế hoạch hành động phát triển và quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” giai đoạn 2017-2020, đây là vấn đề rất lớn và mới trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay. Việc xây dựng thương hiệu này được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng các doanh nghiệp và người dân trong tỉnh. 
 
UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 2644/ QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn Lâm Đồng và QĐ số 2291/QĐ- UBND ban bành bộ tiêu chí công nhận mô hình “Tuyến du lịch canh nông” và “Điểm du lịch canh nông” trên địa bàn tỉnh. Du lịch canh nông của tỉnh hiện nay đứng đầu cả nước, góp phần tạo đột phá cho ngành du lịch Lâm Đồng, là một trong những điểm đến hấp dẫn để thu hút du khách, đồng thời đã mang lại giá trị tổng hợp ngành nông nghiệp rõ nét. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 40 điểm du lịch canh nông, trong đó có 28 điểm đã được cấp giấy chứng nhận. 
 
Quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” qua nhiều kênh. Hơn 10.000 tập gấp, tờ rơi về nhãn hiệu rau, hoa, cà phê Arabica, ấn phẩm, clip quảng cáo các loại hình du lịch canh nông phát hành miễn phí đến người tiêu dùng. Kết hợp quảng bá, giới thiệu thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” tại các buổi làm việc, hội nghị, tiếp các đoàn khách quốc tế đến làm việc tại Lâm Đồng, các hoạt động kết nối giao thương giữa tỉnh Lâm Đồng với các thành phố lớn trong nước và các thị trường xuất khẩu mục tiêu như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Bỉ. Do đó, các nông sản rau, hoa, cà phê Arabica năm 2018 luôn mở rộng thị trường trong và ngoài nước theo xu hướng tích cực; du lịch canh nông ngày càng có tính chuyên nghiệp cao, thu hút lượng du khách trong và ngoài nước cao hơn năm 2017.
 
PV: Để thúc đẩy các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương phát triển và tạo đòn bẩy thu hút khách du lịch nhờ có thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, những định hướng của tỉnh về hoạt động quảng bá thương hiệu trong thời gian tới là gì, thưa ông?
 
TS Phạm S: Tiếp tục triển khai kế hoạch hành động phát triển và quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đến năm 2020. Nghiên cứu, bổ sung thêm các hình thức tuyên truyền, quảng bá mới đảm bảo tính hiệu quả cao, có tác động lớn đến du khách và thị trường tiêu thụ nông sản chất lượng cao. Xác định rõ các hình thức quảng bá; lựa chọn thời điểm, cách thức triển khai các chương trình quảng bá phù hợp. Ưu tiên xây dựng chương trình quảng bá, tuyên truyền cho các đối tượng: hộ nông dân, HTX, tổ hợp tác, các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất hoặc tham gia vào các chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ, giúp nâng cao ý thức, thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm.
 
Quảng bá nâng cao giá trị thương hiệu với những định hướng cơ bản: Đối với sản phẩm rau, tập trung quảng bá vào kênh bán lẻ hiện đại, siêu thị, siêu thị mini, thị trường trong nước và xuất khẩu. Quảng bá sản phẩm hoa qua các kênh tiêu thụ hoa hiện đại, siêu thị, shop hoa và xuất khẩu… Sản phẩm cà phê Arabica: quảng bá qua các quán cà phê trung và cao cấp, các hệ thống bán buôn, bán lẻ hiện đại, siêu thị, siêu thị mini, kết hợp chặt chẽ với tập đoàn cà phê UCC (Nhật Bản) và Starbucks (Hoa kỳ) trong việc cung cấp nguyên liệu cà phê nhân. Quảng bá du lịch canh nông: Kết nối với các công ty lữ hành khai thác lượng du khách quan tâm đến du lịch canh nông, hợp tác với các trường học, các chương trình du lịch tổ chức cho du khách tham gia những hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu, nghiên cứu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ. 
 
PV: Thưa TS! Với tốc độ thay đổi hiện tại và khả năng ứng dụng cuộc CMCN 4.0 thì vấn đề thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cần có hướng tiếp cận, sử dụng, khai thác như thế nào để gia tăng giá trị của sản phẩm mang thương hiệu này?
 
TS Phạm S: Cuộc CMCN lần thứ 4 có tác động đến nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực du lịch và nông nghiệp. Để tiếp tục xây dựng và quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đáp ứng yêu cầu mới, chúng ta cần triển khai một số giải pháp như sau: Tiếp tục có những chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân huy động các nguồn lực nhằm tạo đột phá cho nông nghiệp thông minh 4.0 và du lịch thông minh với lộ trình và nguồn lực hợp lý. Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 để làm cơ sở tiếp cận và triển khai sát điều kiện cụ thể của ngành, địa phương, doanh nghiệp và trạng trại để chọn lựa các giải pháp công nghệ phù hợp. 
 
Các địa phương tiếp tục làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao đồng bộ về nông nghiệp thông minh 4.0 và du lịch canh nông, bao gồm: cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cán bộ khoa học và nông dân để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp thông minh 4.0. Mở rộng hợp tác quốc tế về nông nghiệp thông minh 4.0 và du lịch canh nông để tiếp cận trình độ khoa học công nghệ và cách quản trị, cũng như tiếp thu công nghệ thế giới nhằm rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả sản xuất. 
 
Tăng cường khả năng dự báo thị trường làm cơ sở định hướng sản xuất rau, hoa và cà phê Arabica có hiệu quả. Tiếp tục ứng dụng các công nghệ cao trên cơ sở nền tảng công nghệ thông tin, quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” hấp dẫn, ấn tượng nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm mang thương hiệu, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Dựa vào lợi thế so sánh nông sản của địa phương để có chiến lược triển khai nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh 4.0, nông nghiệp hữu cơ để phát triển nông nghiệp bền vững đến năm 2025. Tiếp tục ban hành những chính sách phù hợp với thực tiễn để phát triển nông sản chất lượng cao và du lịch canh nông.
 
Với cách tiếp cận và lộ trình phù hợp, tỉnh đã đầu tư nguồn lực tài chính, nhân lực khá lớn, cùng với quyết tâm cao trong hành động quản lý chất lượng nông sản và du lịch canh nông, hy vọng trong tương lai thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” sẽ trở thành thương hiệu số một Việt Nam và là thương hiệu mạnh tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
 
PV: Xin cảm ơn TS!
 
AN NHIÊN (thực hiện)