Những môn sinh đến từ châu Âu

09:02, 10/02/2019

Họ không phải là những môn sinh bình thường mà là những võ sư, huấn luyện viên người nước ngoài đang truyền bá Võ cổ truyền Việt Nam tại châu Âu. Cứ có dịp, họ lại có những chuyến sang Việt Nam để luyện võ với điểm đến là Đà Lạt.

Họ không phải là những môn sinh bình thường mà là những võ sư, huấn luyện viên người nước ngoài đang truyền bá Võ cổ truyền Việt Nam tại châu Âu. Cứ có dịp, họ lại có những chuyến sang Việt Nam để luyện võ với điểm đến là Đà Lạt.  
 
Từ Milan - Ý
 
Võ sư Emanuele Gerardi
Võ sư Emanuele Gerardi
Những chuyến đến Việt Nam này, với võ sư Emanuele Gerardi, 40 tuổi, người Ý, một kỹ sư thiết kế máy móc cơ khí, là một cuộc về nguồn với Võ cổ truyền (VCT) Việt Nam, là một dịp để ông tìm hiểu thêm về con người, phong tục, tập quán, văn hóa của người Việt, là cơ hội để ông rèn võ ngay trên vùng đất đã sản sinh ra môn võ này.
 
Emanuele từ nhỏ sinh sống với gia đình tại một vùng ngoại ô thành phố Turin - Ý, năm 10 tuổi ông được gia đình đưa tới một phòng tập Karaté do - môn võ Nhật, để học tự vệ và cho khỏe người, ông thích võ từ đó. 
 
2 năm sau, cả nhà ông chuyển đến Milan - một thành phố lớn của Ý. Thành phố này, vào thời đó, gia đình tìm mãi không có phòng tập Karate nào, thay vào đó là một phòng tập VCT Việt Nam của một võ sư người Ý huấn luyện. Vị võ sư này từng sang Pháp thụ giáo VCT Việt Nam và về mở phòng tập ở đây. Thế là Emanuele thử tập VCT Việt Nam rồi gắn bó từ đó đến nay. 
 
Khi tốt nghiệp đại học, Emanuele làm việc trong một hãng sản xuất động cơ, dù công việc bận rộn nhưng hằng ngày ông vẫn duy trì tập võ. Trong một mùa hè, theo lời giới thiệu, ông đã sang Pháp học VCT Việt Nam nâng cao với võ sư Phạm Xuân Tòng - một người Pháp gốc Việt với môn Quán khí đạo và rồi về Milan mở một phòng tập VCT Việt Nam. 
 
Tại phòng tập này, Emanuele cho biết đang duy trì 3 lớp học hằng ngày, một lớp nâng cao cho người lớn, 1 lớp căn bản cho thiếu nhi và một lớp tự vệ nữ, tổng số học viên khoảng 50 người, phòng tập mở cửa buổi chiều tối sau giờ làm và trong những ngày nghỉ. 
 
Và rồi vào một dịp trong năm 2015, ông biết đến võ sư Trương Văn Bảo. Là Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn Liên đoàn VCT Việt Nam, võ sư Bảo cùng các thành viên của Liên đoàn VCT Việt Nam hằng năm thường có các chuyến tập huấn cho các võ sư, huấn luyện viên VCT Việt Nam trên khắp châu Âu theo lời mời. Trong lớp tập huấn kéo dài 1 tuần như thế tại Paris - Pháp do võ sư Trương Văn Bảo trực tiếp huấn luyện, ông đã đề nghị với võ sư Bảo muốn đến Việt Nam để học võ.    
 
Thế là ngay cuối năm 2015, võ sư Emanuele đã thu xếp thời gian để lên đường sang Việt Nam, điểm đến của ông là võ đường Trần Hưng Đạo của võ sư Trương Văn Bảo tại thành phố Đà Lạt. Giữa năm 2017 ông trở lại Việt Nam một lần nữa và trong tháng 10 năm 2018 vừa rồi ông lại sang tiếp ở đây. Mỗi chuyến đi sang Việt Nam, sang Đà Lạt như vậy chừng khoảng 20 ngày, ông không đi du lịch ở bất kì đâu, chỉ chuyên tâm ở lại Đà Lạt luyện tập với võ sư Trương Văn Bảo hằng ngày, hết đợt học lại lên đường quay về Ý. 
 
Từ nước Đức
 
Không đi một mình như võ sư Emanuele Gerardi ở trên, võ sư Christian Kronenbitter, 6 đẳng, 60 tuổi, người Đức, đã đưa 2 thành viên của gia đình mình gồm vợ Christine, 52 tuổi và con trai Korbinian Bachhuber, 28 tuổi đi cùng khi làm chuyến “hành hương” về với đất võ Việt Nam, với Đà Lạt. 
 
Tại Đức, gia đình võ sư Christian sinh sống tại Konstanz - một thành phố nhỏ thanh bình với khoảng 80 nghìn dân nằm ở phía Nam nước Đức, gần biên giới với Thụy Sỹ. Tại đây, gia đình ông có một phòng tập VCT Việt Nam mở cửa hằng ngày và cả nhà ông gồm vợ và 3 con trai đều tập luyện và tham gia dạy VCT Việt Nam.
 
Theo võ sư Christian, ông bắt đầu tập võ từ năm 25 tuổi, lúc đầu tập Karaté do của Nhật, sau đó học thêm Công Phu của phái Thiếu Lâm - Trung Quốc. Trong một dịp tình cờ ông biết đến VCT Việt Nam, muốn tìm hiểu về môn võ này nên ông đã sang Pháp để tập tại võ đường võ sư Bernard Võ Đình Quang tại Paris. Võ sư Bernard Võ Đình Quang có cha là người Việt, mẹ là người Đức hiện đang sinh sống và dạy VCT Việt Nam tại Paris với môn sinh rất đông. 
 
Khi tiếp xúc với VCT Việt Nam, ngay từ đầu ông Christian cho biết đã có sức hút mãnh liệt với ông. Thế là ông thụ giáo môn võ này một cách chính thức và khi trở về Đức, ông mở phòng tập VCT Việt Nam tại thành phố mình sinh sống, dạy VCT Việt Nam cho môn sinh và cho cả nhà ông gồm vợ và các cậu con trai từ nhỏ. Vợ ông, bà Christine nay cũng là một võ sư VCT Việt Nam 3 đẳng, cả 3 cậu con trai của ông cũng lần lượt trở thành huấn luyện viên VCT Việt.
 
Cũng như võ sư Emanuele, võ sư Christian biết võ sư Trương Văn Bảo qua một đợt tập huấn tại Paris - Pháp. Ngay sau đó, ông đã thu xếp để đưa cả nhà ông sang Đà Lạt luyện võ gần nửa tháng. Chuyến đi lần sau này, do 2 cậu con trai nhỏ bận học nên chỉ có ông, vợ ông và anh con trai lớn đi cùng.  
 
“Nếu ai chịu khó học hỏi một chút sẽ thấy rằng VCT Việt Nam có rất nhiều kỹ thuật chiến đấu rất độc đáo, có những đòn thế không cần hoa mỹ nhưng hiệu quả cực cao. Đây là môn võ của một dân tộc bất khuất, yêu nước, có truyền thống văn hóa lâu đời nên ở Đức rất nhiều người hâm mộ” - võ sư Christian cho biết. Cùng đó, theo bà Christine, VCT Việt cũng rất thích hợp với nữ giới trong tự vệ cận chiến. 
 
Riêng anh Korbinian Bachhuber, con trai võ sư Christian, học VCT Việt Nam đã giúp anh có rất nhiều bạn bè trên khắp châu Âu. “Ở Đức và nhiều nước ở châu Âu hiện nay có không ít các võ đường VCT Việt Nam, thỉnh thoảng chúng tôi lại tổ chức các chuyến giao lưu thi đấu với nhau, hình thành một cộng đồng tập võ Việt xuyên qua các quốc gia”. Anh đã quyết định chọn nối nghiệp võ của gia đình và đang dự định mở một võ đường VCT Việt Nam tại vùng Baravia của Đức.
 
Gia đình võ sư Christian Kronenbitter cùng võ sư Trương Văn Bảo (thứ hai từ phải qua) tại Đà Lạt
Gia đình võ sư Christian Kronenbitter cùng võ sư Trương Văn Bảo (thứ hai từ phải qua) tại Đà Lạt
Những sứ giả về văn hóa
 
Theo võ sư Trương Văn Bảo, trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm ông tiếp khoảng 50 võ sư, huấn luyện viên từ nhiều nơi trên thế giới đến võ đường của ông tại Đà Lạt để thụ giáo. Có những người đến từ châu Phi như  Marốc, Tuynidi; từ Bắc Mỹ như Canada, Mỹ; từ các nước Trung Đông; nhưng nhiều nhất vẫn là từ châu Âu như Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha…
 
Là những võ sư, huấn luyện viên có võ đường và trực tiếp huấn luyện môn sinh, nhiều người mang đẳng rất cao trong võ thuật, mục tiêu đến Đà Lạt là để nâng cao trình độ nên võ sư Trương Văn Bảo chủ yếu giới thiệu với họ các kỹ thuật nâng cao trong các bài quyền VCT Việt Nam như Lão Mai, Ngọc Trản, Hùng Kê Quyền...; giới thiệu kỹ thuật nâng cao các bài binh khí côn, đao, kiếm Việt Nam, giới thiệu kỹ thuật tự vệ cận chiến...
 
Nhưng không chỉ võ thuật, võ sư Bảo cho biết, ông còn giới thiệu với họ về lịch sử bất khuất của dân tộc Việt, về truyền thống yêu nước thể hiện trong các bài võ, phân tích các thế đánh độc đáo của người Việt với các môn võ khác, giới thiệu tính văn hóa trong VCT Việt, giới thiệu phong tục tập quán người Việt cùng với triết lý võ Việt.
 
 “Họ là những người khách đến Việt Nam để tìm hiểu võ Việt, nhưng sâu bên trong VCT chúng ta chứa đựng cả nền văn hóa Việt, nhiệm vụ của chúng ta là phải giới thiệu được với họ, cho họ biết về văn hóa, về con người Việt Nam yêu nước, bất khuất, kiên cường, dũng cảm nhưng cũng hiền hòa mến khách, yêu chuộng hòa bình. Phải làm sao cho họ hiểu và yêu nền văn hóa Việt để rồi chính họ là những sứ giả đưa VCT và nền văn hóa Việt Nam đi muôn nơi” - võ sư Trương Văn Bảo suy nghĩ. 
 
VIẾT TRỌNG