Họ đã từ chối hoặc không chọn cho mình con đường bằng phẳng để đi. Họ chọn cách đi "ngược dòng" để thử thách bản thân và tạo nên nhiều điều thú vị…
Họ đã từ chối hoặc không chọn cho mình con đường bằng phẳng để đi. Họ chọn cách đi “ngược dòng” để thử thách bản thân và tạo nên nhiều điều thú vị…
Huy “MaliCubu”
Tốt nghiệp 2 ngành Tâm lý học và Quản trị kinh doanh tại Đại học Macquarie (Úc) nhưng Mai Nguyễn Đình Huy (31 tuổi, phường B’Lao, TP Bảo Lộc) lại từ chối hướng đi đã được dọn sẵn để chọn con đường là đam mê của riêng mình.
|
Mai Nguyễn Đình Huy và tuyệt phẩm MaliCubu do anh tự chế tạo |
Có lẽ, ít ai biết người Việt duy nhất chạy bộ cùng với “siêu” vận động viên marathon người Úc - Pat Farmer trong hành trình “Nối liền một dải Việt Nam” cách đây 6 năm chính là Mai Nguyễn Đình Huy. Thời gian du học ở Úc, Huy tình cờ đọc trên báo và biết được vận động viên Lisa Tamati đã thực hiện một hành trình chạy bộ chinh phục chiều dài đất nước New Zealand xinh đẹp. Kể từ đó, Huy bắt đầu tập chạy bộ và lên kế hoạch thực hiện hành trình chạy bộ xuyên Việt với mong muốn chứng minh cho cả thế giới biết tinh thần của tuổi trẻ Việt Nam. Để thực hiện ước mơ này, Huy đã tìm gặp vận động viên marathon Pat Farmer để học hỏi kinh nghiệm và mời gọi ông cùng chạy bộ dọc chiều dài đất nước Việt Nam. Sau đó, Đình Huy và Pat Farmer đã đăng ký tham gia hành trình “Nối liền một dải Việt Nam” - hoạt động nằm trong Chương trình kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt - Úc và gây quỹ cải thiện - cung cấp nước sạch cho người nghèo.
Hành trình chạy xuyên Việt của Đình Huy bắt đầu từ ngày 9/12/2012 và kết thúc vào ngày 15/1/2013 vượt qua 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đình Huy cho biết: “Sau hành trình “Nối liền một dải Việt Nam”, đến nay đã có hàng trăm dự án nước sạch được Úc và nhiều nước trên thế giới tài trợ cho người nghèo thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Đó là điều khiến Huy cảm thấy hạnh phúc và tự hào”.
Trở về Việt Nam, nhiều người biết đến Đình Huy với vai trò là người chế tạo thiết bị xe máy. Đây được xem là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của Đình Huy. Sau biến cố em trai mất đột ngột, Huy trở về Bảo Lộc và bắt tay vào chế tạo chiếc xe với tên gọi MaliCubu (gọi tắt là Cubu - biệt danh người em trai quá cố của mình). Phiên bản xe nghệ thuật của Đình Huy được thực hiện theo phong cách Freestyle và không hề theo bất kỳ quy tắc truyền thống nào trên thị trường. Để hoàn thành tác phẩm này, Đình Huy phải mất thời gian khoảng 2 năm, với tổng thời gian làm việc liên tục khoảng 2.500 giờ. Chiếc xe có ngoại hình cực độc với hệ thống lái Hub Center Steering (gọi tắt là HCS) cùng nhiều chi tiết đặc biệt mang phong cách và ý tưởng riêng của chàng trai 8X. Phần khung sườn của Cubu được chế theo kiểu Omega Frame (hình chữ C) và hệ thống lái HCS là những bộ phận quan trọng nhất và tạo điểm độc đáo là “linh hồn” của xe. Nguyên lý làm việc của hệ thống lái HCS khiến Cubu trở nên đặc biệt. Thay vì có hệ thống lái trực tiếp từ tay lái xuống bánh xe thông qua phuộc trước kép như mô tô truyền thống thì hệ thống lái HCS điều khiển gián tiếp bánh trước thông qua hệ thống trục giữa và tay đòn, tạo vẻ độc đáo “có một không hai”. Cùng với đó, hệ thống giảm xóc trước sau của xe cũng được Đình Huy nghiên cứu và áp dụng theo nguyên tắc đòn bẩy (nằm ngang - đi ngược với thiết kế thông thường là thẳng đứng). Còn nhiều chi tiết khác của chiếc xe như: bộ ly hợp, két nước block máy… anh đều thực hiện rất chuyên nghiệp từ việc ra ý tưởng, vẽ bằng các phần mềm chuyên dụng và cuối cùng gia công bằng máy phay CNC do Huy lập trình. Cuối cùng, chìa khóa của Cubu được thay bằng dàn nút điều khiển và công tắc. Khi muốn khởi động người lái phải gạt đúng 3 công tắc thì chiếc xe mới nổ máy.
Hiện, Huy đã tạo dựng thương hiệu riêng M-Rev với sản phẩm chế tạo chủ lực là dĩa tải dùng cho tất cả các dòng xe máy từ 110 đến các dòng xe phân khối lớn.
Huy “Photo&Bike”
|
Huy Nguyễn trong chuyến tác nghiệp tại một giải marathon ở TP Hồ Chí Minh |
Cũng sinh ra và lớn lên ở vùng đất B’Lao, chàng trai Huy Nguyễn lại mang trong mình trăn trở phải làm sao cho cộng đồng cảm nhận được vẻ đẹp gần gũi của nhiếp ảnh nghệ thuật? Hiện, Huy Nguyễn được giới nhiếp ảnh ở Bảo Lộc biết đến với biệt danh Huy “Photo&Bike” bởi niềm đam mê nhiếp ảnh luôn gắn liền với niềm đam mê xe đạp.
Huy Nguyễn kể lại rằng, tham gia sân chơi nhiếp ảnh, anh nhiều lần được đi sáng tác cùng những nhiếp ảnh gia nổi tiếng: Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Bá Hảo, Nick Út, Nguyễn Á, Hoàng Thế Nhiệm, Hoàng Thạch Vân... Qua những lần đi đó, ngoài việc học được các kỹ năng sáng tác hình ảnh, Huy Nguyễn còn thấy và hiểu thêm những cống hiến thầm lặng của người nghệ sĩ để mang đến cho đời những bức ảnh đẹp về quê hương, đất nước, con người.
Thừa nhận chịu nhiều ảnh hưởng từ những bậc thầy kể trên nhưng anh luôn ý thức tìm kiếm một phong cách sáng tác riêng. “Thú thật mới đầu tôi cũng chưa hình dung mình nên đi theo phong cách nào. Bởi những gì cần làm thì các lão làng nhiếp ảnh đều đã làm cả. Mình có dành trọn cuộc đời để đi theo con đường của những nghệ sĩ bậc thầy này thì cũng là điều không thể. Trình độ và quá trình cống hiến của các lão làng nhiếp ảnh đó đã đi quá xa mình rồi” - Huy Nguyễn tâm sự. Tuy nhiên, nhiếp ảnh là không biên giới, luôn có những đề tài cho người nghệ sĩ sáng tác, nếu thật sự đam mê và dấn thân. Thế nên, một thời gian sau, anh đã chọn được phong cách sáng tác cho mình: Đưa nhiếp ảnh nghệ thuật đến gần hơn với số đông cộng đồng. “Nếu ai đó chịu khó quan sát một chút thì đều không khó để nhận thấy, ngay cả trong những đợt triển lãm, nhiếp ảnh nghệ thuật vẫn chỉ là sân chơi riêng của một số người, một nhóm người có cùng sở thích. Số đông cộng đồng vẫn chưa có điều kiện tiếp cận hoặc nếu có điều kiện tiếp cận thì cũng rất ít quan tâm đến nhiếp ảnh nghệ thuật. Vì sao vậy? Vì vẻ đẹp trong những bức ảnh nghệ thuật và năng lực thẩm mỹ của số đông cộng đồng còn có khoảng cách nhất định” - Huy Nguyễn chia sẻ.
Từ ý hướng để nhiếp ảnh được tự do đến số đông cộng đồng, anh không những thỏa mãn niềm yêu thích và đam mê nghệ thuật, mà còn càng thêm tự tin hoàn thiện các kỹ năng sáng tác. Một loạt tác phẩm ăm ắp hơi thở cuộc sống, gần gũi, ngẫu hứng, mới mẻ như bộ ảnh Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, bộ ảnh đua xe đạp, đua xe địa hình, rồi bộ ảnh các giáo đường Thiên Chúa, trường học, chùa chiền, bộ ảnh người khuyết tật... đã ra đời trong ý hướng đó. Nói về bộ ảnh Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) và Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) mà Huy Nguyễn thực hiện vào các năm 2015, 2016 và năm 2018, anh không giấu được sự xúc động: “Như bao đứa trẻ khác, tôi cũng thích chơi trò chơi chiến trận. Vì vậy, hình ảnh chú bộ đội, với tôi không dừng lại ở mức yêu thích, mà trở thành hình tượng oai hùng, biểu trưng cho sức mạnh Việt Nam. Trước đó, tôi cũng yêu thích bộ môn xe đạp. Vậy, tại sao mình không thử làm một chuyến xuyên Việt bằng xe đạp kết hợp với chụp ảnh?. Tôi nghĩ thế và rồi lên đường”. Ông Võ Đắc (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là người hỗ trợ kinh phí tích cực cho anh thực hiện chuyến đi xuyên Việt ấy.
Một con người đầy trách nhiệm công dân như thế hẳn đã có lý khi lựa chọn con đường đưa nhiếp ảnh ra khỏi tháp ngà nghệ thuật để đến với số đông cộng đồng.
K’Brooke “thuận tự nhiên”
Luôn mang trong mình trăn trở làm nông nghiệp thuận với tự nhiên và tìm về những giá trị truyền thống nguyên bản của người bản địa, anh K’Brooke ở thôn Lăng Kú (xã Gung Ré, huyện Di Linh) đang bắt tay triển khai thực hiện hai dự án là “Dự án phát triển du lịch cộng đồng tại làng K’Ho” và “Dự án bảo tồn và phát triển giống heo đen của người K’Ho từ làng đồng bào dân tộc K’Ho”.
|
K’Brooke và đám cỏ Vetiver dự kiến được trồng dưới tán cà phê để giữ ẩm và bảo vệ đất |
Ra trường và đã có công việc làm ổn định nhưng anh K’Brooke vẫn quyết định bỏ phố về quê thực hiện dự án khởi nghiệp cho riêng mình. Với nhiều người và theo như nhận định của anh Vũ Thành Công, Bí thư Huyện Đoàn Di Linh thì K’Brooke là một trong những đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số ưu tú, có ý chí, nghị lực mạnh mẽ để khẳng định bản thân và có tư duy, định hướng phát triển kinh tế bền vững. Năm 2017, K’Brooke được tuyên dương là gương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác và có nhiều thuận lợi tiếp cận với các thông tin của hoạt động khởi nghiệp. Huyện Đoàn Di Linh đã hỗ trợ làm cầu nối cho K’Brooke tiếp cận với nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư, mở rộng hoàn thiện mô hình.
Hiện tại, K’Brooke đã xây dựng xong ý tưởng và đang hiện thực hóa mô hình Agroforestry Coffee (gọi tắt là mô hình nông lâm kết hợp) với qui mô khoảng 2 ha. “Để từng bước thực hiện mô hình này, thời gian qua, ngoài việc đầu tư nâng cao chất lượng vườn cây theo phương pháp hữu cơ, trồng cây muồng đen tạo bóng… Dưới tán cây rừng, cây cà phê, tôi còn trồng cỏ Vetiver để cải tạo và giữ độ ẩm cho đất, chống sự rửa trôi gây xói mòn đất và đây còn là nguồn thức ăn cung cấp cho đàn vật nuôi. Ngoài ra, tôi còn trồng cây mắc ca, sa chi, cà chua thân gỗ, các loại giống rau màu đặc sản truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa” - anh K’Brooke chia sẻ.
Mô hình sản xuất của anh K’Brooke dựa trên nền tảng hữu cơ bền vững, thân thiện, gắn bó với môi trường tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Trong quá trình thực hiện mô hình, anh K’Brooke không ngừng tìm tòi, học hỏi, sáng tạo và đang xây dựng ý tưởng làm giàn phơi dưới tán cà phê. Bởi theo anh Brooke, cách làm này sẽ cho ra sản phẩm cà phê chất lượng, giữ lại hương vị tự nhiên nhất, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng nhất là từng bước tiếp cận với các thị trường lớn ở trong và ngoài nước.
Không chỉ quan tâm đến mô hình sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường nhằm góp phần tác động tích cực đến việc nâng cao ý thức, làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp cho bà con trong vùng, anh K’Brooke còn chú trọng đến việc quảng bá, bảo tồn văn hóa truyền thống của người K’Ho trên trang mạng xã hội như: Cảnh sinh hoạt trong nhà dài, phương pháp ủ rượu cần, các món ăn đặc sản truyền thống của người K’Ho. Trong danh sách 17 Dự án ý tưởng khởi nghiệp năm 2018 được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt hỗ trợ thì có 2 dự án của anh K’Brooke là: “Dự án phát triển du lịch cộng đồng tại làng K’Ho” và “Dự án bảo tồn và phát triển giống heo đen của người K’Ho từ làng đồng bào dân tộc K’Ho”.
Tuệ “12A”
Xuôi về vùng đất phía Nam của Lâm Đồng, chúng ta sẽ được nghe câu chuyện khởi nghiệp của anh chàng 8X người quê gốc Quảng Trị nhưng sinh ra, lớn lên và đang lập nghiệp tại huyện Đạ Tẻh với tên gọi Tuệ “12A”. Khác với nhiều người, thay vì khi mở quán cà phê chỉ chăm bẵm vào hiệu quả kinh doanh, Nguyễn Trí Tuệ còn đặc biệt chú ý đến việc tạo dựng thương hiệu và đào tạo nhân viên. Từ một người “mù tịt” không biết gì về rang xay cà phê, Tuệ vừa làm vừa học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người đi trước. Khi cà phê do chính Tuệ rang xay đã được thị trường chấp nhận, Tuệ nghĩ đến việc phải xây dựng thương hiệu để cà phê bột của mình có thể xuất hiện trên thị trường một cách đàng hoàng và chuyên nghiệp. “Thủ tục đăng ký thương hiệu không lâu nhưng do mình không biết cách nên làm hơi phức tạp. Cái vướng đầu tiên là tên thương hiệu không được đăng ký chữ số và chữ cái, trong khi cái tên 12A lại “dính” cả 2 yếu tố đó nên buộc lòng phải thêm hình trái tim với hạt cà phê bên trong để đăng ký thương hiệu bằng hình. Sau khi được cấp thương hiệu và công bố sản phẩm, cà phê bột mang thương hiệu 12A chính thức ra thị trường. Đến hiện tại, cà phê 12A đã có mặt tại 8 tỉnh trong cả nước với số lượng khoảng 3,5 tạ/tháng. Con số này tuy không nhiều nhưng em thấy đây là việc làm đúng đắn. Bởi lẽ, ngay từ đầu khi xây dựng thương hiệu em đã theo đuổi một mục đích lớn hơn là làm sao để người nông dân có lợi hơn. Để làm được điều đó thì mình phải có thương hiệu để đưa sản phẩm vượt ra khỏi huyện nhà” - Tuệ chia sẻ.
|
Nguyễn Trí Tuệ hướng dẫn nhân viên tại 12A cách pha chế cà phê |
Với một chàng trai ngoài 30 tuổi, khởi nghiệp từ con số 0 thì tạo dựng được thương hiệu phải nói là một hành trình dài gian khổ. Cuối năm 2006, tốt nghiệp lớp 12 và không có điều kiện để học tiếp lên đại học, Tuệ chọn cho mình con đường học nghề bằng cách đi làm phụ cho một quán cà phê ở Biên Hòa. Đến năm 2010, Tuệ lấy vợ và nảy sinh ý tưởng mở quán cho riêng mình. Lúc này, Tuệ bắt đầu đi học thêm pha chế. Để có tiền trang trải việc học, Tuệ vừa đi bán vé số, vừa tham gia khóa học. Khi khởi nghiệp với quán 12A đầu tiên đối diện trường cấp 3 Đạ Tẻh, hai vợ chồng Tuệ có vỏn vẹn 12 triệu đồng trong tay. “Số tiền đó chỉ đủ để làm quầy, trang bị bàn ghế, còn các loại máy xay, máy ép đều tận dụng của gia đình nên nhiều khi vừa xài vừa phải sửa. Mục tiêu ban đầu mỗi ngày em chỉ cần bán được vài chục ly nước các loại nhưng có ngày con số đó lên đến hàng trăm. Khởi nghiệp thuận lợi, 6 tháng sau em mua được xe và 1 năm sau em có định mở thêm một quán nữa” - Tuệ chia sẻ.
Đến nay, Tuệ đã có tổng cộng 5 quán 12A ở Đạ Tẻh. Nhân viên làm việc cho Tuệ đa phần là những bạn trẻ tốt nghiệp lớp 12 xong nhưng không có điều kiện đi học đại học như Tuệ trước đây. Việc tuyển chọn nhân viên của Tuệ được xem là khắt khe bởi vừa tạo việc làm cho các bạn, Tuệ còn muốn đào tạo các bạn thành những người chuyên nghiệp, có thể tự mở quán khởi nghiệp như Tuệ. Hiện tại, Tuệ đang sử dụng cà phê hạt của các nông trại tại Đà Lạt, Bảo Lộc để rang xay. Nói về dự định của mình trong tương lai, Tuệ chia sẻ muốn tạo dựng một trang trại sản xuất cà phê ngay tại huyện Đạ Tẻh để sản xuất dòng cà phê chất lượng. Và xa hơn thế, Tuệ đang có một khát khao đưa sản phẩm cà phê 12A của mình bay cao, bay xa hơn nữa như một số thương hiệu cà phê nổi tiếng của Việt Nam.
K.PHÚC - T.CHU - N.BRỪM - H.SANG