Hãy giữ gìn vũ điệu của Sếu đầu đỏ

10:02, 10/02/2019

Biết ông trên 30 năm, từ thời Tổng Biên tập Báo Kiên Giang Trương Thanh Nhã ra Hà Nội học khóa cao cấp Trường Nguyễn Ái Quốc (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) và khi ấy chúng tôi còn là sinh viên trường báo chí, sau lại gặp ông với cương vị Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang trong những kỳ hội họp của báo giới.

Biết ông trên 30 năm, từ thời Tổng Biên tập Báo Kiên Giang Trương Thanh Nhã ra Hà Nội học khóa cao cấp Trường Nguyễn Ái Quốc (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) và khi ấy chúng tôi còn là sinh viên trường báo chí, sau lại gặp ông với cương vị Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang trong những kỳ hội họp của báo giới. Ấn tượng trong tôi ông là người trầm tĩnh, kiệm lời, luôn luôn mủm mỉm cười hiền hậu như chất đất, nết người An Giang chân thành, mộc mạc... Trương Thanh Nhã có những năm tháng tham gia kháng chiến chống Mỹ trước 1975 rồi gắn bó, chọn Kiên Giang là quê hương thứ hai. Thời gian thấm thoát trôi, cuối năm 2018, gặp lại ở Đà Lạt không ngờ phong thái cựu Tổng Biên tập trông phong sương, mạnh mẽ không ai nghĩ tuổi đã ngoài 70. Và, càng ngạc nhiên khi biết ông trở thành hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam năm 2007, có tác phẩm nổi tiếng trong nước và thế giới. Ông thân tình ký tặng tôi tập sách ảnh “Theo cánh Hạc bay” (NXB Tổng hợp TP HCM ấn hành 2018) chuyên đề về loài Sếu đầu đỏ ở miệt đồng bằng sông Cửu Long còn gọi là Hạc - loài chim linh thiêng và quý hiếm, nằm trong Sách Đỏ của Việt Nam và thế giới. Ở Việt Nam có hai nơi Sếu đầu đỏ về trú ngụ vào mùa khô hàng năm là Tràm Chim - Đồng Tháp và Kiên Lương - Kiên Giang. Sách khổ 24,5x32cm, giấy cút sê dày, bìa cứng in rất công phu, rất đẹp - Thấy tôi thán phục, ông tươi cười và nhỏ nhẹ: “Mất hai năm lương hưu chứ không ít đâu. Nhưng đam mê nghề nghiệp mà... thì đành “chơi chịu” vậy!
 
Nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trương Thanh Nhã
Nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trương Thanh Nhã

Quả là người chịu chơi, 14 năm qua - ông Trương Thanh Nhã tâm sự - Từ 2000 - 2014, say mê, cần mẫn, kiên trì theo cánh Hạc bay ở Kiên Giang. Từ đồng cỏ năn ở Hòn Chông, Rạch Đùng, núi Sơn Trà, núi Huỷnh, núi Bà Tài, núi Mo So, núi Mây, xã Bình An đến những cánh đồng cỏ năn ở Lung Kha Na, Lung Lớn, kinh Thời Trang, kinh 9, Hòa Điền... Sau thời gian gắn bó với Sếu, tôi đã nắm được quy luật đường đi nước bước của Sếu, nơi ăn chốn ở, những tập tính sinh hoạt của chúng. Đặc biệt là nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của những người dân địa phương. Một yếu tố quan trọng không thể thiếu đó là sự may mắn. Từ đó giúp tôi có những khoảnh khắc, những bức ảnh đẹp!
 
Năm tháng miệt mài như duyên nợ với biết bao công sức nhọc nhằn theo cánh Hạc, ông chia sẻ: “Sếu là loài chim sở hữu nét đẹp nhiều tầng, nhiều lớp với những biến tấu trải rộng theo không gian và thời gian, vì vậy bản thân Sếu đã là “nghệ sĩ” của thiên nhiên”...
 
Bám theo Sếu, mỗi lần bấm máy chụp ảnh, ông như quên hết chuyện đời, đầy cảm xúc săn tìm và khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong và dáng dấp quý phái, tao nhã của loài chim bằng những cú nhấp máy chăm chút đến từng đường nét... Có những năm tết đến, Trương Thanh Nhã không ăn tết với gia đình mà ăn tết với Sếu trên những cánh đồng năn. Tập sách ảnh đã là một phần thưởng xiết bao vinh dự, tự hào đối với nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Thanh Nhã. Trong lời giới thiệu “Theo cánh Hạc bay”, ông Mai Văn Huỳnh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang trân trọng viết: “Có người nhận xét rằng: Cái chất thực tế của nghề làm báo khó có thể dung hòa với sự mềm mại và sự thăng hoa của nghệ thuật. Song, ở anh, nhà báo Trương Thanh Nhã trước sự vướng víu nghiệp đời và bận rộn với công việc quản lý vẫn chia sẻ, hòa quyện với nhau trong cuộc sống. Báo cũng là người. Ảnh cũng là người... Cuốn sách ảnh là kết tinh sự lao động cần mẫn, chắt chiu, kiên nhẫn, công phu hòa quyện trong mỗi đường nét, bố cục, ánh sáng để tạo nên những tác phẩm tuyệt tác trong nghệ thuật...”.
 
Bộ sách ảnh nghệ thuật giới thiệu về vẻ đẹp, sinh hoạt hằng ngày của loài Hạc được xem là cha của tất cả các loài có cánh trên trái đất. Sau Phượng Hoàng, Sếu là biểu tượng phổ biến nhất của sự may mắn, trường thọ. Sếu được mệnh danh “nhất phẩm điêu” có tính cách của một người quân tử... Thông qua nhiều góc độ không gian, thời điểm và ánh sáng, Trương Thanh Nhã đã chộp được những khoảnh khắc “ái, ố, hỉ, nộ” hiếm có cũng giống như đời sống con người của Sếu đầu đỏ. Tôi đồng cảm và cảm phục sự thăng hoa tâm hồn khi ông bấm những tác phẩm thật lãng mạn, thi vị về những vũ điệu hoan ca gợi sự thanh bình, tin yêu, chan chứa lạc quan và ăm ắp khát vọng từ hình ảnh Sếu. Không chỉ vậy, thông qua lăng kính một nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh dạt dào cảm xúc, mẫn cảm với thiên nhiên, Trương Thanh Nhã còn chuyển nhiều thông điệp khẩn thiết tới người xem. Đó là: Giữ được sinh cảnh vùng đất ngập mặn Kiên Lương để Sếu đầu đỏ tiếp tục trú ngụ có ý nghĩa cho cả khu vực châu Á; Mất mát rất lớn nếu Sếu không về Việt Nam; Đừng để Sếu bay đi... 
 
Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều người chuyên săn ảnh Sếu như các nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Lộc, Bùi Bé Tư, Đoàn Hồng... nhưng đồng nghiệp vẫn vinh danh Trương Thanh Nhã là “ông vua săn Sếu”. Mới cầm máy nhưng chỉ sau 5 mùa săn liên tiếp, ông đã có trên 50 tác phẩm đoạt giải, được triển lãm trong và ngoài nước. Theo cánh Hạc bay, Trương Thanh Nhã không khỏi trở trăn trước việc môi trường sinh sống của Sếu đầu đỏ bị xâm hại, hành vi săn bắt chim gia tăng khiến Sếu đến Kiên Giang giảm sút cấp báo hằng năm gần đây: Năm 2001 có 348 con và năm 2008 còn 174 con, năm 2009 còn 120 con... Cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Tấn Tài, nguyên Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh cũng như nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng rất ấn tượng và tâm đắc trước những tác phẩm chụp Sếu của ông nhưng trân trọng hơn là Trương Thanh Nhã đã truyền tải thông điệp “Hãy cứu lấy đàn Sếu hiếm hoi này”! Qua những tác phẩm ảnh nghệ thuật của Trương Thanh Nhã cũng như tiếng nói đầy trách nhiệm của truyền thông, các nhà khoa học nghiên cứu về Sếu ở trong nước và thế giới, ngày 1/3/2016, UBND tỉnh Kiên Giang đã ra quyết định thành lập Khu Bảo tồn loài - sinh cảnh tại xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành nhằm duy trì và thu hút Sếu đầu đỏ bay về... Điều đó quả thật là niềm vui, hạnh phúc với Trương Thanh Nhã - một người nhân văn giàu trách nhiệm xã hội. Mùa Xuân Kỷ Hợi 2019 cũng là năm nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Thanh Nhã tròn 6 Giáp, xin chúc ông thêm tươi trẻ tâm hồn, cảm xúc, mỹ cảm để tiếp tục thêm nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật đẹp có giá trị tư tưởng cao về đất nước, con người Kiên Giang nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung!




Ảnh chụp Sếu đầu đỏ của nghệ sỹ nhiếp ảnh Trương Thanh Nhã
Ảnh chụp Sếu đầu đỏ của nghệ sỹ nhiếp ảnh Trương Thanh Nhã
 
NGUYỄN THANH ÐẠM