Thước phim của Quyền và chuyến hải trình ra thế giới

10:02, 05/02/2019

Là một trong 29 đại diện của Việt Nam có mặt trên con tàu "Thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản lần thứ 45" đi qua nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, Phan Văn Quyền - chàng trai 9X ở Bảo Lộc đã chứng minh được năng lực của bản thân cũng như hoài bão vươn ra thế giới.  

Là một trong 29 đại diện của Việt Nam có mặt trên con tàu “Thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản lần thứ 45” đi qua nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, Phan Văn Quyền - chàng trai 9X ở Bảo Lộc đã chứng minh được năng lực của bản thân cũng như hoài bão vươn ra thế giới.  
 
Đưa tinh hoa văn hóa ra thế giới
 
Phan Văn Quyền
Phan Văn Quyền
Để đến với chuyến hải trình dài gần 50 ngày vươn ra thế giới, chàng trai 9X Bảo Lộc đã phải vượt qua hơn 1.000 ứng cử viên trong cả nước nhờ vào vốn tiếng Anh lưu loát và thành tích tốt nghiệp loại ưu ở Học viện FPT TP Hồ Chí Minh với chuyên ngành Mỹ thuật đa phương tiện. Trên chuyến hải trình này, Quyền còn được đề cử là lãnh đạo Đoàn Thanh niên Việt Nam với vai trò là “đại sứ thiện chí”.
 
Trở về sau chuyến hải trình dài, Quyền đã dành cho phóng viên Báo Lâm Đồng một cuộc trò chuyện đầy thú vị. Trong câu chuyện của Quyền luôn có niềm tự hào về việc đem tinh hoa văn hóa của Việt Nam ra thế giới. “Trong suốt chuyến hải trình, tôi cùng những đại biểu của Việt Nam mang trong mình một sứ mệnh lớn lao đó là đem những tinh hoa văn hóa dân tộc giới thiệu đến gần 300 bạn trẻ đại diện trong khối ASEAN và Nhật Bản. Đáp lại những tình cảm của chúng tôi, thanh niên các nước bạn cũng đã giới thiệu những tinh hoa văn hóa, sự phát triển kinh tế, khoa học - kỹ thuật của họ với chúng tôi…” - Quyền chia sẻ. 
 
Những tinh hoa văn hóa được Quyền cùng các đại biểu đến từ dải đất hình chữ S giới thiệu đến bạn bè quốc tế là những sản vật như lúa nước, rau, hoa và các loại cây ăn trái, vật nuôi vùng nhiệt đới. Đặc biệt, ở đó còn câu chuyện về chủ quyền thiêng liêng đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, là những nét đặc trưng của 36 phố phường Hà Nội, là vẻ đẹp thơ mộng và quyến rũ của vịnh Hạ Long cùng với sự trang nghiêm trong dấu ấn Hoàng thành Thăng Long, sự bí ẩn của Phong Nha Kẻ Bàng, một chút hoài niệm của Cố đô Huế, Phố cổ Hội An hay như sự hiện đại của hòn ngọc Viễn Đông TP Hồ Chí Minh… Xen lẫn với những nét đẹp truyền thống là sự hiện đại, là hình ảnh con người Việt Nam hiền hòa, mến khách và luôn có tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng tự hào dân tộc sâu sắc. Những câu chuyện của Quyền, của những người bạn đến từ Việt Nam đã giúp bạn bè quốc tế biết đến những tinh hoa văn hóa của đất nước đã được UNESCO công nhận đấy là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, như: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Hội Gióng Phù Đổng, Đờn ca tài tử, Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh… “Khi tàu neo đậu tại Nhật Bản, đoàn chúng tôi vinh dự được gặp gỡ Thủ tướng Shinze Abe, nhà Vua Sultan, Hoàng tử Hisahito và Công nương Akishino. Đối với bản thân, tôi nhận thấy đây là chuyến đi có “một không hai” trong cuộc đời, nên ngoài sứ mệnh giới thiệu những tinh hoa của đất nước, tôi còn tranh thủ giới thiệu đến Chính phủ và Hoàng gia Nhật Bản cùng các bạn trẻ trong khối ASEAN những nét đặc trưng về văn hóa, con người và sản vật của vùng đất Lâm Đồng. Tôi đã giúp họ hiểu thêm về cồng chiêng Tây Nguyên, văn hóa rượu cần, lễ tạ ơn Yàng… của các dân tộc bản địa như K’Ho, Châu Mạ, S’Tiêng, Cil và Churu. Đặc biệt, giúp bạn bè quốc tế có một cái nhìn đầy đủ hơn về những sản vật của Lâm Đồng như rau, hoa công nghệ cao, chè, cà phê và tơ lụa. Suốt chuyến hải trình gần 50 ngày, tôi đã có cơ hội hiểu thêm về văn hóa, con người của những đất nước mình được đi qua. Đặc biệt, khi đặt chân tới đất nước Nhật Bản, tôi đã học được sự tôn trọng con người, sự kiên nhẫn, ý chí quyết tâm và cả lòng tự trọng trong học tập, làm việc của người Nhật” - Quyền chia sẻ. 
 
Phan Văn Quyền (thứ nhất bên phải) cùng 1 đại biểu của Việt Nam và 2 thanh niên ưu tú trong khối ASEAN trên chuyến tàu “Thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản lần thứ 45”
Phan Văn Quyền (thứ nhất bên phải) cùng 1 đại biểu của Việt Nam và 2 thanh niên ưu tú trong khối ASEAN trên chuyến tàu “Thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản lần thứ 45”
 
Ước mơ của “nhà làm phim trẻ”
 
Chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản do Chính phủ 10 nước thành viên ASEAN và Nhật Bản tổ chức từ năm 1974 và Việt Nam bắt đầu tham dự vào năm 1995. Trải qua 45 năm, Chương trình đã trở thành một truyền thống và là cầu nối tốt đẹp giữa nhiều thế hệ thanh niên ở các quốc gia trong khu vực. Chuyến hải trình vừa qua, bắt đầu từ ngày 28/10 kéo dài đến ngày 20/12/2018 đi qua 5 nước Nhật Bản, Brunei, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.

Mới 23 tuổi, trước khi có chuyến hải trình dài gần 50 ngày cùng với gần 300 thanh niên ưu tú của các nước trong khối ASEAN và Nhật Bản trên con tàu “Thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản”, Quyền từng được biết đến là quán quân “Nhà làm phim trẻ các nước Đông Nam Á lần thứ II” năm 2016. Quyền đã vượt qua hơn 100 kịch bản tại vòng sơ loại để trở thành gương mặt duy nhất của Việt Nam cùng 9 đại diện khác trong khối ASEAN tham gia cuộc thi này được tổ chức tại Singapore. Với thước phim “Tình nguyện bằng chính hành động” đã giúp Quyền ghi tên mình lên đỉnh vinh quang của cuộc thi này.

 
“Thời điểm tôi được đề cử tham gia vòng chung kết cuộc thi, bản thân cảm thấy rất áp lực, lo lắng nhưng cũng không giấu được niềm vinh dự, tự hào. Chủ đề mà Ban tổ chức đưa ra là mỗi thí sinh phải có được những thước phim kể về câu chuyện của mình bằng niềm đam mê và nhiệt huyết trong công tác thiện nguyện. Tuy tác phẩm dự thi của tôi đã vượt qua vòng sơ loại, nhưng do kinh nghiệm và kiến thức xây dựng kịch bản phim còn hạn chế nên tôi cảm thấy rất lo lắng. Sau 4 ngày có mặt tại Singapore, tôi vỡ òa trong hạnh phúc khi tác phẩm của mình được Ban tổ chức xướng tên đoạt giải nhất của Cuộc thi…” - Quyền tâm sự.
 
“Tình nguyện bằng chính hành động” là thước phim với những câu chuyện cảm động được Quyền ghi lại từ những chuyến công tác thiện nguyện của mình và những người bạn lúc còn học phổ thông. Đó là những công việc thiện nguyện được Quyền và bạn bè gửi gắm bằng chính trái tim trong sáng khi tìm về với những buôn làng Châu Mạ, K’Ho bản địa. Bên cạnh những món quà vật chất, Quyền và bạn bè còn có nhiều ý tưởng hữu ích với hy vọng giúp bà con đồng bào DTTS có một cuộc sống tốt đẹp, đủ đầy trong tương lai. Đó là việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; giữ gìn vệ sinh nhà cửa hay xóa bỏ các phong tục lạc hậu trong đời sống văn hóa; chỉ dạy cho các em nhỏ học hành để viết tiếp ước mơ con chữ… Tất cả đều được Quyền xâu chuỗi và kết tinh trong thước phim của mình. Thước phim dài vỏn vẹn gần 3 phút đã gói gọn tâm tình và ước mơ mà Quyền mong muốn bà con DTTS bản địa tại chính nơi mình sinh ra và lớn lên ngày càng vươn lên trong cuộc sống. 
 
Sau cột mốc vinh quang của mình, năm 2017, Quyền tiếp tục trở thành đại biểu của thanh niên Việt Nam dự các Hội nghị mô phỏng cấp cao ASEAN (AFMAM), Hội nghị Thượng đỉnh Thanh niên Đông Nam Á tại Philippines (AYS), Hội nghị Bộ trưởng Thanh niên ASEAN về “Thúc đẩy khởi nghiệp trẻ”… Đặc biệt, vào cuối tháng 3/2018, Quyền còn là thanh niên duy nhất đại diện của Việt Nam tham gia Chương trình đối thoại với nguyên Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Singapore.
 
Quyền (thứ ba từ trái qua) tham gia Chương trình đối thoại cùng nguyên Tổng thống Mỹ Barack Obama
Quyền (thứ ba từ trái qua) tham gia Chương trình đối thoại cùng nguyên Tổng thống Mỹ Barack Obama
 
Theo Quyền, trong thời kỳ hội nhập, việc tự tin vào chính bản thân, sẵn sàng bước ra khỏi vùng “an toàn” để vươn ra biển lớn là những điều rất quan trọng với các bạn trẻ. Chính những điều này sẽ giúp mỗi bạn trẻ nhận ra nhiều cơ hội xung quanh mình, từ đó sẵn sàng vượt qua giới hạn của bản thân để đến với những chân trời mới. “Sau chuyến hải trình vươn ra thế giới, tôi sẽ tiếp tục công việc khởi nghiệp thiết kế đồ họa mà mình đã và đang theo đuổi; đồng thời, dành thời gian hoàn thành Dự án Bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số bản địa ở Lâm Đồng đang còn dang dở” - Quyền dự định cho tương lai.
 
KHÁNH PHÚC