Ngày cuối năm, anh Nguyễn Vũ Hoàng gọi mời: "Ghé Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật mà thưởng lãm một vùng ký ức. Chúng tôi đang trưng bày những hiện vật và hình ảnh quý về một thời hình thành đô thị Đà Lạt hồi đầu thế kỷ trước. May mắn, dù đó là những gì ít ỏi còn sót lại, nhưng vô cùng quý giá". Vài dòng tạp ghi vội vã này cũng chỉ là phác họa từ cảm xúc khi chứng kiến những hiện vật sống động của một thời đã qua…
Ngày cuối năm, anh Nguyễn Vũ Hoàng gọi mời: “Ghé Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật mà thưởng lãm một vùng ký ức. Chúng tôi đang trưng bày những hiện vật và hình ảnh quý về một thời hình thành đô thị Đà Lạt hồi đầu thế kỷ trước. May mắn, dù đó là những gì ít ỏi còn sót lại, nhưng vô cùng quý giá”. Vài dòng tạp ghi vội vã này cũng chỉ là phác họa từ cảm xúc khi chứng kiến những hiện vật sống động của một thời đã qua…
Chỉ là 1.500 hiện vật, quá ít ỏi khi theo dấu 125 năm lịch sử đô thị.
Đó có thể là chiếc áo nông phu thời đầu thế kỷ trước mà đến giờ cháu con vẫn trân quý lưu giữ. Đó có thể là cây đèn bão mà tiền nhân của một gia đình nông dân nào đó vẫn thường xách ra thăm vườn trong những đêm đất trời nổi cơn mưa gió. Đó có thể là chiếc mâm gỗ mang vào từ cố hương và từng dọn những bữa cơm đạm bạc trong ngôi nhà gỗ thông ven rừng trong những buổi hoàng hôn buốt giá. Một chiếc ấm đun nước hay chiếc nỉa đinh ba. Đó cũng có thể là bộ trang phục bảnh bao đầu tiên của cô cậu thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba sau lớp cha ông mở cuộc khai canh. Đó có thể là chiếc bình pha cà phê của nhà ai đó mới nổi lên sau vài mùa rau, hoa được giá và cùng đó là chiếc máy hát quay tay của những nông dân tập làm thị dân khi văn minh Tây phương du nhập. Đó có thể là bức hoành phi hay bộ án thư sơn son thếp vàng gia tộc nào đó kỳ công mang từ quê cũ vào và có thể là bức ảnh mờ nét ghi lại buổi lễ trọng có Hoàng đế mãn triều Bảo Đại trao Bảo quốc Huân chương cho những nông dân có đóng góp công sức cho sự hình thành đô thị vào thời kỳ đầu…
Tôi không thể kể hết tên hiện vật, cũng không thể ghi vào đây gốc gác của những gì đã ghi dấu ấn của một thời đã xa. Chỉ biết rằng, những hiện vật như đang nhẩn nha kể những chuyện buồn vui về một thời lập phố. Qua đó, biết rằng, người dân ở xứ sở này chưa bao giờ phai nhạt và lãng quên ký ức đô thị, ký ức của chính mình. Vẫn biết, đã có và sẽ có rất nhiều xô lệch, tàn phá bởi thời gian. Cũng đã xảy ra những méo mó từ biến động thời cuộc. Nhưng ở đất này, những giá trị đã được xây đắp, dưỡng nuôi thì tồn tại, sống, bất biến trong những tâm hồn hướng thượng, khao khát vọng niệm và tri ân quá khứ. Hãy dừng thật lâu, nhìn thật sâu và liên tưởng một không gian xa xăm từ những điều bình dị. Ký ức đô thị thấp thoáng trong những hiện vật. Liệu rằng rồi đây những điều đó có dạt trôi theo thời gian mênh mang? Miền hoài niệm đã được chưng cất nên tôi đồ rằng, mãi ẩn tàng trong tâm hồn các thế hệ cư dân nơi này…
|
Thủy tạ. Ảnh: Đặng Văn Thông |
Nên nói chăng, ở đô thị cao nguyên này, có một vùng tâm thức lưu dân?
Tôi thử dẫn dắt cảm xúc của mình trở về với miền ký ức. Ngày đó, những năm mở đầu thế kỷ 20:
Trong 19 túp nhà gỗ ven đồi thời “đô thị hoang vu” mà tôi xem trong bức ảnh tư liệu ghi thời điểm 1901, người ta nói có khoảng một chục người Việt đã sống ở đó. Họ có mặt trước khi ông kiến trúc sư Ernest Hébrard thực hiện đồ án quy hoạch đầu tiên cho Đà Lạt vào năm 1924. Họ có mặt khi nơi này chỉ mới có vài người Âu xách vali từ phương xa đến. Có thể kể tên ông Paul Champoudry, thị trưởng đầu tiên của Đà Lạt, vị thị trưởng không dân. Champoudry từng là ủy viên Hội đồng thành phố Paris nhưng thất bại trong cuộc bầu cử năm 1896, được Toàn quyền Paul Doumer kéo qua Đông Dương và bổ nhiệm làm người đứng đầu vùng đất trinh nguyên này để tha hồ tưởng tượng về việc tạo dựng một đô thị nghỉ dưỡng. Cùng với ông thị trưởng chỉ có một kế toán, vài hiến binh, một nhân viên thuế quan và bưu điện viên. Gia đình Khâm sứ Trung kỳ đương nhiệm Jean Auvergne cũng kịp chiếm một trong những căn nhà đầu tiên trên vùng phố bắt đầu khởi lập hòng làm nơi nghỉ ngơi khi mùa hè miền Trung bức bối. Ký vãng về đô thị Đà Lạt hồi đầu thế kỷ trước, là nhớ đến nhà bác học Alexandre Yersin, người khám phá ra vùng đất; nhớ đến các vị quan Toàn quyền Đông Dương như Paul Doumer, Jean Baea, Albert Sarraut hay Jean Decoux đã ban những kế hoạch phát triển đô thị; nhớ đến những kiến trúc sư lừng danh tạo nên những đồ án quy hoạch qua các thời kỳ như Ernest Hébrard, Louis Georges Pineau, Jacques Lagisquet - họ là những người mang khát vọng kiến tạo. Nhưng lịch sử đô thị phải ghi nhớ, nhớ sâu sắc những dấu chân lưu dân người Việt đến từ tứ xứ. Họ chính là “ký ức nền”, là chủ nhân truyền đời mãi mãi của xứ sở này:
Họ, những người dân đến từ các huyện Thanh Chương, Đô Lương (Nghệ An), Đức Thọ (Hà Tĩnh) từ năm 1927 rồi lập ấp Nghệ Tĩnh. Trong đình làng Nghệ của con dân xa xứ còn lưu danh các bậc tiền hiền: Nguyễn Thái Hiến, Nghiêm Trang, Phan Văn Lưu, Phan Diệm, Ngô Đức Thận…
Họ, hơn 100 nông phu thuộc tỉnh Hà Đông cũ (gồm các làng bên hồ Tây như Nghi Tàm, Quảng Bá, Vạn Phúc, Tây Tựu, Ngọc Hà, Xuân Tảo) đến Đà Lạt từ những năm 1938 đến 1942, lập nên ấp Hà Đông. Dân ấp bây giờ vẫn nhắc những cái tên tiền bối: Ngô Văn Hựu, Ngô Văn Hiện, Ngô Văn Bính, Lý Nhu, Trần Văn Y, Cả Tục, Nguyễn Thị Sinh, Nguyễn Thị Nhớn…
Họ, 11 trai đinh xứ Quảng lên làm phu Sở trà Cầu Đất thuộc Công ty cây trồng nhiệt đới của người Pháp, từ năm 1927 đã xin chính quyền thực dân và chính phủ Nam Triều lập làng Trường Xuân. Cái cớ mà ông Nguyễn Đình Sung đại diện trình xin cho việc lập làng là “Người Việt Nam có tục thờ cúng ông bà, cha mẹ, tổ tiên nên phải có làng, có đình, có hội…”.
Họ, những người dân xứ Thừa Thiên Huế đến từ những năm 1930 - 1940 rồi lập ấp Ánh Sáng.
Và cứ thế, người trước kẻ sau, những lưu dân dù đến với nơi này bằng con đường nào, bởi lý do nào thì họ cũng đã tụ cư thành làng, khai canh, lập vườn, sinh con đẻ cái truyền đời. Từ ấp Nghệ Tĩnh, Hà Đông, Ánh Sáng rồi đến làng Vạn Thành, Thái Phiên. Những phu hỏa xa, đồn điền, lục lộ, những người trốn tránh binh lửa điêu tàn nơi quê xứ cũng lập nên những Cầu Đất, Trạm Hành, Trại Mát, Trại Hầm, Đa Thiện, Xuân Thọ, Sở Lăng …
* * *
Lại thử trôi dòng cảm xúc về tháng ngày xưa cũ để hình dung về cuộc sống lưu dân ngày ấy:
Ở trên tầng cao nhất đô thị, giữa những đồi thông mơ mộng và hoa viên tươi tốt là những tòa dinh thự, biệt thự sang trọng, là vùng ánh sáng ấm áp phồn hoa. Ở nơi ấy lộng lẫy màu vàng của Hoàng triều, màu kim cương lấp lánh của quan binh “nước Mẹ”. Những nếp triều phục quyền quý, những bộ âu phục sang trọng, những váy đầm dạ hội, voan và đăng ten, những bước chân dìu dặt trong giai điệu dương cầm và thoảng thơm mùi hương sâm banh chuyển qua từ chính quốc. Cũng là phố, nhưng chỉ cách mấy vòng đường dốc, bên mép hồ Xuân Hương kéo đến triền núi, là những ngôi nhà tre nứa nép vào nhau, tựa vào nhau trong chìm đắm bóng tối và không gian buốt giá. Thân phận nông phu lưu lạc xác xơ. Cùng cảnh với đồng bào rên xiết khổ đau khắp ba miền thời nước nhà nô lệ, người dân nghèo Đà Lạt thuở ấy cũng tồn sinh trong kiếp tôi đòi. “Annamite hèn hạ” là cách mà người Pháp đã miệt thị dân mình. Lưu dân Đà Lạt cũng không ngoại lệ.
Lưu dân, họ là ai? Họ đã đến và dựng nên xứ sở. Tôi cứ mãi hình dung về những kiếp người thuở ấy mong manh, yếu đuối, nhẫn nhịn, mặc cảm. Hồn lữ thứ như khói như sương, đã có thể tan vào khói sương. Họ đến đất này từ trăm năm trước, họ là kẻ bị đày, là culi, là phu phen tạp dịch, là nông dân tìm đất mới mưu sinh. Chiếc bồng vải vá víu chứa dăm nắm hạt giống, vài manh khố ôm áo rách, vài đồng chinh xèng. Họ phải gánh làng, gánh xã, gánh nền văn minh lúa nước cổ xưa, gánh sự nặng nhọc của kiếp người ra đi với những niềm hy vọng mong manh. Trong cái lạnh lẽo hoang liêu mùa sương tháng giá, những con người cô hành lưu lạc ấy đã phải chống chọi nỗi nhớ quặn thắt về cố hương, dòng tộc, nhớ túp lều tranh bốn mặt gió lùa, nhớ ruộng vườn thân thuộc, nhớ cây đa, bến nước, lũy tre làng, dòng sông xứ sở. Đất mới liệu có bao dung khi những mảnh đời thấp hèn ấy phải chống chọi với thú dữ, với những trận dịch bệnh kinh người. Nhục nhã hơn, họ phải đối diện sự áp bức, kỳ thị của người phương Tây, những giới chủ thực dân. Dù lịch sử đã lê bước chân qua thành phố này hơn một thế kỷ, nhưng vẫn thấy xót xa khi đọc lại nội dung mà quyền Thị trưởng Đà Lạt Léon Garnier phúc trình lên Khâm sứ Trung kỳ Pierre Pasquier tháng 3/1924: “Trong chuyến viếng thăm Đà Lạt vừa qua cùng kiến trúc sư Hébrard, ngài đã trực tiếp nhìn thấy sự cần thiết phải tống khứ những căn nhà của người bản xứ đang nằm ngay vị trí của ngôi chợ tương lai”. Trước đó, người thực hiện đồ án quy hoạch Đà Lạt năm 1919 O’Neill cũng đã dành cho dân Việt sự đối xử khinh miệt: “Khu vực bản xứ phải nằm cách xa hẳn khu vực người Âu. Vì thế, địa điểm đã được định sẵn ở ven suối Cam Ly, dưới hạ lưu đập chắn hồ…”. Văn khố lưu trữ đã kể lại thảm kịch vỡ chính con đập này vào tháng 3/1932 làm cho ngôi làng người Việt bị trôi và 17 lưu dân thiệt mạng mà chính quyền thực dân không đoái hoài thương xót…
* * *
Ngày cuối năm, dừng chân trước những hiện vật về một thời khởi nguyên lập phố, và suy ngẫm sâu hơn về dấu chân lưu dân:
Hơn một trăm năm trước, họ gánh vào đất mới những “tên xã, tên làng” rồi tự sưởi ấm tâm hồn, sưởi ấm lòng nhau trong những đêm rừng xưa hoang lạnh bằng nét riêng tín ngưỡng tâm linh, phong tục tập quán và văn hóa cổ truyền bản nguyên cố xứ. Bởi hoàn cảnh lịch sử, thời đầu thế kỷ trước họ đã sống bên phần rìa đô thị nhưng chính họ đã làm nên hồn cốt đô thị. Họ là những con người cất lên tiếng nói và hành vi ứng xử giao hòa thân thiết, gần gũi, sẻ chia, cộng cảm với tháng gió năm sương. Bước chân tha hương nặng tình cố xứ, cảm thức lưu dân nơi đất lạ xứ xa đã tạo nên những nét tính cách khác biệt, khác biệt cả phong cách giao tiếp, cách tạo dựng không gian sống và phương cách mưu sinh. Dù lịch sử đất nước trải qua những biến động, thăng trầm, nhưng người dân Đà Lạt đã tạo nên những giá trị tinh thần ổn định. Những người trẻ hôm nay tự hào coi đô thị cao nguyên là nơi cắt rốn, chôn nhau nhưng dòng ký ức đã đưa bước chân họ trở về với dấu chân cha ông một thưở, thưở lưu dân ngơ ngác trên hành trình tạo dựng đô thị với muôn nỗi gian nan…
UÔNG THÁI BIỂU