Thủy điện cổ nhất Việt Nam trên Cao nguyên Lang biang

09:02, 10/02/2019

Nằm lọt giữa thung lũng, bao quanh là núi đồi và rừng xanh, Nhà máy Thủy điện Ankroet hiện lên như một tòa lâu đài cổ kính nơi "thâm sơn cùng cốc". Đặc biệt, khi màn đêm buông xuống, Thủy điện Ankroet sáng bừng lên như một lâu đài tráng lệ giữa đại ngàn. Mặc dù đã được "cải lão hoàn đồng" và áp dụng công nghệ hiện đại, nhưng những nét đẹp độc đáo, cổ kính và vết cũ dấu xưa vẫn in đậm tại nhà máy thủy điện cổ nhất Việt Nam. 

Nằm lọt giữa thung lũng, bao quanh là núi đồi và rừng xanh, Nhà máy Thủy điện Ankroet hiện lên như một tòa lâu đài cổ kính nơi “thâm sơn cùng cốc”. Đặc biệt, khi màn đêm buông xuống, Thủy điện Ankroet sáng bừng lên như một lâu đài tráng lệ giữa đại ngàn. Mặc dù đã được “cải lão hoàn đồng” và áp dụng công nghệ hiện đại, nhưng những nét đẹp độc đáo, cổ kính và vết cũ dấu xưa vẫn in đậm tại nhà máy thủy điện cổ nhất Việt Nam. 
 
Được khởi công xây dựng từ năm 1942, đến năm 1945, Nhà máy Thủy điện Ankroet chính thức đi vào hoạt động. Việc đưa nhà máy đi vào hoạt động đã đóng góp không nhỏ cho quá trình xây dựng và phát triển, kiến thiết thành phố Đà Lạt qua từng giai đoạn.
 
Nét hoang sơ, cổ kính hài hòa với thiên nhiên của Nhà máy Thủy điện Ankroet
Nét hoang sơ, cổ kính hài hòa với thiên nhiên của Nhà máy Thủy điện Ankroet
Đồng hành với sự phát triển của Đà Lạt
 
Cảm nhận đầu tiên khi đến với Nhà máy Thủy điện Ankroet là con đường nhỏ uốn lượn quanh co xuyên qua rừng thông thơ mộng và ven theo suối thác hùng vĩ. Cách thành phố Đà Lạt khoảng 20 km, Nhà máy Thủy điện Ankroet được xây dựng dưới một thung lũng bao quanh là đồi núi và rừng xanh thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương. Kiến trúc của nhà máy cũng như đập nước và kênh dẫn được xây hoàn toàn bằng đá chẻ theo lối kiến trúc đặc trưng của vùng tây nam nước Pháp thuở ấy.
 
Theo các tài liệu còn lưu lại thì vào thập kỷ 30 của thế kỷ XX, Toàn quyền Decoux đã cho khảo sát và quyết định xây dựng Nhà máy Thủy điện Ankroet từ đồ án quy hoạch Đà Lạt của kiến trúc sư Lagisquet. Công trình Nhà máy Thủy điện Ankroet được khởi công xây dựng từ năm 1942 và đến năm 1945 thì hoàn thành đi vào hoạt động. Ban đầu nhà máy được lắp đặt 2 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 300 kW. Nhà máy phát điện đưa về Đà Lạt hòa điện với Nhà máy điện diesel, chủ yếu cấp điện cho Đà Lạt, nơi được người Pháp xây dựng để trở thành thành phố nghỉ dưỡng và làm việc trên cao nguyên Lang Biang. 
 
Trò chuyện với chúng tôi anh Ngô Thế Minh - công nhân Nhà máy Thủy điện Ankroet cho biết, ở đây phong cảnh hữu tình, khí hậu trong lành và rất nhiều nhóm du khách cũng tìm đến để tham quan, chiêm ngưỡng nhà máy. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho nhà máy hoạt động, vận hành phát điện, chúng tôi không mở cửa cho khách tham quan nên những người thích khám phá các cỗ máy cổ không có điều kiện tới gần mà chỉ ngắm nhìn nhà máy từ xa. 
 
Hiện nay, dấu vết thời gian vẫn được lưu trữ lại trong khuôn viên của nhà máy như tổ máy cổ, bánh xe cộng tác, van chính của đường ống và một số dụng cụ thô sơ thi công nhà máy như xẻng, búa, đục và xe đẩy thô sơ... Các thiết bị ban đầu ấy nay có phần bị hoen rỉ và bạc màu thời gian nhưng tất cả là những hiện vật quý giá cho thế hệ sau nghiên cứu, khám phá, tham quan, chiêm ngưỡng. 
 
Dẫn chúng tôi đi tham quan những cỗ máy cổ còn lưu giữ nơi đây, anh Trần Minh Ngọc - công nhân Nhà máy Thủy điện Ankroet cho biết, qua thời gian những công nghệ cũ từ vận hành bằng tay và bán tự động theo nguyên lý cơ - điện - từ đã dần được thay đổi sang công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, điều khiển bằng công nghệ tiên tiến nhưng anh em công nhân nơi đây vẫn rất trân quý những cỗ máy cổ này. Chúng tôi xem đây như những tư liệu quý, vết tích thời gian và một thời để nhớ về nhà máy khi mới đi vào hoạt động.
 
Được xây dựng và đi vào vận hành hơn hai phần ba thế kỷ qua, năm 2004, Nhà máy Thủy điện Ankroet đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục về nhà máy thủy điện đầu tiên tại Việt Nam. Theo nhiều nguồn tài liệu khác nhau thì Nhà máy Thủy điện Ankroet cũng chính là nhà máy thủy điện đầu tiên được xây dựng ở Đông Dương.
 
Những tổ máy mới được thay thế vận hành ngày nay
Những tổ máy mới được thay thế vận hành ngày nay
Một thuở khoét núi xây đập
 
Theo thiết kế ban đầu của người Pháp, đập - hồ của Thủy điện Ankroet là đập tự tràn xây bằng đá chẻ dài 97 m, cao 10 m, dung tích hồ chứa 1 triệu m3 nước. Thủy khẩu và đường hầm bê tông xuyên núi dài 536 m hình móng ngựa với đường kính 1,65 m và có giếng thủy áp cuối đường hầm cao 44 m, đường kính 4 m. Đường ống thủy lực nối xuống nhà máy bằng thép dài 160 m, đường kính 0,65 m, lưu lượng tối đa 0,9 m3/giây. Tại nhà máy lắp đặt 2 tổ máy, mỗi máy 300 kW, tua-bin hiệu BELL, máy phát hiệu CEM-LEHAVRE do Mỹ sản xuất. Nhà máy thủy điện đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam thời bấy giờ do Sở Công chánh Đông Dương quản lý. 
 
Lúc bấy giờ, khi khoa học công nghệ chưa phát triển hiện đại, máy móc cơ giới hóa chưa như bây giờ, thì việc để xây dựng được một nhà máy thủy điện giữa rừng sâu là cả một kỳ công. Theo lãnh đạo Nhà máy Thủy điện Ankroet, để xây dựng công trình thủy điện đầu tiên ở Việt Nam, người Pháp đã tuyển mộ những dân phu, lao động từ miền Trung và miền Bắc nước ta vào để đắp đập, khoét núi dựng xây nguồn điện sáng. Lúc bấy giờ, những người công nhân chủ yếu làm thủ công và sử dụng sức người là chính. Do địa hình hiểm trở nên từng khối đá, từng khối vật liệu xây dựng cũng như những thiết bị máy móc đều được các công nhân thời đó vượt suối, băng rừng, cõng, gùi, kéo vào công trình. Những vật tư, thiết bị nào có thể tháo rời được đều được tháo rời, rồi dùng sức người vận chuyển vào nhà máy. Tuy nhiên, công phu nhất là công trình đường hầm xuyên núi được đào thủ công với muôn ngàn hiểm nguy rình rập. 
 
Do môi trường làm việc giữa rừng già, nơi rừng thiêng nước độc với dịch bệnh, giá rét và đầy rẫy ruồi vàng, muỗi, vắt, thú dữ, tai nạn lao động… nên nhiều người đã nằm lại mãi trên công trình này. Để ghi nhớ công ơn của những người đã một thời đắp đập, khoét núi, xây dựng vận hành nhà máy xưa kia, năm 2005, một đài tưởng niệm cũng đã được xây dựng trong khuôn viên của Nhà máy Thủy điện Ankroet. Trong đài tưởng niệm có tấm bia đá ghi rõ hai câu đối: “Ơn góp sức ngàn năm vẫn nhớ/Công xây nên muôn thuở không quên”. Những công nhân nơi đây cũng cho biết, vào những dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm ngành, anh em nhà máy đều chăm sóc, quét dọn và nhang khói đầy đủ cho đài tưởng niệm cũng như các mộ phần của những công nhân đã nằm lại trên công trình. 
 
Tổ máy cổ còn lưu giữ tại nhà máy
Tổ máy cổ còn lưu giữ tại nhà máy
Nhà máy Thủy điện Ankroet tuy đã trải qua quá trình cải tạo, nâng cấp nhưng nơi đây vẫn giữ được vẻ ngoài cổ kính, hài hòa với thiên nhiên. Với lối kiến trúc đặc trưng, cảnh quan thơ mộng và ý nghĩa về mặt lịch sử, ngoài công năng phát điện thì Nhà máy Thủy điện Ankroet còn chứa đựng tiềm năng phát triển du lịch rất lớn chưa được “đánh thức”. Hy vọng một ngày không xa, nhà máy thủy điện cổ nhất Việt Nam này không chỉ phát điện hòa vào mạng lưới quốc gia phục vụ phát triển quê hương, đất nước mà còn là địa chỉ tham quan du lịch lý thú cho du khách gần xa và góp phần làm phong phú thêm cho ngành du lịch Đà Lạt.
 
DUY DANH