Vị của Mẹ

03:02, 07/02/2019

Cuối năm, gió mang bụi mưa vô tình phất ngang gò má, ướt đẫm mi ngái ngủ trong mỗi sớm mai xuống phố. Nghe mùi xuân chạm mùa, lại thấy ruột gan như nóng lên, sự bồn chồn, lắng lo của kẻ ly hương, đất khách mưu sinh thèm bữa cơm đoàn viên mẹ nấu.

Cuối năm, gió mang bụi mưa vô tình phất ngang gò má, ướt đẫm mi ngái ngủ trong mỗi sớm mai xuống phố. Nghe mùi xuân chạm mùa, lại thấy ruột gan như nóng lên, sự bồn chồn, lắng lo của kẻ ly hương, đất khách mưu sinh thèm bữa cơm đoàn viên mẹ nấu.
 
Lớn lên bằng gia vị thương yêu ngọt ngào của mẹ, bằng sự chăm bẵm vị tha, hồn hậu và vỗ về, và sau những quở trách luôn là những bữa cơm chứa chan mùi vị ngọt ngào của mẹ. Giản đơn thôi, như bát canh rau hái vội, như mớ tép tôm tạt ngang chợ chiều sau buổi làm về, nhưng ấy là vị cho ta hình hài, là tôi, là phần người hiện hữu giữa chốn nhân sinh. 
 
Chẳng có đứa trẻ nào lớn lên trong con mắt của mẹ, cũng như chẳng có đứa con nào vô tâm đến độ không nhận ra bóng dáng mẹ mình dù có lẫn giữa trăm ngàn người xa lạ. Có lẽ vì thế, nên chẳng có bữa cơm nào mẹ nấu không ngon. Nồi cá kho dù quá lửa, bát canh dẫu thiếu tay nêm, miếng xào hơi dư mắm muối... thì vẫn là vị rất riêng của mẹ, vị cho ta lớn lên, vị của hy vọng, vị để sau này không làm người xấu - dù đôi khi ta chẳng thể tốt với nhiều người giữa cuộc đời.
 
“Con ăn phần lườn đi, để cái đầu cho mẹ, mẹ thích ăn đầu cá”, rất nhiều đứa trẻ đã lớn lên bằng sự lo toan, dung dị rất đỗi phụ nữ trong những năm tháng khó khăn của mẹ mình như thế. Và cũng chẳng có đứa trẻ nào đánh rơi hồn nhiên, đủ khôn ngoan để biết những tảo tần, xa xót mẹ nhận trong ngọt ngào, thảo thơm mẹ dành cho con của mẹ.
 
Đâu đó trong cuộc mưu sinh, gần thì cũng dăm bữa nửa tháng, xa thì một năm vài bận nếu đủ đầy, khốn khó có khi bẵng đi, họa hoằn lắm mới có dịp ghé ngang nhà cũ, dúi mẹ vài đồng làm quà báo hiếu. Ở đời, “nước mắt chảy xuôi”, những đứa con dẫu có trưởng thành, ông kia bà nọ hay sa ngã giữa cám dỗ thường tình thì vẫn gục đầu vào lòng bao dung, hít hà gò má già nua, nằn nì xin xỏ bữa cơm mẹ nấu.
 
Chạm đầu ngõ, tuổi thơ ùa về, khiến cho những đứa con đã lớn trở nên nhõng nhẽo đến độ với riêng mẹ con có “học sói trán chưa viết tròn chữ Mẹ”. Với những thứ trên trời dưới biển, với những đoán định, phán xét mù khơi dẫu rằng vấp ngã hay sự khôn ngoan cũng chẳng thấm vào đâu dù chỉ vài sợi tóc mẹ bạc thêm trong mỗi ngày qua đi tất tả, ngóng mong.
 
Đâu đó trong những bữa tiệc ê hề, thừa mứa đầy những thứ ngon của lạ, người ta vẫn kháo với nhau rằng, “cơm mẹ tôi nấu là ngon nhất”. Chẳng ai dám phủ nhận điều đó, bởi những ai đã lớn lên, đã đi qua những năm tháng có mẹ, còn mẹ, được ăn những bữa cơm mẹ nấu, với riêng gia vị lo toan của mẹ, sẽ là những bữa cơm ngọt lành nhất. Là những tháng hạnh phúc nhất, hạnh phúc đến ám ảnh, khắc khoải và mong chờ.
 
Sẽ không đâu ngon bằng cơm nhà mẹ nấu, dù đấy là “cơm mẹ nấu ngấy bùn mùa lũ”. Bởi những bữa cơm ấy, có cả sự nhọc nhằn, sự thân thuộc, gần gũi giúp ta xóa bỏ được nhiều mỏi mệt, kể cả lớp “son phấn”, “mặt nạ” ta tự tô vẽ cho mình giữa nhốn nháo của cuộc đời. Đối diện với mẹ, với tất bật, chăm chút của mẹ ta như trở về với bản ngã của mình, nơi mình sinh ra, nơi mình được nuôi dưỡng. “Vị yêu thương” của bữa cơm gia đình sẽ không có gì thay thế được, bởi trong đó còn là sự thấu hiểu tâm tính, thẩm thấu tính cách và cả những nuông chiều mà mẹ dành cho những đứa con mình rát ruột sinh ra.
 
Không còn mẹ, nên tôi thấu cảm được sự khắc khoải da diết và mong chờ ấy vô giá đến chừng nào. Có lẽ vì thế, chẳng bao giờ tôi từ chối lời thỉnh cầu của hai cô con gái nhỏ mỗi khi có thời gian: Chiều nay Ba nấu cho con món này... Chẳng đủ ngon như nhiều người, nhưng tôi biết chúng sẽ cảm nhận được vị yêu thương tròn trịa và đủ đầy, để nhớ về, để trở về sau mỗi lần vấp ngã và trưởng thành.
 
Lại xuân nữa đang chạm ngõ, hàng hàng, lớp lớp người tứ phương chẳng quản đường xa, xe cộ chật chội lũ lượt về quê vui Tết ấy cũng chỉ để tìm lại vị của thời gian nơi quê xứ mà trong đó có bữa cơm mẹ nấu. Vâng, vị của mẹ thấm đẫm trong cả cuộc đời. 
 
Đà Lạt ngày cuối năm 2018
 
Đặng Tuấn Linh