Ðơn Dương là một trong bốn huyện của cả nước được chọn để thí điểm xây dựng mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, mục tiêu đặt ra là xây dựng vùng đất trù phú này đạt NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2018 - 2025.
Ðơn Dương là một trong bốn huyện của cả nước được chọn để thí điểm xây dựng mô hình huyện nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Theo đó, mục tiêu đặt ra là xây dựng vùng đất trù phú này đạt NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) theo hướng thông minh giai đoạn 2018 - 2025. Với tiền đề đã đạt được là huyện NTM đầu tiên của khu vực Tây Nguyên vào năm 2015, mục tiêu đưa ra được kỳ vọng sẽ là hiện thực ở thời điểm không còn xa...
|
Một góc Ka Đô trù phú, bình yên. Ảnh: Lê Thanh Bảo |
Nhịp sống vùng rau…
Những ngày cuối năm, ánh nắng vàng chiếu xiên qua những cánh đồng rau xanh ngát. Ở vùng chuyên canh cây rau thương phẩm này, dù thời điểm cuối ngày nhưng hoạt động mua bán vẫn diễn ra tấp nập. Xe tải đậu ngay sát vườn, đảm bảo chuyên chở dễ dàng, nhanh chóng.
Kiểm tra một loạt các thông số về độ ẩm, nhiệt độ… và click chuột, hệ thống tưới tự động trong nhà kính ngay lập tức hoạt động, cung cấp nước cho hơn 2 sào ớt chuông đang sắp tới hồi thu hoạch. Xong xuôi công việc, anh Bùi Ngọc Cung thong dong đi trên một trong những con đường làng đẹp nhất của thôn Lạc Thạnh, xã Lạc Lâm. Cả con đường dài gần 1,5 km được trồng rất nhiều loại hoa, cây xanh… như khoác tấm áo tươi mới, giàu sức sống lên vùng quê. Phóng tầm mắt ra xa hơn, những diện tích nhà kính, nhà lưới đang dần được phủ trên diện rộng -điều mà chỉ cách đây chừng 3, 4 năm là chuyện hiếm có.
Giờ đây, không riêng gì Lạc Thạnh mà toàn thể Nhân dân xã Lạc Lâm tự hào về quá trình chung sức, đồng lòng. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Trương Quang Kiên, năm 2018, huyện Đơn Dương xây dựng được 10 khu dân cư kiểu mẫu thì Lạc Lâm có tới 4 khu. Các khu dân cư kiểu mẫu chính là nền tảng để tiến đến mục tiêu xã NTM kiểu mẫu vào năm sau.
|
Những con đường hoa tạo diện mạo cho nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Chính Phong |
Chứng kiến đám cháu nội, ngoại tung tăng vui đùa ngoài sân, ông Nguyễn Hóa (thôn Quảng Thuận, xã Quảng Lập) nở nụ cười mãn nguyện. Cả đời người gắn bó với ruộng vườn, nay ông an tâm giao lại cho các con, vui thú điền viên tuổi già. Nhờ sự đồng thuận của người dân mà giờ đây, khắp các đường làng ngõ xóm của Quảng Lập đều được tôn tạo cảnh quan. Hệ thống đèn điện chiếu sáng được huy động từ nguồn xã hội hóa 100%. Các tuyến đường hoa, cây xanh như làm tăng thêm vẻ trù phú cho mảnh đất này.
Có những con số thống kê cho thấy sự khởi sắc rõ rệt của Đơn Dương như: Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 58,02 triệu đồng. Tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản đạt trên 7.537,4 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Diện tích sản xuất rau, hoa ứng dụng CNC chiếm 86,4% diện tích canh tác rau toàn huyện (25% sản lượng nông sản toàn huyện được ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm). Giá trị thu nhập từ sản xuất rau, hoa ứng dụng CNC đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm, nhiều mô hình đạt trên 1 tỷ đồng/ha/năm. Số hộ nghèo trên toàn huyện còn 441 hộ, chiếm tỷ lệ 1,87%. Từ đây, diện mạo nông thôn huyện Đơn Dương đã khởi sắc rõ rệt, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng cao, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện đáng kể…
Phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao
Nông nghiệp là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của huyện Đơn Dương, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng CNC trong sản xuất rau, hoa và chăn nuôi bò sữa.
Trong bối cảnh khoa học công nghệ đang phát triển mạnh mẽ và chủ trương về việc đẩy mạnh hơn nữa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất nông nghiệp thì Đơn Dương hiện có nhiều điều kiện để tiếp tục đi trước, nhằm hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng thông minh.
|
Người dân Ka Đô tiến hành thu hoạch rau. Ảnh: Lê Thanh Bảo |
Hiện nay, nếu xét đến tính chất kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng CNC thì huyện Đơn Dương đã trở thành một điển hình tiêu biểu bởi 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp do các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn huyện đều đã được ứng dụng CNC trong quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm. Đối với 3 sản phẩm chủ lực là bò sữa, rau và hoa do người dân tự tổ chức sản xuất: 100% hoạt động chăn nuôi bò sữa đều ứng dụng CNC trong nhiều khâu sản xuất (thái cỏ, vắt sữa, chuồng trại, cơ giới hóa...); 84% diện tích trồng rau, hoa có ứng dụng CNC (nhà lưới, nhà kính, thủy canh, cơ giới hóa, tưới nước tiết kiệm kết hợp với bón phân, tin học hóa, công nghệ sau thu hoạch...), đem lại thu nhập bình quân không ngừng tăng lên mỗi năm.
Với những nhà nông bắt kịp xu hướng, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào quá trình sản xuất, những bước đi đầu tiên không tránh khỏi bỡ ngỡ nhưng nhờ tinh thần vừa làm vừa học, tham khảo ở nhiều nơi, dám chấp nhận thử thách, đối mặt với thất bại, nhiều mô hình cho thu nhập trên một tỷ đồng mỗi năm như một minh chứng cho một hướng đi đúng đắn từ đây về sau.
Mặc dù vậy, nhìn chung các loại hình công nghệ áp dụng hiện nay của các nông hộ được đánh giá là chủ yếu đang tích hợp các công nghệ đơn giản. Các công nghệ phức tạp và đầu tư lớn còn tương đối hạn chế như sản xuất trong nhà kính, ứng dụng công nghệ thông tin cùngcác công nghệ tự động và bán tự động… Hoạt động sản xuất nông nghiệp tuy phát triển mạnh nhưng cần đầu tư cho công tác tổ chức sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết hiệu quả và bền vững cũng như vấn đề tiêu thụ nông sản.
|
Với hệ thống tưới tự động thông minh, thông qua vài cú lướt smartphone hay click chuột, dù ở đâu anh Bùi Ngọc Cung cũng có thể kiểm soát được việc sản xuất trong nhà kính của mình |
Dựa trên những kết quả thực tế đạt được, Đề án Xây dựng huyện Đơn Dương đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng thông minh giai đoạn 2018 - 2025 đã được hoàn thành, đang chờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định.
Theo đánh giá thì với những yêu cầu về một nền nông nghiệp thông minh, trong những năm tới, các doanh nghiệp hay trang trại lớn sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đơn Dương hoàn toàn có thể đáp ứng được ít nhất 4-5/7 yếu tố, nghĩa là có tính chất “theo hướng thông minh” mà Đề án này đặt ra, tích hợp vào nền tảng nông nghiệp ứng dụng CNC đã có. Đây cũng là định hướng của tỉnh về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025.
Ông Nguyễn Đình Khoát, Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới cho biết thêm, trên cơ sở thực tế, Ban Chỉ đạo NTM kết hợp với huyện Đơn Dương để cùng thống nhất đưa ra các mục tiêu, kế hoạch triển khai trong Đề án xây dựng NTM kiểu mẫu ở Đơn Dương. Là một trong bốn huyện đầu tiên làm thí điểm, điều quan trọng hiện nay là chúng ta cần vừa làm vừa sửa, vừa điều chỉnh các nội dung sao cho sát với tình hình thực tế tại địa phương để đảm bảo quá trình xây dựng được suôn sẻ, phù hợp với khả năng và nguồn lực của huyện. Định nghĩa về một nền nông nghiệp thông minh có nhiều yếu tố, tuy nhiên, thực tế ở nước ta chưa thể so sánh với các nước trên thế giới. Trong điều kiện triển khai cụ thể nào đều rất cần sự thúc đẩy, đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước, của các cấp, các ngành để mục tiêu đạt được thành tựu.
HỒNG THẮM