Một vùng đất hiền hòa nằm trên dải cao nguyên với bao nét độc đáo, duyên dáng...
Một vùng đất hiền hòa nằm trên dải cao nguyên với bao nét độc đáo, duyên dáng. Ở nơi đây lưu giữ hương sắc cho đất trời chính là những loài hoa đã đi vào thơ ca, nhạc, họa và rồi… còn những kỷ niệm xa xưa, những “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo” là những con người âm thầm, sống một cách kín đáo qua từng kỷ vật để dâng trọn niềm sống cho miền đất lạnh Đà Lạt.
|
Nhiếp ảnh gia Đặng Văn Thông bên cuốn album về Đà Lạt xưa |
Vì Đà Lạt xứng đáng
Đà Lạt những ngày cuối đông, tôi gặp anh trong một căn nhà nhỏ, hẻm nhỏ, nó nhỏ thật sự vì chỉ “lọt” xe máy và người đi bộ. Hẻm dẫn vào nhà anh chỉ nom chừng hơn 1 mét ở đường Phan Đình Phùng (Phường 2 - TP Đà Lạt), có vài hộ quây quần với nhau từ bao lâu nay. Không gian tiếp khách chỉ vỏn vẹn chừng 3 mét vuông, còn nơi ăn giấc ngủ thì trải chiếu, trải nệm nằm ngay dưới chân những món đồ tưởng chừng như bị quên lãng.
Anh có nhiều cổ vật, hiện vật, anh bảo chừng 70 nghìn, chỉ tính số chẵn. Nhiều thứ quý giá trên đời, liên quan đến Đà Lạt tưởng chừng người ta đã quăng bỏ sọt rác, bán phế liệu, ve chai thì anh lượm lặt, mua, thậm chí là “chuộc” về.
Anh dẫn chứng: “Cái lò sưởi này mình đến muộn một xíu thôi là người ta đã cho lên xe chuyển đi nơi khác rồi, nung chảy nó rồi. Rồi cái bếp củi liên hợp này nữa, người ta cứ quẳng tuốt vào một đống rồi gọi chúng là phế liệu. Nhưng thực chất đây là hai minh chứng cho miền đất lạnh này, vì giá lạnh mới cần đến lò sưởi và bếp củi liên hợp để nấu nướng và hâm nóng thức ăn mà các thợ thủ công, thợ cơ khí người Pháp chế tạo riêng cho Đà Lạt. Hiện tại mình đã sưu tầm được 20 lò sưởi và 8 bếp củi liên hợp, mỗi chiếc bếp này nặng chừng 200 kg”.
Anh tự nhận mình là nhà sưu tập “cô đơn” nhưng anh có Đà Lạt, có đến 70% số cổ vật, hiện vật của anh liên quan đến Đà Lạt, đến quá khứ nhuốm màu thời gian. Với người bản địa trên cao nguyên, anh có bộ sưu tập mà anh đặt tên là Bộ sưu tập bản địa gồm các vật dụng sinh hoạt gắn với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số như chum, chóe, cồng, chiêng, tẩu thuốc, vật dụng bằng đá để xay ngũ cốc… Bộ sưu tập gốm sứ châu Âu có mặt tại Đà Lạt từ thế kỷ thứ XIX, đặc biệt là gốm sứ của Pháp thể hiện bằng các vật dụng dùng trong gia đình như: ấm chén, bát, đĩa… Bộ sưu tập gốm sứ Trung Hoa do cư dân vào Đà Lạt lập nghiệp mang theo từ các vùng miền của nước ta.
Hơn 30 năm qua, anh đã trau dồi thêm kiến thức, tìm hiểu về lịch sử để có thể khẳng định chắc chắn và biết nguồn tích của những hiện vật mà mình sưu tầm. Vì như anh tâm sự thì cũng nhiều lúc “vớ” phải hàng nhái, mà mỗi lần như thế là một lần phải rút kinh nghiệm và rồi tự mình rút ra bài học xương máu. Đối với anh, những kỷ niệm đó là đồng tiền mồ hôi nước mắt, làm đủ ngành nghề từ nhạc công, từ dạy đàn, đến xe ôm, thợ đụng để mua hay “chuộc” những gì nho nhỏ thuộc về Đà Lạt này.
Ước mơ duy nhất của anh trong ngôi nhà nhỏ bé mà đầy ắp hiện vật quá khứ này chính là được giới thiệu rộng rãi đến với công chúng, để mọi người biết nhiều hơn về quá khứ, về Đà Lạt xưa, về miền đất lạnh. Tâm huyết sưu tầm, gìn giữ hiện vật xưa cũ cho Đà Lạt, điều làm anh hạnh phúc nhất chính là được bạn bè và du khách trong và ngoài nước ghé thăm căn nhà nhỏ của mình. Và điều họ lấy đi chính là những bức ảnh rồi họ để lại những lời động viên quý báu, giúp anh vượt qua những lúc can trường, sóng gió với các hiện vật.
Người ta gọi anh là “khùng” khi đổ hết tiền bạc, dành cả không gian căn nhà, đến nỗi chốn ngủ nghỉ của anh là tấm nệm gấp nếp để dành nơi trang trọng, “đáng sống” cho hiện vật của Đà Lạt xưa cũ. Vì một lẽ theo anh nói: Vì Đà Lạt xứng đáng! Anh là Nguyễn Văn Tuấn sinh năm 1961.
|
Anh Tuấn bên lò sưởi và bếp củi liên hợp mà mình sưu tầm, lưu giữ cho Đà Lạt |
Ngôi nhà xưa và những bức ảnh kỷ niệm
Miên man với Đà Lạt xưa cũ, tôi tình cờ gặp được một người trẻ, khá trẻ, thuộc thế hệ 8x. Anh có đôi bàn tay tài hoa vì anh là một kỹ sư thiết kế nội thất và từng làm việc ở TP Hồ Chí Minh trong lĩnh vực này.
Ra đi để trở về. Sau bao tháng ngày xa xứ, anh quyết định về lại nơi mình sinh ra - Đà Lạt để dàn dựng và tái hiện lại ngôi nhà ông bà, tổ tiên để lại từ năm 1955. Ngôi nhà gỗ còn nguyên vẹn, điều thuận lợi nhất đối với anh chính là căn nhà xưa có một kho chứa đồ nằm ở phía mái nhà. Đồ vật, vật dụng hằng ngày của ông bà được cất giữ gần như nguyên vẹn. Từ chiếc đèn dầu, máy may, bát đĩa, bàn ghế, tủ kệ, tranh ảnh, đồ trang trí… Anh chính là Phạm Hoàng Luân sinh năm 1988 (đường Cô Giang, Phường 9, TP Đà Lạt). Và rồi anh Luân đã biến ngôi nhà xưa cũ của gia đình mình thành nơi lưu giữ hồn xưa Đà Lạt với các loại cây kiểng, hoa trái đặc biệt của xứ sở xương mù này. Nhiều người có dịp ghé thăm tưởng chừng chàng là một nhà sưu tập, một “dân chơi” đồ cổ trẻ tuổi nhưng anh chỉ cười và giải thích rằng nơi đây chỉ là một chốn xưa cũ nguyên vẹn của Đà Lạt, chỉ bày biện chứ không bán mua…
Nếu có những người lưu giữ nét xưa cũ của Đà Lạt bằng cổ vật, hiện vật thì cũng có nhiều người làm cho Đà Lạt còn chút gì để nhớ bằng khoảnh khắc - chính là nhiếp ảnh.
Gặp ông, một người quắc thước, tuổi ngoại bát tuần nhưng tâm trí còn minh mẫn. Ông lần hồi ký ức của mình về một thời xưa cũ của Đà Lạt bằng một cuốn album hơn 40 tấm hình trong hàng ngàn tấm hình mà mình đã trực tiếp bấm máy.
|
Ngôi nhà xưa cũ mà chàng trai Phạm Hoàng Luân cố công lưu giữ những kỷ vật về Đà Lạt xưa |
“Đây. Đà Lạt xưa đây. Hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Mê Linh, thác Cam Ly, từng con dốc xa vắng này. Khác giờ nhiều không cậu trai trẻ?”. Ông nhìn về phía xa xa của những triền thông rồi miên man nhớ về khoảnh khắc của những năm 1952, 1955.
Với ông hai bức ảnh mà ông tâm đắc nhất đó chính là bức ảnh Đà Lạt xưa được ông bấm máy vào năm 1952 và 2 bức ảnh hồ Than Thở, hồ Xuân Hương được ông bấm máy vào năm 1955. Là người lưu giữ ký ức về Đà Lạt qua khoảnh khắc nhưng ông không giữ riêng cho mình mà giới thiệu rộng rãi đến bạn bè, công chúng muốn tìm về Đà Lạt xưa cũ qua nước ảnh đen trắng.
Bằng tình yêu Đà Lạt khi mình chỉ là cậu bé 8 tuổi theo cha mẹ vào mảnh đất này. Có ông chú họ hàng mở tiệm ảnh ngay tại Đà Lạt, ông học nghề rồi làm thợ cho các tiệm ảnh ngày xưa như: Đà Lạt phô tô; Đại Việt phô tô; Phô tô Plaise. Và cho đến khi trực tiếp bấm máy về Đà Lạt, ông dành tình yêu có lẽ như ông nói là hơi “thiên vị” mảnh đất này. Vì hầu hết các sáng tác, những lần bấm máy của ông đều là ghi lại khoảnh khắc của cảnh vật, núi rừng, sông suối và đời sống của con người Đà Lạt.
Sinh năm 1932, nhưng ông vẫn dành thời gian quý báu của mình để chụp những bức ảnh về Đà Lạt hiện tại để làm phong phú thêm cho bộ sưu tập ảnh Đà Lạt của mình. Để rồi con cháu, bạn bè và công chúng có sự nhìn nhận, so sánh và hồi tưởng về một thời xưa cũ của mảnh đất thương nhớ. Ông là nhiếp ảnh gia Đặng Văn Thông.
Có thể người viết chỉ mới gặp gỡ và trò chuyện với một số cá nhân được xem như là “bảo tàng tư nhân” - lưu giữ ký ức vùng đất lạnh. Nhưng tất cả họ từ lão niên, trung niên đến thanh niên đều chung một ước nguyện bảo lưu những gì quý giá thuộc về Đà Lạt, vì mảnh đất này xứng đáng, xứng tầm, xứng danh…
ĐỨC TÚ