Nói như sự ví von của nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh thì lụa B'Lao như một cô gái đẹp giam mình trong ngôi nhà cổ, nay đã bước ra thế giới bên ngoài với vẻ đẹp dịu dàng nhưng cũng đầy tự tin và bản lĩnh.
Nói như sự ví von của nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh thì lụa B’Lao như một cô gái đẹp giam mình trong ngôi nhà cổ, nay đã bước ra thế giới bên ngoài với vẻ đẹp dịu dàng nhưng cũng đầy tự tin và bản lĩnh.
|
Tự động hóa giúp chất lượng lụa Bảo Lộc ngày càng nâng cao. Ảnh: K.Phúc |
Vận hội mới của tơ lụa B’Lao
Mỗi năm, Bảo Lộc thu về từ 15 - 16 triệu USD từ việc xuất khẩu tơ lụa. Đó chính là sự “trở mình” để tơ lụa xứ B’Lao ngày càng bay cao, vươn xa ra thị trường thế giới.
Hiện tại, Việt Nam đang đứng vị trí thứ 3 châu Á và thứ 6 trên thế giới về sản lượng tơ lụa xuất khẩu. Trong 3 năm qua, Bảo Lộc duy trì sản lượng xuất khẩu từ 860 - 1.000 tấn tơ và 2,5 - 3 triệu mét lụa, chiếm hơn 80% sản lượng tơ lụa xuất khẩu của cả nước. Trước đây, Bảo Lộc chủ yếu xuất khẩu tơ thô qua thị trường Ấn Độ là chính. Nhưng từ năm 2017 đến nay, sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc đã có mặt và tạo được chỗ đứng tại nhiều nước trên thế giới. Không những vậy, thị trường bán lẻ nội địa không ngừng tăng lên, các sản phẩm thời trang từ tơ lụa Bảo Lộc gần như thay thế hoàn toàn cho lụa nhập khẩu từ Trung Quốc. Cùng với đó, ngành tơ lụa Bảo Lộc còn tạo ra nhiều sản phẩm sử dụng cho y học, mỹ phẩm, xây dựng cơ bản, trang trí nội thất và ứng dụng công nghệ cao...
Hầu hết những người đang cùng nhau làm hồi sinh vùng đất dâu tằm đều là những “hậu bối” của thời hoàng kim. Giờ đây, mỗi người một ý tưởng và họ đang chung sức, chung lòng cùng đóng góp trí tuệ đưa ngành tơ lụa Bảo Lộc bay cao, vươn xa.
Với ông Huỳnh Tấn Phước, Giám đốc Công ty TNHH Tơ Nhật Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Vietnam Silk House thì cuộc đời ông gắn liền với con tằm, sợi tơ. “Quan điểm của tôi rất rõ ràng, để nâng cao chất lượng sản phẩm, tôi luôn chú trọng đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại cho khâu ươm tơ. Mình phải hiểu rằng ươm tơ là để phục vụ cho ngành dệt lụa trong nước phát triển. Vietnam Silk House ra đời cũng không ngoài mục đích đó, là nơi hội tụ để làm ra những sản phẩm lụa Việt tốt nhất phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Chúng tôi còn phối hợp với nhà thiết kế Minh Hạnh và một số nhà thiết kế khác tạo ra những bộ trang phục từ chính sản phẩm lụa Bảo Lộc. Hiện nay, Vietnam Silk House đã xây dựng được 9 cửa hàng bán các sản phẩm lụa Bảo Lộc tại nhiều địa phương trên cả nước như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình...”.
Để đưa sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc đến với bạn bè quốc tế, ông Phước cũng thường xuyên tham gia các chương trình triển lãm thời trang tại Nhật Bản, Thụy Sĩ và Nga. Qua đó, ông đã mang tới những bộ trang phục gắn liền với văn hóa, con người Việt Nam như áo dài, trang phục công sở, trang phục truyền thống của bà con đồng bào Tây Nguyên… Tất cả đều được bạn bè quốc tế đón nhận và đánh giá cao thương hiệu lụa Việt.
Còn theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty tơ lụa Viet Silk thì để lụa Bảo Lộc vươn xa cần chú trọng xuất khẩu để khẳng định chất lượng với người tiêu dùng trên thế giới. Chính những yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng nước ngoài, ta sẽ chủ động chuyển giao công nghệ máy móc và nâng tầm lụa Bảo Lộc.
Theo ông Dũng, để ngành tơ lụa Bảo Lộc nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển bền vững thì phải xóa bỏ tư tưởng “mạnh ai nấy làm”. Thay vào đó là sự liên kết giữa doanh nghiệp dệt lụa, ươm tơ và người trồng dâu nuôi tằm. Chính bởi sự liên kết này, doanh nghiệp dệt phải tạo ra những sản phẩm lụa theo yêu cầu của đối tác tiêu thụ; nhà ươm phải đảm bảo sản phẩm tơ chất lượng và người nông dân tạo ra kén tằm như tiêu chuẩn mà nhà ươm yêu cầu. Đây chính là cách tốt nhất để có những sản phẩm lụa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Trong khi đó, ông Vũ Ngọc Văn - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam cho hay, để nâng cao chất lượng tơ lụa Bảo Lộc, nhiều doanh nghiệp đã chọn cách hợp tác làm ăn với các nhà đầu tư nước ngoài. Qua phương thức làm ăn này, đối tác sẽ đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, nhằm tạo ra những sản phẩm tơ lụa đạt chất lượng tốt nhất. “Qua việc hợp tác với đối tác Nhật Bản, Công ty chúng tôi giảm bớt rủi ro và ngày càng nâng cao sự chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu khắt khe của đối tác. Đây chính là hướng đi mà chúng tôi đang lựa chọn để mang sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc đến với các thị trường trên thế giới; trong đó, có những thị trường khó tính như Nhật, Pháp và Ý” - ông Văn chia sẻ.
|
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến thăm cơ sở sản xuất tơ tằm tại Bảo Lộc. Ảnh: T.Chu |
Nghề tằm tang trở lại
Nguồn nguyên liệu đang là đòi hỏi cấp thiết của ngành sản xuất tơ lụa. Chính vì vậy, ngoài việc quảng bá, tìm kiếm thị trường và đưa lụa Bảo Lộc vươn tầm ra thị trường thế giới thì việc khôi phục vùng trồng dâu nuôi tằm cũng đang rất được chú trọng.
Hiện tại, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã phê duyệt Đề án phát triển ngành dâu tằm tơ bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019 - 2023, với những chính sách hỗ trợ thiết thực. Đó là những cơ chế, chính sách hữu hiệu không chỉ thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu mà còn góp phần đưa sản phẩm tơ lụa tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.
Theo Bí thư Thành ủy Bảo Lộc Nguyễn Văn Triệu, sự phát triển của ngành dâu tằm tơ là một động lực quan trọng giúp huyện Bảo Lộc xưa tích lũy điều kiện cần thiết để trở mình thành thị xã vào năm 1994 và năm 2005 trở thành TP Bảo Lộc. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ngay từ năm 1965, người Nhật đã chọn Bảo Lộc là vùng đất trồng dâu nuôi tằm thích hợp và Bảo Lộc đã trở thành thủ phủ tơ tằm Việt Nam. Nó cho thấy Bảo Lộc là nơi lý tưởng để cây dâu, con tằm phát triển.
Thật vậy, hiếm có vùng đất nào trên dải đất hình chữ S được thiên nhiên ưu đãi như Bảo Lộc. Với nhiệt độ trung bình từ 22 đến 28 độ C, không quá nóng cũng không quá lạnh, Bảo Lộc là nơi có điều kiện lý tưởng để cây dâu, con tằm sinh sôi, nảy nở. Hiện nay, diện tích cây dâu tằm tại Bảo Lộc đã tăng lên 658 ha. Cùng với đó, Bảo Lộc có hơn 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tơ lụa.
Ông Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch UBND xã Đam B’ri, nơi tập trung diện tích trồng dâu nuôi tằm lớn nhất TP Bảo Lộc phấn khởi: “Ngoài nguyên nhân giá kén tằm cao, lý do khiến ngành dâu tằm tơ phục hồi phải kể đến những thành tựu của khoa học, kỹ thuật trong việc tạo ra nhiều giống dâu và giống tằm mới; việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật từ trồng, thâm canh giống dâu đến kỹ thuật nuôi tằm đã làm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng kén, tạo ra nguồn thu ổn định cho nhiều nông dân”.
|
Phơi lụa. Ảnh: Võ Đình Quýt |
Ðổi mới tư duy sản xuất
Không riêng Bảo Lộc, nhiều địa phương lân cận cũng đang ngày càng phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm.
“Khoảng 10 năm nay, với việc giá kén tằm luôn ổn định ở mức cao, nhiều gia đình đã trở lại và bắt đầu làm giàu từ nghề truyền thống này. Địa phương đang có hơn 200 ha dâu tằm và một tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm, với 60 tổ viên” - ông Nguyễn Đức Nhẫn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Tân (Bảo Lâm) cho hay.
|
Cây dâu tằm đang phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh: K.Phúc |
Trong khi đó, tại các xã Đạ Tồn, Mađaguôi và Đạ Oai (huyện Đạ Huoai), trước là những vùng chuyên canh cây mía thì từ năm 2012 đến nay đã được phủ một màu xanh bạt ngàn của những vườn dâu lai tam bội cho năng suất cao. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổ trưởng Tổ hợp tác dâu tằm Thôn 1 (xã Đạ Tồn, Đạ Huoai), chia sẻ: “Từ khi cây dâu tằm bén rễ thay thế cho cây mía đến nay, cuộc sống của người dân chúng tôi không ngừng được cải thiện. Toàn thôn đang có gần 60 hộ dân trồng dâu nuôi tằm, với hơn 80 ha dâu. Hầu hết bà con đều có mức thu nhập ổn định từ 10 - 15 triệu đồng/tháng”.
Cùng với huyện Lâm Hà thì huyện Đạ Tẻh được xem là một trong những địa phương đi đầu phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm của tỉnh. Đến nay, toàn huyện đã phát triển lên gần 1.600 ha với hơn 2.000 hộ gắn bó với nghề “ăn cơm đứng”. Từ những tiềm năng, lợi thế của địa phương, năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai Dự án “Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để phát triển bền vững ngành trồng dâu nuôi tằm” tại Đạ Tẻh. Dự án này có tổng kinh phí 11 tỷ đồng, hỗ trợ người dân về giống dâu, giống tằm, phân bón, nông cụ và chuyển giao khoa học kỹ thuật xây dựng 16 mô hình điểm trồng dâu nuôi tằm.
Ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh, cho biết: “Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 21 tổ hợp tác và 8 hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm hoạt động hiệu quả. Trong 2 năm 2018 và 2019, địa phương còn lồng ghép nhiều chương trình, dự án để hỗ trợ kinh phí cho bà con chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây dâu; đồng thời, kêu gọi doanh nghiệp thành lập những điểm thu mua kén cho người dân... Đặc biệt, hầu hết người dân địa phương đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng dâu nuôi tằm như đầu tư hệ thống tưới tự động, xây dựng nhà nuôi tằm riêng biệt, sử dụng né gỗ... góp phần nâng cao năng suất, chất lượng kén tằm. Thống kê cho thấy, trung bình mỗi ha dâu đang mang lại cho người dân địa phương nguồn thu nhập từ 200 - 220 triệu đồng/năm”.
|
Lụa Bảo Lộc trên sàn diễn thời trang. Ảnh: K.Phúc |
Còn đó những khó khăn
Hiện tại, khó khăn lớn nhất mà người trồng dâu nuôi tằm đang phải đối diện là phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn giống tằm nhập khẩu qua đường “tiểu ngạch” từ Trung Quốc. Ông Nguyễn Mậu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông - Lâm nghiệp Lâm Đồng, cho biết: “Để góp phần đưa ngành tơ lụa ngày càng phát triển ổn định, Trung tâm đã nghiên cứu, lai tạo ra nhiều giống dâu lai cho năng suất cao. Riêng giống tằm hiện nay vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn giống nhập khẩu từ Trung Quốc. Để phá vỡ thế độc tôn khi phải nhập khẩu giống tằm, Trung tâm đã chú trọng nghiên cứu, lai tạo các giống tằm lưỡng hệ. Tuy nhiên, tất cả vẫn đang trong quá trình nghiên cứu nên chưa thể chuyển giao cho người dân”.
|
Sử dụng né gỗ làm tăng chất lượng kén tằm. Ảnh: K.Phúc |
Cùng với việc phụ thuộc hoàn toàn nguồn giống tằm nhập khẩu, “thủ phủ” dâu tằm Lâm Đồng đang đối diện với vấn đề chất lượng tơ còn thấp. Hiện, toàn tỉnh đang có khoảng 80 dãy ươm tơ tự động, trong đó, có đến gần 2/3 tập trung tại Bảo Lộc. Tuy nhiên, chất lượng tơ tằm cũng chỉ dừng lại ở mức A - 3A. Với chất lượng hiện tại, có đến 90% sản phẩm tơ tằm Lâm Đồng xuất khẩu thô qua thị trường Ấn Độ. Trong khi đó, để có sản phẩm xuất khẩu qua các thị trường khó tính, nhưng đầy tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Pháp, Ý... buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu tơ chất lượng cao (4 - 6A) từ Trung Quốc.
Ông Vũ Ngọc Văn - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, cho hay: “Để ngành tơ lụa Lâm Đồng ngày càng bay cao, bay xa trên thị trường quốc tế, địa phương và các nhà khoa học cần có giải pháp hữu ích để nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu tơ tằm”.
KHÁNH PHÚC - THÀNH ÐỒNG - HẢI ÐƯỜNG