Cách đây 70 năm, trong tác phẩm "Dân vận", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết "Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm"...
Cách đây 70 năm, trong tác phẩm “Dân vận”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong thời đại ngày nay, những bước chân của cán bộ dân vận ở Lâm Ðồng vẫn tiếp tục miệt mài rảo bước trên những nẻo quê để tuyên truyền, vận động Nhân dân đóng góp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.
|
Đoàn công tác của Ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng khảo sát mô hình Dân vận khéo trên địa bàn |
Khi bước chân không mỏi
Khi những giọt sương rừng còn đọng trên lá, trong cái se lạnh buổi sáng vùng cao, và các gia đình đang quây quần bên bếp lửa hồng chờ ánh mặt trời lên để chuẩn bị một ngày lên nương, lên rẫy, thì bước chân của chị Bon Niêng Ka Pớt đã rảo bước quanh làng. Chị tranh thủ đến từng nhà để tuyên truyền, vận động bà con từ bỏ những hủ tục, xây dựng cuộc sống ấm no. Với vai trò là cán bộ dân số và gia đình của xã, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Nuôi dạy con tốt” Thôn 1, xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương, thời gian qua, chị Bon Niêng Ka Pớt luôn làm tốt công tác dân vận ở vùng sâu.
Ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với đồng bào, chị Bon Niêng Ka Pớt đã đến “từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động. Với dáng người mảnh mai, đôi mắt sáng và giọng nói nhỏ nhẹ, cùng với lòng nhiệt thành của mình, chị Ka Pớt đã kiên trì làm lay chuyển suy nghĩ của người dân trong vùng. Từ việc đến từng nhà, lên tận nương rẫy, lồng ghép trong các cuộc họp thôn và các lễ hội tổ chức trong buôn làng, chị đã vận động chị em phụ nữ trong thôn nuôi dạy con tốt; thực hiện kế hoạch hóa gia đình; bài trừ hủ tục; phổ biến kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, liên kết sản xuất; bảo vệ môi trường, quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện đời sống văn hóa ở khu dân cư…
Đồng chí Thân Văn Quý - Trưởng ban Dân vận huyện Lạc Dương cho biết, chị Ka Pớt là cán bộ dân vận cơ sở nhiệt tình, năng nổ. Qua công tác tuyên truyền, vận động của chị đã góp phần thay đổi suy nghĩ của bà con đồng bào địa phương, từ đó xây dựng đời sống mới, chung tay phát triển quê hương.
Sinh năm 1937, nay đã hơn 80 tuổi nhưng cụ Nguyễn Văn Đài - Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn Gan Thi, xã Gia Lâm, Lâm Hà mắt vẫn sáng, tai vẫn tỏ và vẫn còn minh mẫn. Đặc biệt, bầu nhiệt huyết của cụ vẫn sôi sục để đóng góp xây dựng phát triển quê hương.
Thôn Gan Thi là một thôn vùng sâu, vùng xa của xã Gia Lâm được thành lập năm 2005. Trước đây, Gan Thi là một địa bàn cách trở, đường sá đi lại khó khăn và tỷ lệ hộ nghèo trong thôn cao. Người dân trong thôn chủ yếu là đồng bào Công giáo, lập nghiệp trên quê hương mới với đời sống còn nhiều khó khăn.
Bước vào triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn, với sự hỗ trợ của Nhà nước thì rất cần sự chung tay góp sức của người dân trong thôn. Tuy nhiên, khi nói đến việc đóng góp xây dựng NTM, một số người dân địa phương vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không nhiệt tình tham gia. Thế nhưng, qua công tác tuyên truyền, vận động, giải thích hợp tình, hợp lý của cụ Nguyễn Văn Đài, người dân trong thôn đã đồng sức đồng lòng đóng góp tiền của, ngày công, hiến đất để xây dựng, phát triển quê hương.
Không chỉ tuyên truyền người dân thực hiện, trong các phong trào, đóng góp, gia đình cụ Nguyễn Văn Đài luôn gương mẫu đi đầu. Tiêu biểu như năm 2012, thôn Gan Thi được Nhà nước hỗ trợ xây dựng con đường bê tông với chiều dài hơn 600 m, tổng kinh phí hơn 600 triệu đồng; trong đó, người dân phải đối ứng là 246 triệu đồng. Thế nhưng, do đời sống của nhiều hộ gia đình còn khó khăn và chưa đến mùa thu hoạch cà phê nên khi vận động đối ứng, người dân chỉ đóng góp được 46 triệu đồng. Trước tình cảnh đó, cụ Nguyễn Văn Đài đã không ngần ngại mang sổ đỏ của gia đình đi thế chấp ngân hàng vay 200 triệu đồng để kịp thời làm đường, với suy nghĩ khi nào người dân có sẽ đóng góp sau. Bên cạnh đó, gia đình ông cũng gương mẫu đóng góp hàng triệu đồng và hiến hơn 3.000 m2 đất với trị giá khoảng 300 triệu đồng để làm đường. Ngoài ra, cụ Nguyễn Văn Đài còn tự bỏ tiền túi để mua dụng cụ như: cuốc, xẻng, bay, thước… để cho người dân trong thôn thi công các công trình.
Từ khi thực hiện phong trào xây dựng NTM, Gan Thi đã từng bước “thay da đổi thịt”. Đến nay, mọi mặt đời sống của người dân thôn Gan Thi không ngừng được nâng lên, đường bê tông và hệ thống điện thắp sáng đã về tận thôn.
|
Bước chân không mỏi của chị Ka Pớt đến từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân xây dựng đời sống mới |
“Dân vận khéo” trong xây dựng NTM
Những tấm gương tiêu biểu trong công tác dân vận như chị Bon Niêng Ka Pớt và cụ Nguyễn Văn Đài như những bông hoa đẹp trong vườn hoa “Dân vận khéo” của Lâm Đồng. Công tác dân vận có vai trò hết sức to lớn và đóng góp cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị và quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Trong đó, không thể không nói đến “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM ở Lâm Đồng hơn 10 năm qua.
Bước vào triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn, Lâm Đồng là một tỉnh Nam Tây nguyên có xuất phát điểm thấp và gặp không ít khó khăn, thử thách. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng NTM, công tác dân vận phải được phát huy và đi trước một bước. Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đã không ngừng ra sức tuyên truyền, vận động Nhân dân chung sức xây dựng NTM.
|
Cụ Nguyễn Văn Đài luôn phát huy tốt vai trò người cao tuổi trong vận động quần chúng nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn |
Hơn 10 năm qua, đội ngũ làm công tác dân vận trên địa bàn đã không quản ngại nắng mưa, sớm tối và những bước chân thầm lặng của họ vẫn miệt mài đến từng thôn cùng ngõ hẻm để vận động Nhân dân tham gia xây dựng NTM.
Theo thống kê, tổng nguồn lực huy động cho chương trình xây dựng NTM trên địa bàn Lâm Đồng giai đoạn 2010 - 2019 gần 52,7 ngàn tỷ đồng. Trong đó, vốn cộng đồng dân cư đóng góp trên 1,75 ngàn tỷ đồng, vốn các tổ chức, doanh nghiệp là hơn 700 tỷ đồng.
Từ phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, tại Lâm Đồng đã xuất hiện những mô hình, điển hình tiên tiến. Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 2.670 mô hình điển hình “Dân vận khéo” của các tập thể, cá nhân được công nhận, tuyên dương và nhân rộng. Hầu hết các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình, điển hình với cách làm sáng tạo, hiệu quả, những kinh nghiệm hay trong công tác vận động quần chúng đã được nhân rộng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở nhiều địa phương, cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Hoàng Liên - Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Dân vận Tỉnh ủy đánh giá: Nhờ làm tốt công tác dân vận, tạo sự đồng thuận xã hội nên phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Dân vận khéo trong xây dựng NTM” ở Lâm Đồng đã có sức lan tỏa rộng lớn, tạo khí thế sôi nổi, thu hút các tầng lớp nhân dân tích cực chung tay xây dựng NTM. Qua công tác tuyên truyền, vận động đã phát huy vai trò làm chủ của người dân, huy động tốt các nguồn lực trong Nhân dân, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư… Từ đó, diện mạo NTM trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống, thu nhập của Nhân dân trên địa bàn được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm… Để có được những kết quả đó có phần đóng góp rất lớn của đội ngũ những người “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” trên vùng đất Nam Tây Nguyên này.
DUY DANH