"Đòn bẩy" khoa học công nghệ cho phát triển nông nghiệp

10:01, 10/01/2020

10 năm qua, ngành nông nghiệp Lâm Ðồng có bước đột phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất và lượng nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản, bố trí lại cơ cấu cây trồng, vùng sản xuất, phát triển các mô hình tổ chức sản xuất mới...

10 năm qua, ngành nông nghiệp Lâm Ðồng có bước đột phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất và lượng nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản, bố trí lại cơ cấu cây trồng, vùng sản xuất, phát triển các mô hình tổ chức sản xuất mới. Ðiều đó đã làm thay đổi toàn diện đời sống của nông dân, nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện thành công các chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo nhanh, bền vững. Ðồng hành với ngành nông nghiệp, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ đã thực sự là “đòn bẩy” tạo nên những vận hội mới.
 
Ứng dụng công nghệ sinh học được xem là thành tựu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Ứng dụng công nghệ sinh học được xem là thành tựu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
 
Tăng cường công tác nghiên cứu ứng dụng
 
10 năm qua, 33 đề tài, dự án khoa học công nghệ về lĩnh vực nông nghiệp được thực hiện, góp phần to lớn vào việc nâng cao năng suất, chất lượng cho các loại nông sản. Có thể kể: Nghiên cứu các giải pháp tổng hợp về trồng trọt và quản lý dịch hại trong canh tác dâu tây hướng công nghệ cao tại Đà Lạt, đã đưa ra quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc dâu tây theo hướng an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường; kỹ thuật phục tráng dâu tây tại Lâm Đồng. Ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ thực vật sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh giúp lựa chọn và xây dựng quy trình hợp lý các sản phẩm công nghệ sinh học bảo vệ thực vật với từng nhóm cây trồng, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương, từng bước thúc đẩy việc ứng dụng biện pháp phòng trừ sinh học để dần thay thế thuốc hóa học độc hại, tạo ra sản phẩm an toàn, không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Nghiên cứu xây dựng quy trình canh tác cây bơ theo tiêu chuẩn VietGAP, đưa thương hiệu bơ Lâm Đồng vào nhóm dẫn đầu cả nước; tiếp tục nghiên cứu chọn lọc, di thực, bình tuyển và thử nghiệm trồng một số giống bơ cho năng suất cao, chất lượng tốt, phát triển bộ giống bơ đa dạng, phong phú về chủng loại, mùa vụ; sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao, ổn định, chất lượng, đưa cây bơ trở thành cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. 
 
Nghiên cứu xác định các tác nhân gây bệnh thối rễ, vàng lá cà phê, xây dựng quy trình phòng trừ tổng hợp bệnh thối rễ, vàng lá cà phê phù hợp với điều kiện địa phương; thử nghiệm chế phẩm sinh học Landsaver phòng trừ tuyến trùng hại cà phê; thực hiện mô hình phòng trừ tổng hợp bệnh thối rễ, vàng lá, chuyển giao cho nông dân ứng dụng vào sản xuất hiệu quả. Nghiên cứu áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm sản xuất cà phê chè (Arabica) bền vững; kết quả nghiên cứu cho thấy các giống cà phê chè khảo nghiệm tại Đà Lạt, Lâm Hà sinh trưởng và phát triển tốt hơn so với Bảo Lâm. Từ nghiên cứu này đã mở rộng diện tích cà phê chè Arabica 22 - 25%, Lâm Đồng vươn lên đứng đầu Tây Nguyên và cả nước về diện tích cà phê Arabica, tạo vị thế mạnh cho cà phê địa phương. 
 
Các đề tài nghiên cứu về quy trình sinh sản nhân tạo, tìm hiểu tác nhân gây bệnh là ký sinh trùng, nấm và vi khuẩn trên cá hồi, cá tầm nuôi, đưa ra giải pháp phòng, trị bệnh phù hợp, góp phần phát triển nghề nuôi cá nước lạnh một cách bền vững. Việc nghiên cứu, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ đã đẩy mạnh ngành chăn nuôi bò theo hướng năng suất, chất lượng, an toàn dịch bệnh, làm tăng tỷ lệ đàn bò lai, chăm sóc nuôi dưỡng bê lai, chất lượng thịt và sữa của đàn bò tăng cao. Ứng dụng kỹ thuật RT-PCR để phát hiện sớm một số bệnh nguy hiểm trên gia súc, đồng thời xác định các yếu tố có nguy cơ gây bệnh; đưa ra các biện pháp phòng bệnh hiệu quả, phù hợp; chẩn đoán sớm sự xuất hiện của virus gây bệnh lở mồm long móng, heo tai xanh, chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc.
 
Khoa học công nghệ làm thay đổi phương thức canh tác - không trồng cây trên đất
Khoa học công nghệ làm thay đổi phương thức canh tác - không trồng cây trên đất
 
Ðẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất
 
Ứng dụng công nghệ sinh học được xem là thành tựu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao: Toàn tỉnh hiện có 51 cơ sở nuôi cấy mô thực vật với 394 box cấy; hàng năm sản xuất trên 45 triệu cây giống gốc, cung cấp cho trên 200 vườn ươm sản xuất trên 2 tỷ cây giống thương phẩm sạch bệnh, khỏe mạnh. Tỷ lệ cây xuất vườn đạt trên 85%, thay thế dần cho cách gieo hạt truyền thống chỉ đạt tỷ lệ 45 - 50%. Lượng thuốc bảo vệ thực vật là chế phẩm sinh học sử dụng trong sản xuất nông nghiệp hàng năm trên 15%, nhiều đơn vị doanh nghiệp đã dùng thiên địch bắt mồi tiêu diệt côn trùng, nhân nuôi tuyến trùng trừ ruồi hại rau, hoa, hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học.
 
Ứng dụng công nghệ ghép: 98% cây cà chua đã sử dụng giống ghép kháng bệnh héo xanh (do vi khuẩn) để sản xuất đại trà. Các loại cây họ cà khác như: ớt ngọt, cà tím đang từng bước ứng dụng công nghệ ghép trong sản xuất giống; làm giảm bệnh héo xanh trên cây họ cà đến trên 80%. Công nghệ ghép được ứng dụng đã làm thay đổi toàn diện về diện tích tái canh, ghép cải tạo cà phê. Chỉ trong 6 năm lại đây, toàn tỉnh đã thực hiện 54.235 ha, trong đó 30.550 ha ghép cải tạo bằng các dòng cà phê cao sản cho năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần nâng cao năng suất cà phê từ 2,7 tấn/ha (năm 2013) lên 3,4 tấn/ha (năm 2019).
 
Ứng dụng công nghệ trong chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phân loại sản phẩm như: công nghệ bảo quản hoa tươi kéo dài tuổi thọ của hoa đã được chuyển giao cho các hộ nông dân liên kết với Đà Lạt Hasfarm; các sản phẩm hoa tươi mãi mãi của các đơn vị ướp hoa cũng làm phong phú sản phẩm phục vụ du khách. Ứng dụng phân loại sản phẩm nông sản củ, quả theo kích thước, màu sắc, cùng với nhiều loại máy sơ chế góp phần giảm nguồn nhân lực, tạo tiền đề cho sản xuất lớn. 
 
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ cảm biến tự động đo nhiệt độ, độ ẩm, CO2, cường độ ánh sáng trong canh tác rau, hoa, cây đặc sản với tổng diện tích toàn tỉnh đạt 60,2 ha. Việc gieo ươm giống rau, hoa đã được cơ giới hóa tất cả các khâu: rửa vỉ, đóng giá thể vào vỉ, gieo hạt bằng máy... giúp giảm chi phí nhân lực đến 5 - 7 lần so với làm thủ công. Nhiều loại phân bón thế hệ mới bằng công nghệ Nano, công nghệ sinh học, công nghệ vi sinh được ứng dụng đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều chương trình nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp được tiến hành như: các mô hình sản xuất thử nghiệm, nhập nội giống mới, nghiên cứu lai tạo, chọn tạo các giống cây trồng phục vụ sản xuất; các quy trình kỹ thuật, biện pháp canh tác phù hợp với từng loại cây trồng và từng vùng sinh thái, các phương pháp phòng chống dịch bệnh... được chuyển giao cho nông dân. 
 
Trong 10 năm qua, ngành khoa học công nghệ (KHCN) đã thực hiện trên 600 mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh; tổ chức 1.288 cuộc hội thảo, tập huấn, chuyển giao mô hình. Đến nay, toàn tỉnh có 54.477 ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (19,5% diện tích đất canh tác); trong đó, 19.700 ha rau (95,4% diện tích trồng rau), 3.800 ha hoa (94,5% diện tích trồng hoa), 20.800 ha cà phê (12%); 6.335 ha chè (49,9%), 2.970 ha lúa (18,5%), 300 cây ăn quả (5,8%); 210 ha cây đặc sản và dược liệu (48,8%), 362 các loại cây trồng khác. Có 8 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao với 278,6 ha chủ yếu sản xuất rau, hoa cao cấp. 
 
ThS.Võ Thị Hảo - Giám đốc Sở KHCN nhấn mạnh: Bên cạnh nỗ lực đóng góp của ngành KHCN cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao; với đức tính cần cù, ham học hỏi, nông dân Lâm Đồng đã tự nghiên cứu, chọn tạo một số giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng như giống cà phê Thiện Trường, Hữu Thiên, Xanh lùn; giống chè LĐ97; giống bơ 034; giống hồng vuông. Đặc biệt là giống bơ 034 đã được người tiêu dùng đón nhận, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành thương hiệu mạnh. Từ thực tế sản xuất, nông dân cũng đã nghiên cứu và chế tạo nhiều loại máy móc giúp giảm công lao động, nâng cao chất lượng nông sản.
 
QUỲNH UYỂN