Đứt nối thành phố hoa

06:01, 11/01/2020

Tôi là người hết sức may mắn khi được dự Festival Hoa đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng tổ chức, hình như là năm 2005.

Tôi là người hết sức may mắn khi được dự Festival Hoa đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng tổ chức, hình như là năm 2005.
 
Hoa Dã Quỳ Đà Lạt
Hoa Dã Quỳ Đà Lạt
 
Hồi ấy, đang dự cái trại sáng tác tại Nhà sáng tác Nha Trang, nghe 2 ông bạn đồng nghiệp Hoàng Ngọc Hận và Trần Ngọc Trác vừa thông báo vừa rủ rê, tôi... trốn trại mò lên. 
 
Và choáng ngợp.
 
Trước đấy, nói thật là, tôi nhiều lần đã viết, đã tán về dã quỳ. Rằng là dã quỳ là của Tây Nguyên, dù thực ra, khắp nước mình, hầu như nơi nào cũng có, mấy năm nay dân Hà Nội nô nức đi ngắm dã quỳ ở... Ba Vì nữa kìa. Rồi tán, dã quỳ mang cốt cách Tây Nguyên, bởi nó sinh ra từ đất khó, nở hoa giữa mùa khô, càng khô càng nắng càng gió... càng rực rỡ. Rồi nữa, nó chỉ đẹp khi rờm rợp từng thảm, nối nhau trùng điệp giữa gió Tây Nguyên lồng lộn thế, chứ vụn ra, tản ra, là không còn dã quỳ. Thì nó cũng như khí tiết như bản chất người Tây Nguyên vậy, vân vân và vân vân. Lại còn khẳng định chỉ dã quỳ ở Biển Hồ và núi Hàm Rồng Gia Lai là đẹp nhất, rực rỡ nhất, vàng mướt nhất, xum xuê nhất, vạm vỡ nhất... vì nó được cái thứ nham thạch núi lửa hàng triệu năm trước hun đúc, vun tạo... mà thành... Rồi thơ về dã quỳ, tôi cũng đắm say như khi viết... báo: “Gió dã quỳ hoang dại tuổi thơ tôi/thổi thăm thẳm xa xưa miền cổ tích/miên man cao nguyên xanh màu u tịch/sắc vàng nào lưu luyến cỏ bazan...” (Gió dã quỳ), và “Mà em đang ở miền xa thẳm/ Dập dềnh sông chớp mắt đã thăng ngàn/ Em mơ giấc dã quỳ trong cơn thức/Tầng ba sinh bồi lở chân cầu” (Chiều cao nguyên)...
 
Sang dự Festival Hoa Đà Lạt mới tường thêm 2 điều. Một là tỉnh Lâm Đồng, rất nhanh, đã lấy dã quỳ làm biểu trưng hoa của mình. Và cũng Lâm Đồng đã nghiên cứu cải tạo cho cây dã quỳ lùn đi để có thể trồng trong phố, trồng ở những bùng binh. Tôi luôn ấn tượng với những con phố vùng cao trập trùng dốc với những hàng rào dã quỳ bên những ngôi nhà thấp thoáng giữa những con ngõ nhấp nhô. Và hai là, dã quỳ ở những con đèo đổ về thành phố Đà Lạt cũng rất đẹp. Cũng vàng, cũng mọng, cũng mướt, cũng hân hoan như dã quỳ Biển Hồ và núi Hàm Rồng Gia Lai. Lướt xe trên những con đèo quanh co ấy, ta như lạc giữa một miền thủy mặc, lạc giữa những thảo nguyên dã quỳ, lạc vào một miền cổ tích miên man vàng, cứ thế nhấp nhô ảo hoặc, cứ thế bồng bềnh vô định, cứ thế lạc trong hoa, lạc trong những cảm xúc vừa nồng nàn vừa hư ảo...
 
Đến giờ, sau “cú đột phá” Festival Đà Lạt, các tỉnh Tây Nguyên đều đã chọn cho mình những Festival “thương hiệu” của mình, như Đắk Lắk là cà phê, Gia Lai là cồng chiêng, Đắk Nông là thổ cẩm, Kon Tum là đường phố vân vân..., nhưng có thể nói Festival Hoa vẫn là ấn tượng nhất. Thứ nhất vì nó là... hoa, lễ hội hoa trên xứ sở hoa, còn gì hợp lý bằng. Thứ hai là nó hợp với Đà Lạt, cái không khí cuối năm như thế, tình yêu hoa nồng nàn như thế. Tôi để ý, ở Đà Lạt hầu như không có mẩu đất trống nào, có tí nào người ta đều trồng hoa. Hầu như mọi ngôi nhà đều có hoa, mọi ban công đều hoa và mọi cửa sổ đều hoa. Thế nên chả ngoa khi người ta gọi Đà Lạt là xứ sở tình yêu và xứ sở hoa. Hai thứ này bện quyện với nhau làm nên một thương hiệu Đà Lạt.
 
Nhưng Đà Lạt, Lâm Đồng, không chỉ dã quỳ.
 
Bây giờ, “hoa công ty” đã trở thành thương hiệu. Trước cửa nhà tôi ở đường Lê Lợi, Pleiku, gần đây xuất hiện một trung niên, anh này bán hoa, bày hoa ngay trên xe máy, toàn hoa hồng và ly Đà Lạt. Rất nhiều người mua, có tôi, tất nhiên, là bởi cái cụm từ “hoa công ty” nó bảo chứng. Tức hoa này nhập từ Đà Lạt, tất nhiên, và nó xuất phát từ công ty hoa nào đó, để nó tươi lâu, đẹp lâu, hoa cao cấp nhưng giá lại... không cao.
 
Sang Đà Lạt thú nhất là được đi cùng ông... Phước khùng. Có thể nói ông này là một chứng nhân kỳ lạ của Đà Lạt. Thứ nhất là ông đi bộ không mệt mỏi, thứ hai là ông thuộc đường Đà Lạt đến lạ kỳ, thứ ba là ông yêu nó, yêu đến máu thịt, đến rưng rưng, và thứ tư là ông sẵn sàng quần nhau với nó, với một ngọn sương, một cọng cỏ, một dáng kỷ hà có gấp khúc ngõ nào đấy, một hàm tiếu hoa... ông có thể “vất” người khách đi cùng để loay hoay với điều ông vừa phát hiện cả buổi.
 
Có một đêm, khuya rồi, lạnh lắm, tôi làm hoa tiêu để nhà thơ Nguyễn Quang Thiều rủ một tốp văn nhân tứ xứ, những là những Vũ Hồng, Lê Minh Khuê, Hoàng Tuyên, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Tuyết Sương, Trần Thanh Hà... đang tụ về Đà Lạt, từ cái nhà khách của Bộ Công an, ùa ra Hòa Bình, chiếm 2 bàn cà phê, cái quán cà phê treo đầy hoa với những cái bánh xe. Chỉ tôi và Nguyễn Quang Thiều, Vũ Hồng uống cà phê, còn lại là... ăn kem. Họ bảo ăn để nhớ đêm Đà Lạt, cái thứ đêm rất khó mà minh định, mà rạch ròi, cứ nhòa nhòa ẩn ẩn như những màn sương đang giăng kín hồ Xuân Hương kia. Lần ấy tôi bay từ Sài Gòn lên Đà Lạt, và hết sức ngạc nhiên là Sân bay Liên Khương đầy hoa. Giờ mới sang Singapore, Sân bay Changi là một đại siêu thị, đại công viên, hoa có mặt ở khắp nơi khắp chỗ. Nhưng hồi ấy mà Sân bay Liên Khương như thế là một sự lạ, nó khiến cho khách không thể lầm lì ngồi yên ở ghế lướt Smartphone như các sân bay khác, mà phải đứng, phải đi, phải dạo, để ngắm hoa. Lần ấy, mấy ngày ở Đà Lạt tôi toàn làm “hoa tiêu” cho nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đi thăm Đà Lạt. Ông nhà thơ nổi tiếng này đã đi gần hết các nước trên thế giới, nhưng đến đây mới thổ lộ là lần đầu tiên lên... Đà Lạt, kể cũng là sự lạ. Nhà thơ Hữu Thỉnh cười: Coi như là ông đi nước ngoài lần nữa. 
 
Lâu nay cứ mặc định rằng về cà phê, Đắk Lắk là số 1 ở Tây Nguyên, rồi mới tới Gia Lai vân vân. Nhưng mới đây, một thương hiệu khá nổi tiếng ở Gia Lai do một cặp vợ chồng rất thú vị, yêu cà phê, say cà phê, hiểu cà phê, tận tâm tận lực với cà phê..., gầy dựng nên thương hiệu Cà phê 24. Sau rất nhiều thăm dò, thử nghiệm, họ phát hiện ra rằng, chính cà phê Lâm Đồng mới là cà phê ngon nhất ở Tây Nguyên. Họ giải thích cho tôi rằng, cũng như chè, cà phê cần độ cao, càng cao càng ngon. Nhưng sẽ ngon hơn nữa, nếu như cây cà phê ấy hứng được gió, được vị mặn, được không khí từ biển. Và chỉ một số huyện ở Lâm Đồng có được tiêu chuẩn ấy, nó hứng được không khí biển Ninh Thuận. Và hai vợ chồng sang tận đấy, chọn từng rẫy, điều kiện là đứng ở rẫy ấy “ngửi” được mùi biển, rồi mua gọn, rồi thuê người thu hoạch rất cẩn thận, là chín mới hái chứ không đồng loạt xa cạ như nơi khác, về tự chế biến, rang xay và làm nên thương hiệu Cà phê 24. Tôi tin vợ chồng nhà này, vì anh chồng rất nhiều lần được mời đi làm giám khảo về cà phê ở các cuộc thi lớn. Nhiều người cũng sản xuất cà phê, bán cà phê, nhưng chỉ biết cà phê là cái thứ đắng đắng đen đen và... chả hiểu tại sao người ta lại uống?
 
Thì đứt nối thế, sau khi nghe một cú điện thoại từ Đà Lạt: Lại Festival Hoa đấy, sang không?
 
VĂN CÔNG HÙNG