Khúc du ca phiêu lãng

07:01, 12/01/2020

"Đầu trời có sao chiều sao sớm. Đầu núi kia có ớ…ơ…hai người. Dù đi cùng trời, dù đi khắp núi. Trời chỉ có, chỉ có sao sớm sao chiều. Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau".

“Đầu trời có sao chiều sao sớm. Đầu núi kia có ớ…ơ…hai người. Dù đi cùng trời, dù đi khắp núi. Trời chỉ có, chỉ có sao sớm sao chiều. Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau”. Giai điệu Bài ca trên núi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương viết cho phim Vợ chồng A Phủ do Mai Lộc đạo diễn dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Tô Hoài da diết hồn tôi mỗi lần đến với những bản người Mông từ miền núi đá phía Bắc di trú đến đại ngàn Tây Nguyên…
 
Những thiếu nữ Mông trong hội xuân giữa đại ngàn Tây Nguyên. Ảnh: Mai Văn Bảo
Những thiếu nữ Mông trong hội xuân giữa đại ngàn Tây Nguyên. Ảnh: Mai Văn Bảo
 
1. Tôi dạo bước bản Mông bên suối Đạ Kông của miền núi rừng Rô Men - Đam Rông khi mùa xuân Tây Nguyên cũng đã chớm về. Cô gái Mông theo cha mẹ vào với đất ba-zan này qua mấy mùa rừng thay lá mới cũng vừa mang khăn áo ra phơi bên vách núi sau nhà. Cô đang hát, một bài dân ca Mông nói về tình yêu: “Kẻ ở người đi. Lòng em buồn như gió thổi qua ngàn”. Lời hát nhuốm phong vị nhớ nhung mà sắc thổ cẩm Mông thì rực rỡ, tươi tắn, không lẫn vào đâu được. Những họa tiết hoa văn mang gam màu nóng như muốn bộc lộ tính cách mạnh mẽ của người Mông, sự tự tin, tự trọng và khao khát tự do. Như Mã A Lềnh, một thi sĩ của người miền núi đá cao từng viết rất hay về cá tính của tộc người mình: “Sống một cuộc đời không cần biết phía trước hay đằng sau, không cần dưới hay trên”. 
 
Ngắm cảnh sắc bản mới của người Mông trên miền quê mới Lâm Đồng, chợt nhớ đến ký ức bản xưa Hồng Ngài trong những trang văn Tô Hoài hơn nửa thế kỷ trước. Nhà văn của núi rừng Tây Bắc đã miêu tả thân phận người phụ nữ Mông thời ấy trên đỉnh núi đá cao mây gió giá băng đã tạo nên nỗi ám ảnh khôn nguôi. Cô Mỵ suốt bao năm tháng xuân thì làm dâu nhà thống lý Pá Tra là những ngày dài đêm thâu gục mặt trong xó bếp ở gần chuồng ngựa. Lời hát nỉ non đớn đau của Mỵ cũng như bao người con gái Mông nơi góc rừng xa lạ nhà người như một lời thở than: “Năm nay em đi làm dâu. Thân khác gì thân trâu mang đeo ách”. Cho đến một ngày A Phủ kéo tay Mỵ ra khỏi nơi tăm tối, cùng nhau trốn đến Phiềng Sa như tìm về một phương trời tự do. Tình yêu của đôi trai gái Mông cũng là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương viết nên giai điệu hòa quyện với ca từ tuyệt đẹp của nhà văn Tô Hoài: “Hỏi rừng chiều có tiếng khèn ai đó. Khèn hát lên những lời mong chờ. Đường đi về rừng, đường đi xuống núi. Chỉ có, chỉ có sao sớm sao chiều. Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau…”. Ca sĩ Kiều Hưng với giọng hát vút cao truyền cảm, đã góp phần dựng nên một bức tranh đa sắc miền Tây Bắc từ chính bản nhạc phim vượt qua thời gian này. 
 
Ở bản mới người Mông bên suối Đạ Kông, tôi hỏi chàng trai trẻ Hoàng Xuân Tháy có biết bài hát ấy không. Tháy cười trả lời: “Em hát bài ấy cũng được đấy và em còn biết tên thật của cô Mỵ là bà Mùa A Thi, ông Mùa Chờ La là nguyên mẫu của thống lý Pá Tra trong truyện”. À thì ra người trẻ Mông cũng quan tâm chuyện cũ của dân tộc mình. Mà cũng phải, ngay như cô ca sĩ trẻ người Kinh Hoàng Thùy Linh cũng đang làm mưa làm gió với MV chuyển tải câu chuyện âm nhạc ngẫu hứng từ cuộc đời cô Mỵ đấy thôi: “Để Mỵ nói cho mà nghe. Tết năm nay Mỵ vẫn còn trẻ. Xuân đương tới rồi. Nên Mỵ cũng muốn đi chơi”. Đã đi chơi rồi thì Mỵ sẽ tìm được người đàn ông của mình, không ở bản dưới thì ở núi trên, không thì Mỵ ra giữa chợ tình Khâu Vai, chàng A Phủ nào đó của Mỵ đang đợi. Giữa đại ngàn Tây Nguyên mà tưởng tượng về cảnh ấy, tôi như đã gặp hình ảnh những chàng trai Mông ôm cây khèn làm bằng sáu ống trúc, leo lên triền đá cao và thổi bản nhạc đợi người tình. Tiếng trúc cất lên, những âm thanh khát khao và giãi bày. Gió thổi bạt mái tóc, bóng người và khèn in vào trời xanh, tạc vào đá núi… 
 
Một thế hệ người Mông sinh ra trên đất mới Tây Nguyên. Ảnh: Mai Văn Bảo
Một thế hệ người Mông sinh ra trên đất mới Tây Nguyên. Ảnh: Mai Văn Bảo
 
2. Ở đâu đó tôi đã nghe những lời hát cổ: “Loài cá bơi dưới nước. Loài chim bay trên trời. Người Mông sống ở núi”. Luôn chọn cư trú ở những nơi cao nhất thuộc thế giới miền núi, Mông là tộc người chủ nhân của những đỉnh đá hùng vĩ, nóc nhà của toàn vùng cao rộng lớn. Những đỉnh núi như là định mệnh. Người Mông gắn với những cao nguyên đá Mèo Vạc, Đồng Văn. Ở nơi cố xứ, cổng bản của họ là những “cổng trời” mang tên Quản Bạ, Cán Tỷ. Nhà ở trên núi cao, nhìn xuống phía dưới mây trôi la đà theo vực sâu hun hút. Cuộc sống của họ, mở cửa bước ra là chạm mây, chạm gió, chạm nắng lửa, mưa rừng. Không gian thiên nhiên ấy chất chứa vào hồn người biết bao cảm xúc bồng bềnh nhưng cũng là nguyên nhân của muôn nỗi nhọc nhằn. Hoàn cảnh khắc nghiệt cũng đã tạo nên những cá tính Mông mạnh mẽ, tự do, giàu trí tưởng tượng, mộng mơ và phóng túng.
 
Thời xa xưa, người Mông di trú từng cất lên câu hát não nề: “Như ta lạc loài bước chân tới chốn quê người. Lòng ta buồn tẻ quạnh hiu như bãi đồi hoang”. Di dân và ở đỉnh núi đã tạo nên tâm thức người Mông. Căn tính tộc người không dễ gì biến mất, nó liên tục tái cấu trúc chất liệu trong những hoàn cảnh mới. Lịch sử từ mấy trăm năm trước họ xuôi từ phương Bắc xuống miền núi phía Bắc, và thời hiện đại này một bộ phận người Mông lại tìm đường đến với phương Nam. Họ ra đi, bỏ lại sau lưng những triền đá tai mèo sắc nhọn và những thửa ruộng bậc thang chông chênh lưng chừng núi. Xuôi theo con đường thiên lý ngược về phương Nam, cùng với những chiếc túi thổ cẩm nhẹ tênh trên vai, họ như những cánh chim thiên di về miền đất mới. Ở những nơi sâu xa nhất Tây Nguyên, tôi đã gặp họ. Mỗi cá thể trong đoàn người di trú ấy như đều mang theo trong tâm hồn mình ký ức về những tháng năm đã trải và cả giấc mơ về một cuộc đổi đời. Những lão ông trầm tư. Những lão bà nở nụ cười móm mém hồn nhiên. Những chàng trai với ánh mắt tinh anh rực lên niềm khát khao chinh phục. Những phụ nữ lầm lũi gùi những gì trên lưng mà tôi không biết, họ chúi mặt xuống đất nặng nề cất bước trên con đường mòn. Những đứa trẻ ánh mắt trong veo với bàn chân nhanh nhẹn thoăn thoắt leo lên những vách núi dựng đứng một cách dễ dàng. Họ chọn nơi rừng sâu, len lỏi với đại ngàn, hòa ca với tiếng thác chảy, vượn hú. Tôi đã đến với nơi họ sống, những bản làng có tên và cả không tên. Ở đâu đó trên đường điền dã, tôi đã nghe một điệu khèn lá réo rắt khi con thuyền độc mộc xuôi theo dòng K’Rông Anô vào rừng Đạ Mrông. Dưới chân núi Chúa ở huyện Bảo Lâm, tôi đã gặp những chàng trai Mông ghép cây làm cầu, dựng cột, lợp nhà ngày đầu lập bản. Thế mà chỉ mấy năm quay lại, bản mới đã thành bản cũ, nhà ấm khang trang, vườn nương xanh mát. Lại khèn lá, khèn bầu réo rắt, lại rộn rã ném pao trong lễ hội Gầu Tào… 
 
Thế mới hay, tộc người mang tâm thức di trú ấy luôn biết cách thích nghi hoàn cảnh dù trên bước đường lưu dân gặp muôn trùng gian khó. Ở nơi nào và trong khó khăn nào thì những chàng trai, những cô gái Mông cũng có thể cất lên tiếng hát của tình yêu, tiếng hát thẳm sâu từ bản năng tự do. Khi người con gái nói lời trái tim: “Đôi ta không biết hát thì thôi. Biết hát, ta hát như cây tre cây bương thi nhau mọc”; người con trai đáp lại bằng cả tấm chân tình: “Đêm đã qua, sao lượn vòng đổi chỗ. Ngày đã rạng đường đi sáng tỏ. Ta quay gót về nhà. Mà hồn như còn ngủ trong tà áo em”. Họ yêu nhau như yêu cuộc sống bản làng, như yêu chính con đường dài di trú. Những cuộc di trú trong lịch sử, trong hiện thực tộc người đã tạo nên tâm thức di trú trong mỗi tâm hồn phiêu lãng tha hương.
 
3. Ông Giàng Seo Long ở bản mới Đạ Kông ví với tôi rằng: “Không có ngọn núi nào cao bằng đầu gối người Mông”. Tôi hiểu điều người đàn ông này muốn nói. Với đôi chân quấn xà cạp, với cây dao phạt lối trong tay, người Mông gắn đời mình với rừng và tung hoành tạo nên những lối mòn, chinh phục những vùng hoang vu nhất. Mặt đất dưới chân họ nghiêng nghiêng. Để cày lên thớ đất, người và trâu chênh vênh chân duỗi, chân quỳ trên những triền núi đá nhọn hoắt in hình giữa lưng chừng trời. Tôi đã làm bạn với một vài người đàn ông Mông và nhận ra cấu trúc nhân cách rất rõ ràng của họ; trong mỗi con người mang đậm tính dương của đá núi ấy luôn có tố chất thủ lĩnh.
 
Như Thào Hùng Khải, ông bạn người Mông của tôi nay sống ở xã Lộc Thành, Bảo Lâm, Lâm Đồng. Anh như một người tiên phong của những người đồng hương Cao Bằng của mình, là nhà tổ chức năng động trong cuộc hành trình tìm đất mới lập cư của những người đồng tộc. Chỉ cần một điều này thôi đã thấy Khải hết sức “khôn ngoan” trong cuộc ra đi ngày nào: Anh đã cho những người trai trẻ đi tiền trạm, khai hoang, trồng cây lương thực trước; anh bố trí theo đoàn người di cư một bác sỹ để chăm sóc mọi người trong khi bệnh tật và một cô giáo để chủ động dạy chữ cho con em trong những ngày đầu. Khải từng nói với tôi: “Trên đất Tây Nguyên, người Mông luôn biết mình là “người đến sau”. Đến sau nên sống trong sẻ chia và nhẫn nhịn”. Với tinh thần ấy, những người Mông tha hương đã sớm có cuộc sống no ấm, đủ đầy theo triết lý “ăn chung”… 
 
Từ những bản từng đến, những con người từng gặp, những câu chuyện từng nghe, tôi như hiểu thêm đôi điều về một tộc người ngấm sâu trong hồn dòng máu phiêu lãng. Cũng phải thôi, quê hương của họ là những dòng sông nơi thâm sơn cùng cốc. Những con đường hiểm trở như thách thức hiểm nguy. Những nương ngô xả lá rì rào. Những thửa lúa lượn lờ như sóng theo tầng tầng lớp lớp ruộng bậc thang hùng vĩ. Những nếp nhà nhỏ xinh xinh với tường rào bằng đá neo đậu như tổ chim ở bên sườn núi. Những đỉnh cao quanh năm ảo ảnh sương mù. Những váy áo sặc sỡ. Người và núi, và sông suối, và cỏ cây như hòa lẫn vào nhau. Bức tranh thiên nhiên trên cao không mang nhiều yếu tố cô độc mà toát lên niềm kiêu hãnh. Người Mông sống trong bồng bềnh. Từ nỗi cô đơn của núi non, những bài hát ra đời, tiếng đàn môi ra đời, chiếc khèn trúc ra đời. Người Mông yêu sự tự do, không trói buộc, chỉ biết rằng dưới có núi đá trên có trời xanh. Làm ve rừng sâu, làm chim ngụ trong hốc đá hoang, suốt một đời ca hát. Những bài ca cất lên từ bản năng…
 
* * *
 
Trong đám cưới cô con gái yêu nhà Thào Hùng Khải, tôi đã được nghe một thiếu nữ Mông hát rất hay bài dân ca của dân tộc mình: “Chú rể xỏ đôi giày cỏ hăm hở vượt đèo. Cô dâu váy áo đung đưa thướt tha theo sau”. Đó là lời hát sẻ chia niềm hạnh phúc với người bạn cùng bản nhưng cũng là tâm trạng khao khát của những người con trai, con gái Mông mong một ngày mùa xuân hoa ban nở trắng núi đồi, chàng trai đến bản xa “cướp” cô gái mình thương về làm vợ. Và cũng hiểu, những cô Mỵ trẻ bây giờ không giống với bà Mỵ năm xưa giữa xó bếp tối tăm nhà thống lý Pá Tra. Nghĩ đến đó, bật nghe lại giai điệu của Hoàng Thùy Linh, tâm trạng vui vui: “Để Mỵ nói cho mà nghe. Tết năm nay Mỵ vẫn còn trẻ. Xuân đương tới rồi. Nên Mỵ cũng muốn đi chơi…”.
 
UÔNG THÁI BIỂU