Tháng 4/1930, Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Lâm Ðồng (lúc bấy giờ là tỉnh Lâm Viên và Ðồng Nai Thượng) được thành lập với 3 đảng viên, do đồng chí Trần Diệm làm Bí thư. Từ thời điểm đó, Lâm Ðồng chính thức có Ðảng lãnh đạo...
Tháng 4/1930, Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Lâm Ðồng (lúc bấy giờ là tỉnh Lâm Viên và Ðồng Nai Thượng) được thành lập với 3 đảng viên, do đồng chí Trần Diệm làm Bí thư. Từ thời điểm đó, Lâm Ðồng chính thức có Ðảng lãnh đạo. Cuối năm 1930, chi bộ phát triển thêm 5 đảng viên mới và được cấp trên tăng cường thêm 3 đảng viên, chia thành 2 chi bộ: Chi bộ Palace có 5 đảng viên, Chi bộ Cầu Quẹo có 6 đảng viên. Sự ra đời của tổ chức Ðảng Cộng sản là mốc son sáng ngời trong dòng lịch sử Ðảng bộ tỉnh Lâm Ðồng trong suốt 90 năm qua.
|
Các thế hệ tiếp nối Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng |
Từ khi có Ðảng lãnh đạo
Sau khi ra đời, chi bộ đã nhanh chóng thành lập các tổ chức như “Công hội đỏ” trong công nhân nhà máy đèn, hãng thầu xây dựng, đồn điền, công nhân xe lửa và những người làm trong các hiệu may; thành lập Hội “Tương tế” và một số hội “Ái hữu” đồng hương. Ngoài ra còn có Hội Phụ nữ, Hội “Phản đế” đồng minh, thu hút nhiều hội viên tham gia. Thông qua hoạt động của các tổ chức quần chúng, chi bộ đã tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, bí mật tổ chức các lớp học của Đảng, trang bị những kiến thức cơ bản về Đảng và con đường cách mạng.
Đảng ra đời, tư tưởng của Đảng đã lan tỏa mạnh mẽ ở Lâm Đồng từ thành thị đến nông thôn; từ nông, công trường, nhà máy đến những nơi họp chợ, đồn điền, trường học; từ người Kinh đến người đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ ngày có Đảng, một sự kết hợp tuyệt vời giữa trí tuệ của Đảng với sức mạnh của Nhân dân. Đảng chỉ ra con đường cách mạng và lãnh đạo Nhân dân thực hiện sự nghiệp cách mạng, đứng lên đánh đuổi đế quốc, phong kiến giành chính quyền về tay Nhân dân tháng 8/1945; cùng cả nước 20 năm trường kỳ đánh Mỹ và bè lũ tay sai, góp phần to lớn làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975 thống nhất đất nước và độc lập dân tộc, đúng theo di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại “Đất nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một...” và “không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
10 năm thời hậu chiến
Sau ngày giải phóng 1975, Lâm Đồng thời hậu chiến rất nhiều khó khăn, gian khổ, vừa phải hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phải đảm bảo cuộc sống Nhân dân, lại vừa đấu tranh, tiêu diệt bọn phản động Fulro.
3 năm đầu sau giải phóng (1975 - 1978), đời sống Nhân dân cơ cực, đói nghèo, cán bộ lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở cũng chỉ cơm hẩm, gạo mốc, khoai sắn, bo bo. Vì thế, Đảng bộ tỉnh đặt ra mục tiêu hàng đầu là giải quyết cơ bản vấn đề lương thực, giải quyết cái ăn cho dân đi đôi với giữ vững và phát huy một bước các thế mạnh của tỉnh. Đảng bộ tỉnh xác định: Nền kinh tế Lâm Đồng theo cơ cấu công - nông - lâm nghiệp kết hợp, nghĩa là công nghiệp là lĩnh vực hàng đầu trong cơ cấu nền kinh tế, là yếu tố xuyên suốt trong quá trình phát triển; đồng thời tăng cường nguồn hàng xuất khẩu dù xuất khẩu lúc bấy giờ chỉ trong phạm vi các nước XHCN. Đặc biệt là phải đảm bảo hàng tiêu dùng cho Nhân dân.
4 năm sau đó, từ thực tiễn chuyển biến chưa như mong đợi, Đảng bộ tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, từ đó chủ động giải quyết căn bản nhu cầu ăn, mặc cho dân. Bên cạnh đó, tỉnh coi trọng sản xuất hàng xuất khẩu trên cơ sở thế mạnh của các loại đặc sản Lâm Đồng, nhất là chè và cà phê. Đảng bộ tỉnh lúc bấy giờ xác định xuất khẩu là thế mạnh và nó cần phải được tăng cường dù còn rất nhiều thứ phải lo cho cuộc sống thường ngày của Nhân dân.
Đến giáp thời kỳ đổi mới (1986), dù vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng tư duy lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đã bắt đầu thoát ra được chuyện cơm, áo, gạo, tiền để nghĩ về khoa học kỹ thuật và xác định: Lâm Đồng phải tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, lấy cách mạng khoa học - kỹ thuật làm then chốt; coi trọng phát triển kinh tế gắn với văn hóa, phát huy thế mạnh về rừng, cây công nghiệp và du lịch; gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường...
10 năm thời hậu chiến, chuyện lo cái ăn, cái mặc cho dân cơ bản đã hoàn thành. Nhưng cuộc sống của người dân và cán bộ, viên chức vẫn còn trong cảnh thắt lưng buộc bụng.
Bước tiến dài của thời kỳ đổi mới
Đến thời kỳ đổi mới 1986 - 1990, từ sự đột phá, đổi mới được khơi thông từ Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, lần đầu tiên Đảng bộ tỉnh phát huy sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế và cho rằng cần phải phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp toàn diện, đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, tạo cho được tích lũy từ nội bộ nền kinh tế...
Và những năm cuối cùng của thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Lâm Đồng đã bắt đầu “mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với nước ngoài, tỉnh ngoài”, chủ động tranh thủ mọi thời cơ phát triển nhanh nền kinh tế - xã hội của tỉnh. Mà điển hình cho giai đoạn này là thời hoàng kim của cây dâu con tằm với các chương trình hợp tác quốc tế Việt - Nhật, Việt - Ý, Việt - Hàn, Việt - Ấn... Lâm Đồng vẫn chiếm thế thượng phong trong xuất khẩu chè qua các nước Trung Đông. Đây cũng là thời kỳ nở rộ các doanh nhân, nhiều doanh nghiệp tư nhân ra đời gắn với các dòng sản phẩm đặc trưng; cùng đó Lâm Đồng trải thảm mời gọi đầu tư, thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến từ Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc) và nhiều nước khác, từ đó cho ra đời các thương hiệu trà olong và các loại rau, hoa giống mới, manh nha hình thành phương thức canh tác ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Có thể nói, sau 15 năm đổi mới, Lâm Đồng đã có một bước tiến rất dài trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Dân đã an, Đảng đã thịnh và xã hội đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất thời hậu chiến. Một bộ phận Nhân dân đã vươn lên làm giàu, diện mạo Lâm Đồng từ thành thị đến nông thôn; từ vùng đô thị đến vùng sâu, vùng xa đã có nhiều khởi sắc. Đó là cơ sở để Đảng bộ tỉnh vươn tới những khát vọng lớn lao trong thời kỳ CNH-HĐH.
Chương mới thời kỳ CNH-HÐH
Từ thực tiễn thành công trong 15 năm đổi mới, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã đúc kết được nhiều bài học thực tiễn, từ đó định hình cho những bước đi rộng dài phía trước. Khởi đầu cho lộ trình dài hơi này, lần đầu tiên, Đảng bộ tỉnh xác định yếu tố bền vững trong phát triển nông, lâm nghiệp và xác định ngành du lịch - dịch vụ là ngành “kinh tế động lực” thay cho định hình “ngành kinh tế mũi nhọn” đề ra trong thời gian trước đó; đồng thời xây dựng mở rộng mạng lưới công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu và phát triển một số lĩnh vực công nghiệp có lợi thế. Tập trung đầu tư phát triển các địa bàn kinh tế động lực, các ngành sản xuất có khả năng thu hút nhiều lao động và tạo nguồn thu lớn cho ngân sách.
Còn nhớ, giai đoạn 2005 - 2010, lần đầu tiên, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng sử dụng thuật ngữ “đột phá và tăng tốc”, thể hiện quyết tâm rất lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Cũng trong giai đoạn này, khái niệm khá mới lạ về “nông nghiệp công nghệ cao” đã được đưa vào Nghị quyết: “Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu”. Từ sự định hướng đó, Đảng bộ tỉnh đã mở ra một chương mới trong phát triển nông nghiệp giai đoạn 2010 - 2015 với nhiều thành tựu to lớn, góp phần tạo ra bước chuyển mạnh mẽ của nền kinh tế, xã hội tỉnh nhà theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Nhiều thành quả cực kỳ quan trọng trong giai đoạn này, nhất là thành công trong xây dựng nền nông nghiệp chất lượng và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ cao đã nâng tầm Lâm Đồng trở thành điểm sáng của cả nước.
Đó được coi là nguồn bổ sung nguồn năng lượng để Đảng bộ Lâm Đồng tạo nên sức bật mới với tốc độ tăng trưởng hàng năm (tính từ năm 2016 đến nay) đạt từ 7,5 đến 8,5%, thu nhập bình quân đầu người trong năm 2019 gần chạm mức 67 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung cả nước; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều thành tựu mới với tỷ lệ trên 80% số xã đạt chuẩn và hiện khởi động lộ trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Hàng ngàn diện tích đất nông nghiệp được Nhân dân chuyển đổi cây trồng bằng những loại cây có giá trị kinh tế cao; nông nghiệp công nghệ cao đã về tận vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một số hộ nông dân vùng đô thị đã bắt đầu ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp. Những huyện nghèo trước kia đã có những bước bứt tốc xóa nghèo, trở thành huyện có mức sống trung bình rồi vươn lên khá như Lạc Dương, Đơn Dương, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Toàn cảnh bức tranh nông thôn ở Lâm Đồng đã sáng rõ màu của hưng thịnh, thái bình, đúng như định hướng tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 là “phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững”.
Lời kết
90 năm kể từ ngày Lâm Đồng có chi bộ Đảng; 90 năm với bao bước thăng trầm, gian khổ và hy sinh; 90 năm tiếp nối không ngừng từ trí tuệ đến trí tuệ của Đảng bộ tỉnh qua từng giai đoạn cách mạng; 90 năm, từ 3 đảng viên đến nay toàn Đảng bộ tỉnh có gần 50 ngàn đảng viên, thế hệ tiếp nối thế hệ đã đóng góp biết bao công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng phát triển tỉnh nhà mà giá trị của nó không gì có thể đo đếm được.
VĂN TÒA