Làm giàu trên đất nhà

07:01, 12/01/2020

Trên vùng rau Ðơn Dương rộng hàng ngàn ha ở bờ Nam sông Ða Nhim đó, tôi đã bắt gặp những nông dân người dân tộc thiểu số can đảm không cho thuê đất hoặc sau một thời gian cho thuê đã lấy lại để tìm cách làm giàu trên chính mảnh đất của cha ông mình để lại.

Trên vùng rau Ðơn Dương rộng hàng ngàn ha ở bờ Nam sông Ða Nhim đó, tôi đã bắt gặp những nông dân người dân tộc thiểu số can đảm không cho thuê đất hoặc sau một thời gian cho thuê đã lấy lại để tìm cách làm giàu trên chính mảnh đất của cha ông mình để lại.
 
Anh Ka Biêr
Anh Ka Biêr
 
Những người tiên phong 
 
Đó là một buổi chiều mưa khi Ka Biêr hẹn tôi ở chân cầu Kamboutte - xã Tu Tra, Đơn Dương để đưa tôi vào vườn của ông. 
 
Cơn mưa xuân nhẹ nhìn có vẻ thi vị nhưng cũng đủ làm ướt trên bề mặt những con đường đất đỏ nơi đây, gây trơn trượt, đất cuốn vào bánh xe máy tôi đang đi, biến các con đường đất thành một thử thách thật sự. 
 
Vậy nhưng với Ka Biêr như chẳng nhằm nhò gì, ông băng băng chạy trước, theo lối mòn các con đường đất hẹp gồ ghề, xuyên qua những rẫy cà phê, những vạt đất mênh mông trồng su su, đến một cánh đồng lúa, rẽ ngang thêm một đoạn nữa rồi đến vườn nhà ông. Tôi gần như phát hoảng khi phải đuổi theo ông trên cánh đồng đó. 
 
Sinh năm 1971, Ka Biêr, một người K’Ho là Trưởng thôn Ha Wai với hàng trăm gia đình tộc người K’Ho sinh sống trên vùng đất Tu Tra trù phú này. Nhưng ông còn là một nông dân người dân tộc thiểu số đi đầu với quyết tâm mạnh mẽ làm giàu trên mảnh đất của nhà mình.
 
Vườn của ông rộng hơn 4 sào, che ni lông toàn bộ diện tích, trong đó ông trồng ớt ngọt. Sẽ nhìn thấy vườn nhà ông không khác gì những khu vườn trồng rau áp dụng công nghệ mới bất kỳ đâu trên vùng đất Đơn Dương này. Cũng hàng luống thẳng tắp, cỏ dọn sạch sẽ, cây trồng lên đều, cũng hệ thống tưới nhỏ giọt, cũng hồ nước đào rộng có thả cá để kiểm tra độ an toàn của nước, có giếng khoan nước ngầm bơm nước vào hồ chứa để tưới hằng ngày...
 
“Người ta làm được, mình làm được” - Ka Biêr cười rất hiền. “Người ta” ở đây Ka Biêr ý muốn nói đến những người Kinh đến thuê đất trong vùng để trồng rau. “Họ làm công nghệ cao được thì mình cũng làm theo họ thôi” - ông tự tin.
 
Ngoài khu vườn trồng ớt chuông này, Ka Biêr còn có đến 7 sào đất cũng đang che lưới trồng cà chua và cải thảo, thêm 3 ha đất canh tác cà phê rất tốt.
 
Cả thôn Ha Wai của Ka Biêr với hàng trăm hộ K’Ho sinh sống đó, chỉ có duy nhất 3 anh em ông làm rau công nghệ vài năm nay, còn hầu hết người trong làng chỉ làm lúa nước hoặc trồng cà phê, trong khi cà phê mấy năm gần đây giá cả lên xuống thất thường. Khi giá cà phê hạt xuống quá thấp, người trong làng cứ thế đem đất cho người Kinh từ xa đến đây thuê để họ trồng rau. 
 
“Anh thấy đó, những nhà kính, nhà lưới mênh mông trong vùng là của người Kinh, đất họ hầu hết thuê lại người trong làng tôi” - Ka Biêr đưa tay chỉ. 
 
Những người Kinh đến thuê này theo Ka Biêr, là người trong huyện, từ Đà Lạt xuống, từ Đức Trọng qua, nhưng cũng có không ít những người ở xa, tận Nghệ An, Thanh Hóa lặn lội vào. Đầu tư bài bản, thuê nhân công rẻ trong vùng, họ dần ăn nên làm ra, giàu lên nhanh trên vùng đất này. Trong khi đó, những người nơi đây, như trong thôn Ha Wai của Ka Biêr, sau khi cho thuê đất lại mòn mỏi đi làm thuê ăn công nhật, nhiều người làm thuê cho chính ngay những người thuê đất của mình. Làm thuê trên đất nhà. 
 
Cùng với Ka Biêr, tôi còn được giới thiệu với nhiều nông dân người dân tộc thiểu số tiên phong trồng rau thương phẩm khác ở bờ Nam sông Đa Nhim, một trong những người đó là ông Gia Đăm Quế, người Chu Ru, tại thôn K’răng Gọ, xã Pró.
 
Năm nay 42 tuổi, trong một ngôi nhà bề thế, đẹp đẽ, Gia Đăm Quế cho biết, ông đã có gần chục năm kinh nghiệm làm rau từ khi cánh đồng lúa Pró chuyển dần sang rau. 9 sào đất của nhà ông trước đây như mọi gia đình người đồng bào thiểu số trong xã ông cũng chỉ trồng lúa 1 vụ và trồng bắp. Khi phong trào chuyển đổi cây trồng rộ lên, nhiều người Kinh từ Lạc Lâm vào thuê đất nơi đây trồng rau, gia đình ông lúc đầu cũng phân vân, sau đó quyết định giữ đất để nhà tự làm. Cứ người thuê đất phía bên vườn ông làm gì thì ông làm nấy, cũng bắt đầu từ những loại cây dễ trồng như đậu leo, cà tím, rồi dần chuyển sang trồng cà chua, su su, rau mùi... Ông học làm dần dần và trở thành một nông dân trồng rau “chuyên nghiệp” ăn nên làm ra trong làng của ông.
 
Thật ra, theo ông Quế, kỹ thuật trồng rau cũng không khó lắm. “Có gì khó cứ hỏi các đại lý phân bón hay cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện, họ chỉ dẫn hết”. Cái khó nhất theo ông chính là thiếu vốn để đầu tư trang trại quy mô, một nỗi lo nữa là sợ thu hoạch hàng không được giá. “Thôi thì ai sao mình vậy, chung quanh bán sao mình bán vậy, nhà vườn có lúc được, có lúc không, mình phải chấp nhận chứ sao” - ông chia sẻ.
 
Ở Ha Ma Nhai 1, một thôn đồng bào người Cil trong vùng sâu Pró tôi cũng bắt gặp rất nhiều nông dân sau một thời gian cho thuê đất đã điều đình lấy đất lại để tự mình canh tác, một trong số đó là chị Ma Rih, 31 tuổi. 
 
Ma Rih kể, chị từng tốt nghiệp Trung cấp kế toán Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Lâm Đồng tại Đà Lạt và sau đó về làng, có hơn 6 năm công tác tại bưu điện xã nhà. Gần đây chị đã cùng chồng quyết định lấy lại 1,3 ha đất của gia đình đã cho một nông dân người Kinh thuê lâu nay để tự mình làm. “Thôi thì trước đây chưa có điều kiện, chưa biết cách trồng rau nên cho thuê đất, nay lấy lại để mình tự làm”, Ma Rih tự tin.
 
Cũng theo Ma Rih, giá chung cho thuê đất trong thôn Ha Ma Nhai 1 này lâu nay cứ mỗi sào khoảng 500 nghìn đồng/năm, nhà chị trước đây cho thuê với hợp đồng 7 năm, đến nay đã được 5 năm và gia đình thương lượng để đợt này lấy lại toàn bộ vườn. Trên khu vườn rộng 1,3 ha này, một nửa diện tích chị đã xuống giống đậu leo, nửa còn lại trồng cà chua; tổng vốn đầu tư vào đây đến nay đã trên 20 triệu đồng từ việc lót bạt, bón phân lót, mua cây giống, mua thiết bị tưới... “Sắp đến sẽ cần vay một khoản tiền nữa để đầu tư cho vườn, nếu trúng mùa sẽ trả lại và làm nhà che bạt như người ta để dễ chăm sóc cây. Cũng có lo không biết mình có làm được không nhưng thấy nhiều người trong làng làm trước, cũng được giá được mùa nên chắc ổn” - chị nói. 
 
Anh Gia Đăm Quế
Anh Gia Đăm Quế
 
Làm giàu trên đất nhà 
 
Đơn Dương hiện có khoảng 30% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số với khoảng trên 5 nghìn hộ, 31 nghìn khẩu, đông nhất là các tộc người Tây Nguyên như K’Ho, Chu Ru, Chil; sống chủ yếu ở phía bờ Nam sông Đa Nhim. 
 
 Là chủ nhân lâu đời của vùng đất này nên không ít các gia đình người dân tộc thiểu số nơi đây có vườn tược, ruộng nước, đất đai canh tác rộng. Như trong thôn Ha Wai của Ka Biêr chẳng hạn, không ít nhà có đến vài hecta. 
 
Như Ka Biêr cho biết, ngày trước người dân tộc thiểu số trong vùng Tu Tra này trồng lúa nước dưới những thửa ruộng sâu, đất trên triền đồi thì trỉa bắp, mỗi năm 1 mùa lúa, 2 mùa bắp, chỉ đợi mưa có nước để làm, mùa nắng cánh đồng bỏ hoang, đời sống người dân rất khó khăn. Sau này nhiều nhà trồng cà phê trên đất triền đồi nhưng trồng rồi cứ phó mặc cho trời đất, ít chăm sóc, ít phân bón, cây có năng suất thấp, khi cà phê có giá còn được chút, nhiều năm gần đây cà phê giá hạ, vụ mùa thu hoạch chẳng bao nhiêu. Khi phong trào chuyển đổi cây trồng rộ lên cả huyện, vùng trồng rau thương phẩm lan nhanh từ Lạc Lâm, Quảng Lập tới Ka Đô, Pró, Ka Đơn qua đất Tu Tra nhưng nhiều người dân tộc thiểu số trong cộng đồng thôn của ông Ka Biêr như vẫn đứng ngoài cuộc dù vận động mãi. Cà phê hạ giá quá, nhiều người trong làng ông lại đua nhau cho thuê đất. 
 
Theo ông Ka Sung, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đơn Dương, cho thuê đất là chuyện rất phổ biến trong cộng đồng người dân tộc thiểu số trong huyện. “Họ cho thuê đất vì chưa tiếp cận với nông nghiệp công nghệ cao hiện nay, hoặc vì nhà nhiều đất trong khi không đủ vốn để đầu tư nên cho thuê bớt. Việc cho thuê đất rồi đi làm thuê trên đất của chính mình cũng là một điều hạn chế, dù có đất nhưng đồng bào mình cứ mãi nghèo, mãi mãi đi làm công. Nhưng cũng có thể coi đây là điều tích cực theo hình thức liên kết sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, họ đi làm sẽ học được cách làm của người Kinh để khi hết thời hạn hợp đồng sẽ lấy đất lại để tự mình sản xuất và đã có không ít người thành công từ cách làm này” - ông nói. 
 
Ka Sung cho biết, chính quyền địa phương đã có không ít chính sách hỗ trợ cho cộng đồng người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, như cho các gia đình vay vốn đầu tư làm ăn, mỗi hộ được vay 50 triệu đồng; hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ đầu tư nhà kính, nhà lưới, cấp đất cho những gia đình khó khăn không có đất...
 
Chị Ma Rih cùng gia đình
Chị Ma Rih cùng gia đình
 
Điểm đáng mừng theo ông Ka Sung, trên vùng rau Đơn Dương trong vòng mấy năm gần đây ngày càng nhiều hơn người dân tộc thiểu số lấy đất lại để tự mình đầu tư. Chị Ma Rih cho biết, đã có khoảng 50 gia đình trong tổng số 160 hộ trong thôn Ha Ma Nhai 1 lấy lại đất để làm. Không ít người trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện nhờ chuyển đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cây trồng, trồng rau, nuôi bò sữa như người Kinh nên đã dần ăn nên làm ra, xây được nhà mới khang trang, sắm sửa đồ dùng đắt tiền, mua dụng cụ sản xuất, đầu tư nhà vườn bài bản, làm ăn không thua kém gì người Kinh.
 
Riêng với Ka Biêr, ông cho biết thu nhập của ông mỗi năm cũng chừng 400-500 triệu đồng sau khi trừ tất cả các chi phí. Thu nhập này theo ông đủ để dành một ít, cho con ăn học và dành để tái đầu tư, nếu được là mua thêm đất để mở rộng sản xuất. 
 
“Là thôn trưởng tôi đi vận động mãi, đến từng nhà, từng gia đình, đưa họ ra đây nhìn mình làm với hy vọng sắp đến trong thôn sẽ có thêm những người trồng rau như tôi” - Ka Biêr hy vọng.
 
Phóng sự: VIẾT TRỌNG