Lễ "đổ đầu" và tết truyền thống của người Chăm H'roi xưa

01:01, 20/01/2020

Cũng như người Kinh ở miền xuôi, hàng năm cứ vào tháng 12 âm lịch, sau khi thu hoạch xong mùa màng, hoàn tất việc đồng áng, sắp xếp, thu dọn xong nhà cửa, đồng bào Chăm H'roi lại bắt đầu đón xuân ăn tết. 

Cũng như người Kinh ở miền xuôi, hàng năm cứ vào tháng 12 âm lịch, sau khi thu hoạch xong mùa màng, hoàn tất việc đồng áng, sắp xếp, thu dọn xong nhà cửa, đồng bào Chăm H’roi lại bắt đầu đón xuân ăn tết. 
 
Vũ điệu người Chăm bên thánh địa Mỹ Sơn. Ảnh: TL
Vũ điệu người Chăm bên thánh địa Mỹ Sơn. Ảnh: TL
 
Đồng bào Chăm thường tổ chức lễ “đổ đầu” trong khoảng thời gian từ sau rằm tháng Chạp đến ngày 10 tháng Giêng âm lịch. Đối với người Chăm ngày lễ “đổ đầu” trong dịp tết, đầu xuân rất quan trọng, tất cả những người có quan hệ thân thuộc với gia đình tổ chức đều có mặt đông đủ, dù có đi làm ăn xa ở đâu cũng phải về. Đây là ngày họp mặt đoàn tụ thân mật, thiêng liêng nhất trong năm để gia chủ và các thành viên trong gia đình kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn, thành bại trong năm. 
 
Để tiến hành nghi lễ, gia chủ sẽ bắt một con gà trống cắt cổ lấy máu. Trong khi hứng máu từ cổ gà, gia chủ lầm rầm khấn vái Yàng và thần núi, thần sông… cầu xin các vị này phù hộ, che chở cho gia đình bước sang năm mới gia đạo được yên vui, làm ruộng làm rẫy được mùa, đi sông đi núi được bình an. Sau đó con gà sẽ được luộc chín chia làm 9 phần để trong mâm cùng với một li rượu cần, một xấp trầu lá cùng với 5 miềng cau và vôi, một ngọn nến. Lúc này gia chủ với trang phục tề chỉnh, tư thế nghiêm trang thành kính bắt đầu hành lễ.
 
Sau khi cúng xong, gia chủ cầm chén máu gà đã hứng trước đó đem hòa với một chén rượu và sẽ lần lượt đổ giữa trán của từng người thân trong gia đình. Theo quan niệm của người Chăm H’roi thì người nào được đổ mà dòng máu chảy thẳng một đường dài từ trán xuống ngay ngắn trên mũi thì người đó suốt năm sẽ gặp nhiều may mắn. Ngược lại, người nào mà trong khi đổ dòng máu chảy lệch lạc ra ngoài sống mũi thì sẽ không gặp may hoặc sẽ gặp ít may mắn trong năm. Vì liên quan đến việc hên, xui của một người trong năm nên cả người “đổ đầu” lẫn người được “đổ đầu” đều rất thành tâm. Tất cả mọi người trong nhà có mặt lúc đó đều yên lặng, hoàn toàn chú tâm theo dõi việc đổ đầu. Mỗi khi có người đổ được cả dòng máu chảy thẳng từ trán xuống sống mũi sẽ được cả nhà mừng rỡ, hớn hở reo vui vì họ cho rằng đây không chỉ là điềm lành của riêng người đó mà còn cho cả đại gia đình. 
 
Tháp Pô Sah Inư của người Chăm ở Bình Thuận.
Tháp Pô Sah Inư của người Chăm ở Bình Thuận.
 
Chính vì vậy mà trong dịp này họ thường chú ý lựa chọn người nào được đổ trước và người nào được đổ sau. Người ta sẽ dành quyền ưu tiên “đổ đầu” đầu tiên cho người nào được “đổ đầu” đầu tiên năm trước đó mà cả năm gia đình yên vui, mạnh khỏe, làm ruộng rẫy được mùa.
 
Sau khi lễ “đổ đầu” kết thúc, cả nhà quây quần bên nhau dùng bữa cơm thân mật với thịt gà và rượu cần đã bày sẵn. Bữa cơm sum họp này sẽ được tiếp nối bằng các trò chơi vui vẻ kéo dài hết cả ngày. Lễ “đổ đầu” của đồng bào Chăm tương tự như tục lệ cúng rước ông bà của người Kinh. Sau lễ “đổ đầu” là cúng ông Táo, bà Táo về trời. Lễ này được bắt đầu bằng việc gia chủ cho người đi lấy lúa ở vựa lúa (Tôn p’dai) được làm ở một nơi cách nhà chừng 300 - 500 m. Lúa sau khi lấy về sẽ được đem rang, giã thành gạo nấu cơm bày trong mâm cúng cùng với một số vật lễ khác như: 1 xấp trầu lá, 5 trái cau, vôi và một ngọn nến. Trầu miếng được têm theo số người trong gia đình cùng một nắm gạo. Chủ nhà sẽ đặt mâm cơm này gần bếp. 
 
Riêng về bếp cũng đã được chuẩn bị sẵn một giàn bếp để một con gà và treo cặp giò cùng các thứ khác. Trên giàn bếp người ta để thịt heo đã được xẻ sẵn hoặc để giản tiện hơn người ta thường để con heo trong mâm cơm. Bày biện, sắp đặt vào đâu đó, gia chủ bắt đầu cúng tiễn đưa ông Táo về trời. Sau đó gia chủ mới cho người đi mời bà con thân thuộc, xóm làng tới dự cuộc vui năm mới của gia đình họ. Những ngày lễ như thế này thường được người Chăm tổ chức khá linh đình, vui vẻ nhưng cũng tùy thuộc theo khả năng giàu nghèo của mỗi nhà. Trong cuộc vui này họ thường tổ chức đánh cồng chiêng, múa hát rất vui nhộn. Các ngày kế tiếp trong tháng và tháng tiếp theo họ cùng nhau tổ chức đi săn, đi câu cá, tát đìa… vui chơi thỏa thích hưởng trọn thú vui của những ngày xuân. 
 
Mùa xuân của đồng bào Chăm H’roi với lễ “đổ đầu” là dịp để đoàn tụ, sum họp gia đình và để quên đi những nhọc nhằn trong năm, mơ ước cầu mong một năm mới may mắn tốt lành.
 
ĐOÀN BÍCH NGỌ