Những cánh chim không mỏi

06:01, 11/01/2020

Thời trẻ, họ từng là những tay rựa sắc bén, tay ná cự phách. Về già, họ trở thành những già làng, người uy tín đầy quyền uy - cái quyền uy không mang dấu ấn của bạo lực, cường quyền mà xuất phát từ lòng ngưỡng mộ, tôn sùng của người dân...

Thời trẻ, họ từng là những tay rựa sắc bén, tay ná cự phách. Về già, họ trở thành những già làng, người uy tín đầy quyền uy - cái quyền uy không mang dấu ấn của bạo lực, cường quyền mà xuất phát từ lòng ngưỡng mộ, tôn sùng của người dân. Và câu chuyện của những già làng, người uy tín trên vùng đất Nam Tây Nguyên đã luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
 
Sinh ra trên mảnh đất Nam Tây Nguyên, những già làng, người có uy tín bao đời nay đã trở thành “sợi dây” gắn chặt Đảng bộ, chính quyền địa phương với người vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Nơi những cây thông đỏ quý hiếm còn sót lại, ông K’Ten vẫn từng ngày bảo vệ và gìn giữ
Nơi những cây thông đỏ quý hiếm còn sót lại, ông K’Ten vẫn từng ngày bảo vệ và gìn giữ
 
Ông K’Ten: Quyết giữ được rừng
 
Theo chân ông K’Ten (63 tuổi, người uy tín của xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) chúng tôi men theo con đường mòn đầy hiểm trở để lên đỉnh núi Voi tại thôn K’Long - nơi từng in dấu bước chân và những chiến tích hào hùng của ông cùng đồng đội trong cuộc chiến chống Fulro những năm 1975 tới 1983.
 
“Sau khi đánh tan cứ địa Fulro năm 1983, tôi trở về khu vực núi Voi dựng chòi sinh sống. Có lẽ, ngày ấy màu xanh của rừng, nắm lá hay những dòng suối đã cứu sống tôi một lần nữa sau đợt chiến đấu với Fulro bị thương nặng. Thời gian đó được rừng bao bọc, chở che nên tôi mang ơn và xem rừng là “ân nhân” của mình”, ông K’Ten hồi tưởng.
 
Được ví như “đôi mắt của rừng”, ông K’Ten có thể tìm đến chính xác vị trí của những cây thông đỏ mà không cần đến máy định vị. Thấm thoát cũng 20 năm, một mình ông quản lý 32 ha rừng trên đỉnh núi Voi với 57 cây thông đỏ nằm trong rừng nguyên sinh thuộc các tiểu khu: 268, 277 của xã Hiệp An (huyện Đức Trọng). 
 
Ở cái tuổi 63, đôi chân ông K’Ten vẫn còn nhanh nhẹn khiến chúng tôi phải mệt bở hơi tai mới có thể theo kịp. Ông kể: “Đều đặn một tuần, ít nhất 5 - 6 ngày tôi có mặt trong rừng, nhìn thấy từng gốc thông đỏ cổ thụ xanh tươi là mọi mệt mỏi đều tan biến. Ngược lại, khi mưa bão cây rừng gãy đổ, hay nghe tin có lâm tặc dòm ngó, tâm trạng lại bồn chồn, bất an”.
 
Vừa đi chúng tôi vừa nghe ông K’Ten kể chuyện về rừng, thi thoảng thấy những gốc thông bị cưa nham nhở, mục nát, ông cho biết, đây là những cây thông đỏ cổ thụ bị lâm tặc chặt phá từ thời ông chưa làm bảo vệ.
 
Và, cái tên K’Ten trở thành nỗi ám ảnh của những kẻ “khát máu rừng”. Nhiều lần chúng mua chuộc ông bằng tiền bạc, vật chất không được thì lại dở trò dọa nạt chặn đánh, thậm chí 2 lần đốt chòi, hăm dọa tính mạng của người thân nhưng cũng không thể nào làm lung lay ý chí, sự gan dạ và quyết tâm giữ rừng của già K’Ten. “Năm 17 tuổi đã cùng đồng đội đánh Fulro, đối diện với cái chết tôi không còn sợ; bị chúng đe dọa, hành hung như thế có là gì. Mình làm việc theo pháp luật, có công an, kiểm lâm, ban quản lý rừng bảo vệ, chính nó mới phải sợ mình chứ” - người lính già kiên quyết.
 
Và, chúng tôi hiểu được rằng, trong đôi mắt của người thương binh 4/4 ấy, rừng như một chứng nhân lịch sử chứng kiến biết bao câu chuyện mất mát, đau thương một thời nhưng ẩn chứa sau đó là sự biết ơn của ông K’Ten gửi về rừng. Và với ông, bảo vệ từng gốc thông đỏ cổ thụ là lời cảm ơn đến “ân nhân” từng cứu sống mình. 
 
Già làng K’Tạo là người đi đầu trong chuyển đổi trồng giống cà phê mới
Già làng K’Tạo là người đi đầu trong chuyển đổi trồng giống cà phê mới
 
Già làng K’Tạo: Hơn 44 năm miệt mài cống hiến 
 
Nếu ông K’Ten là người bảo vệ “lá phổi xanh” nổi tiếng ở núi Voi thì già làng K’Tạo (62 tuổi, Trưởng ban Công tác Mặt trận Thôn 1, xã Liên Đầm, huyện Di Linh) là người rất quan tâm tới việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Được UBND xã Liên Đầm đánh giá là người gắn bó với công tác làm Trưởng thôn và làm Trưởng ban Công tác Mặt trận hơn 44 năm qua, ngoài việc tích cực tuyên truyền người dân phải có lòng tin vào Đảng, Nhà nước, già làng K’Tạo luôn chủ động học hỏi kinh nghiệm và hướng dẫn bà con trồng giống cà phê mới, vừa tái canh vừa trồng xen như: bơ, sầu riêng, bưởi,... Đến nay, nhiều hộ gia đình đã chịu khó kết hợp xen canh nên thu nhập của bà con ngày càng ổn định.
 
Xuyên suốt câu chuyện về vị Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn, ông K’Rội - Trưởng Thôn 1, xã Liên Đầm cho rằng, may mắn lắm thôn mới có một vị già làng như ông K’Tạo. Con đường liên thôn nối dài 3 km vào khu vực sản xuất của bà con giờ đây đã khang trang và đẹp đẽ hơn là nhờ có sự đóng góp tích cực của ông. Nhưng để thuyết phục được người dân hưởng ứng làm đường thì chỉ có già làng K’Tạo mới làm được. “Đâu phải 57 hộ đều đồng ý hoàn toàn, hầu như ai cũng băn khoăn, trăn trở vì bỗng dưng mình lại mất đất. Chính quyền xã cũng đã mất rất nhiều thời gian để vận động nhưng bà con chưa nhiệt tình lắm, chỉ đến khi có sự tham gia vận động của già làng K’Tạo thì mọi chuyện mới dễ dàng hơn, bà con nhất trí làm theo” - vị trưởng thôn nói. 
 
Được bà con trong thôn kính nể nên những chuyện mâu thuẫn vợ chồng, con cái, đến tranh chấp đất đai, bất hòa giữa các thành viên trong thôn họ đều tìm tới già làng K’Tạo nhờ tư vấn và được già hòa giải hợp tình, hợp lý.
 
“Có những đêm trời mưa tầm tã, người dân nhờ tôi vào thôn giải quyết mâu thuẫn giữa vợ chồng K’Hùng. Lúc đó, tôi chẳng nghĩ gì nhiều, cứ thế mà mặc áo mưa rồi chạy. Cách khéo léo duy nhất để giải quyết đó là bản thân mình phải cố gắng thuyết phục để hai vợ chồng không kéo nhau lên xã, lên huyện. Nói thì dài lắm, nhưng chỉ cần mình biết, mình hiểu và cố gắng giải thích cặn kẽ thì mọi chuyện đâu lại vào đó” - già làng K’Tạo chia sẻ.
 
Trầm ngâm một lúc dưới hiên nhà nhỏ, già làng K’Tạo nói tiếp: “Hơn nửa đời người đồng hành với công việc này rồi, giờ tôi xem đó như là sứ mệnh của bản thân vậy. Và tôi vẫn luôn trân trọng, cố gắng để cống hiến cùng bà con đi lên từ đôi bàn tay của mình mà không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước”.
 
Dù tuổi đã cao nhưng già làng K’Đẹo vẫn luôn chăm lo tới đời sống, tinh thần của bà con trong thôn
Dù tuổi đã cao nhưng già làng K’Đẹo vẫn luôn chăm lo tới đời sống, tinh thần của bà con trong thôn
 
Già làng K’Ðẹo: Tuổi cao, gương sáng
 
Cũng giống như ông K’Tạo, ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, đôi chân của già K’Đẹo (71 tuổi, thôn B’Cọ, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm) vẫn không một ngày ngơi nghỉ. Tuy đã ngừng công việc làm trưởng thôn cách đây 3 năm, nhưng hình ảnh vị già làng ngày ngày cầm cuốn sổ xuất hiện ở những căn nhà nhỏ trong thôn để tuyên truyền, vận động luôn được bà con yêu quý. 
 
Anh K’Dung - người dân thôn B’Cọ cho biết: “Già K’Đẹo tốt lắm, già thương và lo cho tương lai tụi nhỏ như chính con già vậy. Sợ tụi nhỏ không được đến trường, không biết đến con chữ, đều đặn mỗi ngày, già lại xuất hiện trong từng căn nhà thuyết phục bà con cho lũ trẻ được đi học. Nói đâu cho xa, mấy đứa con tôi cũng may nhờ có già làng K’Đẹo nên giờ cái chữ nó giúp được nhiều thứ cho tụi nhỏ lắm”. 
 
Dẫn chúng tôi thăm vườn chè, già K’Đẹo kể: “Thấy bà con trong thôn B’Cọ còn nghèo và khổ quá nên tự nhủ lòng phải làm điều gì đó để giúp đỡ bà con có được cuộc sống ổn định hơn, con em được đến trường và đời sống người dân được no đủ vậy là tôi vui rồi”.
 
Nói là làm, vị già làng ấy đã tiên phong trồng chè và bắt đầu ghép cà phê, chủ động hướng dẫn bà con học hỏi kinh nghiệm từ một số nơi để mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho địa phương. Ông K’Gội - Trưởng thôn B’Cọ cho hay: “Nhờ sự vận động của già K’Đẹo nên thời gian qua kinh tế của thôn từng bước khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được cải thiện đáng kể. Đến nay, 100% người dân đã và đang tiếp tục thực hiện việc ghép cây cà phê, đưa năng suất bình quân đạt gần 5 tấn/ha”. Cùng với việc chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, thời gian qua, già K’Đẹo còn vận động bà con hiến 1.000 m 2 đất và 70 triệu đồng để làm đường liên thôn từ Quốc lộ 20 đi thẳng vào vườn của hộ dân. 
 
Mặc dù tuổi đã cao, đôi chân không còn nhanh, mắt không còn sáng nhưng già làng K’Đẹo vẫn giữ 1,4 ha đất để tiếp tục ghép cà phê và trồng chè. Với những nỗ lực cố gắng đó, hằng năm già K’Đẹo có thu nhập 120 triệu đồng/năm.
 
Để bà con, nhất là những người đồng bào dân tộc thiểu số lắng nghe và thay đổi một việc gì đó là cả một quá trình dài như đi “đánh trận”. Và cũng nhờ sự khéo léo kiên nhẫn của mình, những già làng, người uy tín trên vùng đất Nam Tây Nguyên luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của bà con; đồng thời, họ luôn là tấm gương sáng trong mọi hoạt động tại địa phương để người dân học tập và làm theo.
 
THÂN THU HIỀN