Chỉ có nhiêu đó thôi mà tết là một âm vang thiệt dài.
Chỉ có nhiêu đó thôi mà tết là một âm vang thiệt dài.
Tôi nghĩ đến điều ấy trong một ngày cuối năm, lấn bấn với đủ thứ chuyện trên đời. Mà tháng ngày sao đi nhanh quá xá, mới ngoảnh qua ngoảnh lại, việc ni việc nọ có chút xíu vậy thôi mà đã lại tết rồi. Tết năm trước đi sang tết năm nay, nhẩm tính thì chừng như cũng là thời gian mình may mấy lượt áo mới, phố xá thay mấy lần hoa và thời tiết đổi màu mấy lần thì phải.
Kể từ độ trở thành người lớn, rồi thành vợ, thành mẹ của lũ nhỏ, thấy tết không còn là những mong chờ, náo nức nữa dù vẫn lắm rộn ràng. Giữa những tính toán và đôi lúc phải cụ thể cho từng món này món nọ, ngoảnh lại phía sau đã thấy tiếc quãng đời thiếu nữ, cả trẻ con ngày trước. Lúc đó chưa biết tiếc thời gian qua đi, chỉ là tiếc cái háo hức, nhàn tênh và cảm giác tết bao giờ cũng nhẹ nhõm với những ước mong tinh khôi gửi gắm vào năm mới. Khi đã biết yêu, ngay cả những lời hát trong ca khúc Happy New Year của ban nhạc ABBA cũng chỉ là nỗi xao xuyến ngọt ngào chứ đâu phải là thương nhớ ngậm ngùi như bây giờ…
Ngẩng lên giữa những việc không tuổi không tên, những việc cứ cuốn theo nhau trong bước chạy marathon đoạn nước rút, đôi khi chạnh lòng nhận ra, có những khi thời gian đã không thuộc về mình. Không phải là điều mình được chọn lựa. Nhận ra trong những nếp gấp từ đâu neo về trán, không biết những đứa con có trách móc khi phần nhiều lo âu không thuộc về gia đình. May là con gái đã lớn, hiểu, hay nói đúng hơn là quen với công việc của mẹ, biết môi trường làm việc của mẹ mà tự mình cũng cặm cụi để ba mẹ bớt phải để tâm.
Là nói vậy vì con gái nói “tết này nhà mình lại làm bò khô cay đi mẹ” trong bữa ăn trưa. Vầy là biết tết đã sắp về đến nơi, rồi tự dưng nhớ đến cồn cào mùi thơm đặc sánh của xì dầu quyện ớt và các loại gia vị khác nơi bếp than liu riu cả buổi bên mé cửa tầng hầm. Lúc đó, vòm cây trước cổng cũng xanh vừa tròn đốm. Lũ hoa chuỗi ngọc nơi hàng rào cũng bắt đầu nảy nụ và những buổi chiều, con đường trước ngõ lại nồng lên mùi lá khô cháy đượm. Khói làm mờ dáng má liêu xiêu dưới lũy tre. Gió từ đâu rơi về làm tôi thấy mắt mình cay.
Má giờ đã cuối 87 tuổi rồi. Mấy hôm gần tết má cứ lụm đụm đi dọn cái này, dẹp cái kia. Có khi thấy má bỏ cái này dở chừng để bắt sang một việc khác, tôi biết độ nhớ đã nhòe đi nhưng vẫn thấy an lòng khi má rầy yêu tụi nhỏ lúc chúng líu tíu bảo, ngoại lửng lơ nhiều thứ vì mê tết. Kỳ thực thì lúc đó, tôi cũng thấy lòng mình nhoi nhói vì biết, quanh năm suốt tháng, má gần như ở nhà một mình, chỉ có chiếc ti vi làm bạn. Những đứa cháu dù ở trong thành phố, nhưng cũng không mấy thường xuyên ghé thăm ngoại được vì lu bu công chuyện ở cơ quan, lúi búi làm thêm việc này việc nọ để lo cho lũ chắt còn bé xíu. Tết, chúng sẽ về tụ tập quanh ngoại. Nhớ ngày đầu năm ngoái, đứa cháu trai gần 40 tuổi suốt ngày lấm lem bụi bặm công trường chạy lên mừng tuổi, rồi nằm ngủ vùi một giấc an nhiên bên tay ngoại vỗ về như còn trẻ nít lắm. Tết, đôi khi là một cảm giác thương lắm vậy thôi.
Tết, có khi là dư âm của lao xao lu, ấm, tách, ly các loại người ta bày bán trên nhiều tuyến đường. Là bàn tay lấm lem vội vã của người trồng hoa và những đôi mắt mong ngóng của người đứng bên những gốc mai đưa về phố đã mấy hôm ròng mà chưa bán được. Nhưng chợ hoa trong những ngày tết đúng là một cảm giác rạo rực giữa sắc màu chộn rộn. Tết cho tôi hay, cậu em chuyên nghề kinh doanh và gần như chỉ ưng nói chuyện tiền bạc trên trời dưới biển, té ra cũng hay phết khi ngay từ chập tối, đã hẹn vợ chồng tôi một cuốc đạp xe sang chợ hoa từ rất sớm. Em bảo, dại chi mà không sang ngắm và hưởng không khí trong lành, thanh tao mỗi năm mới có một lần. Em bảo lúc nớ, thấy thương người trông hoa cả đêm loay hoay. Thương những ly café tối vật vờ trên mấy ghế nhựa lúp xúp và thương cả những màu hoa cứ thắm hoài trong gió đông reo rắt. Nếu không có tết, có khi tôi đã nghĩ về em bằng những điều thật khác.
Hôm rồi kể với con gái về chiếc áo lụa mặc tết màu xanh. Chiếc áo cũ, được ông ngoại làm mới bằng cách mượn bàn ủi than nhà người ta, về ủi lại cho mới để con út là mẹ có chút xênh xang. Con gái út của ông hồi đó cũng gần khóc vì tủi thân, rồi cũng quên nhanh vì được lì xì mấy đồng tiền mới, đủ theo đám bạn đi bộ lên công viên thiếu nhi cách đó gần 3 km để xếp hàng, đi một vòng tàu hỏa và một chuyến tàu lượn. Con gái có lẽ cũng cố mường tượng nồi thịt ngan mà ông ngoại sắm để ăn dè trong mấy ngày tết cùng câu lửng “hồi đó khổ chung mà mẹ!”. Ừ đúng là ai cũng cơ cực vậy, nhưng hồi đó, tết là một cảm giác chờ đợi ngày nhích dần lên cộng với rất nhiều mong ngóng. Giờ cái gì cũng có, chỉ có ông ngoại đã mãi không về cùng tết…
Chừng như sợ mẹ đắm mình vào ngày cũ, con gái rủ rê chuyện làm bánh mứt và mấy món là lạ của tuổi vừa qua teen một chút. Cô nhỏ thì ríu rít chuyện văn nghệ ở trường khi vừa qua kỳ thi học kỳ. Cô vừa nhắc chuyện Táo đêm giao thừa trên VTV giờ không còn nữa, giọng tiếc ngẩn vì năm nào cũng chờ táo để cười, trước khi mấy anh chị em rủ nhau đi xem bắn pháo hoa. Chuyện của con gái út làm tôi mường tượng không gian trên tầng thượng mà năm nào, mình cũng tha thẩn để thắp hương và nhang trầm cho ba, cả nỗi nhớ những ngày vừa rời đi trong những âm thanh chúc mừng có phần náo nhiệt đổ về tin nhắn điện thoại.
Cho dù có là thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn cứ nghĩ về âm vang, sự trải rộng về trường thời gian và tình cảm của tết ở mỗi con người. Âm tiết ấy, bản thân nó luôn gợi sự trở về, đoàn tụ và mang trong nó rất nhiều hoài niệm trong ngày mới, năm mới vừa bắt đầu. Ngay cả khi người ta chừng như cảm thấy ngại tết, sợ tết hay chọn cho mình một hành trình ngắn ngày để trốn tết, cũng là để ngấm tết, bằng một cách nào đó.
Nên nhiêu đó thôi, tết vẫn là quãng thời gian để thương ở mỗi người.