Vấn vương biểu tượng...

09:01, 10/01/2020

Mỗi thành phố du lịch đều có những biểu tượng đặc trưng dễ nhận biết. Nhưng với riêng Ðà Lạt thì có nhiều quá, cả cũ xưa dấu vết thời gian cũng như hiện đại, trẻ trung mới đưa vào sử dụng, hay những biểu tượng không rõ hình hài, vóc dáng, hiển hiện...

Mỗi thành phố du lịch đều có những biểu tượng đặc trưng dễ nhận biết. Nhưng với riêng Ðà Lạt thì có nhiều quá, cả cũ xưa dấu vết thời gian cũng như hiện đại, trẻ trung mới đưa vào sử dụng, hay những biểu tượng không rõ hình hài, vóc dáng, hiển hiện. Biểu tượng nào cũng gợi những xao xuyến, vấn vương trong lòng mỗi lữ khách...
 
Làng Cù Lần
Làng Cù Lần
 
1. Một hôm, lướt qua trang Facebook của một đồng nghiệp quen biết, vừa thấy cái ảnh đã bình luận luôn: “Ghê thật, lên hẳn cây thông cô đơn ở Lâm Đồng”. Và câu trả lời nhận được là: “Không gì qua mắt được anh”. Thực ra, có những hình ảnh chỉ nhìn đã có thể đoán được, đoán đúng. Bởi nó đã quen thuộc, giống như biểu tượng về địa danh, vùng đất, địa phương nào đó. Như Đền Hùng ở Phú Thọ, Khuê Văn Các và Hồ Gươm ở Hà Nội, vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh, cột cờ Lũng Cú ở Hà Giang, chùa Cầu ở Hội An (Quảng Nam), Ngọ Môn ở Huế, Nhà thờ gỗ ở Kon Tum, Chợ Bến Thành ở Thành phố Hồ Chí Minh...
 
Tất nhiên, đó là những biểu tượng nổi tiếng, gắn liền với mỗi địa phương mà nhiều người biết. Có thể họ đã đến trực tiếp, ngắm nhìn, chiêm ngưỡng, chụp ảnh kỷ niệm. Cũng có thể nhiều người mới chỉ xem qua các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội... Nhưng ở cấp độ thấp hơn nhiều, có những biểu tượng, dù nhỏ, cũng dễ ghi đậm dấu ấn, nhắc nhớ con người nhận biết ra địa danh, vùng đất nào đó. Biểu tượng như thương hiệu, như sự nhận diện vậy. Đó có thể là công trình lịch sử, nghệ thuật, những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, thậm chí chỉ là cái cây, mỏm đá độc đáo, khác thường... Để chỉ nhìn vào là đã thấy vùng đất, quê hương với biết bao kỷ niệm, hồi ức mến thương...
 
Thực tế, biểu tượng, hay ký hiệu là một hình ảnh, ký tự hay bất cứ cái gì đó đại diện cho một ý tưởng, thực thể vật chất hoặc một quá trình. Mục đích của một biểu tượng là để truyền thông điệp ý nghĩa một cách nhanh chóng, dễ dàng và ngắn gọn, đơn giản... Ở góc độ, khía cạnh, chiều kích nào đó, con người, sự việc, sự vật, công trình... nào đó cũng là những biểu tượng cụ thể, gắn liền với câu chuyện, địa danh, sự thành công, thậm chí cả thất bại...
 
2. Tôi đã nhiều lần may mắn được đến Lâm Đồng, lang thang ở Đà Lạt nhiều dịp, vào các mùa khác nhau. Lần nào cũng đi qua, dù là công việc hay nghỉ mát cùng gia đình, tôi cũng dừng lại, cũng nhẩn nha ở Quảng trường Lâm Viên rộng tới hơn 72.000 m 2 - biểu tượng trẻ trung của thành phố mộng mơ mù sương, với 2 tòa nhà được thiết kế mang dáng hình 2 loài hoa đặc sản của Đà Lạt là dã quỳ và atiso (nụ hoa) với màu vàng và xanh lá đặc trưng. Lần nào cũng thấy rất nhiều du khách chụp ảnh ở quảng trường, trước 2 tòa nhà mang hình những bông hoa khổng lồ. Và tất nhiên, không thể thiếu hồ Xuân Hương thơ mộng - “viên ngọc xanh giữa lòng thành phố ngàn hoa” - ở phía dưới. Mà ai cũng chụp, không bao giờ là một kiểu, thậm chí rất, rất nhiều kiểu chỉ ở cùng một vị trí, bởi máy ảnh, điện thoại thông minh thời 4.0 chỉ tốn dung lượng bộ nhớ chứ đâu tốn phim, tốn tiền như những ngày xa xưa... Và hẳn rồi, hễ nhìn thấy Quảng trường Lâm Viên, thấy tòa nhà mang dáng hình hoa dã quỳ, hoa atiso bên hồ Xuân Hương thơ mộng, những người đã từng đến, thậm chí mới chỉ xem qua các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội cũng dễ dàng nhận ra ngay. Thậm chí bao hồi ức, kỷ niệm cũ xưa bất chợt ùa về, gắn liền với từng thành viên, từng gia đình...
 
Xin nói thêm một chút, Quảng trường Lâm Viên mới được chính thức đưa vào sử dụng cuối năm 2016, sau hơn 6 năm thi công. Tòa nhà mang hình dáng đóa hoa dã quỳ cao 17 m, tổng diện tích hơn 1.200 m 2, bên trong được thiết kế như một công trình biểu diễn nghệ thuật với trên 1.000 chỗ ngồi rất hiện đại. Trong khi đó, tòa nhà biểu tượng nụ hoa atiso cao hơn 15 m, bên trong công trình nhụy hoa còn được thiết kế tòa nhà hình bán nguyệt, dùng làm cung nghệ thuật biểu diễn có sức chứa hơn 1.000 người. Khán đài của Quảng trường Lâm Viên có sức chứa 30.000 người. Những đài phun nước nghệ thuật và 2 khu tầng hầm là trung tâm mua sắm thương mại phục vụ du khách...
 
3. Mà Đà Lạt nói riêng, Lâm Đồng nói chung đâu chỉ có Quảng trường Lâm Viên hiện đại, trẻ trung, bắt mắt; có hồ Xuân Hương thơ mộng - “trái tim của thành phố”. Đó còn là Dinh Bảo Đại, Ga xe lửa Đà Lạt, Thung lũng Tình Yêu, đồi Mộng Mơ, Nhà thờ Con Gà, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, hồ Than Thở, ngôi nhà ma (Crazy House), thác Datanla, thác Cam Ly, đỉnh Lang Biang, Thung lũng Vàng, đường hầm điêu khắc đất sét, làng Cù Lần... Thậm chí, chỉ là cây thông cô đơn, hay một số điểm du lịch canh nông mới phát triển trong thời gian gần đây. 
 
Không chỉ những biểu tượng dễ nhớ, khó quên cụ thể hình hài, vóc dáng, địa điểm như đã kể trên, mảnh đất cao nguyên phóng khoáng, nghĩa tình này còn có vi vút thông reo, có hoa anh đào và rất nhiều loài hoa khác bung sắc sặc sỡ, rực rỡ, ấm áp mỗi khi xuân về. Đó cũng là biểu tượng của “thành phố ngàn hoa” trong lòng mỗi du khách. Và đương nhiên, cả rất nhiều những bản tình ca nổi tiếng về riêng Đà Lạt thơ mộng, quyến rũ, đắm say, phảng phất buồn nữa. Như “Ai lên xứ hoa đào”, “Thương về miền đất lạnh”, “Đà Lạt hoàng hôn”, “Thành phố buồn”, “Bài thánh ca buồn”, “Đà Lạt chiều mơ”, “Đà Lạt nhớ thương”...
 
Và chắc hẳn, rất nhiều người lên Đà Lạt vào mùa xuân sẽ thì thầm khẽ khàng những ca từ tuyệt đẹp trong bài hát “Ai lên xứ hoa đào” của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, rằng: “Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi/ Nghe hơi giá len vào hồn người, chiều xuân mây êm trôi/ Thông reo bên suối vắng lời dìu dặt như tiếng tơ”...
 
Du khách chụp ảnh lưu niệm trên đỉnh LangBiang
Du khách chụp ảnh lưu niệm trên đỉnh LangBiang

 

Du khách thích thú khi xem lại ảnh đã chụp ở Quảng trường Lâm Viên
Du khách thích thú khi xem lại ảnh đã chụp ở Quảng trường Lâm Viên

 

Hoa đào khoe sắc ở Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm
Hoa đào khoe sắc ở Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm

 

Đường hầm điêu khắc
Đường hầm điêu khắc

 NGUYỄN TRI THỨC