Khi cùng tôi hái những trái cà phê robusta đầu mùa chín mọng lúc bầu trời vừa hửng lên những tia nắng đầu ngày, trông Diện thật rạng rỡ...
Khi cùng tôi hái những trái cà phê robusta đầu mùa chín mọng lúc bầu trời vừa hửng lên những tia nắng đầu ngày, trông Diện thật rạng rỡ. Diện lúc ấy cũng chẳng khác gì một người nông dân thực thụ. Quyết định từ bỏ mọi cơ hội nơi thành phố náo nhiệt chưa bao giờ là điều dễ dàng, thế nhưng nhìn thấy từng nhành cây, ngọn cỏ trong vườn đơm hoa kết quả bởi bàn tay chăm sóc của gia đình, Diện bảo mình hạnh phúc.
Khai thác thế mạnh của địa phương
“Chẳng ai nghĩ mình có thể làm du lịch ở nơi xa xôi, hẻo lánh như thế này”, cô gái dân tộc Tày Hà Thúy Diện (sinh năm 1985) bắt đầu câu chuyện của mình như thế. Đạ Quyn vốn là vùng đất nghèo khó nhất của huyện Đức Trọng. Dân cư đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, một bộ phận là người Chu Ru ở Đơn Dương, K’Ho ở xã N’Thol Hạ di cư vào cách đây gần 15 năm. Bà con chủ yếu canh tác nông nghiệp với cây lúa, cà phê. Ở thế đường cụt, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều rào cản…
Diện kể rằng khi quyết định quay trở về nhà, cô đã mất nhiều ngày để đi cùng với những người dân trong vùng, đặc biệt là theo chân người làng đi khắp các ngõ ngách để thấy rằng ở quê hương mình vẫn còn những cảnh đẹp hoang sơ say đắm lòng người.
“Có đi sâu vào từng địa điểm mới thấy nơi nào cũng mang một vẻ đẹp của mẹ thiên nhiên hoang dã. Chính những điều ấy làm mình cảm thấy mê mẩn, trong khi trước đây vì những áp lực của cuộc sống xô bồ đã vô tình lãng quên đi. Đó là nơi thung lũng Masara, đồi cù Ma Bó, núi Chây Dzưi, xa hơn là cung đường treckking đẹp nhất Việt Nam Tà Năng - Phan Dũng… Có nhiều phụ huynh đưa con trẻ đến đây để có thể trải nghiệm cuộc sống gần gũi với thiên nhiên. Nơi đây phù hợp với mọi đối tượng, những người muốn hòa mình vào một không gian yên tĩnh mà vẫn tiện nghi vừa phải, trải nghiệm một cuộc sống mở”, Diện chia sẻ.
|
Hoạt động trải nghiệm của khách đến với Sàn homestay |
Ở nơi vùng sâu này, Diện làm homestay theo đúng nghĩa của nó. Khách đến sẽ được cùng sống và trải nghiệm văn hóa của một gia đình người Tày, được tìm hiểu văn hóa của người bản địa K’Ho, Chu Ru. Đồng thời, từng món ăn cũng được chăm chút, do cô Hiến - mẹ Diện nấu, uống trà dây, cà phê rang xay từ vườn nhà… Đến đây, mọi người có thể đi hái cà phê, trồng rau, câu cá, đọc sách trong khu vườn… Buổi tối, chủ nhà và khách cùng nướng thịt, nướng khoai, nướng mía bằng bếp củi - không phải của nhà trồng được thì Diện lấy lại của bà con trong làng, thức nào cũng sạch, cũng ngon.
Khách đến Sàn homestay dần trở thành bạn, rồi lại thành khách hàng. Giờ đây, gia đình cô chẳng còn lo lắng phải bán nông sản cho thương lái bởi vườn nhà có gì, khách đều hỏi mua cả. Từ cà phê, mắc ca, rau xanh… đều không đủ nhu cầu. Nhà nào trong làng trồng rau sạch muốn cùng Diện bán cho khách cô đều đồng ý vô điều kiện. Biết chỗ nào có đồ ngon, cô lại dẫn khách đến mua. “Mọi người đã trực tiếp hái, ăn, được xem cách chế biến tại nhà mình đều thích thú và có một sự tin tưởng tuyệt đối vào chất lượng”, Diện cho hay.
Bên cạnh đó, Diện cũng đã kết nối với một số tổ chức giáo dục, người nước ngoài để mở work shop về mỹ thuật, đồ thủ công, giao lưu nói tiếng Anh cho trẻ em ở trong làng.
|
Từ một cử nhân Ngoại thương, từng đi và làm việc tại hơn 10 quốc gia trên thế giới, lúc này, trông Diện chẳng khác gì một cô gái nhà nông thực thụ như chính mẹ của mình |
Làm du lịch cộng đồng ở vùng sâu
“Diện may mắn khi được cùng làm việc với Ya Bi. Tất cả những người khách của Sàn đều yêu quý cậu ấy bởi sự nhiệt tình và chân thành”, Diện nói. Ya Bi là anh chàng người Chu Ru, một nông dân chân chất như biết bao người khác ở xứ này. Nhưng từ khi có Sàn, Ya Bi có thêm vai trò mới - “hướng dẫn viên du lịch”. Trên chiếc máy cày, những vị khách thành phố như bị mê hoặc bởi tiếng Kinh ồm ồm, lơ lớ của anh.
Trước đây, Ya Bi chỉ đơn thuần là một anh nông dân, ngày ngày đầu tắt mặt tối bám trụ trên những mảnh ruộng, vườn của gia đình. Mỗi cuối tuần hay dịp rảnh rỗi là anh cùng trai làng lại đi rừng săn bắn, tìm kiếm những sản vật trong rừng về bán. Công việc vất vả, nguy hiểm mà chẳng phải lúc nào cũng có thể mang lại thu nhập. Nhưng cũng chính nhờ đó mà Ya Bi hiểu nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
“Bạn thấy đó, quê mình đẹp lắm! Từ lâu mình muốn quảng bá vùng quê của mình để mọi người có thể cùng cảm nhận vẻ đẹp ấy nhưng chẳng biết làm cách nào cả. Nên mỗi lần dẫn khách đi chơi, mình luôn giải thích từng chút một cho người ta hiểu”, Ya Bi tâm tự.
Đối với những vị khách đến Sàn, Ya Bi luôn luôn khác biệt, từ màu da, giọng nói… Thế nhưng, chính những điều đó là điểm lôi cuốn để các câu chuyện về phong tục cưới hỏi, cách làm rượu cần, thổ cẩm… dường như chưa bao giờ có điểm dừng. Những điều bình thường trong cuộc sống của buôn làng lại là sự mới lạ, hấp dẫn với từng vị khách phương xa. Ngược lại, trong những cuộc gặp gỡ ấy, Ya Bi bảo mình cũng học và biết được nhiều thứ, nhiều điều mà trước đó hơn 30 năm cuộc đời mình chưa một lần được nghe.
“Ban đầu dẫn khách đi tham quan mình cũng ngại, ai hỏi gì trả lời nấy thôi, không dám bắt chuyện. Nhưng rồi mình thấy rằng mọi người có nhiều thắc mắc về vùng đất này, mình dần mạnh dạn hơn, chẳng còn ngại hay sợ gì nữa. Mình thường chỉ làm thêm cuối tuần, hay dịp lễ, hè. Làm ít mà được nhiều, học và biết được nhiều thứ hay ho. Mình cũng đang hướng dẫn các em trẻ trong làng cùng làm để hỗ trợ mình dẫn khách đi chơi nếu như mình bận công việc khác”, Ya Bi chia sẻ.
|
Vẻ đẹp nơi thung lũng Masara một chiều cuối năm - một trong những địa điểm khách sẽ được Ya Bi dẫn lối khi ghé Sàn homestay |
“Nếu thấy đủ là mình đang hạnh phúc”
Giờ đây, người ta không còn nói nhiều về lựa chọn từ bỏ công việc có thu nhập hàng ngàn đô la để quay trở về bắt đầu từ vườn rau, ao cá của Diện nữa. Nhiều người bạn của Diện “ganh tỵ” với cô bởi cuộc sống nơi thôn dã tự tại, thả lòng mình với thiên nhiên. Diện bảo rằng sau 3 năm quay về nhà, làm homestay, mọi việc đều “vừa đủ”: thu nhập từ kinh doanh đủ sống; bạn bè, khách hàng “đủ nhiều” - đến từ muôn nơi; nông sản trong vườn vừa đủ bán… Mỗi người có một giới hạn cho mình về sự đủ đầy, “chỉ cần mình cảm thấy đủ nghĩa là mình đang hạnh phúc”.
Tôi chưa bao giờ thấy nụ cười tắt đi trên khuôn mặt cô Hiến, dẫu tôi biết chắc rằng những áp lực xung quanh đôi lúc khiến cô mỏi mệt. Từ khi chồng mình mắc bệnh liệt nửa người phải di chuyển bằng xe lăn, khi ngày ngày một tay bà chăm sóc vườn tược, gói ghém từng chút yêu thương trong từng bữa ăn dành cho khách lưu trú… nhưng chẳng bao giờ người ta nghe cô Hiến thở dài. Cô Hiến sẽ nói cho mọi người biết món bánh nếp, cơm lam thịt nướng, cốm dẻo… của người Tày ở Tây Bắc gói ghém làm sao, nêm nếm gia vị như thế nào… Hay sẽ được nghe cô kể về từng người khách ghé thăm Sàn, có người sau khi lên nghỉ ở Sàn đã về TP Hồ Chí Minh kêu gọi đoàn từ thiện lên tặng quà cho đám trẻ vùng núi còn thiếu thốn cái ăn, cái mặc. Trẻ con trong làng thì đã bắt đầu quen với việc có người nước ngoài đến ở và đi lại quanh vùng. Chúng từ tò mò, sợ sệt đã chuyển sang thích thú… Người phụ nữ đã gần lục tuần, trải qua hết mọi truân chuyên của cuộc đời luôn coi từng vị khách như người trong gia đình, hỏi han từng chút một, tự tay pha ly trà, nấu bữa cơm vô cùng ân cần, chu đáo.
Từ khi trở thành vị khách quen thuộc ở Sàn, bất kể là ghé lại lưu trú hay chỉ tiện đường tạt ngang tôi đều được nghe câu nói: “Cháu mới về đấy à!” - giọng cô Hiến lại quen thuộc với nụ cười mang màu của nắng trên gương mặt. Mỗi lần rời đi, cô lại cẩn thận gửi cho tôi chút quà quê, không quên lời căn dặn đi đường cẩn thận. Tôi bất chợt hiểu ra, ở nơi này, người ta làm du lịch không chỉ là để kinh doanh, mà đó là sự kết nối để mỗi khi nhớ lại, chúng ta lại cảm thấy mọi thứ thân thuộc như chính căn nhà của mình. Và điều làm nên những yếu tố ấy, chính là tình cảm con người, là cội nguồn văn hóa của mỗi dân tộc.
HỒNG THẮM