Vị của Tết

06:01, 22/01/2020

Những ngày cận tết, xuôi vào dòng người tấp nập mua sắm, bắt gặp hộp mứt sặc sỡ sắc màu trong những cửa tiệm sáng chưng lòng tôi lại nao nao nhớ đĩa mứt dừa của mẹ. Ấy là vị của tết tuổi thơ, vị của tết nhà nghèo.

Những ngày cận tết, xuôi vào dòng người tấp nập mua sắm, bắt gặp hộp mứt sặc sỡ sắc màu trong những cửa tiệm sáng chưng lòng tôi lại nao nao nhớ đĩa mứt dừa của mẹ. Ấy là vị của tết tuổi thơ, vị của tết nhà nghèo.
 
 
Ngoài hai mươi tháng Chạp là có tết. Khi ấy, người ta quên luôn ngày tháng Dương lịch mà chỉ còn nhắc nhau: “hai mươi”, “hai mốt”, “hai hai Tết”… Đó cũng là lúc mẹ tất bật chuẩn bị mọi thứ cho tết và chẳng khi nào thiếu món mứt dừa.
 
Nghe kể, cây dừa bên bờ ao còn hơn cả tuổi bố mẹ tôi. Ngày ấy, bố mẹ phải bán hết của hồi môn, vay mượn khắp nơi mới đủ tiền mua mảnh đất nằm sâu trong ngõ chỉ có mỗi gian nhà gianh vách đất và cây dừa. Bao nhiêu năm, cây dừa vẫn đứng đó nhìn chị em chúng tôi lớn lên, vẫn cần mẫn kết quả dù lưng đã còng xuống như bà lão tám, chín mươi.
 
Bố bắc thang hái hai, ba quả dừa to nhất. Túm tụm ở cửa bếp, lũ trẻ chúng tôi chia nhau mỗi người một ngụm nước dừa ngọt mát. Cùi dừa được cạo bỏ hết lớp “áo lưng” vàng nâu. Những sợi dừa dài mỏng trắng ngần như da con gái theo tay mẹ thoăn thoắt đằm mình vào thau nước sạch. Mẹ bóp nhẹ nhàng cho dừa ra bớt dầu.
 
Mẹ đun sôi nồi nước, bỏ thêm thìa muối, đổ cùi dừa vào chần qua khoảng một phút rồi vớt ra để ráo. Mẹ bảo phải ướp dừa với đường theo tỉ lệ 2:1 trong 4 đến 6 tiếng mứt mới thấm, mới ngon. Lũ trẻ chúng tôi quên hết mấy trò nô đùa, hò hét ngồi trật tự thành hàng ngang, nín thở theo dõi từng công đoạn mẹ làm mứt.
 
 
Mẹ bắc chiếc thau nhôm lên bếp đun nóng già rồi cho dừa vào sên với lửa liu riu. Mẹ đảo liên tục, đều tay nhưng khẽ khàng để dừa ngấm đều mà không nát hay cháy khét. Mùi hăng hăng của khói bếp quện với hương ngọt ngào, ngầy ngậy của mứt dừa khiến đám trẻ cứ nhấp nhổm, hít nấy hít để rồi nuốt nước bọt ừng ực.
 
“Món mứt có thành hay bại là ở việc canh lửa. Chỉ cần sơ ý, nóng vội là mứt ngả vàng, không còn đẹp mắt. Chỉ nên dùng độ nóng của than củi làm mứt se lại chứ không được cho lửa cháy bùng lên”, mẹ bảo. Đám chúng tôi cứ gật gù thế thôi chứ nghe tai này lại lọt tai kia ngay. Vì trước mắt chúng tôi lúc ấy chỉ có những sợi dừa khoe đường cong kiêu kì với lớp áo bằng đường trắng tinh. Tiếng đũa đảo mứt dừa va vào thành thau nhôm lạo xạo, long cong càng làm bụng chúng tôi sôi òng ọc.
 
Mẹ trút mứt dừa ra mẹt đã lót giấy báo, để nguội rồi mới bỏ vào hộp đậy kín. Mớ mứt gãy vụn mẹ thưởng cho chúng tôi vì đã canh chảo mứt không rời mắt. Có năm, mẹ cầu kì làm mứt dừa ngũ sắc: tạo màu xanh bằng lá dứa, màu hồng từ củ dền, màu cam từ cà rốt, màu tím bằng lá cẩm, màu vàng từ củ nghệ… Mẹ thường dành riêng một phần gói ghém gửi vào Nam cho chị gái tôi. Mẹ bảo: “Biết là chẳng khác nào đem củi về rừng nhưng nó lấy chồng xa chắc cũng thèm hương vị tết quê nhà”.
 
Bây giờ, nhịp sống vội vã, xô bồ, người ta thường chọn đồ làm sẵn cho tiết kiệm thời gian, công sức. Có lẽ vì thế tết ngày càng nhạt trong tâm thức nhiều người. Vị của tết không chỉ vương trên đầu lưỡi, cuống họng mà ở con tim. Tôi nhấc điện thoại gọi ngay cho mẹ: “Tết này con về sớm. Mẹ con mình làm mứt dừa, mẹ nhé”.
 
Tản văn: ĐÀO MỘNG LONG