Bước chuyển của một vùng đất trũng

07:01, 28/01/2022
Đã không còn thấy những ruộng lúa, ruộng mì mênh mông như trước mà nay nhiều nơi đã là những thửa đất trồng sầu riêng, măng cụt ngay ngắn, những khu vườn cây ăn trái xanh mướt với giá trị kinh tế cao hơn hẳn dọc theo các con đường bê tông trong các xã. Để thay đổi một vùng đất bắt đầu từ những người tiên phong và Cát Tiên hôm nay không thiếu những con người như vậy. 
 
Sầu riêng rợp bóng trong vườn ông Nguyễn Tuấn Quàng
Sầu riêng rợp bóng trong vườn ông Nguyễn Tuấn Quàng
 
NHỮNG NGƯỜI TIÊN PHONG 
 
Đức Phổ trong ký ức của tôi là những cánh đồng lúa nối tiếp những vườn trồng mì, trồng bắp ven sông Đồng Nai. Lúa mỗi năm ai làm ít cũng 2 vụ, còn bắp hay mì cũng thế. Trồng lúa, bắp, mì thì đủ ăn là điều khỏi bàn, nhưng để khấm khá, vươn lên làm giàu thì hơi… khó. Trong một khu vườn mẫu ngăn nắp như thế chúng tôi gặp ông chủ vườn Phạm Thanh Duyên. Ông Duyên năm nay 50 tuổi, sinh sống tại Thôn 1, Đức Phổ là người quê Quảng Ngãi vào lập nghiệp trên quê mới Cát Tiên đã hơn 30 năm. Ông chính là một trong những người tiên phong trong trồng cây ăn quả trên vùng đất Cát Tiên này. 
 
Bằng chất giọng rất ấm và nụ cười tươi, ông Phạm Thanh Duyên kể về hành trình 20 năm trồng cây ăn trái của mình. Với khu vườn rộng 1,1 ha, khá bằng phẳng với đất phù sa pha cát rất đẹp; ông đã từng nhiều năm trồng bắp, trồng mì, “ai trồng gì mình trồng nấy”. Làm mãi không khá nổi, ông Duyên nghĩ sao không thử trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn, như cây sầu riêng chẳng hạn. Thế là ông lặn lội ra Đạ Huoai tìm hiểu, xuống tận các vườn cây ăn trái các tỉnh đồng bằng phía Nam mua giống sầu riêng tốt rồi về trồng thử trên đất của mình.
 
Cho đến nay, với 29 cây sầu riêng 20 năm tuổi đang cho trái này, mỗi năm ông thu về trên 200 triệu đồng trong tổng số 400 triệu đồng tiền bán quả trong vườn. Nhà buôn cứ thế đến tận nhà thu mua. Chỉ cần 29 cây sầu riêng này thôi, ông Duyên thu được nhiều hơn những gì ông trồng bắp, trồng mì cả năm trước đây.
 
Nhưng vườn ông Duyên đâu chỉ có duy nhất sầu riêng dù đến nay vườn ông đã trồng được tất cả 200 cây sầu riêng, lớn có nhỏ có, cùng 150 cây măng cụt, 18 cây chôm chôm, 10 cây bưởi da xanh, nhiều cây đang cho trái. Không chỉ thuộc số cây trong vườn, ông còn hiểu “tính nết” từng cây để chăm sóc cho đúng cách. Ông tự tin sang năm vườn ông sẽ thu nhiều hơn vì số cây đến kỳ ra trái ngày càng nhiều.
 
Một khu vườn mẫu khác cách đó không xa cũng trong Thôn 1, Đức Phổ. Chủ vườn là ông Nguyễn Tuấn Quàng, 51 tuổi, người quê Bình Định, cũng là một người tiên phong trong trồng cây ăn trái của huyện Cát Tiên. 
 
Vườn của ông Quàng rộng 1,2 ha, là một vườn thuần, nghĩa là chỉ trồng độc nhất sầu riêng. Ông Quàng trồng sau ông Duyên chừng 5 - 6 năm, cũng trồng thành nhiều đợt, đến nay đã là 14 năm canh tác sầu riêng, trong đó ông đã có 120 cây đang thu hoạch. Tính sơ trong năm nay, dù sầu riêng có thấp giá hơn mọi năm do ảnh hưởng dịch bệnh nhưng ông Quàng cũng thu được gần 20 tấn quả, trên 1,1 tỷ đồng. Trong năm đến, ông Quàng cho biết sẽ có thêm khoảng 100 cây nữa bước vào vụ thu hoạch, tất nhiên thu nhập của ông chủ vườn này sẽ tăng lên nhiều chứ không dừng lại con số như năm vừa rồi.
 
Theo Phòng Nông nghiệp Cát Tiên, 1 ha lúa nước canh tác cả năm, làm việc cật lực cũng chỉ thu nhập chừng 50 triệu đồng, giỏi lắm thì lên chừng 80 triệu đồng nếu trồng lúa đặc sản, lúa hữu cơ. Còn nếu có 1 ha trồng cây ăn quả có giá trị cao như sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh thì sự thay đổi sẽ đến một cách ngoạn mục.
 
“Chuyển đổi cây trồng rất nhanh. Toàn xã Đức Phổ có trên 1.530 ha đất nông nghiệp thì đến nay đã có trên 600 ha được trồng cây ăn trái, chủ yếu là sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh… Trung bình mỗi năm, như năm 2021, người dân trong xã đã chuyển đổi từ 30 - 40 ha. Trong gần 880 hộ dân của xã, trên 90% các gia đình nơi đây đều đã có vườn cây ăn quả” - ông Nguyễn Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Đức Phổ nói với chúng tôi. 
 
“Bên cạnh vườn ông Duyên, ông Quàng, chúng tôi còn có thêm 2 vườn mẫu nữa đã được huyện xem xét công nhận. Đây là điểm trình diễn để bà con đến xem, học tập. Chúng tôi còn mời các công ty bảo vệ thực vật về đây tổ chức tập huấn, hội thảo, thực tế trong vườn mẫu để bà con mắt thấy tai nghe về dễ áp dụng” - ông Biên cho biết. 
 
Theo ông Biên, rất nhiều nhà dân trong xã nay đã có vườn cây 7 - 8 năm tuổi, không ít nhà đã có thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/năm, đó là những con số đầy mơ ước. “Anh coi, người dân trong xã nhiều người nay đã xây nhà cao cửa rộng, nhờ thu nhập từ vườn cây ăn quả chứ đâu” - ông Biên nói.
 
Trên một con đường nông thôn mới ở Gia Viễn, Cát Tiên
Trên một con đường nông thôn mới ở Gia Viễn, Cát Tiên
 
DỰA VÀO SỰ ĐỒNG THUẬN CỦA DÂN
 
“Tổng cộng đã có 49 vườn mẫu trồng cây ăn trái trong huyện tính cho đến cuối năm nay”, ông Trần Quang Trừng - Trưởng phòng Nông nghiệp Cát Tiên vui vẻ cho chúng tôi biết. Cùng với Đức Phổ, rất nhiều xã trong huyện nay đều đã có những điểm gọi là vườn mẫu để người dân tham khảo, học hỏi trong chuyển đổi cây trồng.
 
Như trong năm 2021, theo ông Trừng, toàn huyện đã có đến trên 650 ha đất chuyển đổi cây trồng, trong đó có 350 ha canh tác điều già cỗi được chuyển đổi sang điều ghép cao sản; 300 ha còn lại là chuyển đổi từ vườn tạp sang các cây ăn trái hay trồng cây công nghiệp. Tuy nhiên, phần diện tích trồng cây công nghiệp này như cà phê, cao su tiểu điền chỉ chiếm chưa đến 1/3 diện tích. Cho đến nay người dân đang chuộng chuyển đổi cây ăn trái với các cây trồng như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bưởi da xanh… 
 
Ông Trừng khẳng định: “Cát Tiên không chuyển đổi ồ ạt, bằng mọi giá mà là sự chuyển đổi có kiểm soát vì huyện có qui hoạch cụ thể. Huyện chỉ hỗ trợ người dân chuyển đổi nhưng phải căn cứ theo qui hoạch, không phải nhà nào cũng sầu riêng, vườn nào cũng bưởi da xanh”.
 
Ông Trừng cho biết, trung bình 5 năm gần đây huyện hỗ trợ mỗi năm tổng cộng từ 1-2 tỷ đồng cho dân trong chuyển đổi. Năm 2021, huyện đã hỗ trợ chuyển đổi cây trồng gần 2 tỷ đồng. “Căn cứ theo qui hoạch, người dân biết sẽ tự chọn chủng loại cây trồng nào phù hợp nhất cho đất vườn của mình”.
 
Thống kê gần đây, diện tích điều ở Cát Tiên còn gần 6.200 ha, (trong khi diện tích trồng cây ăn quả có giá trị đã tăng lên đến 900 ha). Theo ông Trừng, trong vòng 5 năm đến diện tích điều của huyện sẽ tiếp tục giảm xuống đồng thời diện tích cây ăn quả sẽ tăng lên khoảng 1.200-1.300 ha. 
 
Ông Bùi Văn Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích của Cát Tiên trong những năm gần đây đã tăng lên đáng kể. Số diện tích trồng lúa, trồng điều có thu nhập khoảng 50 triệu đồng/ha đang giảm dần trong khi các vùng trồng cây ăn quả nay đã có thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng và sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm đến. 
 
Đi dọc các con đường nông thôn của huyện trong những ngày mùa xuân này mới thấy sự vươn mình mạnh mẽ của một vùng đất với sức sống mới mang theo khát vọng làm giàu từ mảnh đất trũng Cát Tiên.
 
VIẾT TRỌNG