Một mảnh đất còn vẹn nguyên vẻ hoang sơ, được mẹ thiên nhiên ban tặng một hình hài quyến rũ với đồi núi, sông suối đan xen lẫn nhau cùng với một cộng đồng người Cil, M’Nông sinh sống hòa thuận bên dòng K’Rông Nô hiền hòa. Hệt như một bức tranh mà vẫn còn ít người được chiêm ngưỡng, khám phá.
Dẫu còn có những rào cản để phát triển nhưng hôm nay trở lại, Đầm Ròn (khu vực 3 xã Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’rông, huyện Đam Rông) đã khoác lên mình diện dạo mới. Phóng tầm mắt nhìn bao quát từ trên cao, những mái nhà khang trang tại các khu dân cư trở nên nổi bật trên nền xanh của ruộng vườn, xa xa là những ngọn đồi xanh mướt ẩn hiện giữa những tầng mây.
|
Du khách có thể tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên, núi rừng. Ảnh: Sam Ngo |
VẺ ĐẸP TỪ NHỮNG ĐIỀU BÌNH DỊ
Với đặc trưng sản xuất nông nghiệp thuần túy với lúa nước, cà phê, dâu tằm và nay có thêm những trang trại được đầu tư trồng cây ăn trái, mỗi mùa nơi đây đều mang một vẻ đẹp rất riêng, mộc mạc như trong chính trái tim của những người dân bản địa. Trên khắp các thôn làng vẫn giữ được vẻ gần gũi, thân thuộc như hình ảnh đám trẻ vô tư, hồn nhiên chơi đùa bên suối. Những người bà, người mẹ ngồi bên nhau trò chuyện trong những sớm chiều. Hiện đại hóa dường như vẫn còn chưa thể “chạm” tới cuộc sống của người dân. Và từ đó, cuộc sống cũng như sản xuất của họ gắn liền với thiên nhiên một cách vẹn tròn.
Đó cũng là lý do mà sau gần 30 năm kể từ ngày đầu tiên đặt chân đến Đầm Ròn với biết bao chuyến khảo sát văn hóa, thiên nhiên, ông Ngô Tuấn Cường - nguyên cán bộ đánh giá tài nguyên du lịch của Công ty Du lịch Lâm Đồng đã chọn dừng chân và làm nên DAANA Resort - một dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng thuộc địa phận xã Đạ Tông.
Theo ông Cường, nơi đây vẫn còn đầy đủ vẻ đẹp thuần túy từ rừng núi, sông suối cùng các yếu tố văn hóa, con người mà không phải nơi nào cũng có được. Từ văn hóa lúa nước, lúa nương từ xưa vẫn còn tồn tại cho đến tận bây giờ hay không gian văn hóa cồng chiêng, thổ cẩm, đan lát… đâu đó vẫn còn hiện diện trong mỗi nóc nhà.
“Chuỗi suối khoáng nóng ở Đam Rông là món quà thiên nhiên vô giá. Làn nước trong vắt chảy qua hệ thống đá bàn, đá phiến tự nhiên cùng màu xanh tươi tốt của cỏ cây nơi đại ngàn đã tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình, vừa thơ mộng vừa hoang sơ, đậm chất Tây Nguyên”, ông Cường nói.
Vì vậy, để hài hòa với khung cảnh thiên nhiên thì nhà hàng, khách sạn trong khu du lịch khoáng nóng được xây dựng theo kiến trúc nhà sàn Tây Nguyên. Theo đó, khi đưa vào vận hành trong thời gian tới, ngoài việc sử dụng đội ngũ lao động chính là người địa phương, hệ thống nhà hàng sẽ cần rượu cần, cá suối, rau rừng phục vụ khách cũng như tái hiện các lễ hội văn hóa phi vật thể truyền thống lâu đời như lễ hội cồng chiêng, mừng lúa mới, lễ bỏ mả…
“Một nàng công chúa bản địa hoang dã tự do và một nàng công chúa yêu kiều bí ẩn. Nhưng dù với bất cứ một vẻ đẹp nào thực sự cũng rất khó để mà nói ai đẹp hơn ai. Đạ Long có đủ tất cả điều kiện để phát triển du lịch Farm và Farmstay từ phong cảnh hoang sơ và những đồng lúa bậc thang. Từ những cánh rừng hoang sơ đến những dòng thác không tên, những khe núi, từ dòng sông đá và suối nước nóng... đều khiến bất kì một du khách nào cũng cảm thấy họ xứng đáng trải qua một đoạn đường dài để đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp thôn dã yêu kiều này”, đó là những lời giới thiệu của chủ nhân Đạ Long Village - một điểm du lịch được hình thành cách đây ba năm rưỡi và cũng đang dần hoàn thiện các điều kiện để đưa vào hoạt động.
|
Những cánh đồng lúa ở Đầm Ròn nhìn từ trên cao |
KHÁT VỌNG ĐỔI THAY TỪ NHỮNG THỨ GIẢN ĐƠN
Thực tế, xã hội phát triển cùng quá trình đô thị hóa nhanh khiến môi trường sống ngày càng thay đổi, áp lực công việc tăng cao... khiến người ta càng muốn trở về với thiên nhiên để được “chữa lành và cân bằng cuộc sống”. Đầm Ròn không có những công trình hiện đại phục vụ mọi nhu cầu của cuộc sống, nhưng nơi đây có tất cả dành cho những ai muốn trải nghiệm cuộc sống gắn liền với thiên nhiên để từ đó xoa dịu và thức tỉnh tâm hồn.
Trước nay, người ta vẫn thường nhắc đến các xã Đầm Ròn cùng những hình dung về một vùng đất, nơi được xem là khó khăn nhất của huyện Đam Rông. Nhưng đã có những tín hiệu vui cho thấy người dân nơi đây đã bắt đầu chú trọng hơn đến chất lượng cuộc sống của chính mình.
Xã Đạ Long đã ban hành nghị quyết vận động người dân thực hiện chỉnh trang, phát triển kinh tế vườn hộ để cải thiện từ chính từng bữa ăn gia đình rồi mới đến các sản phẩm nông nghiệp. Khi có hoạt động du lịch trên địa bàn thì có thể tham gia vào làm du lịch, cung cấp nguồn thực phẩm sạch, chất lượng từ đôi bàn tay đã lam lũ một đời…
Hay như ở Đạ M’rông có thể khôi phục lại thuyền độc mộc, tổ chức những đêm lễ hội cồng chiêng với đồng bào địa phương. Hiện nay đâu đó trong các buôn làng vẫn còn các đội cồng chiêng với những cánh tay điêu luyện trao truyền cho thế hệ trẻ. Nghề dệt thổ cẩm được Hội Phụ nữ các xã, huyện chú trọng đầu tư, khôi phục trở lại để trước mắt phụ nữ nông thôn có thêm công việc những ngày nông nhàn, sau là có thể trở thành địa chỉ cung cấp các sản phẩm phục vụ cho du khách… Và quan trọng hơn hết, đó là giữ gìn bản sắc văn hóa thiêng mà không phải dân tộc nào cũng có được.
Du lịch là một bài toán của cộng đồng, du lịch cần sự hợp tác và chia sẻ hơn bất cứ một ngành nào khác và nó cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Trong chuyến đi kiểm tra thực tế của mình, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đã bày tỏ sự kỳ vọng vào sự phát triển trong tương lai của Đầm Ròn khi Tỉnh lộ 722 nối từ xã Đưng K’Nớ (huyện Lạc Dương) đi Đạ Long đưa vào hoạt động, bởi ngoài đáp ứng được nhu cầu đi lại, rút ngắn khoảng cách cung đường này, còn tạo động lực để Đầm Ròn “cất cánh” du lịch. Đây sẽ là cơ hội để 3 xã Đầm Ròn có bước phát triển mới, mở rộng giao thương, phá bỏ thế ở đáy bình.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh rằng huyện Đam Rông có thế mạnh về du lịch văn hóa cộng đồng, địa phương cần có kế hoạch và tổ chức các loại hình du lịch để sớm đón đầu du lịch, níu chân du khách. Nhưng làm thế nào để thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư cũng như du khách, đánh thức tiềm năng du lịch, kết nối giao thương, thúc đẩy kinh tế người dân phát triển là bài toán được đặt ra.
Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Văn hóa thông tin cho biết, ngành văn hóa địa phương đang xây dựng những chương trình, kế hoạch thu hút đầu tư cũng như tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về phát triển du lịch cộng đồng. Quyết tâm là thế nhưng cũng cần xác định đây không phải là chuyện một sớm một chiều mà cần đi từng bước cho phù hợp với tốc độ phát triển về dân trí, hạ tầng cùng các yếu tố liên quan đến khai thác du lịch tại cộng đồng dân cư. Đặc biệt, đối với phát triển du lịch cộng đồng, người dân được tham gia và họ trực tiếp thụ hưởng các lợi ích. Vậy nên cần để chính họ nhập cuộc với một tâm thế chủ động với những kỹ năng cần thiết.
Chẳng bao lâu nữa, có thể là ngay mùa xuân này, những khu du lịch, homestay đầu tiên ở Đầm Ròn dần hoàn thiện và đi vào hoạt động, sẽ có những vị khách thập phương được cảm nhận trọn vẹn giá trị và vẻ đẹp của một mảnh đất vốn được ví như cô sơn nữ còn ngủ yên. Và từ những tiềm năng vốn có, tương lai để Đầm Ròn trở nên nổi bật trên bản đồ du lịch của Lâm Đồng và Đam Rông trở thành điểm trung chuyển, kết nối tuyến du lịch Đà Lạt - Tây Nguyên, tuyến du lịch sinh thái, du lịch văn hóa các dân tộc tại chỗ cũng sẽ chẳng còn xa.
HỒNG THẮM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin