Giải thưởng Văn học Lâm Đồng lần thứ II gồm những tác phẩm xuất bản từ năm 2012 đến năm 2020, chính thức công bố kết quả vào cuối năm 2021. Hai mươi sáu tác giả tham gia với hàng chục ngàn trang viết, đủ các thể loại: tiểu thuyết, truyện, kịch, thơ và ký, Hội đồng đã quyết định trao giải cho 5 tác giả. Đây cũng là kết quả của sự tiếp nối thành tựu văn học tỉnh Lâm Đồng có bề dày 45 năm qua.
45 năm, một chặng đường của lực lượng sáng tác văn học Lâm Đồng khẳng định phong phú, đa dạng. Nhiều người đã đi qua lửa đạn chiến trường, nhiều người là công nhân, trí thức xây dựng hậu phương miền Bắc tăng cường vào miền Nam… Họ hợp thành dòng chảy nhiệt thành dấn thân, đam mê với vùng đất Nam Tây Nguyên để sáng tạo những tác phẩm văn học cùng với các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, phản ảnh hiện thực sinh động về đất nước, trong đó có vùng đất mới chuyển mình trong vận hội mới.
Đặt nền móng văn học Nam Tây Nguyên sau 1975 là những nhà văn, nhà thơ đã đóng góp xứng đáng: Hồ Phú Diên, Văn Thảo Nguyên, Phạm Vũ, Phan Đức Chính, Huỳnh Chính, Lâm Tuyền Tĩnh, Trần Hữu Lục… Đó còn là những nhà văn, nhà thơ có nhiều tác phẩm hay: Bùi Minh Quốc, Phạm Quốc Ca, Chu Bá Nam, Thái Huyền, Nguyễn Tùng Châu, Nguyễn Trung An, Trần Thăng, Lê Công, … Bây giờ, đã có những nhà văn, nhà thơ phiêu bồng viễn xứ, nhưng sáng tạo nghệ thuật của họ vẫn lưu dấu đẹp trong lòng đông đảo bạn đọc gần xa…
5 tác giả, đó là giải thưởng chuyên ngành Văn học của Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng lần thứ II. Giải A là “Tuyển tập thơ văn” của tác giả Phạm Kim Anh; giải B là tiểu thuyết “Thám tử đội Hướng Dương” của tác giả Nguyễn Thái Huyền; giải C là tập thơ “Lặng lẽ phố sương” của tác giả Vương Tùng Cương và 2 giải Khuyến khích là tập truyện ngắn “Khi hoa cúc nở” của tác giả Chu Bá Nam và tập ký, tản văn “Gió thổi từ miền ký ức” của tác giả Uông Thái Biểu. Giải thưởng khép lại, chúng tôi chia sẻ một vài cảm nhận từ cá nhân về thành công của các tác phẩm này.
* “Tuyển tập thơ văn” gồm 3 tập (truyện ngắn, truyện ký, thơ; tiểu thuyết; kịch bản phim), ngót nghét 2.000 trang. Tuyển tập được người thân sưu tầm từ sách, báo và tủ sách gia đình để xuất bản khi tác giả Phạm Kim Anh đã “về bên kia dốc nắng”. Ông là nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch, hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng và Hội Luật gia Việt Nam. Gia tài Phạm Kim Anh để lại đồ sộ… Gắn bó nhiều năm với vùng đất Lâm Đồng, Phạm Kim Anh là nhà văn có đam mê không biên giới, sức bút dồi dào. Tác phẩm thể hiện công phu tích lũy hiện thực cuộc sống, đủ dày về tư liệu, lớn về cứ liệu. Đó còn là cảm xúc mãnh liệt trong sáng tạo, hun đúc bởi bề dày về vốn sống, về kiến thức chuyên môn, nghề nghiệp. Trong số đó, có kịch bản đã đoạt Huy chương Vàng như “Mối tình qua tết Lirboong”, nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết in rõ dấu ấn thành công như “Giọt nước mắt mối tình đầu”, “Hoa mimosa”, “Chuyện tình HaLy”… Nhiều tư liệu, sự kiện lịch sử lĩnh vực an ninh chính trị diễn ra ở Lâm Đồng nếu không trải nghiệm và cảm xúc lớn khó có những trang văn như thế. Phạm Kim Anh quả là một nghệ sĩ tài hoa, dấn thân không biết mệt, sáng tạo trong lặng lẽ với chính mình…
|
Hội đồng chấm sơ khảo chuyên ngành Văn học Lâm Đồng lần thứ II |
* Tiểu thuyết trinh thám “Thám tử đội Hướng Dương” của tác giả hiện là hội viên cao tuổi nhất ở Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng, nhà văn Nguyễn Thái Huyền sinh năm 1928. Ông có mặt tại Đà Lạt từ năm 1935 và trở thành nhân chứng lịch sử của vùng đất này. Tiểu thuyết của ông không chỉ là sự kiện khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 ở Đà Lạt, mà còn có cả hồi ức khoảng thời gian phong trào Xô Viết Nghệ-Tĩnh những năm 1930 diễn ra ở quê hương ông. Đọc tác phẩm Nguyễn Thái Huyền, người ta cảm nhận được sức lao động miệt mài, mẫn tiệp của tác giả. Ông chịu khó đọc văn chương, tài liệu, gặp gỡ nhân vật, quan sát, nắm bắt, ghi chép. Trân quý và đắm mình vào lịch sử, say mê sáng tạo, “Thám tử đội Hướng Dương” dày về tư liệu, bộn về sự kiện, sinh động, cuốn hút về diễn đạt, trải dài không gian và thời gian. Tiểu thuyết tự sự nhưng không thiếu những đoạn văn trữ tình. Hiện thực cuộc sống không hề là tĩnh, luôn biến đổi, và đó cũng là nhu cầu tự thân của nhà văn cao niên này. Nhân vật tiểu thuyết là con người nếm trải sâu đậm, nhân vật thẩm mĩ đã tái hiện hiện thực chân thật, không thi vị hóa, lãng mạn hóa và lý tưởng hóa…
* “Lặng lẽ phố sương” là tập thơ của Vương Tùng Cương, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Vương Tùng Cương vào Đà Lạt định cư hơn 10 năm nay. Trước khi xuất bản “Lặng lẽ phố sương” anh đã in 8 tập thơ. Đà Lạt nuôi anh cảm xúc; tập thơ 44 bài là tri ân nơi chốn mới, an yên của tâm hồn tuổi chiều nghiêng... “Lặng lẽ phố sương” vẫn là cung đàn đa cảm, đằm thắm yêu thương, trước những số phận và thân phận. Vẫn là “trái tim non”, dễ bị tổn thương khi neo bên dòng luân hồi vô thường. Sống chậm để cảm nhận cuộc sống ở chiều sâu của nhân văn và nhân bản. Chậm lại để không hời hợt, chậm lại để vun chín cảm xúc, để lắng nghe giọt chảy từ cuộc sống, để thổn thức nhịp đập cùng con tim, để nhận ra điều gì thực sự là cốt lõi, điều gì chỉ là thoáng qua… “Lặng lẽ phố sương” là lắng nghiệm, thao thức, dậy sóng ở trong lòng. Trìu mến Đà Lạt, Vương Tùng Cương càng khắc khoải cố hương. Đọc thơ anh, ta chạm với lửa, đắm vào khát yêu thương. Nhà thơ tự làm ấm mình, làm ấm những người bên anh…
* Trong “Lặng lẽ phố sương” của Vương Tùng Cương có khá nhiều nhân vật thực ngoài đời ở Đà Lạt. Tôi thầm nghĩ, thân thiết nhất, tri âm nhất, thơ hay nhất, là người anh cùng quê Kinh Bắc, nhà dược học, nhà văn Chu Bá Nam: “Anh đúng và thiêng như tinh dầu chưng cất/nơi tin yêu níu vịn của bao người/ấm áp sẻ chia gió sương năm tháng/tự khuất mình vào góc thảnh thơi”. Đó là tác giả tập truyện ký “Khi hoa cúc nở”. Hai mươi ba câu chuyện là từng lát cắt gọn, sắc về nhân sinh. Đó là tài hoa, kiến văn rộng, là trở trăn mười năm chiêm nghiệm. Cuốn hút của văn Chu Bá Nam ở ngôn ngữ linh hoạt, hình tượng sinh động, trần thuật điềm tĩnh, chân phương, thấm đẫm triết lý nhân sinh và lòng vị tha. Người đọc văn ông, được phiêu lưu qua nhiều tầng, thời gian đan cài, không gian chồng lấn, nhiều quan hệ đời thường gần gũi, biến cải nhiều cung bậc thật tế vi: yêu và ghét, thương và giận, trăn trở và ám ảnh…
* Trong 5 tác giả đoạt giải thưởng Văn học lần thứ II, nhà báo, nhà thơ, nhà văn Uông Thái Biểu trẻ nhất, 55 tuổi. “Gió thổi từ miền ký ức” của anh gồm 62 tùy bút, tản văn, dày hơn 300 trang, gồm ba chủ đề: “Mạch nguồn bất tận”, “Hơi thở đại ngàn”, “Những tản mạn rời”. Nghiệp nghề và máu “xê dịch”, thích du khảo, trải nghiệm, hoài niệm được kết dính, xâu mạch và thổi hồn vào trang viết Uông Thái Biểu. Đó là bến neo vịn, là dòng sông ngụp lặn, là khoảng không đắm chìm, quy chiếu bởi những vỉa tầng văn hóa, để anh chiêm nghiệm, đối thoại và độc thoại. “Gió thổi từ miền ký ức” là sự tiếp nối “Gió đồng” - thơ, năm 2001, “Mùa lữ hành”- bút ký, đối thoại, 2010 và “Nhớ núi” - thơ, 2017. Một Uông Thái Biểu giăng mắc, triền miên với cánh đồng hoài nhớ, không đầu không cuối, đi để đến, chung chiêng hai bờ lạ quen… “Gió thổi từ miền ký ức” giúp bạn đọc hơn một lần âm vang, neo vào giá trị trường tồn khái niệm “quê hương”...
Lời kết: Giải thưởng Văn học Lâm Đồng lần II thú vị từ ngẫu nhiên, đó là đủ thể loại: kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ và ký. Những cảm nhận trên cũng gặp gỡ nhiều với nhận xét của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Việt Nam, thành viên Ban Chung khảo Giải thưởng Văn học Lâm Đồng khi ông chia sẻ với chúng tôi. Một bức tranh văn học hội tụ nhiều gam màu sáng: tác giả này giàu chất văn, thực tài; tác giả kia viết có nghề, đều tay; và nhiều tác phẩm đem đến bạn đọc nguồn tư liệu cuộc sống phong phú, sinh động và lay động…
TĨNH XUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin