Chủ động đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả, vị thế và uy tín

07:01, 28/01/2022
Năm 2021 là năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, với tinh thần chủ động đổi mới, sáng tạo, thích ứng linh hoạt, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng đã bám sát nội dung chỉ đạo của Quốc hội, UBTV Quốc hội và tình hình thực tiễn của địa phương triển khai các hoạt động.
 
Ông Trần Đình Văn- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tham gia góp ý tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Ảnh: N.Thu
Ông Trần Đình Văn- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tham gia góp ý tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Ảnh: N.Thu
 
Ngay sau khi được kiện toàn tổ chức, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có sự phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng ĐBQH phụ trách các lĩnh vực; kiện toàn Tổ tư vấn chính sách, pháp luật đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
 
Đã triển khai thực hiện kịp thời và có nhiều đổi mới trong hoạt động góp ý xây dựng luật. Trước các kỳ họp, chủ động lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị và thành viên của Tổ tư vấn chính sách, pháp luật đối với các dự án luật, nghị quyết dự kiến trình Quốc hội; tiến hành khảo sát kết hợp với ghi nhận những góp ý của các cơ quan, tổ chức về những vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật; phân công các ĐBQH trong Đoàn nghiên cứu, phát biểu tại các buổi thảo luận tại tổ và trực tiếp tại Hội trường, góp phần làm cho việc góp ý dự án luật có chiều sâu, chất lượng hơn.
 
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và UBTV Quốc hội về chương trình giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với HĐND tỉnh và các cơ quan hữu quan triển khai thực hiện chương trình giám sát, trong đó chú trọng tính hiệu quả, đề xuất những kiến nghị, giải pháp thiết thực, tạo được những chuyển biến rõ rệt, tích cực trong lĩnh vực giám sát tối cao của Quốc hội.
 
Về hoạt động tiếp xúc cử tri, trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, linh hoạt tổ chức với những cách thức phù hợp như: thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri thông qua gửi văn bản, thư điện tử, điện thoại hoặc phản ánh trực tiếp; tổ chức tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tiếp tại các điểm cầu chính kết nối trực tuyến đến các điểm cầu khác đảm bảo tiếp xúc cử tri của tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh. Sau khi kết thúc kỳ họp, Đoàn đã thực hiện tổ chức tiếp xúc cử tri thông qua các phương tiện thông tin, truyền thông; các kiến nghị của cử tri được Đoàn ĐBQH chuyển tới các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương theo quy định; tập hợp đầy đủ các văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri của các bộ, ngành Trung ương và các sở, ngành địa phương để thông tin đến cử tri bằng các hình thức phù hợp. Đồng thời đôn đốc, kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết các kiến nghị của các tổ chức như kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, Hiệp hội Hoa Đà Lạt…
 
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, được thực hiện nghiêm túc, chú trọng nâng cao hiệu quả việc theo dõi và đôn đốc cơ quan chức năng giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Nhiều vụ việc đã được Đoàn ĐBQH theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết trên tinh thần đi đến cùng sự việc để giải quyết dứt điểm, chấm dứt khiếu nại, tố cáo kéo dài.
 
Về hoạt động của Đoàn tại các kỳ họp, tuy mới chỉ trải qua hai kỳ họp chính thức và một kỳ họp bất thường nhưng có thể thấy các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã tham gia rất tích cực và có nhiều ý kiến góp ý vào tất cả các buổi thảo luận tổ, thảo luận tại nghị trường, cũng như tại các phiên chất vấn (với hơn 40 lượt phát biểu, thảo luận tại tổ và tại hội trường, 14 chất vấn bằng văn bản đối với các Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ về nhiều nội dung được xã hội, cử tri quan tâm kiến nghị). Đoàn ĐBQH đã phân công nhiệm vụ để từng ĐBQH phát huy vai trò, trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết của mình, tập trung nghiên cứu, thảo luận, tranh luận dân chủ, thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có chất lượng, mang tính thực tiễn cao trong tham gia đóng góp các dự thảo luật, nghị quyết và các vấn đề quan trọng khác. Các nội dung chất vấn, góp ý của ĐBQH được UBTV Quốc hội, các cơ quan hữu quan đánh giá cao và được nghiên cứu, tiếp thu.
 
Với tinh thần thích ứng linh hoạt, Đoàn ĐBQH đã tổ chức và chuẩn bị tốt các điều kiện họp trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng đảm bảo an toàn, hiệu quả, tiết kiệm; thông tin kịp thời các hoạt động trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương để cử tri và nhân dân theo dõi. Song song với các hoạt động trên, các đại biểu Quốc hội của Đoàn còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chung tay cùng với chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. 
 
Có thể khẳng định Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều đổi mới, linh hoạt, chủ động, tích cực trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
 
Năm 2022 dự kiến vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen, song với mục tiêu cùng chung tay xây dựng Quốc hội “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm”, hoạt động ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, nhân dân, là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng xác định chủ động đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả, vị thế và uy tín để có những đóng góp cụ thể đối với các hoạt động của Quốc hội; phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác đối ngoại của tỉnh; thực hiện tốt công tác góp ý xây dựng luật, hoàn thiện thể chế; triển khai hoạt động giám sát, khảo sát theo chương trình đã đề ra; tích cực đề xuất, kiến nghị giải quyết các khó khăn, bất cập của tỉnh, của các ngành, địa phương và của cử tri.
 
Trước tiên, đối với các vị đại biểu Quốc hội tỉnh: Cần phát huy vai trò chủ động, tích cực của từng đại biểu, nhất là trong tham gia ý kiến vào các dự thảo luật, nghị quyết và tranh luận tại nghị trường; các ý kiến cần chú trọng đến vấn đề mang tính thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, phù hợp với định hướng quan điểm của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; cần phát huy tính chủ động của từng đại biểu, có văn hóa nghị trường trong phát biểu, chất vấn, nhưng cũng cho thấy rõ quan điểm, chính kiến của mình. Các đại biểu chủ động sắp xếp công việc tham gia đầy đủ các kỳ họp, các hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp; mạnh dạn đề xuất các giải pháp, cách làm mới, hiệu quả nhằm đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Đoàn.
 
Thứ hai, đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động: Về công tác xây dựng pháp luật, tăng cường tổ chức hội thảo, hội nghị lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, đối tượng chịu tác động, các chuyên gia tư vấn chính sách, pháp luật đối với các dự án luật nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Phát huy vai trò của Tổ tư vấn chính sách, pháp luật của Đoàn, của từng thành viên Tổ tư vấn và các chuyên gia, nhất là trong việc cho ý kiến góp ý vào các dự thảo luật đảm bảo tính chuyên sâu, mang tính phản biện cao, nâng cao chất lượng ý kiến góp ý.
 
Đối với hoạt động giám sát, chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị liên quan trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, tránh chồng chéo, trùng lắp, tránh hình thức trong hoạt động giám sát. Đặc biệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung đổi mới và tăng cường giám sát theo chuyên đề kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, góp ý xây dựng luật, những vấn đề đang được cử tri và nhân dân quan tâm, những vấn đề địa phương đang gặp khó khăn, vướng mắc. Phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh và Thường trực HĐND các cấp trong tỉnh tổng hợp đầy đủ và phản ánh kịp thời các ý kiến, kiến nghị, đề xuất nguyện vọng của cử tri đối với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, UBND các cấp và các cơ quan chức năng liên quan ở địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và theo đến cùng việc giải quyết các kiến nghị sau giám sát; kịp thời thông báo kết quả giám sát, giải quyết các kiến nghị sau giám sát tới cử tri bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả.
 
Thực hiện tốt nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo. Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân thông qua việc tiếp công dân, qua các phương tiện thông tin đại chúng, đơn thư kiến nghị, trực tiếp khảo sát hiện trường…
 
Thứ ba, chủ động, tích cực tham gia vào các vấn đề lớn của địa phương, nhất là phải tích cực phản ánh với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của tỉnh trong triển khai các dự án, công trình trọng điểm; các cơ chế, chính sách nhằm tạo nguồn lực, thu hút nguồn lực đầu tư của tỉnh.
 
Thứ tư, thực hiện tốt công tác đối ngoại, quảng bá hình ảnh của tỉnh; làm tốt công tác thông tin, truyền thông các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh; các hoạt động của Đoàn cần phải được thông tin đầy đủ, sớm, hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng (trên Truyền hình Quốc hội, truyền hình Lâm Đồng, Báo Lâm Đồng, trên Trang thông tin điện tử Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh…). Thực hiện thông cáo về kết quả kỳ họp trên truyền hình Lâm Đồng, Báo Lâm Đồng ngay sau mỗi kỳ họp Quốc hội.
 
Thứ năm, phát huy tốt vai trò tham mưu của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Phối hợp tốt với Văn phòng Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương; các sở, ngành, địa phương, nhất là trong việc giải quyết các kiến nghị của cử tri. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai họp trực tuyến, trong các cuộc làm việc và giải quyết các công việc thường xuyên của Đoàn ĐBQH tỉnh theo tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, đảm bảo chủ động, linh hoạt, hiệu quả.
 
Với phương châm chủ động đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả, vị thế và uy tín, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, chủ động đổi mới phương thức hoạt động đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân, mang hơi thở cuộc sống vào nghị trường, góp phần xây dựng Quốc hội xứng đáng cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân; đồng thời góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022.
 
TRẦN ĐÌNH VĂN 
PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC TỈNH ỦY, 
TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH LÂM ĐỒNG