Người lưu giữ ký ức

08:01, 28/01/2022
“Mỗi bức ảnh cũ mang một vẻ đẹp riêng, không chỉ đơn thuần là nét đẹp của nghệ thuật mà còn là một kỷ vật của thời gian - những điều tưởng chừng như bình dị nhưng nếu không lưu giữ sẽ dần đi vào quên lãng”, Nguyễn Thi, người đàn ông dành gần hơn nửa đời mình để sưu tầm, lưu giữ những kỷ vật ấy cho hay. 
 
Ông Thi cũng là người biết “chữa bệnh” cho những chiếc máy hát cổ
Ông Thi cũng là người biết “chữa bệnh” cho những chiếc máy hát cổ
 
Một sáng của ngày cuối năm, tách biệt với dòng người vội vã giữa tiết trời se lạnh, trong căn nhà kiểu cũ ở đường Yagout, dưới ánh đèn vàng, người đàn ông với mái tóc điểm bạc vẫn đắm chìm trong giai điệu du dương phát ra từ chiếc máy hát cổ - Nguyễn Thi - cái tên quen thuộc của giới sưu tầm đồ cổ Đà Lạt. 
 
57 tuổi - dường như ông Nguyễn Thi dành hơn nửa đời mình để sưu tầm đồ cổ, đặc biệt là những kỷ vật âm nhạc có bề dày lịch sử - những chiếc máy phát nhạc có niên đại hàng chục đến gần trăm năm, băng đĩa, máy ghi âm, máy quay phim, tranh, sách, những hiện vật cổ xưa, và cả những bức ảnh hiếm của Đà Lạt từ hơn 80 năm về trước.
 
Trong căn nhà, từng kỷ vật, đều được ông trưng bày, sắp xếp một cách hài hòa, mang phong cách người nghệ sĩ. Dừng lại nơi căn phòng lầu hai, hiện ra trước mắt tôi là một “bảo tàng” thu nhỏ, nơi mà Nguyễn Thi dành để trưng bày hầu hết những món đồ cổ mà ông yêu thích.
 
Những chiếc máy hát, chiếu phim có tuổi đời hàng chục năm
Những chiếc máy hát, chiếu phim có tuổi đời hàng chục năm
 
Chiếc đĩa than chậm quay, giai điệu đồng quê từ những bản thu thập niên 70 vẫn du dương ngân lên từ phía cuối góc phòng. Không gian căn phòng cũ như làm xoay ngược thời gian, để đắm chìm mình trở lại với những năm xưa cũ. Ông Thi cẩn thận lấy những cuốn album lớn - chứa Đà Lạt trong những bức ảnh cổ từ những năm 1934 được ông sưu tầm, lưu giữ cẩn thận. Những bức ảnh Đà Lạt xưa quý hiếm được ông xem như những bảo vật không thể định giá. 
 
Mỗi bức ảnh trong album đều được ông Thi tận tình giới thiệu. Đây là bức ảnh của Hồ Xuân Hương từ những năm 1956. Hình ảnh của những cô gái thướt tha, e thẹn trong tà áo dài trắng dạo bước quanh hồ; dưới tán thông, cô gái trẻ tuổi đôi mươi thẩn thơ ngắm hồ, gió nhẹ nhàng thổi bay tà áo. Phía bên kia hồ, Thủy Tạ, Thanh Thủy đã đứng đó, thấp thoáng soi mình dưới dòng Xuân Hương tự bao giờ. 
 
Còn đây là khung cảnh mua bán sầm uất của Chợ Đà Lạt những năm 70; kia là những tấm ảnh về một chuyến tàu ở sân Ga Đà Lạt; những thợ xây tất bật sửa sang Rạp chiếu phim Hòa Bình… Và có cả ảnh của những ngôi biệt thự cổ đẹp được chụp năm 1959. Căn M’Chih - Siu, biệt thự Lê Lai, biệt thự số 38, Mona, Rauzy, Etcheda… được xây theo kiến trúc Pháp. 
 
“Những tấm ảnh cũ đưa ta trở về thời xưa cũ”, ông Thi nói
“Những tấm ảnh cũ đưa ta trở về thời xưa cũ”, ông Thi nói
 
Qua từng bức ảnh, con người, cuộc sống, kiến trúc, văn hóa… của một Đà Lạt xưa, dường như sống lại. “Có những địa điểm đến nay vẫn còn y nguyên, nhưng cũng có những kiến trúc, tên gọi đã đổi thay theo thời gian”, ông Thi nói. Có lẽ, khi này, giá trị của những bức ảnh mới được định giá - giá trị của ký ức văn hóa. 
 
Dừng mắt ở một cuốn album đặc biệt, một người trẻ như tôi lại thấy thật kỳ thú, những thứ mà lớp trẻ khó có cơ hội được chiêm ngưỡng. Tập album mà đời sống văn hóa, tinh thần của người Đà Lạt xưa được hiện hữu rõ nhất. Đó là những bản thảo nhạc tình xưa, tấm vé xe Đà Lạt - Sài Gòn năm 1962, những tờ programme (chương trình) của những rạp chiếu xi-nê (rạp chiếu bóng) nổi tiếng của Đà Lạt từ thập niên 60 của thế kỷ trước. 
 
Những tờ programme phim Phạm Công - Cúc Hoa từ rạp Ngọc Hiệp, Kiếp giang hồ của rạp Kinh Đô, chương trình ca vũ nhạc kịch và chiếu bóng của rạp Ngọc Lan… nhuốm màu năm tháng đều được ông sưu tầm, cất giữ một cách cẩn thận. Ông Thi kể, ngày xưa, trước mỗi lần chiếu phim, các rạp sẽ viết nội dung nổi bật của phim trên những tờ programme và đi phát khắp nơi. Mỗi dịp tết thì nơi đây là “thiên đường” của bao thế hệ. 
 
Chùm ảnh hồ Xuân Hương những năm 1954 - 1962
Chùm ảnh hồ Xuân Hương những năm 1954 - 1962
 
Ngoài cửa sổ, xe cộ vẫn hối hả ngược xuôi, gió nhẹ thổi, chậm rãi, ông Thi kể tiếp, ngày trước, các rạp xi-nê luôn tấp nập như hội. Nhiều người chỉ đợi đến cuối tuần để đến các rạp, chen chúc nhau đi xem ca vũ, chiếu bóng. Lúc bấy giờ, Đà Lạt có rạp Ngọc Lan (trước là rạp Eden); rạp Ngọc Hiệp, sau năm 1975 đổi tên thành rạp Giải Phóng, nằm trên đường Phan Đình Phùng ngày nay (nay là Khách sạn River Prince Hotel); rạp Kinh Đô nằm ở đường Nguyễn Văn Trỗi ngày nay; rạp Langbiang nằm sát rạp Ngọc Hiệp và rạp Hòa Bình… Qua những biến chuyển của thời gian, đến nay chỉ còn lại rạp Hòa Bình. Đây có lẽ là nơi chứng kiến bao thăng trầm, đổi thay của Đà Lạt. 
 
Những bức ảnh, hiện vật này được ông Thi sưu tầm từ người bạn của bố ông, một chủ tiệm ảnh có tiếng thời đó. Cũng có nhiều thứ được những người bạn quý mến gửi tặng. Tôi hỏi về nguyên do từ đâu ông lại có sở thích sưu tầm những đồ vật xưa cổ? Trầm mặc, ông Thi nói: “Có lẽ khơi nguồn từ bố, một người thợ sửa máy hát. Khi chỉ là cậu bé 7, 8 tuổi, mỗi lần bố sửa máy cho khách, tôi đều mê mẩn với những chiếc máy “kỳ diệu” này”. 
 
Hình ảnh khu Hòa Bình qua từng giai đoạn
Hình ảnh khu Hòa Bình qua từng giai đoạn
 
Có những chiếc máy khách để lại chưa lấy, được bố ông cất giữ cẩn thận, đến sau này ông nối tiếp mà giữ lại. Phải đến năm 2.000, ông Thi mới có điều kiện để sưu tầm những chiếc máy phát nhạc, băng đĩa, máy ghi âm và những vật dụng cổ xưa. Rồi ông lại mày mò, tỉ mẩn đóng nhạc cụ, sửa từng chiếc máy cổ. 
 
“Mỗi chiếc máy hát, mỗi kỷ vật xưa… đều mang một nét đẹp của thời gian. Còn những tấm ảnh cũ giúp ta hồi tưởng lại ký ức. Tất cả đều vô giá!”, ông nói. 
 
Như nhà sưu tầm đến từ New York, Stephan Loewentheil đã từng nói: “Nhiếp ảnh là sự lưu giữ tuyệt vời nhất của lịch sử”. Có lẽ vậy, nếu không có người lưu giữ những hiện vật xưa, ta khó mà hình dung được Đà Lạt đã hình thành và phát triển như thế nào. Đó cũng là dịp để những người đi trước được sống lại những thập niên 60, 70. Đó cũng là cơ hội để thế hệ trẻ hình dung được lối sống, văn hóa của một Đà Lạt xưa. 
 
Những tờ programme của các rạp chiếu phim Đà Lạt lúc bấy giờ
Những tờ programme của các rạp chiếu phim Đà Lạt lúc bấy giờ
 
Miệt mài, tâm huyết theo đuổi niềm đam mê, với hàng trăm món đồ cổ, ông Thi như một người lưu giữ ký ức. Đắm chìm trong không gian ngưng đọng, để có lúc bản thân cũng quên đi nhiều thứ, như cách ông nhìn nhận. “Đến nay, tôi vẫn sống độc thân, “tài sản” này sẽ có lúc được trao cho người thực sự biết quý trọng chúng. Kho tàng mà tôi dành cả đời sưu tầm, lưu giữ sẽ phát triển, không bị mai một đi hay trở thành nơi buôn bán”, ông Thi trải lòng. 
 
Rời căn nhà nơi lưu giữ những dấu tích thời gian, trở lại không gian hiện tại, tôi ngoái nhìn lại, có những “dòng sông” thời gian không bao giờ trở lại, nhưng ký ức thì còn đó được ký thác bởi những giá trị mà những người sưu tập lưu giữ trở nên đáng quý biết nhường nào!
 
NHẬT QUỲNH