Rộng mở những cung đường

05:01, 30/01/2022
Lâm Đồng gần đây đã tranh thủ mọi nguồn lực, kêu gọi đầu tư và triển khai thực hiện những dự án nâng cấp hạ tầng, đặc biệt là nâng cấp và đầu tư hạ tầng giao thông. Những dự án giao thông lớn như cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đường 722 nối Lâm Đồng - Đắc Lắc qua đường Trường Sơn Đông, cải tạo nâng cấp QL 28B, 27, QL 55, các tuyến đường vành đai và mở rộng đèo Prenn... đang được kỳ vọng trở thành nền tảng giúp Lâm Đồng “tăng quy mô nền kinh tế”. 
 
Nút giao thông Kim Cúc, cửa ngõ vào trung tâm thành phố Đà Lạt vừa được nâng cấp, lắp đèn tín hiệu giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông cho thành phố du lịch này
Nút giao thông Kim Cúc, cửa ngõ vào trung tâm thành phố Đà Lạt vừa được nâng cấp, lắp đèn tín hiệu giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông cho thành phố du lịch này
 
KHƠI THÔNG HUYẾT MẠCH GIAO THÔNG
 
Xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa quan trọng nên năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn vì tình hình dịch bệnh COVID-19 nhưng nhiều dự án đầu tư hạ tầng giao thông vẫn được tỉnh đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh đầu tư và hoàn thiện các thủ tục để triển khai thực hiện. Điều đáng ghi nhận là tỉnh đã tranh thủ được sự quan tâm hỗ trợ từ Chính phủ, huy động được cả sự tham gia đầu tư của các công ty, tập đoàn có uy tín để đẩy mạnh các kế hoạch xây dựng và nâng cấp hạ tầng giao thông lớn trên địa bàn. Cùng với kết quả của những dự án hạ tầng giao thông của những năm trước đó, đến nay, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh cơ bản đồng bộ và đáp ứng yêu cầu kết nối nội và ngoại tỉnh. Hệ thống giao thông nông thôn thời gian qua cũng cơ bản đồng bộ ở khắp các làng xã, thôn, xóm, ruộng vườn; nhiều tuyến đường tỉnh cũng được đầu tư cải tạo nâng cấp. 
 
Là một tỉnh miền núi, có thế mạnh về du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, muốn đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt mức khá bình quân đầu người thì việc đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông là điều kiện tiên quyết. Vì vậy mà việc tháo gỡ những nút thắt về giao thông là một trong những mục tiêu được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy đặt ra trong nhiệm kỳ này. Tỉnh cũng thể hiện sự quyết tâm mở rộng quy mô hạ tầng giao thông một cách toàn diện bằng việc liên tục tổ chức các đoàn đi khảo sát các tuyến đường huyết mạch liên tỉnh, liên vùng, các cung đèo còn bất cập, hạn chế về lưu lượng cũng như an toàn giao thông để đề ra những quyết sách, tranh thủ sự quan tâm từ Trung ương và kêu gọi đầu tư từ các nguồn lực một cách hợp lý, nhằm khơi thông huyết mạch giao thông. 
 
Thực tế ở Lâm Đồng, qua quá trình phát triển, tuyến QL 20 - cung đường huyết mạch nối Lâm Đồng với các tỉnh phía Nam, thị trường chính của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ du lịch đang trở nên quá tải và không còn đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa lẫn du lịch ngày càng tăng. Thử nhẩm tính 1 chuyến nông sản từ Đà Lạt hay Đơn Dương, Đức Trọng, những vùng chuyên canh nông nghiệp lớn tập trung nhiều công ty nông sản muốn đưa hàng đi TP Hồ Chí Minh cũng mất ít nhất 7 tiếng. Khách du lịch muốn lên Đà Lạt cũng mất thời gian tương đương. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông liên huyện, liên tỉnh, vùng và cả giao thông nông thôn của tỉnh Lâm Đồng xét về quy mô lẫn chất lượng vẫn chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu phát triển của địa phương. Chính vì lẽ đó, những vấn đề về giao thông đang được quan tâm khơi thông để có thể giành quyền chủ động trong các kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
 
Dự án hạ tầng được kỳ vọng trở thành nền tảng giúp Lâm Đồng hiện thực hóa tham vọng tăng quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người trong giai đoạn tới là tuyến cao tốc Tân Phú - Liên Khương. 
 
Để hình thành được tuyến cao tốc Tân Phú - Liên Khương này là cả một quá trình vận động, phản biện đầy kiên trì của tỉnh qua các giai đoạn. Ý tưởng và mong muốn thì đã có từ các nhiệm kỳ trước, nhưng để hiện thực hóa được mong muốn là cả một quá trình bền bỉ và kiên định, nỗ lực của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan. Tin mừng mới nhất là ngoài tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc đã được Chính phủ giao cho UBND tỉnh Lâm Đồng sớm hoàn thành hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng xem xét theo quy định pháp luật để triển khai thì tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương có chiều dài khoảng 73 km cũng đã được Bộ Giao thông vận tải đề xuất giao UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục thực hiện các bước để sớm nối thông tuyến cao tốc này. Chính phủ cũng đã có văn bản thể hiện ý kiến đồng thuận với Bộ Giao thông vận tải, đồng ý giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức triển khai dự án đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, theo phương thức đối tác công tư (PPP). Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc trong giai đoạn 2021 - 2025 theo phương thức đối tác công tư, có sự tham gia hỗ trợ góp vốn của Nhà nước. 
 
Song song các tuyến cao tốc đó, tỉnh cũng triển khai nhiều dự án tháo gỡ các nút thắt về giao thông cho các huyện, thành phố. Đáng chú ý, trong chiến lược xây dựng hạ tầng lần này, tỉnh không chỉ tranh thủ được nguồn đầu tư rất lớn từ ngân sách mà còn huy động tổng lực về chất xám, kêu gọi được sự quan tâm thu hút đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có tiềm lực trong lĩnh vực giao thông.
 
Cao tốc Liên Khương - Prenn
Cao tốc Liên Khương - Prenn
 
“CHÌA KHÓA” ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ
 
Dựa trên nền tảng đầu tư về giao thông, giai đoạn 2020 - 2025 đến 2030 tỉnh đề ra một loạt các mục tiêu và chiến lược phát triển kinh tế, trong đó chú trọng phát triển nội lực, hướng đến tăng trưởng bền vững. Tham vọng này là hướng đi đúng trong bối cảnh ngày càng có sự cạnh tranh sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, khi mà không chỉ riêng Lâm Đồng mới làm du lịch, mới trồng được rau, hoa, nông sản. Thêm nữa, trong kỷ nguyên số, rau, hoa, các mặt hàng nông sản khác muốn cạnh tranh được trên thị trường nội địa hay muốn xuất khẩu đi nước ngoài, hệ thống giao thông đường bộ phải phát triển tương xứng để quá trình vận chuyển an toàn và rút ngắn được thời gian giao hàng đến các chợ đầu mối, hay đến các kho bãi ở các bến cảng các thành phố lớn. 
 
Chính vì vậy, việc xây dựng hạ tầng giao thông xương sống có vai trò quan trọng như những viên đá lát đường, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hoạt động, sản xuất. Thực tế những năm qua đã có rất nhiều bài học về phát triển hạ tầng giao thông của các tỉnh, thành ở Việt Nam cũng như các nước lân cận mà kết quả đã chứng minh rằng, hạ tầng giao thông vô cùng quan trọng và là yếu tố chính yếu tiên quyết thúc đẩy quy mô nền kinh tế. 
 
Năm 2021, Lâm Đồng lên kế hoạch triển khai 12 dự án đầu tư công, trong đó 3 dự án giao thông được bố trí vốn lớn nhất lên tới 1.100 tỉ đồng đã, đang và sẽ triển khai trong giai đoạn 2021 - 2024. Đặc biệt, ngoài tuyến cao tốc đang hoàn thiện những khâu thủ tục cuối cùng để triển khai thực hiện trong năm 2022 thì năm qua, tỉnh cũng đặc biệt đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông ở các huyện, thành phố, các tuyến đường vành đai, các tuyến đường mang tính liên kết huyện. 
 
Theo kế hoạch mục tiêu nhiệm kỳ, tỉnh sẽ còn tiếp tục triển khai rất nhiều dự án quan trọng trên nhiều lĩnh vực từ cầu, đường cao tốc, các tuyến tỉnh lộ, giao thông nông thôn và cả hàng không. Điều này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ để tạo sức bật mới nhằm tăng quy mô nền kinh tế từ việc đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông. Với nhiều dự án sẽ được triển khai trong năm tới, chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng vào sự phát triển mạnh mẽ của Lâm Đồng trong tương lai không xa.
 
NGUYỄN NGHĨA