Lạc Dương - miền đất được bao bọc bởi non xanh Lang Biang hùng vĩ đang chuyển mình để phát triển bền vững và hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Thành công bước đầu trong việc xây dựng chính quyền điện tử là nền tảng để huyện Lạc Dương phát triển chính quyền số hướng đến đô thị thông minh trong nay mai.
Phát triển đô thị thông minh không thể tách rời mà phải gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh COVID-19, Smart City - thành phố thông minh/đô thị thông minh và chuyển đổi số là một nhân tố quan trọng giúp các địa phương nhanh chóng phục hồi sau đại dịch.
|
Các doanh nghiệp huyện Lạc Dương bên gian hàng của địa phương trong Hội chợ xúc tiến thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh đầu tháng 1/2021 |
NỖ LỰC XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ
Huyện Lạc Dương là một trong những địa phương trên toàn tỉnh đi đầu trong việc xây dựng chính quyền điện tử và đã đạt được những thành công bước đầu. Qua đó, tạo bước đột phá về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cải cách hành chính.
UBND huyện Lạc Dương đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn huyện do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, thành lập Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử. Đồng thời, chỉ đạo 6 xã, thị trấn thành lập các Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử cấp xã do các Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban.
Theo Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài, xác định việc ứng dụng CNTT có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thời gian qua, huyện Lạc Dương đã tập trung xây dựng, phát triển hạ tầng CNTT của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Đến nay, công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật CNTT của huyện cơ bản được hoàn thiện.
Hiện 100% các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn có mạng LAN và có kết nối Internet cáp quang. 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và cán bộ, công chức cấp xã được trang bị máy tính. Với việc trang bị phòng họp trực tuyến từ huyện đến các xã, bước đầu đã tạo hiệu quả trong quá trình triển khai công việc, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện được triển khai nhanh chóng, kịp thời, đặc biệt phù hợp trong tình hình dịch bệnh COVID-19 như hiện nay.
Nhằm tạo điều kiện cho người dân đến liên hệ giải quyết các thủ tục hành chính, từ huyện đến xã đã được trang bị hệ thống một cửa điện tử hiện đại, giải quyết cơ bản nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính của người dân và tổ chức, 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng.
Từ năm 2019, UBND huyện đã triển khai đầu tư và đưa vào sử dụng phần mềm VNPT- Ioffice, theo đó việc ký số phát hành văn bản điện tử của huyện đã được thực hiện đảm bảo đối với 100% văn bản, trừ các văn bản mật.
Việc triển khai đồng bộ hệ thống chữ ký số giúp cán bộ, công chức, viên chức các cấp xử lý văn bản hành chính nhanh hơn qua môi trường mạng, đã giảm thiểu chi phí in ấn, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước. Đây cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai chữ ký điện tử bằng sim PKI.
Hiện nay, huyện Lạc Dương đang triển khai ứng dụng CNTT trên hệ thống nền tảng các phần mềm và các ứng dụng: Phần mềm chữ ký số được phát triển bởi Ban Cơ yếu Chính phủ; Trục liên thông xử lý văn bản 4 cấp từ Trung ương tới địa phương; Phần mềm quản lý văn bản và điều hành VNPT-Ioffice; Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống Dịch vụ công Quốc gia; Phòng họp trực tuyến đến cấp xã; Trang thông tin điện tử của huyện. Đặc biệt, Lạc Dương đã đầu tư triển khai hệ thống camera giám sát an ninh công cộng trên toàn huyện, góp phần phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn. Ngoài ra, địa phương đã triển khai nhiều phần mềm chuyên ngành thống nhất từ Trung ương đến địa phương như: phần mềm kế toán MISA, phần mềm quản lý cán bộ, phần mềm quản lý tài sản, phần mềm quản lý hộ tịch, phần mềm quản lý dữ liệu trẻ em, quản lý cung cầu lao động, các phần mềm trong ngành Giáo dục, Y tế, Bảo hiểm xã hội. Trong đó, từ năm 2019, đã triển khai phần mềm bảo vệ danh tiếng địa phương để nắm bắt kịp thời các thông tin liên quan đến huyện Lạc Dương được đề cập đến trên các trang báo điện tử, diễn đàn…; từ đó hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của Thường trực HĐND huyện và lãnh đạo UBND huyện.
|
Huyện Lạc Dương đang thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương |
XÂY DỰNG ĐÔ THỊ THÔNG MINH GẮN LIỀN VỚI CHUYỂN ĐỔI SỐ
Đầu tháng 3/2021, huyện Lạc Dương được Tập đoàn Viettel lựa chọn là đơn vị thí điểm để đề xuất UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện xây dựng đô thị thông minh. Địa phương đã xây dựng kế hoạch Phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn huyện năm 2022, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử, bước đầu xây dựng chính quyền số nhằm ứng dụng CNTT để phát triển kinh tế - xã hội ngày càng nhanh và vững chắc, đưa huyện Lạc Dương trở thành huyện khá của tỉnh Lâm Đồng.
Để bắt tay vào quá trình chuyển đổi số, huyện Lạc Dương đã mạnh dạn tổ chức, tham gia các hội thảo như: “Lạc Dương chuyển đổi số ngành du lịch và nông nghiệp cùng Internet Expo”; “Chuyển đổi số ngành nông nghiệp” với Trường Đại học Đà Lạt. Đây cũng là xu thế phù hợp thích ứng trước tình hình dịch bệnh COVID-19 nhằm mang đến giải pháp hữu ích và thiết thực cho doanh nghiệp, người dân thuộc các lĩnh vực này. Đặc biệt, UBND huyện Lạc Dương đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội và Biên bản hợp tác xây dựng Big Data nông nghiệp huyện Lạc Dương với Trường Đại học Đà Lạt, nhằm phát huy năng lực, thế mạnh của hai bên; đồng thời, khai thác và tận dụng hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của vùng đất dưới chân núi Lang Biang trở thành động lực để phát triển.
Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, huyện Lạc Dương đã bước đầu ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu thích ứng với mọi điều kiện khắc nghiệt. Đây cũng là địa phương tiên phong phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel để thực hiện việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử Vỏ sò (Voso.vn). Hiện 19 sản phẩm OCOP đạt chuẩn cấp tỉnh của huyện Lạc Dương đã được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử, được đông đảo khách hàng đón nhận và phát sinh giao dịch trên sàn. Ngoài ra, huyện Lạc Dương phối hợp với một số doanh nghiệp đưa các sản phẩm rau, củ, quả lên các trang bán hàng trực tuyến, vừa giúp người dân vùng dịch đảm bảo thực phẩm vừa hỗ trợ người dân địa phương tiêu thụ hàng hóa nông sản.
Là vùng đất có tiềm năng lớn về nông nghiệp và du lịch, huyện Lạc Dương đã và đang đẩy mạnh đầu tư về CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số và thực hiện chuyển đổi số để tiến tới xây dựng đô thị thông minh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của miền non xanh dưới chân Lang Biang đại ngàn.
TUẤN HƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin