Xuân về trên quê hương mới với những đồi chè xanh ngát, rẫy cà phê trĩu quả, những nếp nhà sàn truyền thống xen lẫn hiện đại khang trang, những tuyến đường liên thôn, liên xã nhựa hóa thông thoáng được trải dài. Sắc xuân ở làng Mông (Thôn 10C, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) đang tràn đầy nhựa sống khi đồng bào các dân tộc nơi đây được đón xuân mới ấm no.
|
Một góc làng Mông |
Chúng tôi đến làng Mông trong những ngày cuối năm, cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến nơi đây là đường từ trung tâm xã vào làng khoảng 4,5 km đã được trải nhựa. Dọc hai bên đường là những đồi chè, cà phê xanh bạt ngàn xen lẫn với màu xanh của những vạt rừng.
Ông Thào Hùng Khải - Trưởng Ban Công tác Mặt trận Thôn 10C niềm nở kể lại hành trình khám phá vùng đất này: Sau nhiều lần đi tìm hiểu, khảo sát, năm 1991, các hộ đồng bào Mông quyết định chọn vùng đất này làm quê hương mới bởi vùng đất đẹp nằm giữa lòng thung và được bao bọc bởi đồi núi cao, tựa như vùng đất Tây Bắc. Là một trong những hộ người Mông đầu tiên vượt qua bao gian nan vất vả đến vùng đất mới này, hiện đời sống của gia đình ông Thào Hùng Khải đã ổn định và trở thành một trong những hộ khá giả của thôn, xã. Ông Thào Hùng Khải cho biết: “Cuộc sống ở vùng quê trên núi đá tỉnh Cao Bằng rất khó khăn, đất ít, đá nhiều, thường xuyên xảy ra thiên tai lũ lụt, mất mùa triền miên nên hàng năm nhiều hộ thiếu đói từ 4 - 5 tháng, phải đi đào củ mài để sống qua ngày. Những năm đầu về đây, làng chỉ có 8 hộ dân tộc Mông. Tại đây, chúng tôi đã xây dựng quy ước về cách ứng xử, đoàn kết, học tập, cách sống, sinh hoạt và kinh nghiệm làm ăn… Đồng thời, xây dựng mô hình mỗi hộ đóng góp một ngày công để vận động bà con mở đường về trung tâm xã, mở lớp học cho các cháu và giao trách nhiệm cho bác sĩ chăm sóc, điều trị bệnh tật cho bà con…”.
Song song với việc tuyên truyền, vận động bà con kiến thiết cuộc sống gia đình, ông Thào Hùng Khải đã tích cực làm đầu tàu gương mẫu vận động vợ con khai hoang, tận dụng đất ven suối trồng hoa màu, trồng bắp để lấy ngắn nuôi dài và phát triển diện tích chè, cà phê. Do các con của ông Khải được chăm lo học hành đến nơi, đến chốn, nên đều đã có công ăn việc làm ổn định; riêng cậu con trai út đang là sinh viên năm cuối chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại một trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trên diện tích 2,5 ha đất sản xuất đa canh cà phê, sầu riêng, giổi và cây đàn hương…, năm 2018, để nâng cao thu nhập cho gia đình, ông Khải đã đầu tư xây dựng nhà nuôi yến với trị giá 2 tỷ đồng.
Tuy những năm đầu về đây xây dựng cuộc sống trên quê hương mới gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, nhưng nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương cùng với sự nỗ lực vượt khó của người dân trên địa bàn, đời sống vật chất và tinh thần của bà con làng Mông nói riêng và đồng bào các dân tộc ở Thôn 10C nói chung ngày càng được ổn định và nâng cao.
Nhiều hộ đã trở thành điển hình tiêu biểu vượt khó trong lao động sản xuất như: Hộ ông Hoàng Văn Học canh tác 2 ha chè, cà phê và trồng xen sầu riêng; hộ bà Thào Thị Dụ sản xuất 2 ha chè, cà phê…
|
Làng Mông vẫn lưu giữ nét đẹp truyền thống dân tộc |
Cũng như bao bà con ở làng Mông, đến nay cuộc sống của gia đình anh Thào Hùng Nam đã có nhiều thay đổi, kinh tế gia đình ổn định và phát triển. Từ đó gia đình anh không những chăm lo tốt cho 4 người con ăn học, mà còn trang bị khá đầy đủ các nông cụ phục vụ sản xuất. Anh Nam bày tỏ: “Khi đến nơi ở mới, bà con còn nhiều bỡ ngỡ, thiếu kiến thức khoa học - kỹ thuật về sản xuất, nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và nhờ được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn, nên đời sống kinh tế của người Mông dần được ổn định. Đến nay, gia đình tôi đã có khoảng 2,5 ha đất canh tác chè, cà phê và xen canh cây sầu riêng, mỗi năm thu nhập bình quân của gia đình đạt trên 300 triệu đồng. Năm 2017, gia đình tôi đã đầu tư xây dựng ngôi nhà trị giá trên 1 tỷ đồng”.
Theo ông Nông Văn Cửu - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn 10C cho biết: Toàn thôn hiện có 182 hộ với 786 nhân khẩu (trong đó dân tộc Mông có 54 hộ với trên 200 nhân khẩu), có 8 dân tộc cùng nhau sinh sống. Trước đây, đời sống kinh tế - xã hội của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng nông thôn còn nhiều thiếu thốn, bệnh tật thường xuyên xảy ra, tình hình an ninh trật tự khá phức tạp. “Từ khi được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều mặt như đường, điện, trường học; mở các lớp hội thảo, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, nên nhiều gia đình đã có của ăn của để, đầu tư xây dựng nhiều ngôi nhà có giá trị và mua sắm ô tô. Đến nay, số hộ khá giả toàn thôn ngày càng tăng, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm, thôn chỉ còn lại 2 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo” - ông Nông Văn Cửu nói.
Khi đời sống kinh tế của người dân dần ổn định và đi lên, đồng bào Mông ở Thôn 10C đã chú trọng đến đời sống văn hóa tinh thần. Theo đó, họ thường xuyên tổ chức lễ hội đầu xuân như ném còn, giao lưu múa khèn Mông và mở các lớp truyền dạy thổi khèn Mông thể hiện sự trân trọng, để bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Và, ngày nay, dù cuộc sống có nhiều đổi thay, phải xa nơi “chôn nhau cắt rốn” nhưng đối với đồng bào Mông, những chiếc khèn vẫn gắn bó với họ trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất.
Để gìn giữ và phát triển nghệ thuật múa khèn của người Mông trên vùng quê mới huyện Bảo Lâm, nhiều năm nay, ông Hoàng Văn Mười - “nghệ nhân” khèn Mông ở làng Mông luôn miệt mài truyền dạy, hướng dẫn múa khèn cho các chàng trai Mông. Nghệ nhân Hoàng Văn Mười bày tỏ niềm phấn khởi: “Cũng như đồng bào Kơ Ho, Mạ, các chàng trai thường sử dụng khèn bầu (k’boat), các thiếu nữ mang gùi hoa thì trong văn hóa truyền thống của người Mông, người nam thì phải có khèn, còn người nữ thì gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Những âm thanh dìu dặt, thanh thoát, trầm bổng, uốn lượn như núi rừng Tây Bắc luôn là người bạn đồng hành của các chàng trai Mông trong những buổi tối và mỗi dịp lễ hay tết đến, xuân về”.
Ông Đỗ Ngọc Cần - Chủ tịch UBND xã Lộc Thành (Bảo Lâm), khẳng định: “Lúc đầu về đây, đời sống của bà con làng Mông rất thiếu thốn và khó khăn. Qua những năm thăng trầm lịch sử, được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều mặt, cùng với sự nỗ lực vượt khó của người dân, đến nay đời sống của bà con các dân tộc ở Thôn 10C ổn định và phát triển, nhà cửa và hạ tầng cơ sở nông thôn mới khá khang trang, thôn đã có phân hiệu trường mầm non và trường tiểu học, trung học cơ sở. Người dân luôn đoàn kết, phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Gần 30 năm, sau ngày di dân tự do đi làm kinh tế từ tỉnh Cao Bằng vào mảnh đất Nam Tây Nguyên, đến nay cuộc sống của bà con ở làng Mông đã ổn định và có nhiều khởi sắc. |
NDONG BRỪM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin