Trong một dịp ra Hà Nội, Luyến chở tôi tới Đường Lâm. Đường Lâm là một trong những di sản quốc gia, làng cổ Việt. Chúng tôi chạy qua những nẻo phố xá tắc đường, bụi bặm, ngang qua Hà Tây quê lụa, đến đất thôn Đoài trong câu thơ “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm” khi xưa yêu thích mà lần đầu mới có cơ hội ghé về.
|
Du khách diện những bộ quần áo đẹp chụp ảnh cùng những bông hoa đào đỏ rực bên vườn đào Nhật Tân tại Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu |
Hai chị em bước vào một ngôi nhà cổ có tán đào vượt lên khỏi bức tường đá ong, đang khoe sắc hồng tươi (những ngôi nhà cổ ở Đường Lâm được bảo tồn, gắn bảng tên trên cổng gỗ, cánh cổng luôn hé mở chờ khách vào). Từ con đường làng nhỏ, bước vào sau mỗi cánh cổng gỗ nho nhỏ khiêm nhường là cả không gian mở rộng với vườn rau xanh non dưới nắng xuân, cùng những hoa cau, hoa bưởi, những gốc khế đang rung rinh quả ngọt. Trong vườn, kề sát sân nhà là hàng thược dược khoe sắc trong vườn và hoa hồng nhung nồng nàn tỏa hương. Tôi bước vào căn nhà có sắc hoa đào như mời gọi và nhận ra những sắc hương trong khuôn viên lần đầu mình đặt chân đến ấy, chính là những sắc hương ngày cũ có trong những khu vườn quê ngoại tôi. Đã lâu rồi, quen với hoa mai phương Nam, quen hồng ngoại, không gặp lại thược dược - những bông hoa mộc mạc quê mùa, nhưng những sắc hương ngày cũ vẫn ẩn sâu đâu đó, để bừng tỉnh khi gặp lại.
Phía cuối khu vườn là những chum tương nằm phơi nắng. Giống như những chum tương bà tôi, dì tôi từng phơi khi xưa. Phải đủ độ mưa nắng mới mở ra có mùi đằm thơm và màu tương sóng sánh hổ phách tươi mới. Bà tôi đã già, dì đi lấy chồng, vườn nhà bà cũng thu gọn lại để cất đất xây nhà thêm cho con cái nhưng mảnh vườn tuổi thơ ấy vẫn in dấu rõ trong kí ức tôi, từ vị trí của cây đào già mỗi đợt xuân về lại nở hoa đón tết, của chum tương, hoa hồng, thược dược, của những gốc khế, luống đậu… Cho đến khi tôi gặp khu vườn của một ngôi nhà cổ Đường Lâm, như thể gặp lại chính khu vườn của bà khi xưa thì thấy mình đã có một ngày du xuân tuyệt đẹp.
Tôi và Luyến ngồi khá lâu bên bậc thềm nhà, nói với nhau về khu vườn mùa xuân vẹn nguyên trong kí ức, với những sắc hoa bình dị, hương hoa mộc mạc của hoa mộc, hoa cau… Luyến bảo, chị này, ngôi nhà gỗ này giống với nhà em cách đây mấy chục năm, chỉ có điều nhà em dỡ rồi, xây nhà gạch rồi. Tôi nói với Luyến rằng, nhà ông ngoại khi chị lên năm lên sáu về ở cũng giống thế, từ nhà đến vườn, đến hết thảy những loại cây trong vườn. Cả tiếng lũ sẻ lũ sâu lích chích trò chuyện trong vòm khế như thế. Nhà ngoại cũng xây nhà mái bằng và vườn xưa đã không còn nữa.
“Ô, thế chúng ta đi qua hàng chục năm tuổi, vượt hàng chục km để đến gặp lại kí ức à chị?”, Luyến hỏi, giọng trong veo. Chúng tôi cười phá lên, nghe chút rộn ràng khi gặp lại kí ức chung, cũng nghe chút tiếc nuối về những êm đềm đã từng đi qua không còn nữa. Và lúc ấy, cả tôi và Luyến, hẳn rồi, chúng tôi cùng gặp nhau trong những thước phim mùa xuân bình yên nhuốm màu xưa cũ đầy lưu luyến, nhớ thương.
Cho đến khi gặp bác chủ nhà, mới biết không riêng chúng tôi tiếc nhớ miền kí ức. Bác chủ nhà từng tham gia chiến dịch Tây Nam. Xong chiến tranh, lẽ ra định ở lại miền Nam xây dựng hạnh phúc với một cô gái miền Tây, nhưng những chiều mùa xuân nhìn sông nước Tây Nam Bộ mà quay quắt nỗi buồn xa quê, nhớ thương những nếp nhà, nhớ mẹ già ở quê mà quay về. Bằng ấy năm, con cháu lớn lên đi xa, nhà ở thành phố nhưng bác vẫn ở lại giữ một nếp bình yên thôn dã.
“Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm”, mây trắng xứ Đoài vẫn trôi qua những nếp nhà cổ bình yên, đợi những bước chân xê dịch tìm về. Đến Đường Lâm trong một ngày xuân, nhờ hoa đào dẫn lối, chúng tôi tìm ra sâu thẳm trong mình là những điều giản dị. Và khi chúng tôi rời đi, sau lưng vẫn còn những sắc hoa hồng tươi dịu dàng bên bức tường cũ rêu phong, cả Luyến và tôi đều biết rằng sẽ mãi nhớ trong lòng cây hoa đào dẫn lối ấy.
* * * * *
“Có nhành đào này rồi, chẳng đi đâu mẹ cũng thấy có tết trong nhà”. Nẻo về mùa xuân của người mẹ bạn tôi tuổi ngoài 60 là một nhành đào. Hơn 40 năm trước, cũng vào một mùa xuân, mẹ gồng gánh theo ông bà rời quê vào phương Nam. Sợ suy nghĩ kĩ lại không đành lòng ra đi, cả gia đình rời quê khi còn chưa hết tết. Đâu đó vẫn còn tiếng pháo đì đùng. Trên hành lí của mẹ, bên cạnh nồi niêu xoong chảo với những đít nồi nhọ nhem không cọ sạch được hết, là sắc hồng hoa đào chưa kịp tàn phai. Cả nhà bảo mẹ dở, mang theo chi cành đào cồng kềnh. Không có hoa đào thì trong đó có hoa mai. Mà kể cả không có đào mai cũng chả ai chết, không có cơm ăn mới chết.
Đó là những năm xứ Nghệ lũ lụt nối nhau, mùa màng thất bát, ăn bo bo, khoai mì thay cơm đến nhạt hết miệng. Đứa em út trong nhà nhìn thấy vung cơm mở ra ba phần ngô chỉ non phần gạo thì khóc ré lên. Cố mãi không xoay chuyển được, cả nhà bàn nhau vào phương Nam lập nghiệp, làm kinh tế mới.
Cây đào mẹ mang theo vào Phan Rang. Đất cằn, đào sống không nổi, không đủ sức ra hoa, chẳng mấy chốc khô lá héo cành. Về sau, gia đình chuyển vào Sài Gòn cho con cái tiện đường học tập, kí ức hoa đào tưởng mãi ngủ quên trong lòng mẹ. Khi xuân về, chẳng nghe mẹ nhắc tới hoa đào. Chưa đứa con nào nghe mẹ kể về chuyện cây đào mẹ cất công gồng gánh theo vào miền Nam khiến mẹ khóc ròng khi nhìn nó tàn lụi. Đám con cái vô tâm, xuân về chỉ biết rộn ràng chưng mai chưng cúc.
Cho tới tận năm nay, vô tình một người bạn gửi tặng cành đào phương Bắc, nhìn mẹ vào ra tíu tít như đứa trẻ nhỏ bên hoa đào. Mẹ tự châm bình trà, cắn hạt dưa, ăn một chút bánh mứt, lại mặc áo dài nói con chụp hình bên cây đào để đăng Facebook - điều mà những năm trước hầu như không thấy mẹ làm như thế nếu nhà không có khách. Mẹ kể chuyện hoa đào. Bạn hỏi mẹ: Sao mẹ thích hoa đào, không nói con đi mua về chưng? “Trời ơi, mỗi cành đào đưa vào tận đây cả hàng triệu đồng, mua chi đắt”. Bà mẹ xứ Nghệ lớn lên trong lam lũ, cả đời quen với việc chắt bóp, tảo tần buột miệng than. Đứa con nghẹn đắng lòng. Chừng ấy có đắt, cũng chỉ bằng dăm bữa nhậu của con bù khú với bạn bè thôi mà mẹ ơi.
Tôi còn nhớ, bạn viết trên FB rằng, cảm ơn những đóa hoa đào đã cho con biết hơn về những mùa xuân đôi mươi nặng gánh mồ hôi của mẹ vẫn biết thương sắc hoa yêu thương. Mùa xuân này, gần 40, đứa con mới thấy có một cành hoa giúp mình bớt hời hợt. Không biết rằng do đồng cảm với tình yêu hoa đào, hay vì mùa xuân dễ gợi những xúc cảm ấm áp, mà câu chuyện của bạn mãi khiến tôi rưng rưng.
* * * * *
Có lần, khi câu chuyện của chúng tôi chợt nhắc tới hoa đào, một chị bạn hỏi, em có biết đào sáu cánh không? Hoa đào có loại năm cánh, có loại đột biến nhiều cánh nhưng những bông hoa đem đến sự may mắn là hoa đào sáu cánh. Điều ấy chị biết được là do một anh bạn học cùng bàn kể. Một buổi sáng mùa xuân, anh chàng tặng cành đào, hẹn mấy hôm sẽ qua xem đào nở đẹp hay không, có nở ra đóa hoa sáu cánh may mắn nào không. Cành đào anh bạn tặng có tận bốn đóa sáu cánh tuyệt đẹp. Hai đứa cùng háo hức tìm hoa đào sáu cánh trong ngày xuân mới. Nhưng dù thật gần, anh bạn vẫn không biết cách mở lời thương với cô bạn thân, mặc năm cũ trôi qua, năm mới đã tới. Anh bạn ấy về sau lưu lạc. Chị cũng vào Sài Gòn, chẳng còn gặp lại, mà cánh đào sáu cánh khi có dịp nhắc tới vẫn mãi vấn vương.
Khi bác Mười Lời, người khai sinh ra thung lũng hoa đào Mười Lời ở Đà Lạt còn sống, tôi đã tìm đến thung lũng vài lần. Nhớ mãi lời người yêu hoa đào ấy nói: Đào hay mai đẹp không chỉ vì sắc hoa, còn vì những câu chuyện nó mang theo bên mình. Trong buổi trưa cuối đông hây hẩy ấy, người yêu hoa đào trọn đời kể tôi nghe cách ông đã đi tìm những gốc đào lạ, cách ông say mê tạo dáng hoa đào để mỗi cây hoa đều được gửi gắm những thông điệp yêu thương cho cuộc sống. Sau những thông điệp ấy còn có cả những câu chuyện đời ông mang theo.
Đào cũng như người vậy, đẹp không vì mang nhiều trang sức điểm tô, mà chính vì tâm hồn ẩn chứa bên trong. Tâm hồn của hoa đào, có phần không nhỏ từ những câu chuyện kí ức mà người và hoa mang theo. Phải thế không mà nẻo về hoa đào vẫn luôn khiến lòng người đắm say khi có những điều đồng cảm với nhau. Nhất là những người đã đi qua những mùa xuân xanh và hoa đào thắm?
VÕ THU HƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin