Tháng 11 kéo dài qua đầu tháng 12, mùa hoa dã quỳ vàng rực cả Tây Nguyên. Tôi và An Bình, người bạn kỹ sư địa chất phóng xe lên Đà Lạt, chọn phố núi ngắm hoa, bởi nơi đây gắn bó với chúng tôi bao kỷ niệm đẹp về bạn bè, đồng nghiệp - khát vọng Nam Tây Nguyên cháy bỏng. Đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các chốt phòng, chống dịch được dỡ bỏ nên đường đi lối lại đã thông thoáng. Từ Bảo Lộc ngược lên thành phố ngàn thông, hoa dã quỳ nở rộ đua sắc vẫy gọi.
Đã có nhiều câu chuyện hay, bài thơ đẹp, bản nhạc trầm bổng về hoa dã quỳ sắc vàng với nhiều tên gọi dã quỳ, cúc quỳ, hướng dương dại... Nhìn những thảm hoa vàng nở rộ bên đường, trải dài lưng chừng núi, tôi chợt nhớ câu chuyện mà bạn tôi - cố nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thanh Đạm đã kể về loài hoa huyền diệu này.
Người ta nói dã quỳ xuất phát từ bộ tộc Lasiêng sinh sống ở Tây Nguyên, có nàng H’Linh xinh đẹp yêu chàng K’Lang tuấn tú. LaRihn con trai tộc trưởng cũng thầm yêu trộm nhớ nàng, nhưng H’Linh không đáp lại, LaRihn đố kỵ, thù ghét. Ngày nọ K’Lang vào rừng săn bắn đã không trở về. Nàng vào đại ngàn tìm và phát hiện K’Lang bị người của bộ tộc trói chặt dưới gốc cây, mũi tên bắn chết. Nàng ôm chặt chàng khóc, một mũi tên từ đâu đó đã đâm thẳng trái tim nàng. Nàng chết trong tư thế quỳ ôm lấy chàng. Và nơi ấy đã mọc lên loài hoa dại màu vàng rực rỡ tràn đầy sức sống thể hiện tình yêu mãnh liệt, thủy chung, đó là hoa dã quỳ.
Đến Đức Trọng - Liên Khương, xe dừng ven đường, An Bình - bạn tôi ngắt một cành hoa dã quỳ, nhắc lại câu chuyện tình giữa anh với cô giáo phố núi. Hai người yêu nhau từ một lần đi ngắm hoa dã quỳ. Nàng cùng nhóm bạn đi rừng hái nấm, lúc qua suối do mưa nguồn, cơn lũ bất chợt đổ về bị nước cuốn trôi. An Bình buồn nhớ người yêu bỏ rừng về biển, đi học địa chất trở thành kỹ sư tìm dầu. An Bình không còn yêu ai nữa, mùa hoa dã quỳ nở chàng lại ngược lên Tây Nguyên tìm lại những kỷ niệm đẹp của tình yêu.
Mỗi lần lên Đà Lạt, nhâm nhi cà phê phố núi, nhóm bạn chúng tôi lại đọc thơ về hoa dã quỳ, loài hoa của nắng, hé nụ chẳng ai biết, khai mầm chẳng ai hay, những cánh hoa mộc mạc thanh khiết của tình yêu, rực rỡ như ngọn lửa cao nguyên:
Em lên phố núi vùng cao
Anh về phố cũ tương tư nắng chiều
Quanh co dốc phủ sương mù
Dã quỳ vàng ruộm đón chào nàng thơ…
(Hoàng Cầm)
Dã quỳ ơi có bao điều muốn ngỏ
Hỡi loài hoa bé nhỏ mà ta yêu
Không kiêu sa chẳng vẻ đẹp mỹ miều
Mà xao xuyến mỗi lần qua lối đó.
(Oanh Kim)
***
Lần này lên Đà Lạt thiếu vắng Nguyễn Thanh Đạm, bạn quý, đồng nghiệp đa tài và nghĩa tình, quảng giao và nhiệt huyết. Làm Tổng Biên tập báo, Chủ tịch Hội Văn nghệ lâm bệnh hiểm nghèo, dù đã rất cố gắng, nhưng không qua khỏi, anh để lại trong lòng bạn bè, đồng nghiệp và gia đình sự tiếc thương vô hạn. Nguyễn Thanh Đạm đã gieo vào lòng tôi tình yêu mãnh liệt đối với thành phố ngàn hoa, anh đã dẫn dắt tôi đến những cánh rừng hoa dã quỳ bằng câu chuyện tình yêu bất tử giữa H’Linh và K’Lang. Nguyễn Thanh Đạm đã có những câu thơ hay về Đà Lạt, về hoa, kiếp nhân sinh - tình đời, tình người:
Dẫu về muộn với dã quỳ thổn thức
Ta - ngàn thông trong nỗi ngóng chờ
(Tháng Ba Tây Nguyên, 2006)
Sương, mưa và gió lạnh
Đà Lạt sáng đầu đông
Lất phất vài vạt nắng
Hiu hắt sắc quỳ vàng…
(Thôi xin đừng nhìn lại, 2006)
Nguyễn Thanh Đạm dạt dào cảm xúc với phố núi, với hoa, với đất trời cao nguyên lộng gió, sắc màu hoa:
Say đất trời Đà Lạt
Bàn tay vương bàn tay,
Nụ hồng run run nở
Lay ngàn hoa tỏa hương...
(Festival Hoa, 2005)
Nguyễn Thanh Đạm đã có bài viết giàu chất thơ đăng trên một ấn phẩm của Hội Nhà báo Việt Nam. Trước lúc lâm bệnh trọng, Nguyễn Thanh Đạm vẫn say mê nói về khát vọng Nam Tây Nguyên, nhìn từ Lâm Đồng, Đà Lạt:
- Lâm Đồng và Đà Lạt với độ cao 1.500 m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình 18-25 độ C, thừa hưởng khí hậu ôn hòa, dịu mát quanh năm, vùng đất lý tưởng của du lịch chất lượng cao, du lịch nghỉ dưỡng. Với Lâm Đồng và Đà Lạt, phát triển công nghiệp theo hướng có chọn lọc, thân thiện với môi trường, công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp hỗ trợ, dược liệu, dược phẩm chức năng từ sản phẩm nông nghiệp. Lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, nông nghiệp là ngành kinh tế trọng yếu, xây dựng nền nông nghiệp thông minh, thương hiệu, năng suất, chất lượng tầm quốc gia và quốc tế, nhiều chuỗi liên kết.
Lúc đó tôi siết chặt tay anh, một Nguyễn Thanh Đạm lãng mạn, tâm hồn bay bổng mà luôn hội đủ trách nhiệm nhà báo, nhà thơ. Nguyễn Thanh Đạm cười tươi với bạn:
- Mấy chục ngàn ha rừng thông là tài sản quý. Hoa Đà Lạt, ngành nông nghiệp công nghệ cao của xứ sở mù sương, bổ trợ cho du lịch chất lượng cao, tiềm lực xuất khẩu hoa vô cùng lớn. Đường không, đường bộ được nâng cấp để kết nối, chỉ bằng sự kết nối vùng Nam Tây Nguyên với Thành phố Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và cả nước để tạo nên một sức mạnh mới, sức bật mới, thăng tiến!
Mùa xuân Nhâm Dần đã gõ cửa mọi nhà - những người con đất Việt giàu ý chí và nghị lực, hào sảng và quyết tâm làm giàu bằng nội lực quê hương, đất nước. Đại dịch COVID-19 vẫn còn là nguy cơ gây bao khó khăn, nỗi nhọc nhằn nhưng không thể cản bước tiến của khát vọng Nam Tây Nguyên, khát vọng đưa Tổ quốc Việt vững bước tiến lên trên con đường thịnh vượng. Tản mạn về thành phố ngàn hoa thủy chung - son sắt, về cao nguyên Lâm Viên như một nén tâm nhang thương nhớ và tri ân người bạn quý, đồng nghiệp thân yêu đã đi xa và tự nhắc nhở trách nhiệm của chính mình...
Xuân Nhâm Dần, 2022
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin