''Y tá thông minh'' không chỉ hỗ trợ y, bác sĩ phòng, chống dịch

05:02, 01/02/2022
Hình ảnh các y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế kiệt sức, nằm gục tại chỗ vì làm việc thâu đêm suốt sáng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, giành giật lại sự sống, bảo vệ tính mạng cho Nhân dân đã thôi thúc hai sinh viên Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Thái Nghĩa (Khoa Công nghệ thông tin - Trường Đại học Yersin Đà Lạt) đưa ra ý tưởng khởi nghiệp “Intelligent Nurse - Y tá thông minh”. 
 
Ý tưởng của 2 bạn đã đoạt giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng 2021
Ý tưởng của 2 bạn đã đoạt giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng 2021
 
SÁNG TẠO KHÔNG CHỈ THỎA NIỀM ĐAM MÊ CỦA RIÊNG MÌNH
 
Virus Corona đang hoành hành cả thế giới khiến 275 triệu người bị nhiễm bệnh, 5,36 triệu người đã chết, cho thấy mức độ nguy hiểm khủng khiếp, sự thiệt hại to lớn về vật chất, tinh thần và sinh mạng con người của đại dịch. Hai em Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Thái Nghĩa mong muốn tạo ra một hệ thống y tế - công nghệ có thể hỗ trợ tối đa cho y, bác sĩ, nhân viên y tế trong việc theo dõi sức khỏe, cảnh báo tình trạng bệnh nhân một cách tự động và liên tục, tiết kiệm thời gian, sức lực.  
 
“Intelligent Nurse” là phần mềm ứng dụng công nghệ gồm hai hệ thống: hệ thống thiết bị và hệ thống trung tâm. Hệ thống thiết bị sẽ đảm nhiệm vai trò theo dõi, đo đạc các thông số sức khỏe của bệnh nhân, sau đó xử lý sơ bộ rồi gửi về hệ thống trung tâm. Sau khi tiếp nhận các dữ liệu, thông số sức khỏe của bệnh nhân từ hệ thống thiết bị gửi về, hệ thống trung tâm sẽ tiến hành xử lý, lưu trữ và bắt đầu phân tích để đáp ứng các chức năng chung của toàn bộ hệ thống.
 
Cụ thể hơn, khi nhập viện các bệnh nhân sẽ được cấp thiết bị đeo tay, nhiệm vụ của thiết bị là đo đạc các thông số sức khỏe của người bệnh như nhiệt độ, nhịp tim, lượng oxy trong máu... Các dữ liệu thô này sẽ được phần mềm trên thiết bị xử lý sơ bộ rồi gửi về hệ thống trung tâm thông qua kết nối mạng không dây Wifi. Sau khi tiếp nhận dữ liệu, hệ thống trung tâm sẽ tiếp tục được tổng hợp, xử lý, phân tích và lưu vào cơ sở dữ liệu. Quá trình xử lý và phân tích các thông số sức khỏe, nếu có bất kỳ sự thay đổi bất thường, tiêu cực nào đối với bệnh nhân thì hệ thống trung tâm sẽ lập tức đưa ra cảnh báo cho các y, bác sĩ, nhân viên y tế đang túc trực tại phòng làm việc. Mỗi phòng trực của các y, bác sĩ, các nhân viên y tế sẽ có một màn hình hoạt động 24/24, hiển thị các thông tin cơ bản về khoa bệnh, số phòng bệnh, số giường bệnh… Khi nhận tín hiệu cảnh báo nguy hiểm từ hệ thống trung tâm, trên màn hình cũng sẽ xuất hiện cảnh báo bằng âm thanh và hình ảnh với các thông tin cơ bản về bệnh nhân đang có chuyển biến xấu. Các y, bác sĩ, nhân viên y tế sẽ nắm bắt được ngay lập tức và đưa ra phương án cấp cứu, điều trị tối ưu. Từ đó kiểm soát tốt hơn tình trạng của bệnh nhân, hạn chế các trường hợp bệnh tình chuyển biến xấu đi mà không nhận được sự can thiệp kịp thời dẫn đến hậu quả đáng tiếc. 
 
Trường Đại học Yersin - nơi khơi nguồn sáng tạo cho sinh viên
Trường Đại học Yersin - nơi khơi nguồn sáng tạo cho sinh viên
 
Trên giao diện hệ thống trung tâm, ngoài việc hiển thị các khoa của bệnh viện, các phòng bệnh, thông tin sơ bộ của bệnh nhân, các cảnh báo khi bệnh nhân có chuyển biến xấu; còn quản lý thông tin cá nhân của từng người bệnh như thông số sức khỏe, lịch sử khám, chữa bệnh, sơ đồ hóa các thông số sức khỏe theo thời gian nhất định để các y, bác sĩ, nhân viên y tế có thể dễ dàng phân tích, đánh giá, đưa ra kết luận về tình trạng của bệnh nhân. Ngoài ra, “Y tá thông minh” còn có chức năng gợi ý kê đơn thuốc cho bác sĩ, gợi ý chẩn đoán bệnh, gợi ý chế độ dinh dưỡng phù hợp dành cho người bệnh, quản lý bệnh án qua thẻ thành viên quét mã để không cần phải nhập hồ sơ nhiều lần. Qua đó, cải thiện tốc độ, độ chính xác trong công tác khám, chữa bệnh.
 
GIÁ TRỊ ỨNG DỤNG THỰC TIỄN LỚN, GIÁ TRỊ NHÂN VĂN CAO
 
Các linh kiện để tạo ra một thiết bị đeo tay (dành cho bệnh nhân) gồm: Lõi chíp xử lý trung tâm (CPU) ARM CORTEX-M4, Cảm biến nhịp tim và lượng oxy trong máu MAX30102, Cảm biến nhiệt độ MLX90614, Pin: Lithium Battery được thiết kế tổng hòa gọn nhẹ trong nhựa nhiệt dẻo TPU như chiếc vòng đeo tay. Chi phí mua các linh kiện, gia công hoàn thiện chỉ 500 ngàn đồng/thiết bị. Các em đã tính toán đến việc lắp đặt hệ thống “Y tá thông minh” cho một bệnh viện có quy mô 500 giường bệnh sẽ có mức đầu tư 750 triệu đồng. Trong đó, chi phí cài đặt, lắp ráp hệ thống trung tâm tại cơ sở y tế khoảng 200 triệu đồng; chi phí sản xuất thiết bị đeo tay (1.100 cái x 500 ngàn đồng) khoảng 550 triệu đồng. Kinh phí đầu tư đó sẽ là không nhiều với một hệ thống thiết bị mang lại lợi ích và giá trị hỗ trợ tối đa cho các y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế trong lúc dịch bệnh diễn biến rất phức tạp. Hệ thống được áp dụng, sẽ giúp các bác sĩ, nhân viên y tế có thể thăm khám, điều trị được cho nhiều bệnh nhân hơn do có thể yên tâm lược bỏ một vài quy trình kiểm tra thông số sức khỏe của bệnh nhân lặp đi, lặp lại mất nhiều thời gian. 
 
Nhờ chức năng đo, ghi nhận tự động các thông số sức khỏe, không cần phải đi đến từng giường bệnh để thăm khám, kiểm tra tình trạng của bệnh nhân, lực lượng y tế cũng hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, vừa tiết kiệm thời gian, vừa hạn chế lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, bảo vệ sức khỏe của các “Chiến binh áo trắng” và cộng đồng. 
 
Để hoàn thành ý tưởng, 2 bạn đã ngày đêm làm bạn với máy tính, thời gian ở trường, ở thư viện nhiều hơn ở nhà
Để hoàn thành ý tưởng, 2 bạn đã ngày đêm làm bạn với máy tính, thời gian ở trường, ở thư viện nhiều hơn ở nhà
 
Cùng với đại dịch COVID-19, loài người đang phải đối mặt với nhiều căn bệnh khác gia tăng như: tim mạch, tiểu đường, ung thư, gút. Chỉ tính riêng bệnh cao huyết áp, mỗi năm thế giới có khoảng 8,5 triệu người chết, từ căn bệnh này nhiều người bị đột quỵ, bị biến chứng suy tim, suy thận... Trong khi ngành Y tế thế giới đang thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nước ta không chỉ thiếu đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng mà vẫn còn thiếu nhiều thiết bị y tế hiện đại. Với chi phí thấp, hệ thống thiết bị “Y tá thông minh” là giải pháp hữu ích mang giá trị xã hội to lớn, hướng đến một hệ thống y tế - công nghệ, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của xã hội. 
 
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thiết bị theo dõi sức khỏe trực tiếp nhưng hoàn toàn chưa có sản phẩm nào có thể vừa theo dõi sức khỏe cá nhân, vừa hỗ trợ cảnh báo cấp cứu khi trường hợp xấu xảy ra như hệ thống “Y tá thông minh” của các sinh viên Đại học Yersin. Ở độ tuổi 20, tinh thần sáng tạo vì cộng đồng, giá trị nhân văn và giá trị kinh tế do dự án mang lại, ý tưởng khởi nghiệp của hai em Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Thái Nghĩa gây xúc động cho các chuyên gia đánh giá, thẩm định và đã đoạt giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng 2021. 
 
QUỲNH UYỂN