Năm nay - 2023 - Quý Mão, là sự kết hợp giữa can Quý với chi Mão.
|
Tết Kỷ Mão. Tranh của Nguyễn Tư Nghiêm |
Trong khi phương Tây chỉ lấy con số để tính năm, thì lịch pháp phương Đông lại đặt tên các năm theo thiên can và địa chi. Mỗi thiên can ứng với một năm dương lịch có số cuối cố định, ví như: Canh - 0, Tân - 1, Nhâm - 2, Quý - 3... Mỗi địa chi được biểu trưng bằng một con vật: tý - chuột, sửu - trâu, dần - hổ, mão - mèo (thỏ)... Theo chu kỳ luân chuyển của lịch pháp, ở Việt Nam, mèo được giao quản năm Mão, quản tháng Hai, quản buổi bình minh. Vì thế, mão thường gắn với mùa xuân, thuộc hành Mộc, ứng với phương Đông, hàm ý dương khí khởi vượng, vạn vật sáng tươi. Từ giờ Mão (5 giờ đến 7 giờ), ánh dương bắt đầu nhuộm hồng chân trời, rồi tỏa lan những tia nắng đẹp. Tháng Hai có khí trời ấm áp, với mưa xuân lất phất bay, cây cối nảy lộc đâm chồi cho con người cảm giác dễ chịu, khoan khoái. Tháng Hai cũng là tháng có nhiều lễ hội nhất trong năm, mặt người luôn vui tươi, hớn hở.
Tuy vậy, con vật có vẻ ngoài lừ đừ và nghiêm nghị này, không phải lúc nào cũng biểu trưng cho những điều đẹp đẽ. Trong mắt người đời, mèo đôi lúc hiện lên như một kẻ... phản diện: cường hào, ác bá, chuyên quyền, tráo trở. Dân gian đã phản ánh điều đó qua câu chuyện ngụ ngôn “Đám cưới chuột”. Mèo nhận hối lộ rồi cho chuột tổ chức đám cưới. Nhưng khi hạnh phúc đến với gia đình nhà chuột - đàn con ra đời, mèo đã vồ tất. Có khi mèo lại là bài học cho lối ứng xử ở xã hội tiểu nông. Trong làm ăn, người Việt xưa có câu “Mèo bé bắt chuột bé”, nói về loại người không rõ nguồn gốc thì câu “Mèo mả gà đồng”, về cách ứng đối bất công với láng giềng có “Mèo ăn một miếng không tha/ Cọp vồ con lợn trơ ra mà nhìn”... Đỉnh cao cho lối ứng xử ở xã hội tiểu nông chính là bức “Đám cưới chuột”, hoặc còn gọi “Chuột vinh quy” của dòng tranh dân gian Đông Hồ. Người nghệ sĩ dân gian đã thông qua việc miêu tả cảnh đám cưới để gửi gắm vào tờ tranh cả một lẽ sống, rất sâu sắc: Chặn đầu đoàn rước là con mèo tổ chảng ngồi chảnh chọe, giơ một chân trước lên, dáng dấp rất hách dịch. Gặp phải hoàn cảnh ấy, họ hàng nhà chuột cử ngay một “phái bộ” đi thương thuyết, cũng đánh trống, thổi kèn hẳn hoi. Ngoài ra, họ hàng nhà chuột còn công khai mang theo chút “lễ mọn” - cá và chim, đút lót cho mèo nhằm đạt được việc lớn mà vẫn không ảnh hưởng quá nhiều đến tài sản, hoặc sinh mạng cá nhân nào, quan trọng hơn, để đám rước được suôn sẻ. Ấy là lối ứng biến cực khôn khéo của Nhân dân lao động trước người có quyền thế, rộng hơn nữa là lối ứng xử của kẻ biết mình yếu trước kẻ mạnh, để yên ổn chung sống trong hòa bình. Bài học về ứng xử của cha ông ta xưa đến nay còn nguyên giá trị.
|
Mèo đôi. Tranh của họa sĩ Nguyễn Sáng |
Mèo còn đi cả vào nghệ thuật tạo hình hiện đại trong tư cách một đối tượng mang nhiều tính thẩm mỹ. Qua bàn tay già dặn của các họa sĩ bậc thầy Việt Nam như Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Lê Bá Đảng, mèo có lúc mạnh mẽ đúng chất một tiểu hổ, lắm khi lại phảng phất nét hồn nhiên như thể đó là cái nhìn của con trẻ trước mùa xuân, trước đất trời nhiều bỡ ngỡ, đáng yêu và đôi lúc lộ rõ sự trầm mặc, uyên nguyên, cũng có khi giản đơn đến khắc nghiệt... Tất cả những khám phá thẩm mỹ: màu sắc, đường nét, bố cục nơi con vật cầm tinh năm Mão của các họa sĩ bậc thầy Việt Nam chính là sự thể nhập, chiêm nghiệm, dự tưởng, cũng là xác nhận về thời khắc người họa sĩ đang sống, đang mải miết trôi trong một tâm thức thụy du.
Mỗi con giáp ẩn ngầm một vận hội, một biểu trưng ước mong của cư dân nông nghiệp. Bởi thế, mèo dù bị gắn với hàm nghĩa xui rủi hay mang ý nghĩa may mắn thì nó vẫn là con vật có nhiều... công trạng, giúp gia chủ khỏi bị chuột quấy phá, cắn các vật dụng, mặt khác qua... tính xấu của mèo phản tỉnh con người để con người lánh ác, tìm thiện. Chưa kể, ngày nay, mèo còn nằm trong những bộ ảnh, bộ tem thư của nhiều nước trên thế giới. Trông chúng thật ngộ nghĩnh, đáng yêu, xinh xắn.
|
Mèo. Tranh của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm |
|
Xuân Đinh Mão. Tranh của Bùi Xuân Phái |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin