Đầu thu, miền đất lạnh lớm chớm màu vàng óng của những vườn hồng lặng lẽ quấn quanh các căn nhà nhỏ mé ngoại ô. Đấy là lúc cảm xúc lâng lâng bất chợt hiện về trong mỗi người dân, du khách!
Cây hồng gắn bó mật thiết với người dân Đà Lạt |
Vườn hồng mùa xuân, những lá hồng xanh biêng biếc cứ như ngời lên trong nắng, trong gió… Đứng ở trên những đồi cao của Đà Lạt phóng tầm mắt xuống thung lũng mà thấy cả một dải màu xanh mênh mang, thì nhất định đấy là vườn hồng đang hồi sức sau một mùa cho trái... Cứ thế những vườn hồng lặng lẽ xanh theo ngày tháng, xanh lẫn vào những cỏ cây, có những lúc dường như người ta quên mất sự hiện diện của những cây hồng khi mới kết trái cũng xanh như lá, để rồi vào một ngày mưa tháng 8, khi mùa Trung thu về, bất chợt gặp những trái hồng căng mọng, màu vàng cam dưới những lòng thung lũng, trên các triền đồi hiện hữu thì đó là lúc báo hiệu thêm một mùa hồng nữa đã về.
Khách phương xa khi đến Đà Lạt vào mùa hồng, không ai không ngạc nhiên trước vẻ đẹp ấy. Lẫn trong rừng thông quanh năm xanh mướt là sắc vàng óng vọng lên trong ánh nắng mùa thu của những vườn hồng đang vào kỳ thu hoạch.
Sau khi thu hoạch, hồng được lựa chọn và gọt vỏ |
Vào mùa hồng chín, mỗi buổi sáng, du khách không khó để gặp những chiếc xe máy mà người ngồi sau vác một cái sào tre dài, đầu sào có một cái lồng hình thuôn thuôn… ấy là những người đi hái hồng. Thường thì những người đàn ông đảm nhiệm khâu hái hồng, phụ nữ sẽ làm công việc nhẹ nhàng hơn: cắt tai những trái hồng rồi xếp vào giỏ. Chỉ những trái hồng ủ chín mới cần cắt tai để khi hồng chín mềm căng mọng không bị những cái tai này đâm thủng…
Người ta có thể thưởng thức trái hồng từ lúc ươm ươm cho đến lúc chín. Món quà mà người Đà Lạt hay trân trọng gửi biếu người thân, họ hàng ở quê vào mùa này chính là những trái hồng giòn. Ngày xưa, các bà, các chị làm hồng giòn bằng cách ngâm với nước vôi. Giờ đơn giản hơn, người Đà Lạt đã có bí quyết làm hồng giòn mà không cần ngâm vôi nữa, chỉ cần cho trái hồng vào đóng trong bịch ni lon, cột lại và chừa chỗ cho một phần không khí trong bịch, như vậy là xong. Mỗi bịch hồng giòn bây giờ bên ngoài đều có ghi ngày mở ra để ăn, rất tiện cho việc du khách mua về làm quà biếu cho người thân.
Quá trình sấy được thực hiện bằng sức nóng tự nhiên từ ánh nắng mặt trời, gió và quạt máy |
Hồng giòn, hồng chín cây và rồi hồng khô… Chẳng biết kỹ thuật làm hồng khô có tự bao giờ, chỉ biết rằng từ lâu lắm rồi du khách đến Đà Lạt chơi, khi về nhất định phải mua cho bằng được vài bịch hồng khô làm quà. Hồng khô có thể để từ mùa này sang mùa khác, vị ngọt của trái hồng cứ thế mà tươm ra, ngon nhất là những trái hồng đã lên phấn... Ai không biết tưởng trái hồng bị mốc, nhưng đó mới chính là tuyệt đỉnh của hồng khô. Trái hồng bẻ ra, bên trong nâu thẫm, mật ngọt óng ánh từ từ ứa ra… Cắn một miếng, cảm giác thơm ngon đậm đà khó tả lưu mãi trong lồng miệng.
Khoảng cuối tháng 11 là kết thúc một mùa hồng… những lá hồng bắt đầu đồng loạt chuyển màu cam đỏ rồi rụng lá vào mùa đông, theo thời gian mà vườn hồng sẽ đẹp theo nhiều kiểu khác nhau… Nhìn những cành hồng ấy khó ai có thể tưởng tượng ra rằng chỉ cần mùa xuân đến là chúng đồng loạt nứt những lá non. Chỉ vài hôm thôi đã phủ kín những thung lũng, những triền đồi một màu xanh đến nao lòng… Để rồi, đến mùa thu năm sau ấy, những trái hồng lại rực lên trong gió, trong mưa Đà Lạt…
Thành phẩm sau khi được sấy khô |
Vài năm gần đây, một số doanh nghiệp, hộ trồng hồng đã thực hiện phương pháp sấy hồng theo công nghệ Nhật Bản. Hồng sấy theo công nghệ Nhật Bản là sản phẩm được sấy khô bằng gió và nắng tự nhiên. Khi trái hồng thu hoạch về sẽ trải qua quá trình tuyển chọn, sàng lọc kỹ càng, những trái hồng đạt chuẩn sẽ được đưa vào sơ chế, loại bỏ tạp chất rồi chuyển qua giai đoạn diệt khuẩn. Tiếp đến, hồng được cho vào máy gọt vỏ, treo lên dây và đưa vào phòng vô trùng để sát khuẩn, chống nấm mốc và hơi ẩm.
Sau đó, sản phẩm được sấy khô ở nhiệt độ 500 - 600 độ C trong vòng 3 tiếng rồi được treo thành từng dây và tiếp tục được sấy khô tự nhiên bằng ánh nắng mặt trời, gió và máy quạt. Sau khi phơi khoảng 20 ngày, hồng tươi sẽ chuyển thành những trái hồng thơm dẻo, mật quả đặc quánh bao quanh rất hấp dẫn. Do hồng được sấy trong thời gian dài, khô từ từ nên sẩn phẩm làm ra có chất dinh dưỡng, độ ngọt trong trái hồng khá cao và không qua tẩm ướp hóa chất bảo quản nên vẫn giữ nguyên được hương vị thơm ngon tự nhiên, ngọt thanh và không độc hại do được sấy trong môi trường tự nhiên, lại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hiện tại Đà Lạt, hồng có diện tích khoảng 370 ha, hầu hết trồng xen trong vườn cà phê. Hồng Đà Lạt được trồng chủ yếu tại các phường 3, 4, 5, 7, 10 và các xã Xuân Thọ, Xuân Trường, Tà Nung, với sản lượng quả tươi hàng năm đạt trên 12.500 tấn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin