Xuất sắc đoạt giải cao trong Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng của tỉnh và toàn quốc năm 2022, giải pháp của các em được đánh giá cao về hàm lượng khoa học, giá trị ứng dụng thực tiễn và tính nhân văn, đó là sự khởi đầu của tuổi trẻ tiến bước trong cuộc đời. Tác giả của các giải pháp ấy chỉ trong độ tuổi 13 - 17 đã chứng tỏ khả năng sáng tạo, tinh thần “tiến quân vào khoa học kỹ thuật” của lớp người trẻ tuổi.
Trao giải thưởng cho các em xuất sắc đoạt giải Nhất cuộc thi |
“HUYỀN THOẠI ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN”
Mong muốn phương pháp giáo dục môn Lịch sử ở trường, lớp sống động hơn, không còn cứng nhắc, khô khan, nhàm chán, lan tỏa niềm yêu thích việc học môn Lịch sử với các thế hệ học sinh, 2 em Nguyễn Ngọc Đăng (SN 2005), Nguyễn Thiện Toàn (SN 2005) lớp 12 Tin - Trường THPT Chuyên Thăng Long đã sáng tạo nên phần mềm “Huyền thoại đường Trường Sơn”.
“Huyền thoại đường Trường Sơn” là phần mềm giải trí trên điện thoại thông minh, lấy chủ đề và bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX. Các em đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) nhằm tái hiện những sự kiện, câu chuyện lịch sử, cuộc chiến tranh vệ quốc khốc liệt, gian nan mà anh dũng của quân, dân ta trên đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Để làm cho những câu chuyện được kể trong phần mềm trở nên liền mạch, các em nghiên cứu các chiến dịch, địa điểm liên quan đến đường Trường Sơn thay vì toàn bộ cuộc kháng chiến.
Trong 7 tháng thực hiện đề tài (từ 12/2021 đến 7/2022), các em đã tiến hành xây dựng phần mềm trên nền tảng ngôn ngữ lập trình C#, nghiên cứu phát triển ứng dụng trên máy tính và xuất bản sử dụng trên điện thoại, miệt mài nghiên cứu kỹ thuật và các loại công nghệ: Công nghệ thực tế ảo (VR), dựa trên nền tảng là điện thoại thông minh kết hợp với kính VR Google Cardboard và điều khiển Bluetooth VRPark. Ngoài ra, các em đã dành tâm sức tìm kiếm, đọc và tìm hiểu kỹ nhiều tài liệu liên quan đến đường Trường Sơn, đến cuộc kháng chiến chống Mỹ. Từ đó viết nên cốt truyện, bối cảnh, nhân vật trong phần mềm gần gũi với đời thường. Đó là, hình ảnh làng quê và câu chuyện của một người con lớn lên trong thời chiến, có bố ra trận và bị thương trong chiến tranh; đó là hình ảnh máy bay B52 quần thảo trên bầu trời, trút bom đạn tàn phá đường Trường Sơn; đó là hình ảnh người lính “bộ đội cụ Hồ” sẵn sàng hi sinh, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Các hình ảnh về làng mạc, căn cứ quân đội, khí tài, vũ khí máy bay, xe tăng, xe tải, như quân lính, các bản đồ, bối cảnh chung được nghiên cứu, tạo hình sống động, đảm bảo chính xác, khoa học.
Hiện nay, trên thị trường vẫn chưa có phần mềm game nào sử dụng công nghệ thực tế ảo dành cho điện thoại di động, sử dụng cả kính Google Cardboard lẫn điều khiển Bluetooth VRPark và nội dung nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trải nghiệm công nghệ thực tế ảo giúp cho người chơi như được hòa mình vào không khí kháng chiến, có cái nhìn cụ thể hơn về sự khốc liệt cuộc chiến tranh thống nhất đất nước vĩ đại của dân tộc ta trên đường Hồ Chí Minh. Qua đó góp phần giáo dục về truyền thống lịch sử, lòng yêu nước một cách trực quan, sinh động. Phần mềm giúp người dùng học mà chơi, chơi mà học, giải trí nhưng cũng mang tính giáo dục, hỗ trợ đắc lực cho việc dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường.
Với những giá trị mang lại, giải pháp xuất sắc đoạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lâm Đồng lần thứ 18 - năm 2022.
ỨNG DỤNG THỊ GIÁC MÁY TÍNH HỖ TRỢ GIẢNG DẠY MÔN THỂ DỤC TRỰC TUYẾN
Ở lứa tuổi 13 - 15, nhóm 3 học sinh Đào Anh Việt (SN 2009), Nguyễn Văn Quốc Anh (SN 2007), Hoàng Thị Quỳnh Anh (SN 2007), học sinh lớp 8 - lớp 9, Trường THCS Nguyễn Du, Đà Lạt đã đưa ra giải pháp sáng tạo “Ứng dụng thị giác máy tính hỗ trợ giảng dạy môn Thể dục trực tuyến”.
Phần mềm có khả năng chấm điểm các bài thi thể dục thông qua camera; cho phép giáo viên thể dục có thể thêm bất kỳ bài tập thể dục bằng chuỗi các hình ảnh liên tiếp, hoặc giao bài nên người sử dụng có thể thêm bất cứ bài tập nào; có thể thêm đa dạng các loại bài tập chứ không bị giới hạn… Các kết quả được lưu trữ làm căn cứ để đánh giá môn Thể dục; có thể tự động phân tích và chấm điểm cho toàn bộ học sinh và xuất danh sách điểm, giúp thầy cô giáo thể dục đánh giá chính xác, công bằng với từng học sinh. Ngoài ra, trong phần mềm có sẵn các bài tập Yoga giúp thư giãn, tạo sự dẻo dai cho cơ thể.
Trong thời gian 3 tháng (15/1 - 25/3/2022) phải cách ly ứng phó với dịch COVID-19, các em đã bắt tay thực hiện giải pháp, nghiên cứu thuật toán học sâu xác định các điểm trên cơ thể người và thuật toán so sánh hai dáng người. Tiến hành thực hiện nghiên cứu tính toán cơ chế phát hiện và theo dõi tư thế, quá trình hoạt động, kết quả xác định 33 điểm trên cơ thể người; lấy từ bộ dữ liệu gồm hơn 25 ngàn hình ảnh của hơn 40 ngàn người để thử nghiệm đánh giá chuyển động của các dáng người. Sau đó, thêm cơ sở dữ liệu các bài tập Yoga cơ bản, các bài tập tính đếm (hít đất, nâng tạ, gập bụng,...) và các bài tập theo chương trình thể dục THCS; tiến hành thiết kế giao diện tương tác người dùng. Sau khi hoàn thành, giải pháp đã được thử nghiệm thực tế tại Trường THCS Nguyễn Du - Đà Lạt được các thầy cô trong tổ thể dục đánh giá cao.
Phần mềm của các em có thể ứng dụng ở các trường học cho mọi cấp học đang thực hiện việc dạy học môn Thể dục trực tuyến. Phần mềm dễ sử dụng, có thể cài đặt trên máy tính hoặc Website; giá thành hợp lí để mọi thầy cô thể dục đều có thể sở hữu. Khi áp dụng, giải pháp sẽ nâng cao chất lượng giảng dạy môn Thể dục trực tuyến; nâng cao chất lượng sức khỏe khi tập thể dục tại nhà của học sinh; giúp xây dựng một tiết học thể dục đảm bảo chất lượng.
Đến nay, chưa trường học nào ở Việt Nam ứng dụng công nghệ vào dạy môn Thể dục; trên thế giới có các giải pháp tương tự nhưng chưa hỗ trợ tiếng Việt. Trong tương lai, phần mềm có thể phát triển cải tiến đa dạng bài tập thể dục phức tạp như bóng rổ, cầu lông, bóng chuyền...; có phương pháp cao hơn để đánh giá khách quan về độ chính xác; thêm khả năng cho phép giáo viên nhập thang điểm tùy ý chứ không chỉ sử dụng thang điểm cố định cài đặt sẵn. Phần mềm không chỉ ứng dụng trong ngành Giáo dục, mà có thể mở rộng phạm vi đưa phần mềm vào trong các cuộc thi thể thao để kiểm tra và chấm điểm các động tác của vận động viên theo đa dạng các loại thang điểm khác nhau.
Thầy Phạm Bá Lộc, là giáo viên hướng dẫn giải pháp cho các em tự hào về học trò của mình, về khả năng sáng tạo và tinh thần làm việc nhóm của các em. Với tính mới, tính sáng tạo, khả năng ứng dụng thực tiễn và ý nghĩa với việc nâng cao tầm vóc Việt cho thế hệ trẻ, giải pháp của các em đã đoạt giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh năm 2022 và là giải pháp duy nhất trong 21 giải pháp của Lâm Đồng được chọn tham dự cuộc thi toàn quốc và xuất sắc giành giải Ba.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin