Thực tiễn khơi nguồn sáng tạo

HỒNG HẢI 08:49, 20/01/2023

Bằng trí thông minh và tình yêu lao động, họ đã nghiên cứu sáng chế ra những máy móc thiết bị độc đáo phục vụ các hoạt động sản xuất. Những sáng tạo được bắt nguồn từ thực tiễn đó đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí, sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, địa phương tham quan sáng chế của ông Lê Thanh Trị (bìa trái) được trưng bày tại TP Đà Lạt
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, địa phương tham quan sáng chế của ông Lê Thanh Trị (bìa trái) được trưng bày tại TP Đà Lạt

NHÀ KHOA HỌC CỦA NHÀ NÔNG

Từ thực tiễn lao động sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều năm qua, ông Lê Thanh Trị - Giám đốc Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Thanh Trị (Liên Nghĩa, Đức Trọng) đã nghiên cứu sáng chế ra hàng chục máy móc, thiết bị để phục vụ nhà nông. Với những sáng chế vượt thời gian của mình, năm 2019, ông Lê Thanh Trị vinh dự được tôn vinh là “Nhà khoa học của nhà nông” vì có nhiều đóng góp tích cực cho ngành Nông nghiệp.

Trước yêu cầu của thực tiễn sản xuất và đời sống, Giám đốc Lê Thanh Trị đã không ngừng tìm tòi nghiên cứu sáng tạo ra những máy móc, thiết bị phù hợp, giúp nhà nông tiếp cận và ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất, từng bước thay đổi quy trình canh tác truyền thống, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích. Việc Giám đốc Lê Thanh Trị sáng chế thành công “Máy rửa - phân size cà chua và các loại trái cây” đã giúp cho các hộ nông dân và cơ sở thu mua cà chua và các loại trái cây khắc phục được rất nhiều công lao động từ thu hoạch, phân loại, đóng gói đưa thành phẩm ra thị trường, đến với người tiêu dùng... Theo Giám đốc Lê Thanh Trị, nếu làm theo cách truyền thống sẽ mất rất nhiều thời gian, phát sinh thêm chi phí lại không đảm bảo độ an toàn, ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng nông sản, uy tín của nhà cung cấp. Tuy nhiên, khi sử dụng hệ thống máy rửa, phân size cà chua và các loại trái cây này sẽ góp phần khắc phục được những nhược điểm trên.

Với “Máy rửa - phân size cà chua và các loại trái cây”, nông sản sau khi thu hoạch về được chuyển lên băng tải nạp liệu có thành chống tràn và gân cao chống chồng lên nhiều lớp. Trên hệ thống máy rửa được chia thành nhiều vùng chức năng như: rửa khô, thổi sạch, thổi ráo và phun chitosan... Khi các loại củ, quả được đưa đến vùng sân, hai con lăn sẽ lăn đều tạo quả phân size, định hướng chiều phân size; sau đó nông sản sẽ di chuyển theo khe nilo rơi vào vị trí phù hợp, đồng thời được đưa qua các ô, các vùng thu hoạch mà không làm hỏng hay dập củ, quả. 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hệ thống máy rửa - phân size này hoạt động theo kỹ thuật mới là sulo dẫn và lọt khe, phân size thành 5 loại khác nhau và 1 loại quá khổ. Nếu thực hiện theo phương pháp thủ công, 4 tấn củ, quả phải cần tới 20 lao động/giờ, chi phí khoảng 800 ngàn đồng, nhưng khi sử dụng máy rửa, phân size củ, quả thì chưa tới 50 ngàn đồng. Ngoài ra, máy còn cải thiện điều kiện làm việc an toàn cho người lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Đồng thời, tiết kiệm thời gian và công sức, đưa sản phẩm ra thị trường đúng thời hạn và đảm bảo yêu cầu về chất lượng và mẫu mã.
Với giá thành linh động - tùy theo yêu cầu về chức năng của người sử dụng - sáng chế này đã và đang được ứng dụng rộng rãi vào thực tế sản xuất tại nhiều địa phương, qua đó giúp các hộ nông dân và cơ sở thu mua nông sản tiết kiệm chi phí, sức lao động, nâng cao hiệu quả trong lao động sản xuất.
Bằng niềm đam mê sáng tạo, thời gian qua, ông Lê Thanh Trị còn sáng chế ra hàng loạt máy móc, thiết bị phục vụ đắc lực cho các hoạt động sản xuất của nhà nông, tiêu biểu như: máy tách nước vỏ cà phê tươi, máy ép giá thể vào khay xốp, máy sạ lúa, máy rửa cà rốt, máy gieo hạt…

SÁNG CHẾ CỦA “KỸ SƯ CHÂN ĐẤT”

Từ những trăn trở trong quá trình sản xuất nông nghiệp “kỹ sư chân đất” Nguyễn Minh Hoàng (Phường 12, TP Đà Lạt) đã nghiên cứu sáng chế thành công “Hệ thống bơm bán tự động AMT”, qua đó giúp cho người nông dân khi phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng hạn chế tiếp xúc với các hóa chất độc hại. 

Theo anh Nguyễn Minh Hoàng, hệ thống gồm máy bơm và các cần gắn bét phun được di chuyển trên hệ thống giàn treo dùng phun phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng trong nhà kính. Theo đó, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được phun đều khắp diện tích cây trồng, khắc phục được tình trạng không đồng đều như khi phun trực tiếp bằng bình tưới thủ công. 

Qua thời gian ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, hiệu quả kinh tế từ “Hệ thống bơm bán tự động AMT” đã giúp người nông dân giảm thời gian phun, tiết kiệm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; giảm chi phí, tăng năng suất lao động trong quá trình chăm sóc cây trồng. Từ đó, giúp nhà nông từng bước thay đổi phương thức canh tác truyền thống sang sử dụng máy móc thiết bị để thay thế sức lao động.

Hệ thống bơm bán tự động do “kỹ sư chân đất” Nguyễn Minh Hoàng sáng chế đã và đang được ứng dụng rộng rãi trên địa bàn TP Đà Lạt và một số địa phương khác trong tỉnh. Qua đó, giúp nhà nông nâng cao tính tự chủ trong việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong quy trình sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ sức khỏe, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, tiết kiệm thời gian, vật liệu và nguồn lực cho nhà nông. Đặc biệt là làm giảm thiểu tác hại của các hóa chất độc hại, thuốc bảo vệ thực vật đến sức khỏe của nhà nông trong quá trình lao động sản xuất... 

Có thể nói, từ thực tiễn lao động sản xuất nông nghiệp tại địa phương, thời gian qua, hoạt động sáng tạo kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ và thu hút đông đảo nhà nông và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh tham gia. Qua đó, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần tiết kiệm chi phí, thay đổi phương thức canh tác, từng bước nâng cao hiệu quả lao động, sản xuất trong Nhân dân.