Trên những cung đường du lịch

HƯƠNG LY 09:05, 20/01/2023

Vùng đất Nam Tây Nguyên bao lâu nay vẫn luôn được mẹ thiên nhiên ưu ái khi có nhiều ưu thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên... Phát huy các thế mạnh đó, ngành Du lịch Lâm Đồng đã có nhiều phương án và định hướng phát triển du lịch theo tour, tuyến nhằm khai thác được tối đa những tiềm năng du lịch.

Đèo Tà Nung - “Thiên đường du lịch” tại Đà Lạt. Ảnh: Phúc Nguyễn
Đèo Tà Nung - “Thiên đường du lịch” tại Đà Lạt. Ảnh: Phúc Nguyễn

TUYẾN ĐƯỜNG NỐI BIỂN VÀ HOA 
Nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà (một trong những nơi có tài nguyên sinh học đa dạng bậc nhất Việt Nam), xã Đạ Chais (huyện Lạc Dương) có khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hoang sơ và được bao phủ bởi thảm thực vật xanh mướt. Với 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chủ yếu là người K’Ho, bà con nơi đây vẫn còn lưu giữ, bảo tồn và phát huy được nhiều nét đẹp truyền thống độc đáo. Đơn cử, như diễn xướng dân gian K’Ho, dệt thủ công, diễn tấu cồng chiêng, múa xoang tái hiện các lễ hội truyền thống…
Ông Thân Văn Nghiên - Chủ tịch UBND xã Đạ Chais cho biết, địa phương nằm trên tuyến du lịch Quốc lộ 27C - đây là tuyến đường kết nối TP hoa Đà Lạt và TP biển Nha Trang - đi qua địa bàn các xã Đạ Chais, Đạ Nhim và Đạ Sar, cùng với các ưu thế về tự nhiên rất thích hợp để phát triển du lịch. Vì vậy, nhiều năm qua, Đạ Chais luôn cố gắng tận dụng và phát huy tối đa những lợi thế này. Cụ thể, trên tất cả các thôn đều đã trồng được hàng trăm cây hoa mai anh đào để mỗi khi đến mùa hoa nở, sắc hồng và hương hoa len lỏi, tràn ngập qua mỗi tuyến đường làng. Bên cạnh đó, nhằm ôn lại những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, các cuộc thi như: đánh chiêng, dân ca, các môn thể thao dân gian hay phục dựng Lễ cưới của người dân tộc K’Ho tại thôn Đưng K’Si… được triển khai tổ chức hàng năm.
Theo ông Cao Anh Tú - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lạc Dương, để giảm thiểu thời gian và chi phí đi lại và nhằm thu hút khách du lịch từ các tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ đến với Lạc Dương qua tuyến Quốc lộ 27C, địa phương luôn tập trung đẩy mạnh, phối hợp xây dựng kết nối các tour, tuyến với các công ty lữ hành liên vùng trong tỉnh. Đồng thời, thực hiện khai thác có hiệu quả các khu du lịch hiện có và tích cực kêu gọi đầu tư xây dựng, mở rộng các điểm du lịch văn hóa, du lịch canh nông, du lịch cộng đồng, dược liệu, thể thao mạo hiểm, khu vui chơi giải trí tổng hợp… 
Đến với Lạc Dương, du khách không chỉ được trải nghiệm nhiều sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng ngay trên tuyến Quốc lộ 27C, mà còn trải nghiệm với nhiều loại hình du lịch khác không kém phần hấp dẫn. Từ tham quan, ăn uống, giao lưu văn hóa cồng chiêng tại Khu du lịch Lang Biang và Làng Cù Lần; dã ngoại, nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Ma rừng lữ quán và Thung lũng Vàng; du lịch sinh thái và giáo dục môi trường rừng, giao lưu văn hóa cồng chiêng tại Khu du lịch Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đến du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hóa của đồng bào DTTS bản địa, mua sắm dâu tây sạch tại xã Đạ Sar, Đạ Nhim, Đạ Chais… 
TOUR ĐÀ LẠT - LÂM HÀ
Đèo Tà Nung được mệnh danh là cung đường du lịch ở Đà Lạt với nhiều điểm dừng chân, các khu du lịch đa dạng. Sau khi đã được trải nghiệm không gian núi rừng hoang sơ ở Lạc Dương, du khách có thể đắm mình trong những khung trời mới trên tuyến đường ĐT725 Đà Lạt - Lâm Hà. Đây là tuyến đường được nối liền với Quốc lộ 27C, và việc du lịch theo một hướng đi sẽ tạo được sự thuận tiện khi di chuyển cũng như tiết kiệm được thời gian cho du khách.
Rời khỏi trung tâm Đà Lạt, khách du lịch sẽ không khỏi trầm trồ trước những vườn hoa đang thi nhau nở rộ muôn màu, muôn sắc của làng hoa Vạn Thành, thích thú trên cung đèo Tà Nung uốn lượn là những điểm du lịch với lối kiến trúc độc đáo như: không gian rộng lớn, cầu kỳ của xưởng cà phê Thúy Thuận, hay tháp Vọng Cảnh với các góc nhìn 360 độ ở Chuồn Chuồn Coffee and Bistro… 
Và khi về tới Lâm Hà, các sản phẩm, cụm và các tuyến du lịch đã dần được hình thành rõ nét; góp phần tạo nên diện mạo mới đối với du lịch huyện Lâm Hà. Du khách có thể bắt đầu với hoạt động tham quan tìm hiểu các mô hình ở xã Mê Linh: nuôi dế, thưởng thức các món ăn chế biến từ dế tại trại dế Thiên An; trải nghiệm các quy trình nấu rượu truyền thống tại cơ sở nấu rượu gạo Kiết Tường; khám phá mô hình nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa tại doanh nghiệp tư nhân sản xuất tơ lụa và dịch vụ du lịch Cường Hoàn và trải nghiệm du lịch tâm linh chùa Linh Ẩn tại thị trấn Nam Ban…
Bà Chế Phương Nam - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lâm Hà cho biết, hàng năm, lượng khách đến tham quan ngày càng tăng, du lịch đang mang lại cho huyện Lâm Hà nhiều lợi ích, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, truyền thống. Song song đó, tạo được công ăn việc làm tại chỗ cho nhiều lao động và tăng thu nhập cho người dân địa phương, làm động lực phát triển cho các ngành. Cùng với việc chú trọng hình thành các tour, tuyến du lịch trọng điểm có sự liên kết, kết nối giữa các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện, Lâm Hà luôn chú ý phát triển du lịch theo hướng bền vững đi đôi với việc bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa vùng, miền, dân tộc, kết hợp với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan và môi trường, như bảo tồn các nhà truyền thống huyện, nhà dài truyền thống của người K’Ho, làng nghề dệt thổ cẩm xã Đạ Đờn…
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN 
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ, xác định du lịch là ngành kinh tế động lực của Lâm Đồng, thời gian tới, các cấp, ngành sẽ tiếp tục tổ chức, phối hợp triển khai các công tác phát triển những mô hình du lịch triển vọng trên địa bàn tỉnh, để cho thương hiệu “Đà lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” ngày càng lan tỏa, tạo ấn tượng tốt đối với du khách. 
“Lâm Đồng ưu tiên phát triển 4 nhóm sản phẩm du lịch chủ lực: Du lịch sinh thái gắn với tham quan, văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch canh nông. Đa dạng hóa các nhóm sản phẩm hỗ trợ: Chăm sóc sức khỏe, du lịch ẩm thực, du lịch tâm linh. Trong đó, đa dạng các phương thức liên kết hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước, ưu tiên hợp tác liên kết khu vực để phát triển sản phẩm, quảng bá điểm đến chung; quảng bá xúc tiến du lịch, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội vào hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch. Cùng với việc tham gia, tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch phù hợp với mục tiêu của tỉnh; tổ chức các đoàn nghiên cứu và hỗ trợ cho các doanh nghiệp khảo sát thị trường điểm đến và ký kết các chương trình hợp tác, nối kết tour với các hãng lữ hành quốc tế, đón các đoàn khảo sát du lịch, báo chí trong nước và quốc tế; tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về du lịch là những phương án có hiệu quả lâu dài của tỉnh, góp phần tìm kiếm các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch phù hợp và tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc thông tin thêm.