Tiềm năng, thế mạnh về sản xuất cây công nghiệp ở Lâm Đồng là 3 cây chủ lực: Chè, cà phê và dâu tằm. Chúng cùng đồng hành, nhưng có những lúc lại là “đối thủ” của nhau: Chặt chè trồng cà phê, chặt cà phê trồng dâu… hoặc ngược lại. Đã đến lúc cần được nhanh chóng ổn định và hướng đến sản xuất bền vững cả 3 cây là yêu cầu cấp thiết đặt ra trong thời kỳ hội nhập.
Niềm vui được mùa cà phê. |
TỶ LỆ NGHỊCH Ở CÂY CHÈ
Trong những năm qua, sản xuất chè ở Lâm Đồng có những biến động nhất định, nhưng “biên độ” không lớn. Có những thời điểm giá cả xuống thấp, làm cho người trồng chè gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo thống kê của Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn Lâm Đồng, trong giai đoạn 2006 – 2010, diện tích chè trên địa bàn tỉnh có biến động giảm: Năm 2006 là 26.553 ha; đến năm 2010 còn 23.877 ha. Nhưng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu lại biến động tăng: Sản lượng năm 2006 là 170.543 tấn; năm 2010 là 192.806 tấn (búp tươi). Sản lượng chè thành phẩm xuất khẩu năm 2006 được 8.400 tấn, đạt kim ngạch hơn 10 triệu USD; năm 2010 xuất khẩu 10.500 tấn, đạt kim ngạch 16,65 triệu USD. Điều đó chứng tỏ, cây chè ở Lâm Đồng ngày càng được chú trọng đầu tư thâm canh, không chỉ nâng cao năng suất mà còn cải tạo, trồng nhiều giống chè chất lượng cao nhập nội từ Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản… để nâng cao giá trị hàng hóa. Nhờ vậy, vị thế cây chè vẫn được giữ vững và có một vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp ở Lâm Đồng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần thực hiện cho được mục tiêu, định hướng phát triển của ngành chè Lâm Đồng, đến năm 2015 phải đạt được diện tích sản xuất ổn định là 27.000 ha và năm 2010 là 28.000 ha (Trong đó, diện tích chè chất lượng cao là 3.250 ha và các giống chè cành năng suất cao là 12.000 ha), sản xuất theo hướng GAP, với năng suất bình quân đạt 10 tấn/ 1 ha và sản lượng đạt 280.000 tấn (búp tươi).
Trong lời phát biểu của mình tại Lễ hội Văn hóa Trà Lâm Đồng lần thứ III vừa được tổ chức tại thành phố Bảo Lộc, ông Đoàn Anh Tuân – Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, đã khẳng định: “Cây chè không những góp phần ổn định đời sống cho 6 triệu người trồng chè tại các tỉnh miền núi, mà còn trở thành cây làm giàu tại nhiều địa phương. Chúng tôi tin tưởng rằng, thông qua hoạt động văn hóa trà như thế này, vị thế của cây chè sẽ tiếp tục được bảo tồn và nâng lên một bậc. Chúng tôi cũng mong rằng, người trồng chè và các doanh nghiệp sẽ không ngừng nỗ lực sản xuất ra những loại chè đặc sắc hơn, an toàn hơn để thương hiệu chè B’Lao nói riêng và thương hiệu chè Việt Nam nói chung được trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới”.
CÂY CÀ PHÊ VẪN CHƯA CHO HIỆU QUẢ KINH TẾ CAO
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 140 ngàn ha cà phê; trong đó, có trên 120 ngàn ha cà phê kinh doanh. Theo chủ trương của tỉnh, diện tích cà phê không phát triển thêm, mà chỉ cần sản xuất ổn định trong khoảng 130 ngàn ha. Một thực trạng hiện nay, là năng suất cà phê của Lâm Đồng đạt quá thấp, chỉ ở mức trên dưới 2 tấn nhân 1 ha/ 1 năm. Theo các chuyên gia kinh tế, thì họ cho rằng, việc kinh doanh như thế là hiệu quả kém, đã gây một “lãng phí” lớn. Đó là chưa nói đến chất lượng cà phê nguyên liệu. Các địa phương trồng nhiều cà phê, như Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm, Bảo Lộc và Đức Trọng cần phát huy lợi thế so sánh của mình để tập trung cải tạo diện tích cà phê hiện có: Thay đổi (trồng lại hoặc chuyển đổi cây trồng khác) những diện tích già cỗi, năng suất kém; ghép cải tạo hoặc trồng những giống cà phê đầu dòng, cho năng suất cao. Trong những năm vừa qua, 2 huyện Bảo Lâm và Di Linh đã tập trung ghép cải tạo vườn cà phê hiện có. Bảo Lâm ghép 7.000 ha, Di Linh ghép 3.600 ha… Đây là tín hiệu đáng mừng, làm tăng năng suất ở từng vùng. Tuy vậy, kết quả đó vẫn còn “khiêm tốn” và chưa làm thay đổi đáng kể năng suất bình quân chung toàn tỉnh.
CÂY DÂU SẼ PHỤC HỒI
Trong số “3 cây”, cây dâu có “số phận” lênh đênh nhất. Lâm Đồng – “Thủ đô” dâu tằm, diện tích cây dâu và nghề nuôi tằm luôn có nhiều biến động. Trong thời kỳ “hoàng kim”, Lâm Đồng đã có hơn 7.000 ha dâu, trồng tập trung chủ yếu ở Lâm Hà, Bảo Lộc và rải rác ở một số huyện khác. Do giá cả bấp bênh và “biến cố” trong ngành dâu tằm, diện tích dâu đã giảm xuống chỉ còn một nửa. Trong mấy năm gần đây, giá kén, giá dâu ổn định và tăng cao (giá kén hiện ở mức kỷ lục là 120 ngàn đồng/ 1 kg và giá dâu 7 – 8 ngàn đồng/ 1 kg). Người nông dân bắt đầu quan tâm cây dâu trở lại, nhưng diện tích dâu toàn tỉnh hiện nay chỉ có khoảng 4 ngàn ha. Ông Đào Xuân Uy – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạmb’ri (xã được mệnh danh là “thủ phủ” nghề trồng dâu nuôi tằm của thành phố Bảo Lộc) vui mừng khi trao đổi với chúng tôi: “Với giá kén, giá chè và giá cà phê như hiện nay, thì bà con nông dân trong xã ai cũng yên tâm và chắc chắn là giữ được cả 3 cây!”.
Sau “biến cố” của Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (TCT DTT VN) cách đây 3 năm, đơn vị đã và đang tập trung khắc phục hậu quả. TCT đã tiến hành cổ phần hóa 5 doanh nghiệp với vốn cổ phần của TCT dưới 51%; 4 doanh nghiệp cổ phần hóa với vốn cổ phần của TCT trên 51%; 2 doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, 2 doanh nghiệp hạch toán độc lập (chưa cổ phần hóa). TCT hiện còn 6 nhà máy phụ thuộc và Văn phòng TCT đang gấp rút sắp xếp lại tổ chức. Ông Lê Tiến Thức – Chủ tịch HĐQT TCT DTT VN, cho chúng tôi biết: “Mới đây, Chính phủ đã cho phép TCT DTT VN phối hợp với Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu tài chính để chuyển TCT DTT VN thành Công ty cổ phần. Trường hợp không thực hiện được thì tiến hành bán, giải thể hoặc phá sản theo qui định hiện hành; đồng thời, chỉ đạo Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc (Đồng Nai) và Xí nghiệp Dâu tằm tơ Tháng Tám (Bảo Lộc) phối hợp với Công ty Mua bán nợ xây dựng phương án tái cơ cấu tài chính, chuyển đổi hình thức sở hữu”. Và “sau khi sắp xếp lại tổ chức, trước mắt TCT sẽ góp sức cùng với các địa phương vực lại vườn dâu lên 5.000 ha và sản lượng tơ xe các loại lên 900 - 1.000 tấn/ năm” – ông Lê Tiến Thức kỳ vọng như thế.
“3 CÂY” CÙNG ĐỒNG HÀNH
Trong thời hội nhập WTO, một yêu cầu “cần” và “đủ” đặt ra là phải sản xuất bền vững, sản phẩm phải an toàn và chất lượng cao. Và muốn sản xuất bền vững, đạt hiệu quả cao thì đòi hỏi “3 cây” phải cùng đồng hành.
Một “tín hiệu” rất khả quan, là qua Hội thảo khoa học tại Lễ hội Văn hóa trà Lâm Đồng lần thứ III, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh (không chỉ trong ngành chè mà có cả các ngành liên quan ở trung ương và địa phương) và nhà nông đã đồng tình với các giải pháp sản xuất chè bền vững. Trong đó, giải pháp được đưa lên đầu là sản phẩm chè phải an toàn theo hướng GAP, rồi đến các giải pháp kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh việc quảng bá, phát triển thương hiệu “Trà B’Lao”. Điều quan trọng là chuyển dần tập quán sản xuất, thay thế bón phân vô cơ sang bón phân hữu cơ bền vững và quản lý dịch hại tổng hợp. Lâm Đồng đã xây xong Trung tâm kiểm định nông sản tại thành phố Bảo Lộc và tương lai sẽ xây dựng Trung tâm chiếu xạ sẽ làm tăng giá trị và sức cạnh tranh sản phẩm chè Lâm Đồng. Mặt khác, Nhà nước đã có “Chương trình hiện đại hóa ngành chè”. Từ nay đến 2020, chương trình này sẽ được đầu tư hơn 88 triệu USD. Mục tiêu của chương trình này sẽ tạo được thế cạnh tranh của chè Việt Nam với các nước.
Cũng như cây chè, cây cà phê cũng bắt đầu xuất phát lộ trình sản xuất bền vững. Di Linh là huyện đầu tiên triển khai Dự án phát triển cà phê vối bền vững của Sở NN – PTNT. Theo đó, từ năm 2007 huyện đã chọn 400 hộ nông dân tại thị trấn Di Linh và 3 xã: Đinh Lạc, Tân Châu và Đinh Trang Hòa trồng thử nghiệm 700 ha cà phê bền vững. Logo “Cà phê Di Linh” đã được công nhận và huyện đang tiếp tục triển khai xây dựng thương hiệu này. Năm 2010, Tổ chức Tài chính quốc tế tại Việt Nam (thành viên của nhóm Ngân hàng thế giới) và Công ty Thương phẩm Atlantic Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác thành lập Trung tâm đào tạo nông dân Việt Nam phương thức canh tác cà phê. Sau đào tạo, nông dân sẽ biết làm ra sản phẩm đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc tế Utz, 4C…
Thị trường tơ tằm hiện còn rộng, mặt hàng này còn khan hiếm, Việt Nam chưa đáp ứng được, vì một số nước như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản… trồng dâu nuôi tằm còn để sản xuất dược liệu. Do vậy, Lâm Đồng đã có đề án qui hoạch vùng dâu. Theo đó, đến năm 2020, Lâm Đồng sẽ phát triển diện tích dâu ổn định lên đến 9.000 ha, kinh phí đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Cái khó hiện nay đang đặt ra là cây dâu giống, con tằm giống và cách tổ chức sản xuất. Sản phẩm làm ra không chỉ đơn điệu là ký kén, cân tơ, mà cần đa dạng hóa sản phẩm từ kén tằm. Ở Nam Ban (huyện Lâm Hà) đã hình thành một mô hình sản xuất có hiệu quả (doanh số năm 2010 đạt 8 tỷ đồng) cần được nhân rộng. Đó là Cơ sở ươm tơ Cường Hoàng (của chủ nhân Phạm Văn Cường) với một qui trình sản xuất “khép kín” từ ươm tơ đến dệt lụa, tẩy nhuộm, may và thêu tranh trên lụa, tạo ra các sản phẩm phục vụ du khách đến tham quan, mua sắm và xuất khẩu ra thị trường Lào, Thái Lan, Campuchia.