Đêm giao thừa nhớ Bác

03:01, 25/01/2011

Có lẽ trên trái đất này ít có vị lãnh tụ nào lại chúc Tết bằng thơ. Những câu thơ giản dị mà có tính dự báo gần gũi như ca dao, phổ nhạc vào thành bài ca với giai điệu như dân ca - nguồn mạch linh hồn của dân tộc.

Có lẽ trên trái đất này ít có vị lãnh tụ nào lại chúc Tết bằng thơ. Những câu thơ giản dị mà có tính dự báo gần gũi như ca dao, phổ nhạc vào thành bài ca với giai điệu như dân ca - nguồn mạch linh hồn của dân tộc. Có lẽ dân tộc Việt Nam là dân tộc của thi ca, ai cũng có thể làm thơ, ai cũng yêu thơ. Nước non, sông núi, địa linh đã tạo ra nguyên khí từ trong cõi sâu thẳm hồn thơ. Có lẽ cái chất thuần Việt bắt đầu từ sự tích bọc trứng Âu Cơ để có hai chữ đồng bào cùng chung nguồn cội.

Bác Hồ là một thi nhân - người kết tinh tâm hồn dân tộc. Cốt cách của Bác giàu chất Á Đông, vừa Lão thực vừa minh triết. Lời thơ của Bác dễ đi vào lòng người. Có câu thơ như một lời hịch làm nức lòng mọi người với cảm hứng “Tiến lên toàn thắng ắt về ta”, có câu thơ như một phương châm hành động: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào’’. Thơ của Bác đọc lúc giao thừa sau lời chúc Tết bao giờ cũng ngắn gọn dễ thuộc. Bác nhìn bằng đôi mắt của nhân dân, Bác nghe bằng đôi tai của đồng bào, Bác nghĩ bằng bộ óc của nhân loại nên nhìn đâu cũng tinh, nghe gì cũng rõ, nghĩ gì cũng đúng. Bác có một giác quan đặc biệt, có thể liên hệ được những gì nhỏ bé nhưng gợi mở lại lớn lao. Chính vì thế những bài thơ chúc Tết của Bác như có phép màu truyền cảm: đứng đứng tấm lòng của Bác đối với nhân dân, xem mùa xuân trước, đoán định xuân sau. Ngữ khí câu thơ tầng tầng lớp lớp. Ngôn ngữ bình thường nhưng được Bác đặt đúng chỗ trong từng câu thơ chúc Tết nên có khí thiêng vì tình của Bác, trí của Bác hòa quyện trong đó.

Lần đầu tiên Bác đọc thơ chúc Tết qua đài phát thanh năm 1947. Tết Đinh Hợi năm ấy là Tết kháng chiến đầu tiên, lời thơ của Bác thật hào sảng: “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió/ Tiếng kèn kháng chiến vang dậy núi sông/ Toàn dân kháng chiến toàn diện kháng chiến/ Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.” Từ đó, một phong tục mới đậm chất văn hóa Việt Nam và phong cách Hồ Chí Minh đã định hình. Mỗi năm mới đến vào đêm giao thừa, người dân ở mọi miền đất nước, chiến sỹ ngoài mặt trận hồi hộp chờ đợi Bác Hồ đọc thơ chúc Tết trong đêm giao thừa qua làn sóng phát thanh bên chiếc đài bé nhỏ. Lời thơ của Bác thật mộc mạc “mấy lời thành thật nôm na” mà chứa đựng bao ý nghĩa sâu xa vừa động viên, vừa tự hào, vừa khích lệ. Có lúc lời thơ chúc Tết như đường hướng chiến lược của cuộc kháng chiến được Bác biến thành những câu có vần đọc lên vào khoảnh khắc thiêng liêng của đêm giao thừa cho đồng bào dễ nhớ dễ thuộc biến thành sức mạnh thiêng liêng. Lời chúc tết năm 1950 Bác chúc: “Toàn dân xung phong thi đua/ Đẩy mạnh cuộc chuẩn bị tới/ Chuyển mau sang tổng tiến công/ Kháng chiến nhất định thắng lợi”. Lại có lời chúc thật gần gũi biết bao như năm Bính Tuất 1946: “Bao giờ kháng chiến thành công/Chúng ta cùng uống một chung rượu đào/ Tết này ta tạm xa nhau/ Chắc rằng ta sẽ Tết sau vui vầy”. Thật ấm áp chân tình như không khí một gia đình không còn khoảng cách giữa người dân và lãnh tụ. Bây giờ giao thừa đến, trong đêm pháo hoa rực rỡ lung linh muôn sắc màu cứ ngỡ có bóng hình của Bác lồng lộng, tiếng thơ Bác vẫn vang vọng đâu đây như nhà thơ Vũ Cao đã từng mong ước “Cho con ước tự bây giờ/ Mỗi năm cứ đến giao thừa mỗi năm/ Bác về cùng với nhân dân/ Đọc thơ chúc Tết một lần... rồi đi”.
 
Tùy bút: NGUYỄN NGỌC PHU