Năm Tân Mão 1951 ấy và những câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

02:01, 25/01/2011

Nước có lọc, mới sạch. Người có tự phê bình mới tiến bộ. Đảng cũng thế” (HCM toàn tập, tập 6). Nhưng, cũng theo Người thì phải “chú trọng phê bình mình trước, phê bình người sau…

60 năm trước đây, trong khi đang trực tiếp lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta chống lại tên trùm sỏ thực dân xâm lược cáo già trong cuộc chiến khốc liệt, thì Bác Hồ kính yêu của chúng ta, với tầm nhìn xa trông rộng, bên cạnh những nét đẹp và yếu tố tích cực, Người vẫn cảm nhận được những mầm mống của cái xấu, cái ác, cái tiêu cực, bất công và những biểu hiện của nạn suy thoái xuống cấp về đạo đức và lối sống của những người được gọi là “công bộc của dân” nên Người đã có những bài nói, bài viết và những mẩu chuyện thể hiện quan điểm, thái độ và tư tưởng của mình. 60 năm, nói lại những câu chuyện về tấm gương đạo đức của Người từ năm Tân Mão (1951) ấy để một lần nữa giúp chúng ta hiểu thêm một cách thật đầy đủ ý nghĩa của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhớ lại rằng, vào dịp Tết Nguyên đán năm Tân Mão 1951, tại núi rừng Việt Bắc, ngay từ ngày mồng 1 tết, Người đã triệu tập và chủ tọa phiên họp của Hội đồng Chính phủ. Trong cuộc họp, Người lưu ý phải đẩy mạnh phong trào thi đua, thực hiện phê bình và tự phê bình. Đây là một trong những vấn đề mà Người đặc biệt quan tâm. Bởi theo ý Người thì: “Dao có mài, mới sắc. Vàng có thui, mới trong. Nước có lọc, mới sạch. Người có tự phê bình mới tiến bộ. Đảng cũng thế” (HCM toàn tập, tập 6). Nhưng, cũng theo Người thì phải “chú trọng phê bình mình trước, phê bình người sau… Tự phê bình và phê bình cốt để thống nhất tư tưởng. Tư tưởng có thống nhất, hành động mới thống nhất” (HCM TT, T6). Đó cũng chính là nội dung của câu chuyện thứ nhất mà người viết muốn kể lại cho bạn đọc nhân dịp Tết đến xuân về.

TƯ TƯỞNG CÓ THỐNG NHẤT HÀNH ĐỘNG MỚI THỐNG NHẤT

Mùa xuân Tân Mão 1951, ngày 26/4/1951, Bác đến dự Hội nghị kiểm thảo Chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Đây là một chiến dịch quân sự diễn ra dọc đường 18 (Phả Lại – Uông Bí) từ 23/3 đến 7/4/1951 của 2 đại đoàn 308 và 312, lực lượng chủ công của quân đội ta. Tuy chiến dịch đã tiêu diệt được một số cứ điểm của quân Pháp nhưng hiệu quả chiến đấu không cao, thương vong nhiều và một số mục tiêu không đạt. Bác chỉ đạo công tác tổng kết và rút kinh nghiệm. Phát biểu tại hội nghị, Bác nhắc nhở: “Tự phê bình và phê bình để thống nhất tư tưởng. Tư tưởng có thống nhất, hành động mới thống nhất. Tư tưởng và hành động có thống nhất mới đánh thắng được giặc... Cán bộ không có đội viên, lãnh tụ không có quần chúng thì không làm gì được. Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ tổng tư lệnh trở xuống phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên... Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng... Mình đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải là “cứu tinh” của dân mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân... Mỗi quân nhân phải là một cán bộ tuyên truyền bằng việc làm của quân đội... Dân như nước, quân như cá. Phải làm cho dân hết sức giúp đỡ mình thì mình mới đánh thắng giặc được... Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí giúp cho quân đội ta trở nên quân đội tất thắng”. Trước đó, khi cùng Bộ Chính trị nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày kế hoạch kiểm thảo và tự phê bình về chiến dịch này, Bác căn dặn: “Tự phê bình là cần, nhưng tự phê bình phải tăng cường đoàn kết, rút ra được bài học kinh nghiệm, xây dựng được lòng tin vào chiến dịch sau”. Từ câu chuyện, không những các cán bộ, chiến sĩ thời đó rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu mà cho đến bây giờ, tất cả cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cũng nhận thấy được giá trị sâu sắc của bài học được rút ra từ câu chuyện đó. Vâng, hiện tại, trong bất cứ lĩnh vực nào, thì tư tưởng có thống nhất, hành động mới thống nhất. Tư tưởng và hành động mà thống nhất thì làm việc gì cũng được.

Cũng vào mùa xuân Tân Mão 1951, Đảng ta tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II. Đây là đại hội có nhiều điểm đặc biệt: Thứ nhất, đây là đại hội đầu tiên tiến hành công khai trên đất nước mình. Thứ hai, đây là đại hội mà Đảng ta quyết định ra công khai hoạt động với tên gọi mới: Đảng Lao động Việt Nam. Câu chuyện thứ hai xin được kể liên quan đến vấn đề này.

 “CHÚ CÓ BAO GIỜ ĂN BỚT PHẦN CƠM CỦA CON MÌNH KHÔNG?”

Mùa thu năm 1951 Bác Hồ đến thăm lớp chỉnh huấn chính trị toàn quân. Sau khi nghe đọc những con số cụ thể về tệ nạn tham ô, lãng phí mà Ban lãnh đạo nhà trường đã báo cáo, Bác nói: “Các chú xem đấy, mới có từng này cán bộ mà đã tham ô, lãng phí như vậy; thử hỏi, nếu cán bộ trong toàn quân cũng phạm khuyết điểm như các chú ở đây thì thiệt hại cho công quỹ Nhà nước, của nhân dân biết bao nhiêu?”. Ngừng một lát, Bác hỏi: “Ở đây những chú nào có vợ rồi giơ tay!”. Có độ một phần ba số cán bộ giơ tay. Bác chỉ vào một đồng chí trong số người vừa giơ tay ngồi ở hàng ghế đầu rồi hỏi: “Chú có bao giờ ăn bớt phần cơm của con mình không!”. Đồng chí cán bộ trả lời: “Thưa Bác không ạ!”. “Thế thì tại sao của cải của nhân dân, tiêu chuẩn của chiến sĩ hễ sảnh ra là đút vào túi”. Bác vừa nói, vừa làm động tác vơ vét và đút vào cái túi vải bên mình. Bác phân tích cho mọi người thấy rõ: “Tham ô, lãng phí là tệ nạn, một thói xấu, nó giống như sâu mọt đục khoét của cải của nhân dân, nó làm vẩn đục chế độ tốt đẹp của chúng ta, đến đạo đức và nhân phẩm của người cán bộ, đảng viên”. Bác phân tích cho mọi người thấy rõ: Tham ô lãng phí là hành động xấu xa nhất của con người; tham ô lấy trộm của công làm của tư nó có hại đến sự nghiệp xây dựng nhà nước, ảnh hưởng đến đời sống chiến sĩ, gây phương hại đến đạo đức cách mạng. Người quan niệm: Lãng phí có nhiều hình thức như lập kế hoạch không chu đáo trong công việc; tính toán không cẩn thận; hoặc sống xa xỉ, phô trương hình thức. Lãng phí và tham ô tuy khác nhau ở chỗ lãng phí không trực tiếp ăn cắp, ăn trộm của công, nhưng hại đến tài sản của Nhà nước, của tập thể, của nhân dân thì lãng phí có tội chẳng khác gì tham ô.

Câu chuyện trên là một bài học để răn dạy cán bộ, chiến sĩ. Bác Hồ thường nói “Cán bộ là gốc của mọi công việc”. Những hành động, việc làm của người cán bộ, dù rất nhỏ, sẽ có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến tập thể, đơn vị. Thiết nghĩ mỗi người trong chúng ta cần tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, nếu mỗi người tự ý thức trong việc tiết kiệm, sẽ có lợi cho gia đình, cho quốc gia. Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mỗi chúng ta cần thực hành tiết kiệm, dè sẻn trong chi tiêu, không ăn uống lãng phí và vận động mọi người thực hành tiết kiệm ngay cả trong bữa ăn gia đình, đến chi tiêu ở cơ quan, đơn vị sẽ làm tăng ngân sách quốc gia, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, công trình phúc lợi phục vụ cuộc sống nhân dân.

QUÀ CỦA MÌNH CÓ VẬY!

Cuối tháng 2/1951, người đến kiểm tra kho để tiền trong một hang đá thuộc Núi bà Khoang ( Cao Bằng).

Kho do một đơn vị tự vệ vũ trang cùng một số nhân viên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam canh giữ. Nhìn thấy dãy kè đá gọn ghẽ, vững chắc, Bác khen: “Các chú nhờ ai mà xếp kè đá gọn thế?”. Anh em báo cáo: “Thưa Bác, đó là nhờ công nhân mỏ Tĩnh Túc đấy ạ!”. Bác đã biết ở Cao Bằng có một số người dân tộc, người Hoa nhẹ dạ đi theo Pháp đã giao nộp vũ khí cho chính quyền. Bác hỏi: “Số anh em người Hoa, người dân tộc có mặt ở đây không?. Được biết là anh em có mặt, Bác đến thăm sức khỏe và hỏi: “Các chú đã trồng được rau xanh chưa? Có học chữ không? Có giúp dân bản học chữ không?”. Khi vào hàng, hai chiến sĩ cảnh vệ mang một chậu và một ống bương nước suối để Bác rửa tay chân. Anh cảnh vệ định đổ cả ống bương nước vào chậu, nhưng Bác liền ngăn lại. Bác tự tay đổ lấy khoảng một phần ba nước trong ống bương. Sau khi rửa tay, Bác bê chậu nước đến một gốc cây nhỏ trước cửa hang, vừa rửa chân vừa tưới cây luôn. Nói chuyện với các chiến sĩ, Bác căn dặn: “Phải giữ gìn đoàn kết dân tộc với đồng bào Mán Đỏ, đoàn kết Việt - Hoa”. Nói rồi Bác lấy trong túi ra hai gói thuốc lá: “Quà của mình chỉ có vậy, các chú chia nhau cùng hút nhé”.

° NHỮNG CHIẾC ÁO ẤM CỦA BÁC HỒ

Một đêm mùa đông năm 1951, gió bấc tràn về mang theo những hạt mưa lâm thâm làm cho khí trời càng thêm lạnh giá. Thung lũng Bản Ty co mình lại trong yên giấc, trừ một ngôi nhà sàn nhỏ còn phát ra ánh sáng. Ở đây Bác vẫn thức, vẫn làm việc khuya như bao đêm bình thường khác.

Bỗng cánh cửa nhà sàn hé mở, bóng Bác hiện ra. Bác bước xuống cầu thang, đi thẳng về phía gốc cây, chỗ một chiến sĩ đang đứng gác: Chú làm nhiệm vụ ở đây có phải không? Thưa Bác, vâng ạ! Chú không có áo mưa? Người chiến sĩ ngập ngừng nhưng mạnh dạn đáp: Dạ thưa Bác, cháu không có ạ! Bác nhìn người chiến sĩ từ đầu đến chân ái ngại: Gác đêm, có áo mưa, không ướt, đỡ lạnh hơn. Sau đó Bác từ từ đi vào nhà, dáng suy nghĩ... Một tuần sau, các chiến sĩ gác đêm nhận được 12 chiếc áo dạ dài chiến lợi phẩm. Được những chiếc áo này là một điều quý, nhưng đối với các chiến sĩ còn quý giá và hạnh phúc hơn khi Bác trực tiếp chăm lo, săn sóc với cả tấm lòng yêu thương của một người cha. Không những thế, Bác còn ân cần dặn dò thêm: Trời lạnh, các chú cần giữ gìn sức khỏe và cố gắng làm tốt công tác. Nhận được tình cảm quý giá của Bác, các chiến sĩ xiết bao xúc động. Bác đã dành áo ấm cho các chiến sĩ gác đêm, trong lúc Bác chỉ mặc một chiếc áo bông mỏng đã cũ. Ôi, Bác ơi tim Bác mênh mông thế!

DỊCH CHO DÂN XEM, DÂN ĐỌC, NẾU CHƯA HIỂU PHẢI DỊCH LẠI

Năm 1951, theo yêu cầu công việc, một cán bộ cơ quan Trung ương được cử đến đánh máy cho Bác. Lúc đó, Người đang dịch cuốn “Tỉnh ủy bí mật” của nhà văn Liên Xô Phêrôđốp từ tiếng Pháp ra tiếng Việt.

Thấy Bác vất vả suy nghĩ tới từng từ, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy, đồng chí đánh máy tỏ vẻ sốt ruột. Nhận biết được sự sốt ruột ấy, Bác nói: Chúng ta đang dịch sách để cho cán bộ và nhân dân đọc, nên đồng chí chưa hiểu thì đa số cán bộ và nhân dân cũng chưa hiểu. Dịch cho dân xem, dân đọc, nếu chưa hiểu thì phải dịch lại cho mọi người hiểu chứ.

Năm Tân Mão 1951 ấy, còn biết bao câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những câu chuyện về tấm gương đạo đức của Người là những đốm lửa góp phần làm nên những ngọn lửa hồng mà ánh sáng của nó đã và đang góp phần vào việc đẩy lùi bóng tối của nạn suy thoái xuống cấp về đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội mà đất nước đang phải đối mặt. Đọc và nghe lại những câu chuyện này cũng chính là một trong những hình thức để chúng ta thực hiện tốt hơn Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Biến Cuộc vận động này thành cuộc vận động thường xuyên, liên tục bởi đây là đòi hỏi bức thiết để chúng ta thực hiện khát vọng xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh của cả dân tộc.

NGUYỄN VĂN CHÍNH