Nơi đây, làm lại cuộc đời

03:01, 25/01/2011

Tuổi trẻ, nông nổi, đôi khi muốn chứng tỏ mình. Và, họ đã vướng vào ma túy… Giờ đây, tại Trường Giáo dục đào tạo và Giải quyết việc làm số 2 (Trường 2), được sự động viên, giúp đỡ và giáo dục của các thầy cô giáo, họ quyết tâm đoạn tuyệt với quá khứ, chuyên tâm tu dưỡng, chăm chỉ học tập tích lũy kiến thức để làm lại cuộc đời.

Tuổi trẻ, nông nổi, đôi khi muốn chứng tỏ mình. Và, họ đã vướng vào ma túy… Giờ đây, tại Trường Giáo dục đào tạo và Giải quyết việc làm số 2 (Trường 2), được sự động viên, giúp đỡ và giáo dục của các thầy cô giáo, họ quyết tâm đoạn tuyệt với quá khứ, chuyên tâm tu dưỡng, chăm chỉ học tập tích lũy kiến thức để làm lại cuộc đời.

Năm 1988, Trường Giáo dục đào tạo và Giải quyết việc làm số 2 (thuộc lực lượng Thanh niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh) chuyển từ huyện Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh) lên đứng chân tại thôn Đông Thanh (xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà). Hơn 20 năm qua, với sự cống hiến lặng thầm của các thầy cô giáo, dưới mái trường này đã có hàng chục ngàn người nghiện được điều trị, giáo dục và trở lại hòa nhập với cộng đồng; mang lại hạnh phúc cho hàng vạn gia đình và góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

CHUYỆN KỂ Ở TRƯỜNG 2

Học viên học nghề trong trại.
Học viên học nghề trong trường giáo dưỡng.
Nằm cách thị trấn Đinh Văn - trung tâm huyện lỵ Lâm Hà khoảng chừng 20 cây số. Con đường dẫn vào Trường 2 giờ đây đã được thảm nhựa phẳng lỳ. Tọa lạc trên một sườn đồi thoai thoải, Trường 2 hiện lên với dáng dấp của một khối phố hiện đại giữa bạt ngàn cà phê. Ấn tượng ban đầu với chúng tôi, Trường 2 như một doanh trại quân đội và rợp bóng cây xanh mát như một công viên. Trong khuôn viên rộng chừng 20 ha, được bố trí thành nhiều phân khu chức năng: đây là khu ký túc xá, kia là nhà văn hóa, sân vận động, rồi phân xưởng dạy nghề và các tổ đội sản xuất… Trong phân xưởng, giữa hàng trăm khuôn mặt của học viên, thấp thoáng hình ảnh những anh thanh niên xung phong với trang phục màu xanh truyền thống. Tiếp chúng tôi, cô Bùi Thị Sáu - Phó Giám đốc phụ trách giáo dục Trường 2 cho biết: Với quy mô được thiết kế, nhà trường có thể tiếp nhận, quản lý điều trị, giáo dục và giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 học viên. Tuy nhiên, hiện tại Trường 2 chỉ quản lý 680 học viên. Họ là những người nghiện ma túy, sau khi được điều trị cắt cơn tại Trung tâm Bình Triệu (thành phố Hồ Chí Minh), thì được chuyển đến đây để tiếp tục điều trị phục hồi. Học viên ở đây đa số là những người trẻ, hầu hết họ xuất phát từ những hoàn cảnh khá đặc biệt: hoặc là con nhà khá giả; hoặc vào đời có công ăn việc làm tốt, thu nhập cao; và một số khác do cha mẹ ly hôn, thiếu sự quan tâm, giám sát của gia đình…

P.T.H sinh năm 1980 trong một gia đình khá giả tại thành phố Hồ Chí Minh. P.T.H cũng đã từng có một công việc ổn định (bảo trì, quản trị mạng) và có thu nhập khá. Sau thời giờ làm việc tại công ty, P.T.H đã theo bạn bè vui chơi “thâu đêm, suốt sáng”. P.T.H tâm sự: “Lúc bấy giờ em chưa hiểu nhiều về giá trị cuộc sống, chỉ nghĩ tuổi trẻ thì phải làm hết sức, chơi hết mình và phải thể hiện mình là người sành điệu. Chính suy nghĩ đó, lối sống đó đã đưa em đến với ma túy”. P.T.H sử dụng ma túy từ năm 2001. Vì nhiều lý do, gia đình P.T.H đã không đưa em vào cai nghiện tập trung mà gửi đi cai nghiện tại các cơ sở tư nhân. “Có nơi đi 3 tháng, 6 tháng và nơi lâu hơn thì 1 năm” (H cho biết), nhưng rồi “ngựa quen đường cũ” - P.T.H lại tái nghiện. Năm 2009, gia đình P.T.H quyết định làm đơn xin đưa em vào Trường 2.

Cũng như P.T.H, Nguyễn Minh T. (SN 1983, tại Vĩnh Phúc) là con trai duy nhất trong một đình có điều kiện kinh tế khá. Sau khi học hết THPT, Nguyễn Minh T đã thi đỗ vào ngành Đồ họa (hệ Cao đẳng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội). Ra trường, Minh T. vào thành phố Hồ Chí Minh và xin vào làm việc trong một công ty nước ngoài. Công việc ổn định, thu nhập cao, lại sống độc thân, Minh T. bắt đầu “lao” vào cuộc vui chơi, đàn đúm. “Chiều chiều cùng bạn bè, anh em chiến hữu trong công ty đi nhậu, rồi tăng 2, tăng 3… và từ đây hình thành những mối quan hệ mới. Trớ trêu thay, người bạn gái mà em tin tưởng, gửi gắm tình cảm lại là một “con nghiện” đã dẫn dắt em đến với ma túy…” - Minh T. tâm sự. Và chuyện gì đến đã đến, công ty cho thôi việc, bạn bè xa lánh, tiền bạc bốc hơi theo làn khói hêrôin… Đến giữa năm 2008, Minh T. bị Công an quận Bình Thạnh bắt và đưa vào Trường 2... Khác với P.T.H và Nguyễn Minh T., Vũ Tiến L. (SN 1987, tại Cát Tiên, Lâm Đồng) được đưa vào Trường 2 từ cuối năm 2009. Vào Trường 2 với Tiến L. cũng đồng nghĩa với… về quê. Có lẽ vì thế mà Tiến L. hết sức tâm trạng khi tiếp xúc với chúng tôi. Em nói: “Chỉ vì một phút bốc đồng, muốn chứng tỏ mình là sành điệu, rồi vướng vào tệ nạn ma túy. Đánh mất tuổi trẻ, niềm tin nơi gia đình, đánh mất… tất cả. Em thật hối tiếc cho bản thân. Mong sao gia đình, ba mẹ hãy tin tưởng em một lần nữa! Em sẽ quyết tâm cai nghiện thật tốt để sớm trở về với gia đình, trở về làm lại từ đầu…”.

VÀ HÀNH TRÌNH LÀM LẠI CUỘC ĐỜI

Sau khi được điều trị cắt cơn tại Trung tâm Bình Triệu, các học viên được chuyển đến Trường 2 và tiếp tục hành trình “tìm lại chính mình”. Vừa trị liệu, vừa học văn hóa và trang bị các kỹ năng hướng đến tái hòa nhập cộng đồng. Đối với học viên chưa tốt nghiệp THCS thì việc học văn hóa, hoàn thành chương trình THCS là yêu cầu bắt buộc. Ngoài ra, tất cả học viên tại trường đều được học các chuyên đề về kỹ năng hòa nhập cuộc sống và được đào tạo một nghề. Cô Bùi Thị Sáu cho rằng, phương pháp giáo dục tại Trường 2 hết sức thân thiện và tích cực. Trong một môi trường chính quy, kỷ luật, học viên được tạo điều kiện tiếp xúc với các phương tiện nghe, nhìn; được tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; được học nghề do mình tự chọn… Hoạt động lao động chỉ mang tính tượng trưng như một phương pháp trị liệu thông thường… Các giáo viên của trường không chỉ là người thầy, mà còn là người bạn, biết lắng nghe, chia sẻ những vui buồn với học viên; giáo dục, giúp đỡ học viên nhận thức được đầy đủ hành vi sai phạm của mình để từ đó thay đổi suy nghĩ, sống hướng thiện. Chính vì vậy, không ít học viên lúc mới vào trường tỏ ra bất hợp tác, sống khép kín với mọi người xung quanh, nhưng sau một thời gian trị liệu, học tập tại trường đã tỏ ra cởi mở và tự tin hơn.

Vào Trường 2 từ cuối năm 2009, sau hơn một năm điều trị và học tập tại trường, Thanh H. cho biết: “Sức khỏe em bây giờ tốt hơn, tinh thần lạc quan hơn. Lúc ở ngoài đời, mải ăn chơi, chỉ biết nghĩ về mình. Sau khi vào trường, được các thầy cô giác ngộ, em đã nghĩ nhiều hơn về gia đình, cha mẹ, anh em… Bản thân tự hứa với mình sẽ quyết tâm làm lại cuộc đời, sẽ sống thật tốt để không làm buồn lòng người thân”. Thanh H. còn cho biết, cha mẹ em đã quyết định chuyển chỗ ở, nhằm tạo một môi trường sống hoàn toàn mới cho em làm lại từ đầu. Hiện em đang theo học nghề Điện và em cũng đã có kế hoạch cho tương lai của mình. Cũng như Thanh H., N.M.T cho biết: “Trước khi vào trường, em là kẻ nghiện ngập, không công việc, không tiền bạc, cuộc đời bế tắc không lối thoát. Nhưng từ khi vào Trường 2, được các thầy cô động viên, giúp đỡ, em đã dần lấy lại tinh thần”. Và với nghề Đồ họa, N.M.T được các thầy cô tạo điều kiện, đưa vào giúp việc tại bộ phận văn hóa phong trào, với nhiệm vụ chính là thiết kế, cắt dán các panô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu… Và nay, sau 24 tháng học tập tại trường, N.M.T đã được Ban Giám đốc Trường 2 ký hợp đồng nhận vào làm việc, tham gia chính thức vào các hoạt động giáo dục của nhà trường. Nói về N.M.T, cô Bùi Thị Sáu cho biết, nhà trường đang động viên em ở lại, và nếu định cư lâu dài, trường sẽ bố trí nhà ở và cấp 3 sào đất vườn để canh tác. Cô cũng cho biết thêm, trước N.M.T cũng đã có một số học viên sau thời gian học tập tại trường đã quyết định bám trụ sinh cơ lập nghiệp tại đây. Trong số họ nay đã có không ít người thành đạt, kinh tế khá, xây dựng gia đình hạnh phúc, con cái học hành đỗ đạt.

N.M.T chưa thật sự tin tưởng ở chính mình, nhưng chúng tôi thì tin em đã tìm được cho mình một bến đỗ, một nơi chốn để làm lại cuộc đời. Ở ngôi trường này, mỗi năm có hơn 500 học viên sau khi hoàn thành quy trình trị liệu 24 tháng, được đưa hồi gia, trở về tái hòa nhập cộng đồng. Và nhà trường tiếp tục tiếp nhận bằng ấy học viên mới, họ đến đây để được điều trị và được trang bị kiến thức, kỹ năng để làm lại cuộc đời. Chia tay Trường 2, hình ảnh những học viên cặm cụi học nghề bên những chiếc máy may. Trong phân xưởng chỉ có tiếng tì tạch. Nhìn ngắm họ, tôi thấy trong ánh mắt của mỗi người ánh lên niềm hối cải. Giữa nhịp đều của tiếng tì tạch ấy, những học viên tuổi đời còn rất trẻ, lặng lẽ chăm chút như đang chăm lo với đường khâu vá víu lại cuộc đời mình.ª

Phóng sự của Lê Hữu Túc